Sau vụ “chặt đầu ba ba” trên truyền hình quốc gia

Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2014.09.24
Vuadaubep600.jpg Cận cảnh thí sinh Khánh Phương giết ba ba trong chương trình Master Chef VN phát sóng tối thứ 7, 20/9 trên Đài Truyền hình VN.
Youtube captured

 

Câu chuyện thí sinh tham dự “Vua Đầu Bếp” chặt đầu một chú ba ba khi tham gia tiết mục nấu ăn được phát sóng trên giờ vàng của VTV3 đang khiến dư luận chỉ trích mạnh mẽ về tính giáo dục, nhân văn của các gameshow tại Việt Nam.

Hình ảnh thí sinh Khánh Phương với khuôn mặt khá giận giữ chật phăng đầu chú ba ba trong chương trình truyền hình thực tế “Master Chef” phiên bản tiếng Việt “Vua Đầu Bếp” đang dậy sóng trong dư luận về điều gọi là “phản cảm” “phản giáo dục” và “không thể chấp nhận được” mà báo chí trong nước gọi tên.

Nếu giả sử quý vị đặt vào mình vào một cuộc thi, rất ức chế khi thời gian không còn nhiều và có nguy cơ bị loại nếu không nhanh tay hoàn thành món chế biến… thì phản ứng giống với Khánh Phương cũng dễ hiểu, nhưng điều khiến người xem hoàn toàn bất ngờ là cảnh giết con vật lại được chiếu cận cảnh và rõ ràng từ chi tiết chọc mắt, kéo cổ cho tới phập ngang đầu con ba ba trong khung “giờ vàng”…thì hẳn là điều khó chấp nhận được.

Hôm đó, gia đình tôi rất bất ngờ bởi cảnh tượng cô thí sinh ấy lại chặt đầu ba ba, làm cho các cháu đang ngồi cùng xem cả nói chung là sợ, gia đình tôi cũng không nghĩ là có cảnh tượng như thế.
- Chị Vân Anh, Hà Nội

Vấn đề đặt ra không chỉ ở sự giáo dục tính nhân bản thương yêu loài vật, hay tác động tâm lý đến khán giả nhỏ tuổi mà có lẽ còn liên quan đến nhận thức của khán giả trong nước giờ đây đã khác rất nhiều, khi họ được tiếp xúc với các show diễn nước ngoài, họ có cơ hội so sánh về chất lượng cũng như nhân sinh quan của khán giả trong nước đã thay đổi.

Trao đổi với chúng tôi về những phản ứng của người mọi người trong gia đình khi trực tiếp xem “Vua Đầu Bếp” chị Vân Anh sống ở Hà Nội cho chúng tôi biết:

Tôi là một trong những khán giả thích xem chương trình “Vua Đầu Bếp” cả gia đình tôi cũng thích chương trình này, hôm đó, gia đình tôi rất bất ngờ bởi cảnh tượng cô thí sinh ấy lại chặt đầu ba ba, làm cho các cháu đang ngồi cùng xem cả nói chung là sợ, gia đình tôi cũng không nghĩ là có cảnh tượng như thế. Sau mấy hôm thì thấy dư luận nói cũng rất nhiều về hiện tượng này và cũng lên án. Nói chung là tính giáo dục, lỗi ở đây là ở cả ban biên tập nữa, những hiện tượng như vậy mình nên lược bớt đi, không nên để trực tiếp vào giờ vàng, rất nhiều người xem.

Theo chị Vân Anh thì do hiện giờ khán giả trong nước đã được tiếp xúc nhiều hơn với các gameshow nước ngoài nên những hình ảnh “phản cảm” cần phải được lược bỏ nhằm tránh tạo ra những dư luận trái chiều:

Mọi người hiện nay đang được tiếp xúc với rất nhiều những chương trình truyền hình trực tiếp mua bản quyền từ nước ngoài, đã được xem rất nhiều, nên suy nghĩ của mọi người lúc này đã khác hơn lúc trước rất nhiều, bây giờ mà xem những chương trình như vậy thì rất phản cảm, gây ra những dư luận trái chiều không tốt. Theo tôi, bên truyền hình trước khi đưa ra cho công chúng xem cần phải lược bớt đi hoặc phải rút kinh nghiệm cho sau này

"Tai nạn nghề nghiệp"?

Sau khi chương trình Vua Đầu Bếp trên được phát sóng vào ngày 20/9 và gặp phải phản ứng mạnh từ dư luận, ngày 23/9, ông Lại Văn Sâm, trưởng ban Thể thao – Giải trí và Thông tin kinh tế của VTV đã chính thức lên tiếng nhận lỗi: “Trách nhiệm thuộc chúng tôi, đây là một sơ sót trong kiểm duyệt hình ảnh… những hình ảnh ấy không nên xuất hiện trên truyền hình vì có thể tạo cho khán giả những cảm nhận và sự suy diễn không hay.”

Theo ông Lại Văn Sâm thì đây là một “tai nạn nghề nghiệp” vì nếu nhìn thấy cảnh như vậy thì không ai để nó lên sóng cả, bởi đôi khi một ngày phải xem quá nhiều chương trình và chỉ cần lơ đễnh một chút là có thể bỏ qua, đến khi phát sóng mới ngớ người ra…

Với quan điểm của người đứng đầu một cơ quan truyền thông Việt ngữ tại Hoa Kỳ, anh Võ Thành Nhân chia sẻ quan điểm của anh về “sự cố” trên:

Có 2 vấn đề mình cần đặt ra ở đây là vai trò của hãng thông tấn hoặc truyền thông, sự chọn lựa hình ảnh để phát hình, thứ hai là những người diễn viên hoặc trong đời sống thường của họ, thì mình cần đặt ra hai vấn đề đó. Thứ nhất, đối với những người ở Hoa Kỳ việc chọn lựa các hình ảnh là một vấn đề nhạy cảm và ảnh hưởng đến đạo đức, thường người ta không chọn những cảnh như vậy để chiếu. Cái gì mà đi quá đạo đức hoặc đi quá cái nhìn, suy nghĩ của chúng ta… thì người Việt ở Mỹ bắt đầu có những nhạy cảm. Vì khi chúng tôi sống ở Mỹ một thời gian, không còn thấy nhiều người cắt cổ gà nữa, hay những hình ảnh người ta hành hạ dã man những con vật nữa… đó là những vấn đề đạo đức chung trong đời sống xã hội. Thứ hai, đạo đức này sẽ ảnh hưởng thế nào đến từng cá nhân trong những hoàn cảnh xã hội.

Tại Hoa Kỳ, mỗi ngày có đến cả trăm chương trình truyền hình thực tế với những cảnh bạo lực hay lõa thể, chắc chắn những cảnh “đầu rơi máu chảy” hay “không mảnh vải che thân” là không thể tránh khỏi, nhưng nhà sản xuất sẽ khéo léo sử dụng những hiệu ứng hình ảnh để hợp lý che đi những tình tiết nhạy cảm dễ gây tranh cãi, đồng thời cũng để tránh những vụ kiện tụng có thể xảy ra.

...phải tôn trọng người xem, phải đặt mình vào là người xem chứ không thể cứ sản xuất để rồi phát lên, quảng cáo thu tiền, thì tôi không nghĩ đó là điều hay.
- Chị Lan Hà, California

So sánh về các chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam và Hoa Kỳ, chị Lan Hà đang sống ở California chia sẻ:

Hiện nay ở VN các chương trình thực tế trên tivi đã bắt nhịp được ngay với những chương trình hiện tại ở Mỹ như MasterChef có cách đây vài năm thì giờ đã mang về đến VN. Thành ra, tôi nghĩ là mình đã bắt được nhịp rồi, thì sao mình không học những thứ văn minh để cho người xem cảm thấy đấy là một chương trình hữu ích nữa, chứ không chỉ là bắt ép người ta xem những thứ có trên ti vi, phải tôn trọng người xem, phải đặt mình vào là người xem chứ không thể cứ sản xuất để rồi phát lên, quảng cáo thu tiền, thì tôi không nghĩ đó là điều hay.

Sự cố chặt đầu ba ba trong giờ vàng của Vua Đầu Bếp hẳn sẽ còn gây ra nhiều tranh cãi bởi bên cạnh những ý kiến phản đối thì nhiều người vẫn khẳng định không nên quá khắt khe với chương trình bởi không thể chỉ vì một hành động mà kết tội một cá nhân đó là “đao phủ”, “ác mộng” bởi suy cho đến cùng thì ba ba cũng chỉ là con vật như gà vịt mà người ta vẫn làm thịt hàng ngày ngoài chợ.

“Tai nạn nghề nghiệp” như lời ông Lại Văn Sâm nói hẳn sẽ là một bài học cho những người làm truyền thông, bài học không chỉ dừng lại ở tác động giáo dục nhân cách, tính nhân văn yêu thương loài vật mà qua đó còn khẳng định sự tôn trọng khán thính, lắng nghe tiếp thu ý kiến từ chính những người xem, người nghe vì nhân sinh quan của người Việt đã thay đổi rất nhiều.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.