Đại diện Đại sứ quán Anh: niềm tin và cảm thông là cơ sở cải thiện vững bền đời sống cộng đồng sắc tộc Lâm Đồng

Giang Nguyễn
2021.06.03
Đại diện Đại sứ quán Anh: niềm tin và cảm thông là cơ sở cải thiện vững bền đời sống cộng đồng sắc tộc Lâm Đồng Hình minh hoạ. Các em học sinh ở tiểu khu 179, tỉnh Lâm Đồng, đi học.
Courtesy of Báo

Gần đây, một nhóm người bao gồm đại diện của Đại sứ quán Vương Quốc Anh tại Việt Nam có chuyến viếng thăm các cộng đồng sắc tộc thiểu số ở tỉnh Lâm Đồng. Trong nhóm có ông Stephen Taylor, Trưởng ban Chính trị Nội bộ của Đại sứ quán Anh. Một hoạt động trong lịch của chuyến đi là đến thăm Tiểu Khu 179, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, để quan sát tiến trình dự án tái định cư và xây dựng Tiểu Khu cho gần 600 người H’Mong sinh sống tại đây. Kế hoạch thăm Tiểu khu 179 cuối cùng không thành, nhưng ông Stephen Taylor đã gặp được một số đại diện người sắc tộc và các cộng đồng. Ông chia sẻ về chuyến đi với phóng viên Giang Nguyễn.

Giang Nguyễn: Chúng tôi được biết gần đây, trong cương vị là Trưởng ban Chính trị Nội bộ của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, ông đã có một chuyến thăm Đà Lạt để gặp gỡ với nhiều cộng đồng khác nhau ở đó. Lý do gì ông đã đến thăm nơi đó và mục tiêu của chuyến viếng thăm là gì?

Stephen Taylor: Vương quốc Anh rất quan tâm đến quyền tự do tôn giáo- tín ngưỡng và quyền của các nhóm thiểu số ở Việt Nam. Chúng tôi thường xuyên đi thăm một số các tỉnh để hiểu rõ hơn về tình hình địa phương. Từ ngày 22 đến ngày 23 tháng 3, chúng tôi đã đến thăm tỉnh Lâm Đồng để tìm hiểu những vấn đề mà cộng đồng dân tộc H’Mong ở Tiểu khu 179 gặp phải, cũng như các kế hoạch mà chính quyền địa phương đang triển khai để giải quyết một số những vấn đề này.

Cộng đồng H’Mong ở đây hiện gặp khó khăn trong việc đưa con em đi học, chăm sóc y tế và đăng ký hộ khẩu. Trong chuyến thăm, chúng tôi đã gặp một số lãnh đạo cộng đồng từ nhiều sắc tộc và tôn giáo khác nhau.

Giang Nguyễn: Ông đã gặp những ai và được nghe họ đề cập đến những vấn đề gì trong các cuộc trao đổi?

Stephen Taylor: Chúng tôi đã gặp một số nhóm khác nhau bao gồm cả dân tộc thiểu số H’Mong, người Thượng, và đại diện từ các cộng đồng Phật giáo, Công giáo và Tin lành. Chúng tôi đã nói chuyện về đời sống hàng ngày của họ, kế hoạch của chính quyền địa phương để xây dựng Tiểu khu 179 và làm sao có thể triển khai những kế hoạch tương tự ở những nơi khác. Chúng tôi cũng bàn đến việc họ không được cấp hộ khẩu thì ảnh hưởng như thế nào đến khả năng tiếp cận chăm sóc y tế, giáo dục, và các dịch vụ công khác cũng như quyền bầu cử. Và cuối cùng là là tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng và các vấn đề tôn giáo trong đó có việc phải đăng ký các nhóm tôn giáo. Chúng tôi đã thảo luận về cách cộng đồng quốc tế có thể làm gì để giúp đỡ họ.

Giang Nguyễn: Nhiều sắc tộc thiểu số như người Thượng Tây Nguyên sống trong cảnh nghèo khó và bị mất đất cũng như văn hóa của họ bị đe dọa. Nhiều người cũng đã báo cáo về sự đàn áp, bắt giam và phân biệt đối xử vì họ đòi các quyền chính trị, quyền tự do hành đạo của họ và quyền sở hữu đất đai. Những vấn đề có được nhắc đến trong chuyến thăm của ông không?

Stephen Taylor: Những cộng đồng này nghèo, cuộc sống của họ không dễ dàng, trong số họ có những người bất mãn. Họ là công dân Việt Nam. Vì vậy, theo pháp luật, họ đáng lý phải được tiếp cận với các dịch vụ như giáo dục và y tế. Thành viên của những cộng đồng này cũng nên được tự do trong hoạt động tôn giáo và chính trị của họ. Ví dụ, để được bỏ phiếu trong một số cuộc bầu cử, họ cần phải có hộ khẩu nhưng điều này không phải lúc nào cũng thực hiện dễ dàng do vướng mắc trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai và các vấn đề khác. Để có được tiến bộ trong những vấn đề này, điều quan trọng là phải có sự tin tưởng và cảm thông giữa chính quyền địa phương và các cộng đồng.

Reuters-Hmong-family-2015-10-04-huyện-Mù-Cang-Chải-tỉnh-Yên-Bái.JPG
Một phụ nữ người H'Mong đứng cùng con trước đống rơm trong mùa gặt ở Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh minh họa, chụp hôm 4/10/2015. (Reuters)

Giang Nguyễn: Ông có thể chia sẻ một chút về các cuộc đàm thoại của Đại sứ quán Anh với chính quyền Việt Nam, nếu có, về các vấn đề nêu trên?

Stephen Taylor: Chính quyền địa phương có kế hoạch cải thiện cuộc sống của những người sống tại Tiểu khu 179. Chúng tôi hy vọng rằng qua những cuộc đối thoại với cộng đồng địa phương thì những kế hoạch này sẽ được hoàn thành kịp thời.  Chúng tôi mong được đến thăm Tiểu khu 179 sau khi kế hoạch hoàn thành.

Chúng tôi rất vui khi được biết rằng tất cả mọi người trong Tiểu khu 179 và hầu hết tất cả mọi người trong Tiểu khu 181 (thôn 3, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) kế bên đều có thể bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp gần đây và chính quyền huyện đã xử lý đơn xin căn cước công dân cho nhiều người ở Tiểu khu 179. Đây là một ví dụ điển hình rất tốt về những gì có thể đạt được và chúng tôi hy vọng nó sẽ là một điển hình cho các địa phương khác của Việt Nam tham khảo và áp dụng.

Về vấn đề tự do tôn giáo, quan điểm của Vương quốc Anh là tín đồ của các tổ chức tôn giáo, dù có đăng ký hay không, có được công nhận hay không, phải được thờ phượng và thực hành tín ngưỡng của mình trong ôn hòa và không bị can thiệp hoặc cản trở.

Giang Nguyễn: Chính phủ Anh và các quốc gia cùng chí hướng hoặc các tổ chức phi chính phủ có thể làm gì để hợp tác với các nhóm và chính phủ địa phương để cải thiện cuộc sống của các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo và đảm bảo Việt Nam có những bước cải tiến về nhân quyền?

Stephen Taylor: Bước đầu tiên là trao đổi với các cộng đồng và chính quyền địa phương để hiểu các vấn đề và cộng đồng quốc tế có thể giúp ở chỗ nào để đưa ra các giải pháp hiệu quả và bền vững. Khi chúng tôi thấy những cải tiến tích cực thì chúng tôi có thể giúp phố biến những nỗ lực này để chúng có thể được triển khai ở những nơi khác. Và khi chúng tôi có những lo ngại thì chúng tôi sẽ nêu ra những vấn đề này, chẳng hạn như qua cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng như qua các cuộc trao đổi với Hà Nội về việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. 

Giang Nguyễn: Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Anh đã đi vào hiệu lực từ ngày 1 tháng 5. Hiệp định mở ra những cơ chế nào cho việc thúc đẩy nhân quyền?

Stephen Taylor: Hiệp định UKVFTA được thực hành song song với hiệp định về Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Vương quốc Anh. Quan hệ đối tác này cung cấp khuôn khổ và cấu trúc cho những cuộc đối thoại thẳng thắn, kể cả về nhân quyền và xã hội cởi mở. Chúng tôi cố gắng thúc đẩy các lợi ích của một xã hội cởi mở, công lý và công bằng, nơi các quyền và giá trị cơ bản của con người không chỉ được bảo vệ trong luật pháp mà còn được thực thi trong thực tế, và nơi đây mọi người hiểu về các quyền của mình và có thể thực hiện chúng một cách tự do, không sợ bị trả thù.

Giang Nguyễn: Thành thật cảm ơn ông Stephen Taylor.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
03/06/2021 12:56

ĐCSVN đang giành giật "niềm tin", không những của người dân các sắc tộc Tây Nguyên, mà cả của người Kinh.
Không "cảm thông", không khoan nhượng.
Dã man.