Trung Quốc tấn công ngư dân Việt Nam: chiến thuật “rung cây dọa khỉ”?
2023.08.30
Hôm 29 tháng 8, 2023, truyền thông Việt Nam đồng loạt đăng tin tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 4201 bắn vòi rồng vào tàu cá QNg 90495TS khiến hai ngư dân bị thương. Trong đó, chủ tàu Huỳnh Văn Hoanh, 43 tuổi, bị gãy tay phải và một ngư dân khác là Huỳnh Văn Tiến bị chấn thương vùng đầu. Trong khi đó, một tàu Việt Nam mang ký hiệu Ly Son 62908 đã vờn nhau với tàu Hải cảnh Trung Quốc CCG 4201 tại khu vực đảo Tri Tôn từ 19 tháng 8, 2023 đến nay.
Theo hình ảnh mà chủ tàu QNg 90495TS cung cấp, tàu của họ bị Hải cảnh Trung Quốc CCG 4201 tấn công. Họ nói cuộc tấn công xảy ra khi họ đang di chuyển từ đảo Phú Lâm (Woody island) đến bãi Xà Cừ (Observation bank) thuộc khu vực Hoàng Sa.
Vị trí của đảo Phú Lâm (Woody island) và Bãi Xà Cừ (Observation Bank) ở quần đảo Hoàng Sa (Ảnh: Google Map, RFA chú thích.)
Theo dữ liệu AIS mà RFA ghi nhận từ Marine Traffic, vào thời điểm tấn công tàu cá Việt Nam, ngày 29 tháng 8, tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu Chinacoastguard 4201 đang ở khu vực giữa quần đảo Hoàng Sa. Trao đổi với RFA, ông Raymond Powell, Giám đốc Trung tâm đổi mới An ninh quốc gia Gordion Knot tại Đại học Stanford và là cựu quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ, vị trí này trùng khớp với báo cáo của chủ tàu cá QNg 90495TS về vị trí họ bị tấn công.
Theo RFA ghi nhận từ dữ liệu Marine Traffic, từ ngày 19 tháng 8, 2023 đến nay, có một tàu Việt Nam mang số hiệu Ly Son 62908 đã di chuyển liên tục xung quanh khu vực đảo Tri Tôn, nơi Trung Quốc đang xây dựng một công trình mới mà một số chuyên gia cho là đường băng quân sự. Từ hôm 19 tháng 8, 2023 đến nay, tàu Hải cảnh Trung Quốc CCG 4201 đã liên tục vờn nhau cùng với tàu Ly Son 62908. Có thời điểm, hai con tàu này di chuyển cách nhau chỉ khoảng 300 mét.
Ngày 25/8/2023, ở khu vực đảo Tri Tôn, có thời điểm hai tàu Ly Son 62908 và hải cảnh Trung Quốc CCG 4201 chỉ cách nhau khoảng 300 mét (Marine Traffic / RFA)
Đến ngày 27 tháng 8, tàu CCG 4201 đã rời khỏi khu vực đảo Tri Tôn, chạy ngược lên phía đông bắc, đến khu vực giữa quần đảo Hoàng Sa. Đến ngày 29 tháng 8, tại đây xảy ra vụ việc tàu CCG 4201 này tấn công tàu cá Việt Nam như đã nói ở trên.
Sau khi tấn công tàu QNg 90495TS, tàu hải cảnh CCG 4201 quay trở lại khu vực đảo Tri Tôn và tiếp tục vờn nhau với tàu Ly Son 62908. Hiện nay, hai con tàu này vẫn đang chạy gần nhau ở khu vực đảo Tri Tôn.
Trên dữ liệu AIS, tàu Ly Son 62908 được ghi là “không được phân loại” (unspecified). Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Trường Đại học Luật Tp. HCM nói rằng không thể xác định được tàu này thuộc loại nào, trừ khi có thể thấy trên thực địa. Bởi lẽ trong nhiều trường hợp, tàu chấp pháp của Việt Nam ẩn danh khi làm nhiệm vụ.
Ông Raymond Powell trao đổi với RFA rằng ông nghĩ tàu Ly Son 62908 là một tàu dân quân biển cỡ nhỏ của Việt Nam. Chiếc tàu đánh cá QNg 90495TS đã đi xa hơn về phía đông so với các tàu an ninh Việt Nam (cảnh sát biển hoặc dân quân) thường đi. Ông nói mặc dù Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, hiếm khi nước này cử tàu an ninh vào khu vực giữa quần đảo này. Ông nói: “Trên thực tế, tôi chưa từng thấy họ làm điều đó bao giờ.”
Sự kiện này xảy ra chỉ cách chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội hơn 10 ngày (dự kiến ngày 10/9/2023). Nó xảy ra hơn 3 tuần sau sự kiện tàu Philippines bị tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng khi đi tiếp tế cho lực lượng đồn trú ở Bãi Cỏ Mây hôm 5 tháng 8.
Trả lời phỏng vấn RFA, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học UNSW Canberra, Úc, cho rằng sự kiện tấn công bằng vòi rồng đối với tàu Philippines hôm 5 tháng 8 và cuộc tấn công bằng vòi rồng với tàu cá Việt Nam hôm 29 tháng 8 là khác nhau về tính chất. Cuộc tấn công nhắm vào Philippines hôm 5 tháng 8 nằm trong bối cảnh Trung Quốc từ lâu muốn đẩy Philippines ra khỏi Bãi Cỏ Mây mà Philippines kiểm soát. Đồng thời, hành động này nằm trong bối cảnh Philippines đã thay đổi lãnh đạo và chính sách đối với Mỹ lâu nay. Còn cuộc tấn công nhằm vào tàu cá Việt Nam hôm 29 tháng 8 nằm trong một bối cảnh khác trong quan hệ Việt Trung. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt nói lâu nay, mỗi khi tàu cá Việt Nam bị tấn công thì báo chí Việt Nam đều có đăng tin. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Phương lưu ý thêm là lần này tần suất đăng tin nhiều hơn, nhanh hơn, bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, và nêu rõ đó là Trung Quốc thay vì cách nói thường thấy là “tàu nước ngoài”. Điều đó chứng tỏ ở đây có một thông điệp gì đó. Ông Nguyễn Thế Phương cho rằng có thể diễn giải động thái đưa tin này có thể là thông điệp cho thấy vì sao Việt Nam và Mỹ nên xích lại gần nhau hơn. Nếu Việt Nam và Hoa Kỳ sắp tới nâng quan hệ lên thẳng “Đối tác chiến lược toàn diện” thay vì chỉ là “Đối tác chiến lược” thì đó cũng là điều dễ hiểu.
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt chỉ ra rằng những hành động gây hấn của Trung Quốc đã thể hiện mạnh mẽ hơn từ sau khi Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm hồi tháng 3 và sau đó Việt Nam đón Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken: Trung Quốc liên tục cho tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Ông dự đoán rằng quan hệ Việt Trung trên Biển Đông sắp tới sẽ xuất hiện thêm nhiều căng thẳng nữa. Cho dù Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” hay chỉ là “Đối tác chiến lược” thì các động thái theo chiến thuật “rung cây dọa khỉ” như vậy của Trung Quốc sẽ vẫn tiếp diễn.