Nghị định về giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam có thể mang lại hiệu quả?

Giang Nguyễn
2021.05.26
Nghị định về giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam có thể mang lại hiệu quả? Khói bốc lên từ ống khói của một nhà máy giấy ngoại ô Hà Nội hôm 21/5/2018. Ảnh minh họa.
Reuters

Cục Biến Đổi Khí Hậu của Bộ Tài nguyên & Môi trường hôm 13 tháng 5 tổ chức Hội thảo trực tuyến tham vấn dự thảo Nghị định của Chính phủ Việt Nam về công tác giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn. Hội nghị có sự tham gia của đại biểu các cơ quan Nhà nước, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng như các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ TNMT Lê Công Thành chủ trì hội nghị, cho biết Nghị định của Chính phủ sẽ quy định chi tiết các Điều 92 của Bộ luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi năm 2020 quy định về Bảo vệ tầng ôzôn, và Điều 139 quy định về Tổ chức và phát triển thị trường các-bon.

Cụ thể, theo ông, Nghị định sẽ bổ sung nội dung về thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ôzôn, quy định chi tiết hơn các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cũng như tổ chức và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

Dự thảo Nghị định cần được xây dựng theo định hướng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam đồng thời phải đáp ứng cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ôzôn như Nghị định thư Montreal năm 1987, ông khẳng định.

Nhiều ý kiến trái chiều đã được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo về tính khả thi của lộ trình, giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nhẹ khí thải nhà kính và sự vận hành thị trường các-bon.

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, chuyên gia môi trường từng làm việc tại cơ quan Bảo vệ Mội trường của Hoa Kỳ (EPA), nói Nghị định đưa ra khó mà đạt được mục tiêu. Ông trình bày nguyên do:

“Những kết ước của thế giới với Liên Hợp Quốc đều không có biện pháp chế tài. Chỉ là những cái kết ước mà thôi. Do đó ít có quốc gia nào trung thành với kết ước, lời hứa của chính mình. 

Ngay cả các quốc gia đang phát triển ở trên thế giới như các xứ Tây Âu và Bắc Mỹ chẳng hạn, ngay cả công ty đang sử dụng các hóa chất cũng đều vi phạm hết. Nghĩa là họ có làm trên giấy tờ nhưng thực sự, tôi làm 30 năm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cũng như tôi là một người kiểm soát viên của EPA của Hoa Kỳ trong các nhà máy sản xuất phế thải, chúng tôi thấy vấn đề đó rất là tế nhị... Tất cả các quốc gia cố gắng để giảm thiểu sự phát thải khí CO2 và khí nhà kính nhằm giảm thiểu sự tăng trưởng nhiệt độ bầu không khí dưới 2 độ C nhưng mà điều này không được”.

Trong trường hợp Việt Nam lại càng gặp phải nhiều trở ngại, ông nói tiếp:

“Việt Nam không có khả năng khoa học kỹ thuật để thu hồi, phá hủy hay là thanh lọc các khí trong công nghệ sản xuất của mình. Đó là vấn đề. Thành ra ngoài hai lý do, không muốn làm và không có khả năng làm, nên tính khả thi càng thấp hơn”.

Cục-biến-đổi-khí-hậu.jpg
Hội thảo tham vấn dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn. Courtesy of FB Cục Biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Thượng, chuyên gia lâm nghiệp từ Đà Nẵng, lại cho rằng thị trường các-bon trong nước dựa trên hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon còn rất mới tại Việt Nam, cho nên Nghị định  sẽ khuyến khích các doanh nghiệp sáng tạo, đầu tư vào công nghệ xanh.

Nó sẽ góp phần giúp giảm khí thải nhà kính bởi vì có hai lý do chính: Thứ nhất là nó có những cái điều luật để khi mà thị trường các-bon có ở Việt Nam thì người ta có cơ sở luật để áp dụng. Thứ hai là khi những luật này ra đời, thì các doanh nghiệp nhạy bén thông tin và đặc biệt là mấy anh phát thải lớn như là công ty xi măng, than điện thì mấy anh phải lo chạy trước để cải tiến công nghệ, đề ảnh giảm phát thải của anh hoặc anh khuyến khích trồng rừng để nó hấp thụ bớt lượng các-bon anh thải ra. Đó là vấn đề chính mà Nghị định này sẽ góp phần cho Việt Nam giảm khí thải nhà kính”.

Nghị định xác định đối tượng cần phải điều chỉnh là những cơ sở phát thải khí nhà kính bao gồm nhà máy nhiệt điện, các cơ sở sản xuất công nghiệp, công ty sử dụng năng lượng hàng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương quy đổi trở lên, các cơ sở nông nghiệp chăn nuôi có sản lượng sữa hàng năm từ 300.000 tấn trở lên, các hãng hàng không, hãng kinh doanh đường sắt, công ty vận tải đường bộ, đường thủy có sử dụng nhiên liệu hàng năm từ 500.000 tấn dầu quy đổi trở lên, các công ty sản xuất xi măng v.v.

Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) bày tỏ sự ủng hộ với Nghị định và cho rằng đây là một nghị định cấp tiến bắt kịp xu hướng trên thế giới. Tuy nhiên trong một talkshow trên trang Facebook GTV, bà Ngụy Thị Khanh, đại diện Liên minh bày tỏ lo ngại:

“Chúng tôi cho rằng cần có nhiều nỗ lực để Nghị định này mang tính khả thi và đảm bảo nó sẽ là động lực cho ngành kinh tế xanh được phát triển. Nó đòi hỏi cần phải thiết lập các cơ sở dữ liệu công khai, minh bạch để dễ dàng theo dõi quản lý, cũng như được tham vấn rộng rãi để tạo ra những cơ chế thúc đẩy cho các doanh nghiệp chuyển đổi”.

Có như thế, bà nói tiếp, thì các doanh nghiệp mới có động lực và áp lực để chuyển đổi sang công nghệ sạch, tránh xu hướng nghị định mới chỉ tạo ra một cơ chế cho các doanh nghiệp tiếp tục phát thải rồi buôn bán tín chỉ các-bon trên thị trường.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

HOTAC
27/05/2021 13:23

Thiên tai là thiên tài tao định hướng gây hoang mang dư luân phải trái điên đảo . Tiền tự nguyện là quyền từ lòng hảo tâm thì luật pháp hà cớ gì ???xen vào công tư nhầm mục đích gì??? bảo vệ ai ??? Hoạn nạn mới thấy anh hùng với những con khùng và thằng điên..Ganh ăn ghét ở..

Anonymous
27/05/2021 14:40

Nghị định của chính phủ thì làm sao giải quyết được vấn đề lớn và quan trọng mang tầm mức quốc gia và quốc tế được. Đặc thù VN, Bộ chính trị cần có Nghị quyết là giải quyết được tất tần tật!