Thấy gì qua việc dừng kế hoạch đốn hạ cây ở Hà Nội?
2015.03.28
Tiếng nói người dân ngày càng mạnh mẽ
Đề án chặt đốn một lúc 6.700 cây xanh tại Hà Nội đã ngưng lại vì người dân thủ đô rồi báo đài và các trang mạng xã hội đồng loạt lên tiếng phản đối.
Hôm thứ Sáu, Thanh Tra Chính Phủ đề nghị làm rõ chủ trương của đề án chặt hạ và thay thế cây xanh mà Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội đơn phương quyết định. Một số khoa học gia và chuyên gia môi trường trong nước coi việc dừng đốn cây là chuyện nhạy cảm nhưng phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chính Sách Pháp Luật Và Phát Triển (VUSTA), lại nhìn ra một số điều đáng suy ngẫm qua việc dừng kế hoạch đốn hạ cây này.
Trước tiên phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao cho biết:
Cùng với sự phát triển xã hội thì tiếng nói của người dân cũng ngày càng mạnh mẽ hơn. Chính vì tiếng nói người dân ngày càng mạnh mẽ hơn nên người ta phải dừng lại chứ không thể bất chấp như trước kia nữa.
-PGS Hoàng Ngọc Giao
PGS Hoàng Ngọc Giao: Theo tôi cùng với sự phát triển xã hội thì tiếng nói của người dân cũng ngày càng mạnh mẽ hơn. Chính vì tiếng nói người dân ngày càng mạnh mẽ hơn nên người ta phải dừng lại chứ không thể bất chấp như trước kia nữa. Đây cũng là cái tốt trong xu thế tương lai để những nhà quản lý thấy được trách nhiệm của họ là trước khi quyết định một vấn đề gì ảnh hưởng đến xã hội thì họ cần tham vấn ý kiến của xã hội và trên cơ sở đó họ minh bạch hành động của họ thì chắc chắn họ sẽ không bị phản ứng như chuyện chặt cây xanh vừa rồi.
Thực tế từ trước cũng đã có một số trường hợp nhà quản lý họ nghĩ rằng họ có quyền cho nên muốn quyết định cái gì là quyết thôi, không nghĩ đến chuyện nó gây thiệt hại cho xã hội thế nào và xã hội sẽ phản ứng như thế nào.
Trước đây có chuyện một di sản quí báu của Hà Nội là chùa Trăm Gian, họ cũng tự quyết định phục hồi tôn tạo lại nhưng thực tế họ phá toàn bộ cái chùa cũ và xây lại cái chùa mới. Nhân dân Hà Nội cũng đã bức xúc rồi, về sau chẳng biết có ai chịu trách nhiệm không? Lần này là câu chuyện nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng thứ nhất là môi trường sinh thái của Hà Nội, ảnh hưởng thứ hai là dân cảm thấy không được tôn trọng không được hỏi ý kiến. Đây là thói quen quản lý và ra quyết định tùy tiện mà không để ý đến lợi ích của người dân.
Thanh Trúc: Thưa phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, ông có nghĩ rằng khi Thanh Tra Chính Phủ đề nghị Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội làm rõ chủ trương chặt cây thì cũng có nghĩa họ đã thấy điều gì không minh bạch đằng sau đó?
PGS Hoàng Ngọc Giao: Có nhiều vấn đề cần được làm rõ, ví dụ tại sao chặt những cây cổ thụ hàng chục hàng trăm năm mà trồng lại những cây cho rằng là gỗ quí mà thực ra không phải gỗ quí. Sự chênh lêch chi phí giữa cây gỗ bình thường với cây gỗ quí đó như thế nào, rồi chi phí chặt cây được biết lên đến hàng chục triệu đồng một cây. Vậy thì chi phí này có minh bạch không, ai được hưởng trong chuyện này. Liệu quyết định chặt cây có động cơ vụ lợi ở đây không? Những câu hỏi này chưa được làm rõ.
Nếu mà cách làm đàng hoàng thì chắc ai cũng đồng tình là những cây mà nó mục ruỗng, những cây có thể đổ vào nhà dân hoặc đổ vào cột điện thì cái đó người dân không ai phản đối cả. Trong 6.700 cây liệu đã có những thống kê nào chính thức công khai cho công chúng biết những cây nào là nguy hiểm, những cây nào là mục ruỗng cần chặt bỏ không?
Không để ý đến lợi ích của xã hội
Thanh Trúc: Theo ông, giả sử có chuyện đốn hạ hàng loạt những cây lâu đời mà đã bị mục ruỗng hoặc là những cây tạp thì nên chăng có một kế hoạch tham khảo mà Việt Nam thường hay nói là dựa căn bản trên khoa học và kỹ thuật?
PGS Hoàng Ngọc Giao: Nếu thành phố Hà Nội làm được việc đó, thông qua công ty quản lý cây xanh, thì phải có công bố đàng hoàng cái lộ trình tại điểm A, điểm B, những cây này là những cây mục ruỗng nguy hiểm thì có kế hoạch thay thế bằng những cây mới. Tôi tin với cách làm minh bạch như vậy người dân sẽ ủng hộ.
Nhưng ở đây anh lấy cớ thay đổi cây mới theo qui hoạch mà không cho các nhà khoa học tham gia, không cho các tổ chức xã hội tham gia để có thể phản biện đánh giá kế hoạch đó thì rõ ràng anh không để ý đến lợi ích của xã hội, đến nguyện vọng ý kiến của nhân dân. Vì anh không có được thông tin cần thiết và khoa học và một khi mà quyết sách của anh sai thì các nhà khoa học lên tiếng. Mà người ta lên tiếng thì căn cứ khoa học của người ta nó thuyết phục và được dân chúng ủng hộ.
Lấy cớ thay đổi cây mới theo qui hoạch mà không cho các nhà khoa học tham gia, không cho các tổ chức xã hội tham gia để có thể phản biện đánh giá kế hoạch đó thì rõ ràng anh không để ý đến lợi ích của xã hội.
-PGS Hoàng Ngọc Giao
Qua vụ chặt cây xanh vừa rồi, Hà Nội nói cây mẫu trồng là cây vàng tâm, nhưng các nhà khoa học chụp ảnh rồi lấy mẫu rồi phân tích đó không phải cây vàng tâm theo đúng nghĩa là gỗ quí mà đó chỉ là cây gỗ mỡ, tên của địa phương nào đó thì gọi là mỡ vàng tâm và giá trị của nó thì không đáng kể. Về mặt khả năng sinh sống tồn tại của nó thường nó phải được trồng ở vùng cao chứ còn trồng ở thành phố không thích hợp. Đấy là chưa kể về mặt tán, lá vân vân… Quản trị quốc gia một cách thông minh thì phải biết dựa vào ý kiến của các nhà khoa học thì mới đưa ra quyết sách đúng đắn và như vậy nhân dân càng tin hơn vào chính quyền.
Thanh Trúc: Về lãnh vực pháp lý trong vụ này, nhất là đã có dấu hiệu vi phạm Khoản 2 Điều 14 Luật Thủ Đô và Khoản 1 Điều 14 Nghị Định 64 của chính phủ về quản lý cây xanh đô thị, theo ông có nên truy cứu trách nhiệm hình sự không và truy cứu những ai?
PGS Hoàng Ngọc Giao: Rất mừng là trước việc làm sai trái từ quyết định chặt cây như vậy thì phản ứng xã hội mạnh mẽ buộc Hà Nội phải dừng quyết định triển khai kế hoạch này. Đó là hiện tượng đáng phấn khởi.
Hiện tượng thứ hai là không dừng ở đó mà chính phủ cũng đã chỉ đạo yêu cầu Thanh Tra Chính Phủ phải vào việc. Như vậy nó thể hiện cái tính trách nhiệm của chính phủ cũng như của Hà Nội.
Tuy nhiên về mặt pháp luật thì vi phạm Luật Thủ Đô là rõ rồi nhưng tôi nghĩ chưa đủ. Chuyện anh vi phạm và trách nhiệm đến đâu. Trách nhiệm chính trị là anh phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan liên quan. Ví dụ trách nhiệm về đảng, tại sao lại để một quyết định như vậy được ban hành. Trách nhiệm thứ hai, với tư cách cơ quan quản lý hành chính tại sao có quyết định gây hậu quả như vậy mà hình thành được. Quan trọng hơn nữa là có nên đặt trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân ra quyết định và những cá nhân thực hiện quyết định không. Bộ Luật Hình Sự của Việt Nam có điều khoản một về tội danh thiếu trách nhiệm, gây thiệt hại tài sản của nhà nước, vậy có nên đặt vấn đề cần phải khởi tố một vụ án hình sự để điều tra không. Chặt một cây mà tính 30 triệu thì liệu đằng sau có chuyện tham nhũng không, ai hưởng lợi trong chuyện này.
Tôi nghĩ để truy cứu trách nhiệm thì phải xác định rõ ràng như vậy, có lẽ lúc đó mới thể hiện rõ quyết tâm của nhà nước trong việc tăng cường quản trị quốc gia và tính giải trình trước nhân dân.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao về bài phỏng vấn này.