Mở thêm cửa khẩu với Trung Quốc: lợi bất cập hại

RFA
2018.09.13
chima Cửa khẩu Chi Ma ở Lạng Sơn mới được khai trương hôm 10/9/2018.
Ảnh chụp màn hình báo Thanhnien

Một cửa khẩu mới giữa Trung Quốc và Việt Nam vừa được khai trương. Chuyện mở cửa khẩu thông thương giữa hai nước láng giềng là một thông lệ quốc tế lâu nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh khi mà VN chịu nhiều thiệt thòi trong mậu dịch với Trung Quốc, cũng như tranh chấp chủ quyền giữa đôi bên, thì việc mở thêm cửa khẩu gây băn khoăn cho nhiều người Việt Nam?

Chiều 10/9, UBND tỉnh Lạng Sơn và chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã tổ chức Lễ công bố chính thức mở cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (thuộc huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) - Ái Điểm (thuộc huyện Ninh Minh, Quảng Tây). Như vậy tỉnh Lạng Sơn đã có 12 cửa khẩu chính thức thông thương với Trung Quốc.

Phó bí thư Khu uỷ Quảng Tây Tôn Đại Vĩ cho biết Việt Nam là đối tác lớn nhất của tỉnh Quảng Tây khi kim ngạch thương mại hai chiều chiếm tới trên 30% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho biết quan điểm về việc VN mở thêm cửa khẩu mới sang TQ:

Vấn đề thương mại giữa VN là Trung Quốc trong thời gian vừa qua có câu chuyện buôn bán qua đường tiểu ngạch nhiều, không chính ngạch. Do đó hàng kém chất lượng, hàng có nguy cơ gây ô nhiễm, đã tuồn vào qua đường tiểu ngạch. Đường biên giới nhiều con đường mòn, chứ không đi qua cửa khẩu. Cho nên việc mở thêm cửa khẩu quốc tế đó chính là biện pháp nhằm quản lý được việc xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước một cách chính quy, chặt chẽ và đảm bảo tính an toàn trong thương mại.

Việc mở thêm cửa khẩu quốc tế đó chính là biện pháp nhằm quản lý được việc xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước một cách chính quy, chặt chẽ và đảm bảo tính an toàn trong thương mại.- TS Trần Công Trục

Việt Nam hiện có xuất nhập khẩu tiểu ngạch với 3 nước Lào, Campuchia và Trung Quốc, trong đó giao thương với TQ chiếm tỷ lệ lớn nhất, được đánh giá một phần là do VN có đường biên giới tiếp giáp 7 tỉnh của Việt Nam với Hoa Lục.

Tuy nhiên, việc buôn bán qua đường tiểu ngạch với TQ từ lâu đã bị các cơ quan chức năng cảnh báo vì những hệ lụy không lường trước được chẳng hạn như thương lái Việt bị lật kèo, ép giá do không có hợp đồng chính thức với đối tác Trung Quốc. Trong khi phía Trung Quốc lại chỉ muốn mua hàng của Việt Nam qua đường tiểu ngạch do được phía họ giảm 50% thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với phương thức này.

Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của VN chỉ sau Hoa Kỳ, tuy nhiên phần lớn qua đường tiểu ngạch. VN bấy lâu nay vẫn loay hoay tìm những biện pháp để hạn chế hình thức thương mại này với quốc gia kế bên.

Đối với Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển đã giải thể, thì việc mở thêm cửa khẩu mới với TQ cũng có một số lợi điểm:

Tôi nghĩ rằng giữa các nước láng giềng với nhau nếu mối quan hệ thông thương được thông thoáng, tạo thuận lợi cho người dân thì là điều tốt. Chứ không phải lo chuyện hàng TQ họ tràn sang và gây khó cho các doanh nghiệp VN. Điều đó chỉ có thể xảy ra chừng nào chúng ta không tuân thủ những quy tắc thương mại ở biên giới để cho hàng lậu qua thì lúc đó mới có vấn đề.

Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích này, ông cũng đưa ra lời cảnh báo cho cơ quan chức năng của VN:

Còn việc nền kinh tế của VN phụ thuộc vào nền kinh tế của TQ thì lúc đó mình phải tự hỏi mình, và các chính sách của Chính phủ VN để làm sao các doanh nghiệp trong nước phát triển lên để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc hoặc là bản thân các doanh nghiệp VN cũng phải tự thay đổi mình. Chứ bế quan tỏa cảng, sợ mà không mở mang thương mại ra thì tôi nghĩ còn dở hơn nữa.

Các chuyên gia trong và ngoài nước bây lâu nay đã nêu ra thực tế là nền kinh tế của VN ngày càng phụ thuộc sâu vào Trung Quốc, từ việc xuất nhập khẩu nông sản cho đến các dự án cơ sở hạ tầng triệu đô. Trong khi phía VN luôn chịu nhiều thiệt thòi, rủi ro trong quan hệ đối tác kinh tế với Bắc Kinh, thì hai nước còn đang vướng vào tranh chấp chủ quyền biển đảo, tiềm ẩn khả năng tác động đến quan hệ kinh tế.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, hiện đang sống ở Na-Uy nói với chúng tôi:

Tôi nghĩ VN nên có một chính sách kinh tế độc lập với chính mình. Để có sự độc lập, tự do và phồn thịnh đó thì mình không thể phụ thuộc quá lớn vào nền kinh tế của Trung Quốc. Khi mình phụ thuộc vào họ thì mình không độc lập được, và sự thiếu độc lập này sẽ là đòn bẩy để Trung Quốc áp lực với đất nước mình. Họ sẽ gây ảnh hưởng về an ninh, quốc phòng và sự phát triển của đất nước nói chung.

Người dân buôn bán tại một cửa khẩu với Trung Quốc ở Lào Cai.
Người dân buôn bán tại một cửa khẩu với Trung Quốc ở Lào Cai.
AFP

Trong 6 năm qua, kể từ năm 2013 đến hết quý I/2018 VN đã thâm hụt nặng nề, hơn 150 tỷ đô la, khi làm ăn với Trung Quốc, theo số liệu của Bộ Tài chính. Theo đó, VN đã chi hơn 250 tỷ USD để nhập khẩu hàng từ Trung Quốc nhưng ở chiều ngược lại Việt Nam chỉ xuất khẩu được trị giá hơn 100 tỷ USD. Một trong những lý do được Bộ Tài chính đưa ra đó là TQ bán cho VN những mặt hàng đắt tiền như máy móc, điện, phân bón, than, nguyên liệu thuốc lá, trái cây tươi... Trong khi đó, Việt Nam xuất chủ yếu sang Trung Quốc các sản phẩm giá trị thấp như cao su, nông sản, sắn lát, gạo, trái cây và gỗ...

Vì vậy các chuyên gia cho rằng việc mở thêm cửa khẩu sẽ thúc đẩy thương mại Việt – Trung nhưng nếu thiếu những chính sách hợp lý thì sẽ làm gia tăng tình trạng thâm hụt mậu dịch, hay nói cách khác thâm hụt thương mại sẽ tỷ lệ thuận với số lượng cửa khẩu với Trung Quốc.

Việc nền kinh tế của VN phụ thuộc vào nền kinh tế của TQ thì lúc đó mình phải tự hỏi mình, và các chính sách của Chính phủ VN- TS Nguyễn Quang A

Ngoài ra, Tiến sĩ Trần Công Trục còn nêu ra thêm một tiêu cực xảy ra ở các cửa khẩu:

Từ trước đến nay, không chỉ ở VN mà ở nhiều quốc gia khác, ở các cửa khẩu có câu chuyện tích cực nhưng cũng có những câu chuyện tiêu cực ở phía cơ quan quản lý chức năng. Hai bên cần có sự quản lý chặt chẽ để tránh những tiêu cực cho thông quan những hàng hóa không đạt tiêu chuẩn xuất nhập khẩu đã được quy định.

Việt Nam hiện có khoảng 24 cửa khẩu quốc tế 25 cửa khẩu song phương, 68 cửa khẩu phụ, 57 lối mở biên giới và 295 chợ biên giới, chợ cửa khẩu, phục vụ cho hoạt động thương mại biên giới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.