Việt Nam trở thành nước hàng đầu về nông nghiệp năm 2050 liệu có khả thi?
Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký hôm 7/2. Theo đó, mục tiêu chính của Nghị định này là xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới…
Tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam phấn đấu trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới, với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”…
Chuyên gia nông nghiệp và nhà nông nhận định rằng các mục tiêu trở thành quốc gia có nền nông nghiệp hàng đầu trên thế giới nghe có vẻ là ‘cao vời’; tuy nhiên vẫn có thể đạt được với điều kiện phải thay đổi, cải thiện rất nhiều thứ so với thực trạng hiện nay.
Có thể khả thi,
Ông Tuấn, một nhà nông trồng vườn cây ăn trái, chuyên sản xuất ổi, mãng cầu và mít ruột đỏ tin tưởng rằng nếu cố gắng đi đúng hướng, nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên tầm thế giới:
“Tôi khẳng định là làm được chứ không có chuyện gì hết. Nông dân có đam mê rất nhiều, Nói chung nguồn lực ở hiện tại ở nông thôn rất là lớn.
Bây giờ phương tiện giao thông cũng đã tương đối, tuy là chưa có hoàn chỉnh nhưng mà cũng tương đối rồi, cho nên cũng tiện.”
Chuyên gia nông nghiệp, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, cũng cho rằng mục tiêu này cũng có thể khả thi, nhưng việc ra nghị quyết và thực hành trên thực tế có khoảng cách rất xa. Việt Nam hiện nay còn thiếu nhiều thứ lắm mới nâng cấp được nền nông nghiệp của mình:
“Nó vẫn có thể khả thi, có thể nói rằng là Việt Nam mình khi mình đã biết mình nắm được vấn đề rồi, mình có kỹ năng thì mình hoàn toàn có thể làm nhanh hơn người ta.
Vấn đề nghị quyết về nông nghiệp thì chúng ta đã có rất nhiều nghị quyết về nông nghiệp, tôi cũng thấy ra nghị quyết để cho mọi người phấn đấu nhưng mà được hay là không được là do rất nhiều yếu tố, mà trong đó có yếu tố con người là chính.
Những điều kiện của mình hiện nay là chưa có đầy đủ. Thứ nhất là đầu tư về trang thiết bị. Mình muốn nhất thế giới thì các trang thiết bị cũng phải nhất thế giới mới được, mà mua thì có tiền để mua hay không.
Thành ra nó có thể ở trong tầm tay của mình. Nhưng mà vấn đề đầu tư cho cơ sở vật chất cũng như đầu tư cho con người, tức là phải đào tạo con người có kỹ năng, có năng lực để mà thực hiện thì nó còn cách biệt dữ lắm.”
Nhưng cần thay đổi nhiều
Trên phương diện là một nhà nông, trực tiếp sản xuất, ông Tuấn cho rằng để đạt được mục tiêu phát triển nông nghiệp, trước hết người nông dân cần phải thay đổi tư duy sản xuất, chú trọng nâng cao chất lượng, tạo ra sản phẩm sạch cho thị trường:
“Nếu đặt mục tiêu như vậy thì mình phải thay đổi, nhất là trong sản xuất. Mình sản xuất theo thói quen và lạm dụng hóa học quá nhiều. Nếu mà không thay đổi về cách sản xuất thì chắc chắn là không làm được.
Bây giờ mình sản xuất phân bón hóa học, thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu quá nhiều, đưa đến đất của mình sẽ rất mau cằn cỗi, cho nên cần phải thay đổi tư duy về sản suất, trước mắt là như vậy.
Nếu mình đã có sản phẩm sạch thì mình đâu có ngại gì vấn đề cạnh tranh. Bây giờ sản phẩm của mình nói thiệt là ở trong nước mà mình ăn mình còn phải suy nghĩ nữa, thì nói gì đến xuất khẩu.”
Riêng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực được ví như vựa lúa và nông sản thuộc hàng đầu cả nước, theo ông Tuấn, cần phải có sự đầu tư nghiêm túc, nghiên cứu giải quyết và cải tiến các vấn đề về thuỷ lợi, tăng nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, tạo điều kiện cho nhà nông yên tâm sản xuất nông sản sạch, có chất lượng:
“Phải thực hiện đồng bộ hết thì có khả năng là mình làm được, chứ còn nếu mình nói không, đăng ký cho có hình thức thì chắc chắn là không tồn tại lâu bởi vì đất của mình bây giờ nó xấu lắm rồi, phải có chiến lược đầu ra cho ổn định phải quy hoạch cho rõ và cụ thể.
Vốn sản xuất nông nghiệp là thiếu. Bây giờ có Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn nhưng thực chất là cho vay để cất nhà, chứ cho vay để sản xuất, làm vườn, làm ruộng là không có bao nhiêu. Thực tế là người dân không có đủ vốn để làm.
Nếu mình uyển chuyển hơn trong thủy lợi một chút thì hoàn toàn có thể. Thí dụ như khu vực nào bị thâm nhập mặn thì mình trồng những loại cây theo mùa vụ, nuôi con gì mà nó thích hợp với nước mặn, chứ mình đừng ngăn mặn.”
Nghị quyết ra nhiều, thực hiện không được bao nhiêu
Là một chuyên gia, cả đời gắn liền với ngành nông nghiệp, ông Võ Tòng Xuân nói kinh nghiệm của ông trong hàng chục năm qua là Chính phủ Việt Nam cứ ra hết nghị quyết này đến nghị quyết khác, luôn hô hào quyết tâm, phấn đấu để đạt được những mục tiêu xa vời, nhưng đến thời hạn kiểm điểm quá trình thực hiện thì không tiến triển được bao nhiêu:
“Kinh nghiệm tôi đã thấy trong hơn 40 năm nay, chúng ta muốn thì muốn rất là nhiều, ước vọng của mình rất là cao, nhưng mà trong quá trình thực hiện thì luôn không có đủ các điều kiện để làm.
Nhất là những nghị quyết năm năm của đảng Cộng sản Việt Nam nói rất là hay, nhưng khi kiểm điểm lại thì chúng ta làm chưa có đầy đủ, không đạt được điều này điều kia.”
Tiến sĩ Võ Tòng Xuân nêu ví dụ từ những năm 2000, Nghị quyết của Đại hội đảng lần thứ chín nói về đổi mới giáo dục và đào tạo Việt Nam, để người Việt Nam có khả năng hội nhập với thế giới. Thế nhưng đến cuối Nghị quyết chín thì đổi mới không được bao nhiêu, mà không có ai có lỗi hết.
Đến Nghị quyết 10 lặp lại, thêm câu chữ thành “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam”, rồi thì kết quả cuối Nghị quyết 10 cũng không đạt được, cũng không có ai có lỗi hết. Tới Nghị quyết 11, Nghị quyết 12 cũng y chang vậy. Và bây giờ đang là Nghị quyết Đại hội đảng thứ 13 cũng lại là phải đổi mới giáo dục Việt Nam, nhưng thực chất không có gì mới.
Hay tương tự là từ Đại hội đảng 10 năm 2006, Tổng bí thư khi đó là Nông Đức Mạnh từng có phát biểu rằng “Chiến lược đề ra mục tiêu tổng quát phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.”
Đến văn kiện Đại hội đảng khoá 13 năm 2021, Chính phủ phải thừa nhận mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được, trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế thấp. Đó là hạn chế, điểm yếu quan trọng của Việt Nam.
Thành ra, tiến sỹ Xuân nói nêu ví dụ để thấy rằng Việt Nam cái gì cũng đòi nhất Thế giới với hàng đầu Thế giới, nghị quyết ghi vậy nhưng nếu không được thì cũng không có ai phải phải chịu trách nhiệm.