Hà Nội mạnh tay với cả người nước ngoài nếu bị nghi lật đổ

RFA
2019.03.05
mike11111.jpg Ông Michael Phương Minh Nguyễn và gia đình
Hình do gia đình ông Michael Phuong Minh Nguyen cung cấp

Chính phủ Hà Nội hiện đang tiếp tục giam giữ một số công dân nước ngoài gốc Việt. Có trường hợp đã phải ra tòa và nhận án, có trường hợp đang trong quá trình điều tra.

Vì sao được quan tâm?

Ông Michael Phương Minh Nguyễn, một công dân Mỹ gốc Việt bị bắt vào ngày 7/7/2018 khi đang du lịch tại Việt Nam cùng 4 người có quốc tịch Việt Nam khác là sinh viên Huỳnh Đức Thanh Bình, ông Huỳnh Đức Thịnh (cha của Huỳnh Đức Thanh Bình), Facebooker Trần Phi Long và Facebooker Thomas Quốc Bảo. Nhóm này bị chính quyền Việt Nam bắt giữ và đang điều tra về hoạt động nhằm lật đổ chính quyền theo điều 109.

Đối với công dân Mỹ là người gốc Việt nếu gặp rắc rối với Việt Nam thì không những họ có cộng đồng, mà thực sự họ còn Chính phủ Mỹ, dư luận Mỹ đứng bên cạnh họ về mặt bảo vệ, giải thoát cho họ.
-Nhà hoạt động Nguyễn Trường Sơn

Trái với nỗ lực từ đó đến nay của gia đình ông Michael Phương Minh Nguyễn với lên tiếng của các vị dân cử Hoa Kỳ đòi Hà Nội phải trả tự do cho công dân Mỹ gốc Việt, số phận của 4 người Việt Nam bị cầm tù còn lại dường như mờ mịt và ít được biết đến.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt như trên, nhà hoạt động Nguyễn Trường Sơn, cư trú tại Thái Lan nói:

Một công dân của Mỹ bị bắt ở nước ngoài và người thân của họ tìm đến những cơ quan truyền thông, những chính trị gia đại diện cho họ ở địa phương thì thường được phản hồi rất tích cực. Đó là sự khác biệt giữa những người Mỹ gốc Việt bị bắt ở Việt Nam so với những người Việt Nam bị bắt ở Việt Nam, bởi vì những người Mỹ gốc Việt có hậu phương rất vững chắc.

Anh Nguyễn Trường Sơn giải thích thêm:

Đối với công dân Mỹ là người gốc Việt nếu gặp rắc rối với Việt Nam thì không những họ có cộng đồng, mà thực sự họ còn Chính phủ Mỹ, dư luận Mỹ đứng bên cạnh họ về mặt bảo vệ, giải thoát cho họ. Tất nhiên là họ có lợi thế hơn so với người Việt Nam.

Đứng dưới góc độ một người đấu tranh trong nước, bà Bùi Thị Minh Hằng cho biết quan điểm như sau:

Làm công dân của đất nước Việt Nam này, bản thân họ đã mất đi rất nhiều quyền lợi rồi. Tính mạng của con người Việt Nam không được nhà nước và chính phủ quan tâm. Đấy là điều thực tế. Và khi mà họ là công dân Việt Nam thì nếu ở nước khác vẫn không thể có tiếng nói bảo vệ có giá trị hoặc tuyệt đối.

Công dân Mỹ, Úc vẫn bị đàn áp, tù nặng

Thực tế cho thấy thời gian gần đây, các công dân nước ngoài gốc Việt vẫn có thể bị chính quyền Việt Nam đàn áp và tuyên những án tù nặng nề.

Mới hôm 30/1/2019, Mạng Báo Công An Nhân Dân xác nhận ông Châu Văn Khảm, một công dân Úc là thành viên Đảng Việt Tân đã bị bắt vào khuya ngày 12/1 và bị điều tra theo khoản 1 điều 109. Bộ Ngoại giao Úc đã gửi thư cho gia đình ông này tại Úc và cho hay Đại sứ quán Úc đã thăm nom, nhưng bị từ chối luật sư cho tới khi hoàn tất điều tra.

Ông Nguyễn James Han, công dân Mỹ là thành viên của 'Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời' có trụ sở tại California, bị xét xử trước tòa án tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 22 tháng 8 năm 2018.
Ông Nguyễn James Han, công dân Mỹ là thành viên của 'Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời' có trụ sở tại California, bị xét xử trước tòa án tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 22 tháng 8 năm 2018.
AFP

Hôm 22/8/2018, Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên án 12 người bị đưa ra xét xử với cáo buộc tham gia tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” do Đào Minh Quân ở Mỹ lãnh đạo nhằm ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền Hà Nội’. Ông Nguyen James Han và bà Phan Angel, hai Việt Kiều Mỹ, bị tuyên án mỗi người 14 năm tù và sẽ bị trục xuất ngay sau khi chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam.

Trước đó, hôm 20/7/2018, anh William Nguyễn, công dân Mỹ gốc Việt bị chính quyền TP.HCM ra phán quyết trục xuất khỏi Việt Nam sau khi bị bắt giam vì tham gia biểu tình ôn hòa ở Sài Gòn phản đối Dự Luật đặc khu và An ninh mạng vào tháng 6/2018. Việc trục xuất anh William cũng được xem là một nỗ lực đáng kể của các tổ chức nhân quyền quốc tế và giới chức chính phủ Hoa Kỳ.

Trở lại với trường hợp ông Michael Nguyễn, gia đình ông đã từng hy vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có tiếng nói gây sức ép đến chính phủ Hà Nội nhân dịp ông đến Việt Nam tham dự Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. Tuy vậy qua chuyến thăm này, vụ việc ông Michael Phương Minh Nguyễn vẫn chưa thấy có tín hiệu gì tốt đẹp; dù trước đó vợ của ông Michael Nguyễn được đến tham dự buổi trình bày Thông điệp Liên bang của tổng thống và sau đó gặp gỡ Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Mỹ.

Nhận xét về vụ việc, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Ủy ban Cứu người vượt biển BPSOS ở Hoa Kỳ nói với RFA:

Chuyến đi vừa rồi của ông Tổng thống Trump không phải trọng tâm về Việt Nam mà là Bắc Triều Tiên. Thành ra vấn đề về người Mỹ gốc Việt mà bị bắt ở Việt Nam có lẽ không phải là vấn đề để ông Trump phải nêu lên đâu.

Có chăng là cần phải vận động lên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để ông Ngoại trưởng Mike Pompeo trong những lần có những cuộc tiếp xúc cao cấp với phía Việt Nam để cần phải lên tiếng.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc họp tại khách sạn Sofitel Legend Metropole ở Hà Nội vào ngày 27 tháng 2 năm 2019.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc họp tại khách sạn Sofitel Legend Metropole ở Hà Nội vào ngày 27 tháng 2 năm 2019.
AFP

Chia sẻ những cơ hội sắp được cho rằng phù hợp hơn để vận động trả tự cho ông Michael Nguyễn, Tiến sĩ Thắng nói:

Theo như chúng tôi được biết thì hiện nay ông Nguyễn Phú Trọng, trong vai trò Chủ tịch nước đang vận động để sang Hoa Kỳ. Đây sẽ là cơ hội để phía Hoa Kỳ lên tiếng với Việt Nam về vấn đề của anh Michael Nguyễn.

Thứ hai, cơ hội sắp đến là phía Việt Nam và Hoa Kỳ chuẩn bị có cuộc Đối thoại Nhân quyền giữa hai quốc gia. Đấy cũng là cơ hội vào khoảng tháng 4 năm nay để Hoa Kỳ lên tiếng về trường hợp của anh Michael Phương Nguyễn.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết thêm Tổ chức BPSOS cũng sẽ có hoạt động cụ thể trong thời gian sắp tới sau:

Trong cuộc Kiểm điểm Việt Nam về Quyền Dân dự Chính trị bởi Liên Hợp Quốc vào ngày 11, 12 tuần tới, chúng tôi cũng sẽ có mặt tại Geneva cho Cuộc Kiểm điểm này, và anh Michael Nguyễn cùng hai người bạn cũng đã nằm trong danh sách chúng tôi đã nộp cho Liên Hợp Quốc để chuẩn bị cho Cuộc kiểm điểm.

Việt Nam vẫn bị chỉ trích về nhân quyền

Nhân dịp Đối thoại nhân quyền Liên Minh Châu Âu và Việt Nam lần thứ 8 diễn ra hôm ngày 4 tháng 3 năm 2019 tại Brussels, nước Bỉ, một số tổ chức theo dõi nhân quyền trong ra thông cáo kêu gọi EU thúc ép Việt Nam chấm dứt đàn áp, cải thiện thành tích nhân quyền.

Cải thiện ở đây không có nghĩa là Nhà nước để cho nó cải thiện, mà là người dân ý thức được quyền của mình và càng ngày càng ý thức được việc thực hành cũng như bảo vệ quyền đó.
-Nhà hoạt động Nguyễn Trường Sơn

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phụ Trách Khu Vực Châu Á của HRW, nêu rõ trong thông cáo báo chí rằng ‘Việt Nam tăng cường đàn áp trong vài năm qua đối với giới vận động cho những quyền chính trị và dân sự căn bản của người dân; trừng phạt giới này với những bản án nặng nề.’

Nhà hoạt động Nguyễn Trường Sơn có cái nhìn tích cực về thực tế nhân quyền ở Việt Nam. Anh giải thích:

Tất cả những lĩnh vực Nhân quyền tôi đều thấy có sự cải thiện. Cải thiện ở đây không có nghĩa là Nhà nước để cho nó cải thiện, mà là người dân ý thức được quyền của mình và càng ngày càng ý thức được việc thực hành cũng như bảo vệ quyền đó.

Anh Nguyễn Trường Sơn đưa ra ví dụ về phong trào chống lại những trạm thu phí BOT không minh bạch và khẳng định đó là những phòng trào Nhân quyền và Dân quyền rất tiêu biểu. Anh nói đây là dấu hiệu cho thấy Nhân quyền ở Việt Nam đang được cải thiện bằng chính người dân trong nước.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.