Các nước ASEAN sẽ diễn tập chung lần đầu tiên ở Biển Đông
Indonesia, nước chủ tịch năm nay của Khối ASEAN hôm thứ Năm (8/6) cho biết các quốc gia Đông Nam Á sẽ tổ chức cuộc diễn tập quân sự chung lần đầu tiên ở Biển Đông. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington trong khu vực eo biển Đài Loan và trên tuyến đường biển có tranh chấp này.
Cuộc diễn tập phi chiến đấu sẽ diễn ra gần quần đảo Natuna của Indonesia trong tháng 9 thể hiện sự đoàn kết trong Hiệp hội 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – các quan chức quân sự Indonesia cho biết.
“Tất cả [các nước ASEAN] đều đã khẳng định tham gia” – ông Julius Widjojono – Người phát ngôn của lực lược vũ trang Indonesia cho tờ Benar News của RFA biết và nói thêm rằng diễn tập này sẽ là một sự kiện thường niên. Tuy nhiên, Myanmar hiện chưa khẳng định có tham gia hay không – ông Julius nói. Myanmar – quốc gia bị giằng xé bởi xung đột – là thành viên không được chào đón tại các cuộc họp lớn của ASEAN.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển Đông, bao gồm cả vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Đài Loan và các quốc gia thành viên ASEAN có liên quan là Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Mặc dù Indonesia không coi mình là một bên trong tranh chấp Biển Đông nhưng Trung Quốc thường tuyên bố quyền lịch sử đối với một số khu vực biển chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia và vùng xung quanh quần đảo Natuna.
Tư lệnh quân đội Indonesia, Đô đốc Yudo Margono – người đưa ra đề xuất tổ chức cuộc diễn tập ASEAN tại cuộc gặp hôm thứ Tư (7/6) tại Bali của các bộ trưởng quốc phòng trong khối – nói rằng cuộc tập trận chung này sẽ giúp tăng cường sự ổn định trong khu vực.
“Indonesia sẽ tiếp tục ủng hộ và thúc đẩy một khu vực an toàn, hòa bình và ổn định, không có bất kỳ mối đe dọa và xáo trộn nào đe dọa chủ quyền của các quốc gia” - ông Yudo cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư.
“Một vùng biển an toàn sẽ tự động giúp thúc đẩy kinh tế của các nước trong khu vực” – ông nói.
‘Thông điệp mạnh mẽ tới các cường quốc”
Cuộc tập trận ASEAN - được gọi là Cuộc Diễn tập Đoàn kết ASEAN hay Asec01N - sẽ có sự tham gia của các đơn vị lục quân/bộ binh, hải quân và không quân từ các quốc gia thành viên ASEAN và quốc gia quan sát viên Đông Timor. Cuộc diễn tập sẽ tập trung vào nội dung an ninh hàng hải và các hoạt động tìm kiếm cứu nạn.
Ông Khairul Fahmi – một nhà phân tích quân sự và an ninh tại Viện Nghiên cứu An ninh và Chiến lược có trụ sở tại Jakarta, nói rằng cuộc diễn tập này một sáng kiến tốt của Indonesia.
“Đây là một hình thức cụ thể của ngoại giao quốc phòng nhằm xây dựng lòng tin, giảm quan ngại và hiểu nhầm giữa các quốc gia, đặc biệt là các nước ASEAN. Thêm vào đó, sẽ có rất nhiều thách thức và đe dọa đối với lợi ích quốc gia của Indonesia” – ông Fahmi nói.
Theo ông, sáng kiến này của Indonesia cũng giúp khẳng định quyền chủ quyền của nước này ở biển Bắc Natuna – nơi mà Trung Quốc tuyên bố là một phần quyền lịch sử của nước này, được đánh dấu bằng đường chín đoạn hiện được vẽ chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác.
“Đây là một phần trong những nỗ lực của ASEAN nhằm cùng nhau nắm giữ một vai trò chiến lược hơn trong việc duy trì ổn định khu vực”- ông Fahmi nói.
“Đồng thời, nó [sáng kiến tập trận chung] gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các cường quốc có lợi ích trong khu vực, đặc biệt trong Biển Bắc Natuna, đừng bỏ qua/phớt lờ ASEAN”.
Trung Quốc đã thiết lập một số cơ sở quân sự trên một số đảo và đá mà nước này kiểm soát ở Biển Đông. Năm 2016, một tòa trọng tài quốc tế đã ra phán quyết rằng: Các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý xét theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Tuy nhiên Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết này và tiếp tục khẳng định sự hiện diện của mình.
Indonesia, Việt Nam và Malaysia đã cáo buộc Trung Quốc làm gián đoạn các hoạt động thăm dò dầu khí của họ bằng các cuộc xâm nhập thường xuyên của các tàu thuộc lực lượng cảnh sát biển và dân quân biển Trung Quốc, dẫn đến các cuộc đối đầu. ASEAN và Trung Quốc đã đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông trong nhiều năm nhằm quản lý tranh chấp một cách hòa bình nhưng tiến triển đạt được rất chậm chạp.
Mỹ, một quốc gia không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng có hiệp ước quốc phòng với Philippines, đã thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc bằng việc tiến hành các hoạt động “tự do hàng hải” trên tuyến đường biển này.
Trong khi quan chức từ một số quốc gia ASEAN đã bày tỏ lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chiến giữa các siêu cường về vấn đề Đài Loan, vào đầu năm nay, Washington và Manila đã ký một thỏa thuận cho các lực lượng của Mỹ gia tăng tiếp cận đối với các căn cứ quân sự ở Philippines – một động thái khiến Trung Quốc tức giận.