Người Việt Quận Cam nói gì về phim “Khủng Bố ở Little Saigon”?
2015.11.05
Tối Thứ Ba, 3 Tháng 11, 2015, một cuốn phim mang tính phóng sự điều tra được thực hiện bởi Frontline và ProPublica có nhan đề “Terror in Little Saigon” (tạm dịch là Khủng Bố tại Little Saigon) được trình chiếu trên hệ thống truyền hình Public Broadcasting Service (gọi tắt là PBS) và mạng Internet.
Theo nhà làm phim, từ năm 1981 tới 1990, có 5 nhà báo người Mỹ gốc Việt ở các thành phố khác nhau tại Hoa Kỳ bị ám sát, nhiều người khác trong cộng đồng bị đe dọa và tấn công.
Các điều tra viên của Frontline và ProPublica tìm thấy điểm chung là các nhà báo bị sát hại này đều từng chỉ trích một tổ chức chống Cộng có tên là “Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam” (National United Front for the Liberation of Vietnam) gọi tắt là “Mặt Trận” (The Front), mà đứng đầu là ông Hoàng Cơ Minh, người sáng lập Đảng Việt Tân.
Không trung thực
Tuy nhiên, sau khi được trình chiếu, “Khủng Bố ở Little Saigon” đưa đến nhiều cảm nghĩ khác nhau từ người phía xem.
Mời quý thính giả cùng nghe nhận xét của một số người Mỹ gốc Việt đang sống tại miền Nam California về cuốn phim này.
Trước hết là ý kiến của ông Ngô Văn Hiếu, hiện sống tại vùng Los Angles. Ông Hiếu từng là đồng sáng lập và giữ chức vụ Tổng Thư Ký của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam:
“Tôi thấy thường các cơ quan truyền thông Mỹ làm việc rất bài bản, cẩn thận. Riêng trong vụ này họ đã nêu đích danh một nhóm gọi là K9, là Mặt Trận “The Front” có liên quan đến một số vụ ám sát trong cộng đồng người Việt khắp nơi.
Tôi thì luôn luôn phản đối những hành động khủng bố, dù nhân danh bất cứ lý do gì, nhất là khủng bố những nhà báo hoặc gia đình của họ. Thêm nữa tôi thấy không có lửa thì làm sao có khói, cho nên tôi nghĩ Mặt Trận hay bất cứ tổ chức cá nhân nào có liên hệ đến những vụ khủng bố đã nêu ra thì nên phải bạch hóa, phải sửa sai cho rốt ráo.
Tôi nghĩ những người có liên hệ, như những người mà ký giả phỏng vấn thì họ nên nói cho rõ ràng hơn chứ không nên nói kiểu ỡm ờ, khỏa lấp, bởi như vậy thì tình hình càng tệ hại hơn chứ không giải quyết được gì. Tôi thấy những nhân chứng trong phim không nói được cái gì rõ ràng, trắng đen ra sao, thủ phạm thế nào.
Cô Trinity Hồng Thuận, một thành viên của Đảng Việt Tân hiện đang sống tại Quận Cam, tỏ ra khá bất bình sau khi xem xong cuốn phim này:
“Cuốn phim này khiến mình khá thất vọng về sự chuyên nghiệp cũng như đạo đức truyền thông của đài PBS. Đây là một phóng sự điều tra để tìm ra những hung thủ đã giết người trong thập niên 80 mà phóng sự này kết luận Mặt Trận là tổ chức đã làm chuyện đó.
Trong suốt phóng sự mình thấy họ đưa ra một số nhân chứng mà họ gọi là bằng chứng mới. Trong 5 người họ đưa ra thì có một người xác nhận nhưng đó là một người mà giấu tên mà cũng giấu mặt luôn, chỉ do người phóng viên kể lại là có người nói như vậy mà thôi. Còn 4 người có mặt trong phỏng vấn thì không ai xác nhận chuyện đó.
Thứ nhì là em không thấy có sự chuyên nghiệp, coi suốt cuốn phim có cảm giác như là họ đã có một kết luận rồi và họ chỉ đi tìm người ủng hộ kết luận đó thôi chứ không phải đi tìm thêm thông tin.
Một điều làm Hồng Thuận thấy đáng quan tâm hơn khi coi phim này là cách mà phóng sự miêu tả một hình ảnh rất tiêu cực về cộng đồng người Việt hải ngoại và tạo những ấn tưởng rất sai lạc đối với khán giả người Mỹ. Phóng sự lồng vô hình ảnh những người lính VNCH mặc quân phục trong những sinh hoạt cộng đồng như diễn hành Tết hay những buổi tiệc trong cộng đồng, thì cái cách mà họ edit, biên tập phim lồng vô một số những kỷ xảo trong phần quay cũng như những từ ngữ mà họ dùng để miêu tả những sinh hoạt này rất là xúc phạm đến cộng đồng mình, nhất là những chú bác trong QLVNCH. Họ miêu tả như đây là một cộng đồng rất hoang tưởng, bị chôn chân trong quá khứ và chỉ giữ khư khư khái niệm như làm sao khơi mào lại cuộc chiến Việt Nam…”
Ông Thiêm Võ, nick name là Cau Bay Thiêm trên Facebook, hiện sống tại San Diego, thì băn khoăn về việc “giở lại hồ sơ đó thì có lợi gì cho người Việt mình?”:
“Đối với Mỹ lâu lâu cũng có những người phóng viên đi mở lại những vụ án cũ, những vụ án không được giải quyết xong. Nhưng đối với trường hợp này thì xem phim xong tôi cũng không thấy ông phóng viên tìm được bằng chứng cụ thể để mà kết luận một cách rõ ràng là ai cả. Tôi nghĩ chỉ có FBI mới làm được điều đó.
Đọng lại trong lòng tôi là bây giờ mình giở lại hồ sơ đó thì nó có lợi gì cho người Việt mình? Tôi không chấp nhận những chuyện lường gạt giết người, nhưng trong mỗi thời kỳ chỉ có những người trong cuộc mới thông cảm được. Tôi không dám kết luận, vì khi mà cảnh sát có kết quả điều tra rõ ràng thì mình mới dám kết luận là ai có tội gì, làm gì. Nên tôi không dám kết luận ai có vai trò gì trong đó cả.”
Nhà báo Đỗ Dũng, Tổng Thư ký nhật báo Người Việt tại Little Saigon, lại chú trọng khía cạnh làm việc tắt trách của Cảnh Sát Điều Tra Liên Bang FBI sau khi xem cuốn phim này:
“Có nhiều vấn đề trong đây, mỗi người nhìn mỗi cách, nói không hết, nên tôi chọn ra một điều thôi mà ngay từ đầu phim Terror in Little Saigon nói về vấn đề FBI. Tại sao FBI không tiếp tục điều tra vụ này và họ bỏ luôn trong 30 năm qua. Điều này làm tôi liên tưởng đến cộng đồng Việt Nam chúng ta, tôi không nói đến chuyện ai lỗi ai không lỗi trong chuyện này, mà nó cho tôi thấy một chuyện là chúng ta ở đây, chúng ta là công dân Mỹ, chúng ta cũng đi làm đóng góp cho nước Mỹ nhưng tại sao chúng ta không được những quyền mà khi có những chuyện như vậy mà FBI lại không điều tra?
Trong phim tôi thấy phóng viên A.C Thompson khi gọi đến sở cảnh sát Houston cũng vậy. Những người từng làm trong vụ đó, giờ nghỉ rồi, gọi đến không ai trả lời hết, không ai muốn nói về chuyện đó. Nó cho thấy một cái gì đó cơ quan công quyền của Mỹ tắc trách khi điều tra những chuyện liên quan đến cộng đồng thiểu số. Tôi thấy có những chuyện người bản xứ bị gì thì người ta điều tra tới nơi tới chốn, trong khi người Việt bị cũng chết người mà người ta lại không điều tra, như trong vụ này là 5 nhà báo Việt Nam bị ám sát mà không ai điều tra cả. Coi phim họ nói là họ có nhiều hồ sơ FBI mà FBI không tiếp tục điều tra thì đó là điều tôi thấy không tốt cho cộng đồng Việt Nam. Chuyện qua rồi thì giờ chúng ta suy nghĩ đến tương lai, còn những chuyện khác tôi không có ý kiến.”
Cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc từ hơn 40 năm trước, nhưng như ai đó đã nói, cuộc chiến trong lòng những người dân gốc Việt chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Và dường như “Terror in Little Saigon” đang khuấy lên một lần nữa cuộc sống vốn không bình lặng nơi đây.