Năng lượng LNG mở ra cho Việt Nam một cơ hội mới về kinh tế và chính trị?

Giang Nguyễn
2020.08.28
5536_LNG-630 Một Dự án điện khí LNG ở Việt Nam.
Courtesy congthuong.vn

Bộ Công thương Việt Nam tổ chức hội thảo Quy hoạch Tổng thể Năng lượng Quốc gia vào ngày 28/8/2020, trong bối cảnh Việt Nam chuyển từ một quốc gia xuất khẩu sang nhập khẩu năng lượng.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam đưa tin, tại hội thảo tại Hà Nội, các chuyên gia ngành năng lượng nói, với xu hướng này, Việt Nam cần ưu tiên chú trọng xây dựng hạ tầng nhập khẩu, bao gồm hạ tầng cho năng lượng sạch LNG, và giải quyết tiêu chí giá năng lượng.

Gần đây Viện Năng lượng Việt Nam đưa ra Quy hoạch Phát triển Năng lượng Lần thứ 8 (PDP8), trong đó quy định mở rộng nhanh chóng năng lượng tái tạo và khí đốt tự nhiên, và hoãn hoặc ngưng những dự án nhà máy điện từ than.

“Xu thế mới để mà được tài trợ được vốn là phải phát triển năng lượng sạch. Thì LNG ở trong lợi thế đang có tiềm năng lớn”.

Nhà máy phát điện LNG nổi trên biển. Minh họa.
Nhà máy phát điện LNG nổi trên biển. Minh họa.
Courtesy: Kawasaki
Ông Trần Ngọc Khải, phó đại diện tập đoàn Kawasaki công nghiệp nặng của Nhật Bản tại Việt Nam, với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành năng lượng khí hóa lỏng LNG, nói các công ty lớn ngoại quốc từ Nhật, Châu Âu và Hoa Kỳ đã nhận thấy điều đó và đây là thời cơ, và cơ hội để Việt Nam phát triển đảm bảo an ninh nguồn năng lượng.

Mình thấy rất nhiều tập đoàn của Mỹ, đang đổ vào Việt Nam. Như ở Khánh Hòa, thì có tập đoàn Millenium, dự định đầu tư 8 tỷ USD vào tỉnh Khánh Hòa. Còn Bình Thuận thì có dự án Sơn Mỹ 1, của tập đoàn Sojitz của Nhật Bản và EDF của Pháp, cũng dự định sẽ đầu tư vào trong quý 1 ở tỉnh Bình Thuận. Việt Nam đã đi trên con đường này rồi, qua việc một loạt dự án đang được xem xét đi vào LNG. Việt Nam đã nhìn thấy lợi ích về cân bằng kinh tế, và lợi ích về môi trường”.

Theo S&P Global Platts, hãng cung cấp thông tin năng lượng, hiện đang có ít nhất 8 công ty Hoa Kỳ ký thỏa thuận dự án đầu tư công nghệ LNG tại Việt Nam. S&P phân tich, trước những căng thẳng gần đây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, khả năng Mỹ đầu tư vào Việt Nam sẽ gia tăng nhiều hơn.

Tạp chí Petroleum Economist dẫn lời Ông David Lewis, Chủ tịch Công ty Đầu tư và Quản lý quỹ Energy Capital Việt Nam (ECV), rằng đối với Việt Nam, “đây là việc đa dạng hóa nguồn và đảm bảo năng lượng. Chính sách Hoa Kỳ dưới Chiến lược Ấn-Thái Bình Dương là tăng cường sự ổn định và hợp tác giữa các lợi ích khu vực trên Biển Đông”.

Ngày 23/7 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với chủ trương bổ sung dự án điện khí LNG Kê Gà của ECV vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021-2030 tầm nhìn đến 2045, góp phần đưa Bình Thuận trở thành Trung tâm Năng lượng quốc gia. Theo trang mạng Công luận, đây là dự án nhận được sự ủng hộ chính thức của Chính phủ Mỹ.

Theo ông Khải thì Việt Nam cũng đang nhắm vào khía cạnh chiến lược trước những tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông khi thắt chặt quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ.

"Khi mà Mỹ đầu tư vào một số nhà máy điện ở Việt Nam, thì Mỹ phải bảo vệ lợi ích cho những công ty và tập đoàn của họ". - Ông Trần Ngọc Khải

Giao dịch thương mại sẽ dẫn về giao thương trên một số lãnh vực khác, mà không phải là LNG. Và Việt Nam có thể tiếp cận được với công nghệ Mỹ. Điều khác nữa là về an ninh quốc gia. Khi mà Mỹ đầu tư vào một số nhà máy điện ở Việt Nam, thì Mỹ phải bảo vệ lợi ích cho những công ty và tập đoàn của họ vào Việt Nam bằng cách là Mỹ sẽ bảo vệ Biển Đông. Chính vì lý do đó mà Mỹ sẽ quan tâm đến Biển Đông và bảo vệ tự do hàng hải và bảo vệ Việt Nam trước một số vấn đề mà Trung Quốc đang muốn kiểm soát”.

Thêm vào đó việc nhập khẩu LNG giúp Hà Nội cân bằng thương mại với Hoa Kỳ. Theo VOV đưa tin, trong quý 1 năm 2020, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ 12,4 tỷ đồng. Tổng Thống Mỹ Donald Trump đã từng gọi Việt Nam là “kẻ làm dụng tồi tệ nhất” về thương mại.

“Khi mà Mỹ thực hiện cán cân thương mại cân bằng, thì Việt Nam thực hiện LNG thì rất là hay bài toán rất hay để cân bằng việc đó”, ông Khải nói.

Chuyên gia Kinh tế bà Phạm Chi Lan cho rằng còn nhiều lợi thế trong việc nhập khẩu khí hóa lỏng LNG, đầu tiên là tạo cơ hội để Việt Nam tiếp cận công nghệ mới.

Ông Trần Ngọc Khải, chuyên gia ngành năng lượng khí hóa lỏng LNG.
Ông Trần Ngọc Khải, chuyên gia ngành năng lượng khí hóa lỏng LNG.
Courtesy: Trần Ngọc Khải
“Điện chạy bằng khí, mà công ty Mỹ muốn đầu tư vào Việt Nam thời gian qua thực sự được chính phủ Việt Nam hoan nghênh, ngành điện của Việt Nam cũng hoan nghênh. Chúng tôi, giới kinh tế, thấy đây là phương án trước mắt, trung hạn và dài hạn, rất có lợi, rất phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Nguồn khí đốt thì Việt Nam có, kể cả những mỏ khí mà Việt Nam đang muốn hợp tác với công ty nước ngoài, như Mobile, để mà khai thác khí đốt để phục vụ làm điện. Việt Nam cũng sẵn sàng nhập khí đốt từ bên ngoài vào, trước mắt là từ Hoa Kỳ vào. Nó cũng đảm bảo về nguồn cung, đảm bảo về mặt công nghệ phát triển, toàn làm việc với những hãng lớn của Mỹ, có uy tín, có được khả năng công nghệ, thiết bị cung cấp cao. Nó cũng là ngành điện an toàn. Việt Nam cũng có thể học hỏi được cùng với các công ty trong lãnh vực này”.

Các chuyên gia kinh tế, năng lượng cho rằng điện than quá lỗi thời và chỉ tạo thêm nguy cơ lệ thuộc vào Trung Quốc, theo nhận định của bà Phạm Chi Lan.

Lâu nay thiếu điện thì Việt Nam thường hay nhận điện từ Lào hoặc Trung Quốc. Nếu Lào thì cũng do Trung Quốc đầu tư và làm chủ. Nếu bị lệ thuộc năng lượng ở nước mà không thân thiện với Việt Nam, đang có nhiều xung đột ở biển và nhiều mặt khác, thì Việt Nam không hề mong muốn, và rất mong muốn đa dạng hóa nguồn hợp tác của mình, nhất là với những đối tác có lợi ích trùng hợp với Việt Nam trong việc bảo về tự do hàng hải ở Biển Đông như Mỹ và Nhật Bản”.

Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có dự án LNG nào chính thức khởi động. Một quan tâm, như đã nêu ở trên, tại hội thảo về Quy hoạch Tổng thể Năng lượng Quốc gia, là phía chính quyền chưa xác định cơ chế thị trường và giá điện, khiến các nhà đầu tư quan ngại khi bán cho một đối tác độc quyền là EVN.

“Vấn đề khó khăn Việt Nam cần giải quyết là cái giá bán điện thế nào là phù hợp. Tại vì ở Việt Nam khi bạn sản xuất điện, bạn chỉ có thể bán cho một công ty duy nhất là EVN, công ty điện lực của Việt Nam thôi. Khi các tập đoàn vào thì bán với giá thế nào để phù hợp? Cái đó là bài toán khó khăn. Mình nghĩ là cái việc đó sớm được giải quyết trong thời gian ngắn”.

Đối với ông Khải, năng lượng sạch LNG mở ra một con đường mới cho Việt Nam với nhiều hứa hẹn, vừa đảm bảo được một môi trường sạch, và vừa đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh quốc phòng cho Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.