Nhân thân tốt có thể thay công lý? (phần 2)

Sau khi toà án sơ thẩm tuyên phạt bà Sương 8 năm tù, đồng thời buộc bà phải bồi thường 4,3 tỷ, dư luận đã lên tiếng đề nghị xem xét lại bản án, bởi theo họ bà Sương cũng có nhân thân tốt và nhiều công lao.
Trân Văn, phóng viên RFA
2009.11.30
TranThiSuong-305.jpg Bà Trần Ngọc Sương tại phiên tòa phúc thẩm hôm 19-11-2009.
Photo courtesy of VTC

Lần trước, Trân Văn đã tổng hợp và tường trình về những nội dung có liên quan đến vụ án “lập qũy trái phép”, xảy ra tại Nông trường Sông Hậu.

Một số cơ quan truyền thông tại Việt Nam, cũng như một số cá nhân đã so sánh bản án vừa nêu, với việc xử lý một số vụ việc khác, để đề nghị xem xét lại bản án.

Tuy nhiên, việc xem xét nhân thân hay công lao khi định đoạt hình phạt không sai nhưng tại sao việc chiếu cố nhân thân và công lao lại tạo ra nhiều rắc rối như vậy?

Đừng xúc phạm người thật sự tốt

Tuy không đồng tình với bản án mà Toà án Cần Thơ vừa tuyên, song không cơ quan truyền thông nào trong số những nơi đề nghị xem lại bản án phúc thẩm vụ lập qũy trái phép tại Nông trường Sông Hậu, phủ nhận sự tồn tại của “qũy trái phép” ở nông trường này. Những luật sư bào chữa cho bà Trần Ngọc Sương lập luận rằng, “qũy trái phép” là hệ quả của cơ chế.

Trên các diễn đàn điện tử chính thống lẫn không chính thống và các blog, nhiều người tán thành lập luận đó. Theo họ, ai cũng thấy cơ chế quản lý – điều hành kinh tế và xã hội ở Việt Nam luôn luôn bất hợp lý.

Thậm chí, đã có những trường hợp chỉ vì cố tình “xé rào”, vượt thoát khỏi sự kềm toả của cơ chế, nhằm giúp kinh tế - xã hội phát triển lành mạnh mà bị kỷ luật, rồi sau đó vài chục năm, lại được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh như ông Kim Ngọc, cựu Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú.

Bà Sương có thể là một trường hợp giống vậy? Chưa có câu trả lời cho câu hỏi đó, bởi trong vụ Nông trường Sông Hậu, còn quá nhiều chi tiết do chính hệ thống truyền thông chính thống từng cung cấp, chẳng hạn tại Nông trường Sông Hậu đã xảy ra vô số sai phạm trong quản lý, sử dụng đất và giao đất, nợ phải thu, nợ phải trả, cách tạo nguồn thu và sử dụng nguồn thu, vi phạm việc thực hiện quy chế dân chủ,... song nay, chưa hề được báo chí Việt Nam phản biện khi họ lên tiếng bảo vệ cho bà Sương.    

Trong những vụ án liên quan đến tham nhũng và chức vụ, khai thác các tình tiết nhân thân tốt và có công là một sự xúc phạm người thật sự tốt.

Một Luật sư VN

Yếu tố được những cơ quan truyền thông và những người lên tiếng bảo vệ bà Sương nhấn mạnh là bà Sương có nhân thân tốt vả nhiều công lao. Trả lời chúng tôi qua email, một luật sư Việt Nam, yêu cầu được ẩn danh, bảo rằng:

“Nhân thân tốt và có công vốn được nêu trong 19 trường hợp mà Nghị quyết 01 năm 2000 và Nghị quyết 01 năm 2006, của Hội đồng Thẩm phán Toà Tối cao liệt kê để các Toà cấp dưới áp dụng để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Tuy nhiên hai yếu tố ấy đã và đang bị lạm dụng, đặc biệt là khi xét xử những vụ án liên quan đến các tội phạm về tham nhũng và các tội phạm về chức vụ. Sự lạm dụng lớn tới mức hai yếu tố vốn có tính nhân đạo này đã cũng như đang bị xã hội dè bỉu.”

Luật sư yêu cầu được ẩn danh nhận định:

“Nếu bà Sương thật sự là người tốt, bị hàm oan, điều quan trọng là phải chứng minh bà ta bị oan. Trong những vụ án liên quan đến tham nhũng và chức vụ, khai thác các tình tiết nhân thân tốt và có công là một sự xúc phạm người thật sự tốt.”

Mục tiêu nhân đạo?

Tại sao trong những vụ án liên quan đến tham nhũng và chức vụ, việc khai thác các tình tiết nhân thân tốt và có công lại là một sự xúc phạm người thật sự tốt? Có đúng là hai yếu tố nhân thân tốt, có công, vốn có tính nhân đạo đang bị chính hệ thống bảo vệ pháp luật Việt Nam lạm dụng?

Chúng tôi đã thử lật lại báo chí Việt Nam và thấy, chỉ trong vòng một tháng, giai đoạn từ cuối tháng 9 đến cuối tháng 10, có đến ba vụ mà việc vận dụng hai yếu tố nhân thân tốt, cũng như có công đã trở thành đề tài cho dư luận đàm tiếu.

Cuối tháng 9, nhờ được xem là có nhân thân tốt và có công. ông Huỳnh Ngọc Sỹ, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, kiêm Trưởng Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây, nghi can chính trong vụ nhận khoản tiền hối lộ lên tới 800.000 đô la của PCI, chỉ bị phạt ba năm tù, dù đã “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, chiếm đoạt 52 triệu đồng từ khoản tiền cho PCI thuê công thự.

Hình phạt này bị dư luận xem là vô lý, sự chỉ trích lớn tới mức, Viện Kiểm sát phải kháng nghị tăng hình phạt.

Sau đó, tới trường hợp ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (gọi tắt là TKV). Theo báo chí Việt Nam, ông Kiển đã để mặc cho các doanh nghiệp thành viên tự tung, tự tác nên chỉ trong vòng ba năm, từ 2005 – 2008, có đến 18 triệu tấn than bị khai thác lậu rồi xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, chưa kể ông Kiển còn vi phạm các quy định về quản lý dự án đầu tư, xây dựng công trình, gây cho TKV khoản thiệt hại khoảng 78 tỉ đồng,... song thay vì bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì ông Kiển được động viên xin nghỉ hưu, bởi ông ta được xem là có công với ngành than.         

Vụ thứ ba liên quan đến ông Chu Văn Thưởng – cựu Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tây. Giữa tháng 7 năm 2008, sau khi dự buổi liên hoan, mừng việc sáp nhập hai sở nông nghiệp phát triển nông thôn của Hà Tây và Hà Nội thành một, dù đã uống rượu, ông Thưởng vẫn bảo tài xế giao xe cho mình lái, rồi ông Thưởng đụng vào một xe hai bánh gắn máy, khiến người cha chết tại chỗ, người con bị trọng thương.

Sau khi gây tai nạn, ông Thưởng ra lệnh cho tài xế lái xe về Hà Tây, bỏ mặc những người bị nạn, người con tuy được dân chúng đưa đi cấp cứu nhưng đã chết trên đường đến bệnh viện. Chưa hết, ông Thưởng còn cấm bốn cán bộ đi chung xe tiết lộ việc ông ta gây tai nạn.

Cuối tháng 10 năm nay, ông Thưởng hầu toà vì “vi phạm qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Toà án Hà Nội tuyên bố phạt ông Thưởng 36 tháng tù song cho hưởng án treo vì nhân thân tốt và có nhiều thành tích.

Khi được đề nghị nhận định về vụ án Chu Văn Thưởng, luật sư yêu cầu được ẩn danh bảo rằng:

“Cả cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát lẫn Toà án cùng nhạo báng công lý. Luật sư này phân tích: Ông Thưởng vi phạm điều 202 với nhiều tình tiết tăng nặng là phạm tội trong tình trạng say rượu, bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm, cố ý không cứu giúp người bị nạn và hậu qủa được xem là đặc biệt nghiêm trọng vì làm chết nhiều người.

Bình thường, với những trường hợp có hàng loạt tình tiết tăng nặng như vậy, người phạm tội sẽ bị truy tố theo khoản 3 của điều 202, hình phạt dao động trong khoảng từ 7 năm đến 15 năm.

Một kẻ có dấu hiệu phạm nhiều tội, tội nào cũng có tình tiết tăng nặng nhưng chỉ truy tố một tội, đã vậy còn vận dụng các tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, có nhiều thành tích để chỉ phạt ba năm, rồi cho hưởng án treo là điều nằm ngoài sự tưởng tượng của nhiều người.

Một Luật sư VN

Chưa kể, ông ta còn có dấu hiệu vi phạm điều 309 “mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật”, do ông ta đã “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” khi “cưỡng ép người khác khai báo gian dối”, nên đây là một tình tiết tăng nặng, theo luật, ông ta phải bị phạt thêm từ 2 năm đến 7 năm tù.”

Ông nhận xét:

“Một kẻ có dấu hiệu phạm nhiều tội, tội nào cũng có tình tiết tăng nặng nhưng chỉ truy tố một tội, đã vậy còn vận dụng các tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, có nhiều thành tích để chỉ phạt ba năm, rồi cho hưởng án treo là điều nằm ngoài sự tưởng tượng của nhiều người.”

Hôm 22 tháng 10, trả lời phỏng vấn của báo điện tử VietNamNet về những vấn đề có liên quan đến vụ PCI, ông Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Chính phủ tuyên bố, đại ý, giảm nhẹ tội nhờ có nhân thân tốt là quy định của Bộ Luật Hình sự, dù xã hội muốn công bằng nhưng đó là chính sách, muốn thay đổi phải sửa luật.

Cũng theo ông Truyền, dù có sửa thì cuộc sống vẫn cần sự chiếu cố cho những người có nhân thân tốt, đó là những người chưa có tiền án, tiền sự hoặc những người mà cả gia  đình cống hiến cho Tổ quốc, cho cách mạng, chỉ vì lỗi nào đó xử họ, làm cả một dòng họ, gia đình bị ảnh hưởng thì cũng nên xem xét.

Nhân thân tốt vẫn được hiểu là không có tiền án, tiền sự trước khi phạm tội nào đó, tuy nhiên, hình như yếu tố nhân thân tốt chỉ được vận dụng để giảm nhẹ hình phạt cho các viên chức chính quyền phạm pháp.

Dẫu cho “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” song hình như, các cơ quan bảo vệ pháp luật không quan tâm lắm đến việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, lúc quyết định hình phạt dành cho thường dân.

Tháng 8 năm nay, vì dùng một viên đá nhỏ, ném người trông trại vịt rồi vào trại vịt bắt hai con về làm mồi nhậu, ba nông dân ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng đã bị Toà án huyện kết tội “cướp”, một người bị phạt năm năm tù, hai người bị phạt bốn năm tù, dù cả ba cũng có nhân thân tốt và họ có thêm một tình tiết giảm nhẹ khác là nạn nhân đã bãi nại.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.