Gạc Ma: Trung Quốc xâm lược và thảm sát không phải chỉ là một ngày 14/3/1988

Diễm Thi, RFA
2021.03.13
Gạc Ma: Trung Quốc xâm lược và thảm sát không phải chỉ là một ngày 14/3/1988 Biểu tình phản đối Trung Quốc nhân kỷ niệm trận chiến ở Đá Gạc Ma, quần đảo Trường Sa năm 1988. Hình chụp hôm 14/3/2016 ở Hà Nội
Reuters

Việt Nam mất Gạc Ma vào tay Trung Quốc đến nay đã 33 năm, nhưng vẫn còn những điều chưa được làm sáng tỏ. Việt Nam cần làm gì để bảo vệ chủ quyền biển đảo khi Trung Quốc ngày càng hung hăng và đe dọa chiến tranh?

Diễm Thi phỏng vấn nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, tác giả của nhiều nghiên cứu về chủ quyền biển, đảo Việt Nam về những vấn đề liên quan.

Diễm Thi: Thưa ông Đinh Kim Phúc, xin ông cho biết từ khi nào Trung Quốc có âm mưu đánh chiếm quần đảo Trường Sa?

Đinh Kim Phúc: Âm mưu đánh chiếm quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã được Trung Quốc lên kế hoạch từ sau ngày 19 tháng Một năm 1974 (ngày Trung Quốc cưỡng chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa).

Trước tình hình đó, trong tháng Tư năm 1975, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã mở chiến dịch Trường Sa và đánh chiếm, thu hồi năm đảo từ tay quân đội Sài Gòn gồm Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa Lớn. Việc Hải quân Nhân dân Việt Nam thu hồi và đóng giữ tại 5 đảo quan trọng này đã bước đầu ngăn chặn âm mưu thôn tính quần đảo Trường Sa của Trung Quốc.

Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, Trung Quốc đã vạch một chiến lược khác để thôn tính Trường Sa và xâm lấn chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Thay vì chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh" như đã làm ở Hoàng Sa năm 1974, Trung Quốc thực hiện chiến lược “vết dầu loang" và Việt Nam trở thành đối tượng tác chiến chủ yếu của quân đội Trung Quốc.

Diễm Thi: Theo ông, sự kiện Gạc Ma có thể gọi là trận hải chiến hay đó là cuộc thảm sát của phía hải quân Trung Quốc?

Đinh Kim Phúc: Chiến dịch CQ-88 (tên đầy đủ là Chiến dịch Chủ quyền 1988) là một chuỗi các hoạt động quân sự trên biển Đông do Hải quân Nhân dân Việt Nam tiến hành từ năm 1978 đến năm 1988 nhằm thiết lập quyền kiểm soát đối với các thực thể địa lý tại quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Chiến dịch được tiến hành trong hoàn cảnh có 6 quốc gia và vùng lãnh thổ (Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei) cùng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và có các hành động chiếm đóng quân sự đối với một số thực thể địa lý tại quần đảo này.

Cuối tháng 12 năm 1986, Trung Quốc cho máy bay và tàu thuyền có cả tàu chiến hoạt động trinh sát, thăm dò từ khu vực đảo Song Tử Tây đến khu vực đảo Thuyền Chài. Trong khi đó, Philippines đẩy mạnh việc vận chuyển xây dựng công trình trên các đảo của họ đóng giữ (Song Tử Đông, Panatag). Cùng lúc đó ở phía nam Trường Sa, Malaysia bí mật đưa lực lượng ra chiếm đóng bãi đá Kỳ Vân, và tháng Một năm 1987, Malaysia chiếm đóng bãi đá Kiều Ngựa, làm cho tình hình thêm căng thẳng.

Trong khi đó, Hải quân Nhân dân Việt Nam vào cuối những năm 1970 và những năm 1980 còn mỏng và yếu (trong tháng Tư năm 1975, nếu như phần lớn các chiến đấu cơ của VNCH bay sang đất Thái, thì phần lớn các chiến hạm quan trọng của VNCH đã bỏ chạy sang Subic Bay của Philippines) nhưng với “Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta", Hải quân nhân dân Việt Nam đã bảo vệ chủ quyền với tất cả những gì đang có và bằng máu của người lính biển.

000_Hkg8090404.jpg
Hình minh hoạ. Biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội hôm 9/12/2012. AFP

Trận đánh giữ Gạc Ma là đỉnh điểm trong Chiến dịch CQ-88. Trong trận đánh này, Việt Nam bị thiệt hại ba tàu bị bắn cháy và chìm, ba người tử trận, 11 người khác bị thương, 70 người bị mất tích. Sau này Trung Quốc đã trao trả cho phía Việt Nam chín người bị bắt, 61 người vẫn mất tích và được xem là đã tử trận.

Việt Nam bị chiếm đảo Gạc Ma nhưng vẫn bảo vệ được chủ quyền tại các đảo Cô Lin và Len Đao cho đến nay.

Trong trận chiến ngày 14 tháng Ba, phía Trung Quốc thống kê họ đã bắn tổng cộng 285 viên đạn pháo 100 mm và 266 viên đạn pháo 37 mm, chưa kể các cỡ đạn nhỏ. Việc Trung Quốc dùng trọng pháo và súng phòng không tiêu diệt 64 chiến sĩ Công binh và Hải quân quân Việt Nam tay không đang giữ đảo là một cuộc thảm sát.

Cho đến hôm nay, 56 xương cốt của các cán bộ chiến sĩ Việt Nam vẫn nằm lại Gạc Ma, đã cho thấy bản lĩnh của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong tình hữu nghị với Trung Quốc hiện nay.

Diễm Thi: Lệnh “Không được nổ súng” hay “không được nổ súng trước” được hiểu như thế nào, thưa ông?

Đinh Kim Phúc: Đã có nhiều tranh luận về tin đồn việc Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ ra lệnh “không được nổ súng”?

Từng là người lính, nhưng tôi không tham gia trận đánh Gạc Ma. Với tư cách là người học lịch sử, dạy-học và nghiên cứu lịch sử, tôi chỉ nói rằng: nhìn toàn cục chiến dịch CQ-88 với những hy sinh, mất mát của những người trong cuộc, để ngày nay, Việt Nam mở rộng khu vực kiểm soát của mình lên 21 thực thể địa lý với 33 điểm đóng quân, kiểm soát một vùng nước rộng gần 100.000 km2 trên Biển Đông. Và cũng kể từ năm 1988 đến nay, Việt Nam không mất thêm một thực thể nào trên biển.

“Mệnh lệnh chiến đấu”? Hãy để các thế hệ lãnh đạo chiến dịch CQ-88 và những người trong cuộc lên tiếng. Xin đừng đứng trên bờ và ngồi trong phòng máy lạnh mà làm suy yếu niềm tin của nhân dân với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

64b12a00-c385-415d-a53f-beaf2c96e37f.jpeg
Người dân tham dự buổi tưởng niệm 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam bị thảm sát hôm 14/3/1988. Ảnh chụp hôm 14/3/2013 tại Hà Nội. AFP

Diễm Thi: Sự kiện Gạc Ma phải chăng thúc đẩy tiến trình trở lại quan hệ bình thường với Trung Quốc bằng mật ước Thành Đô năm 1990?

Đinh Kim Phúc: Nếu nói chỉ một sự kiện Gạc Ma vào năm 1988 để dẫn đến tiến trình trở lại quan hệ bình thường với Trung Quốc là không đầy đủ.

Tại Đại hội lần thứ sáu của Đảng cộng sản Việt Nam, một trong những phương hướng chính về đối ngoại được thông qua đó là “sẵn sàng đàm phán để giải quyết những vấn đề thuộc quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, bình thường hóa quan hệ giữa hai nước”.

Cũng cần nhắc lại là tại hội nghị không chính thức giữa Trung Quốc và Việt Nam tại Thành Đô trong hai ngày ba và bốn tháng Chín năm 1990, có chín nguyên tắc được thông qua, trong đó bảy nguyên tắc về mặt quốc tế của vấn đề Campuchia và hai nguyên tắc về bình thường hóa quan hệ Việt Nam Trung Quốc.

Diễm Thi: Ông nhận định thực chất quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay ra sao, thưa ông?

Đinh Kim Phúc: Kể từ khi tuyên bố thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa vào năm 2007, 14 năm qua Trung Quốc tăng cường quấy phá, uy hiếp an ninh khu vực Biển Đông.

Trung Quốc trong các năm gần đây liên tục điều các tàu chấp pháp, dân quân biển vào các vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng bao gồm Việt Nam, quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của các quốc gia này.

Trong 14 năm qua, theo tôi, Trung Quốc có hai hành động tại Biển Đông được coi là đe dọa trực tiếp đến an ninh của Việt Nam. Thứ nhất là việc Trung Quốc kéo giàn khoan HD 981 và thềm lục địa của Việt Nam. Trong sự việc này cần phải ghi nhớ rằng Trung Quốc đã 30 lần từ chối tiếp xúc với Việt Nam. Thứ hai, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc hôm ba tháng Ba cho hay, cuộc tập trận ở vùng biển cách xa Hoa lục nhưng không cho biết rõ địa điểm, tuy nhiên tờ South China Morning Post của Hồng Kông ngày bốn tháng Ba lại cho hay, địa điểm diễn ra cuộc tập trận là đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1974.

Tại sao nói chuyện Trung Quốc tập trận đổ bộ chiếm đảo tại đảo Tri tôn đầu tháng Ba năm 2021 nghiêm trọng nhiều lần hơn vụ giàn khoan HD 981 năm 2014.

Vụ HD 981 năm 2014 là Trung Quốc tìm cách "khẳng định chủ quyền lãnh thổ và hải phận quốc gia" tại khu vực đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã thất bại vì bị Việt Nam một mặt phản đối trên mặt trận ngoại giao, mặt khác đưa tàu cảnh sát biển ra ngăn cản. Biến cố này cho dư luận thế giới thấy rằng quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ "có tranh chấp" chớ không phải thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Cuộc tập trận đổ bộ ở đảo Tri tôn của quân đội Trung Quốc nhằm mục đích răn đe Việt Nam (và các quốc gia có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc như Đài Loan, Nhật Bản, Philippines, Malaysia). Như vậy ngoài Việt Nam, các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc có thể "có xung đột quân sự" với Trung Quốc từ nay đến cuối năm 2021.

Năm 2021 là năm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng CS Trung Quốc. Năm 2022 cũng là năm Tập Cận Bình hết nhiệm kỳ Chủ tịch nước thứ hai (hai nhiệm kỳ 10 năm). Tập Cận Bình cần một dấu ấn về kinh tế hoặc quân sự để khẳng định mình, hòng tìm thêm một vài nhiệm kỳ nữa.

Diễm Thi: Với tất cả những gì Trung Quốc đã làm và đang làm với Việt Nam về Biển Đông, ông nghĩ Việt Nam nên có giải pháp gì để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ?

Đinh Kim Phúc: Trước khi bàn đến giải pháp cho vấn đề Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, điều đầu tiên theo tôi, Nhà nước cần phải khẳng định và ra một nghị quyết thành lập Huyện đảo Hoàng Sa. Phải có dân, phải có chính quyền và phải có lãnh thổ vì Trung Quốc đã có cái gọi là thành phố Tam Sa. Đó là yêu cầu đầu tiên mà chúng ta phải làm cho bằng được.

Vấn đề thứ hai là vấn đề chiến lược ngoại giao của Việt Nam nói chung và Biển Đông nói riêng là vấn đề tuyệt mật của Đảng và Nhà nước. Vậy giới nghiên cứu trong nước và các học giả trên thế giới dựa trên các dữ kiện nào để đánh giá, phân tích và góp ý?

Vấn đề thứ ba là quan điểm chính thức của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay đối với Công hàm Phạm Văn Đồng như thế nào? Thừa nhận hay phủ nhận? Những giải thích trên mặt trận truyền thông là “ta nói để ta nghe” hay nói để “Tòa án Công lý quốc tế” nghe?

Vấn đề thứ tư, trong lịch sử bang giao giữa VNDCCH và Trung Quốc từ năm 1949 đến 1975, ngoài Công hàm Phạm Văn Đồng còn có thỏa thuận nào khác không?

Tại hội nghị không chính thức ở Thành Đô vào tháng Chín năm 1990, ngoài chín nguyên tắc thỏa thuận để giải quyết vấn đề Campuchia và bình thường hóa quan hệ Trung-Việt, còn có thỏa thuận nào khác không để giải quyết vấn đề Hoàng Sa và vấn đề Trường Sa?

Nếu không có câu trả lời cho bốn vấn đề trên thì Việt Nam chỉ còn cách căng mình ra đối phó với Trung Quốc mà không chỉ ngày một ngày hai. Và vấn đề kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế sẽ không bao giờ xảy ra.

Diễm Thi: Cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.  

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Nguyễn Văn
13/03/2021 17:49

Bây giờ thì người bộ đội Miền Bắc hiểu tại sao người đồng chí anh em Trung Cộng viện trợ cho Miền Bắc VN từ cây kim sợi chỉ; từ miếng lương khô cho tới cái xe đạp và mọi loại vũ khí để bộ đội Bắc Việt vào Nam xâm lăng chiếm cho được Miền Nam VN của VNCH. Trung Cộng viện trợ, trước là để bảo vệ an ninh phía Nam nước Tàu, sau nữa là để xâm lược VN. Nên ngay sau khi ký Hiệp Định Ba Lê năm 1973 để quân Mỹ rút khỏi Miền Nam VN thì Tàu Cộng liền xâm lăng đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của VNCH năm 1974, đồng thời, cộng sản Hà Nội đánh chiếm Miền Nam năm 1975.

Nhưng cũng kể từ lúc Hà Nội chiếm được Sài Gòn thì cũng là lúc khối cộng sản chia rẽ. Pol Pot cộng sản Miên theo Tàu; Lê Duẩn cộng sản Hà Nội theo Liên Xô bắt đầu cắn xé nhau đưa đến cuộc chiến tranh biên giới và tiếp theo là Tàu Cộng chiếm luôn Gạc Ma của VN. Hai cuộc chiến này cộng sản Hà Nội hoàn toàn cô đơn một mình chống lại đàn anh Tàu Cộng. Liên Xô thì chỉ nói miệng chứ không giúp; Mỹ thì làm ngơ để cho Tàu Cộng dạy cộng sản VN một bài học sau bang giao thất bại và thậm chí còn giúp Tàu Cộng về tình bào canh chừng Liên Xô chuyển quân ở biên giới để Tàu Cộng đánh VN.

Sau hai cuộc chiến năm 1979 và 1988 gây ra bởi đàn anh Tàu Cộng thì Hà Nội sáng mắt và muốn bang giao với Mỹ. Trước đó, chính quyền của tổng thống Carter năm 1976 đồng ý bồi thường chiến tranh 3 tỷ dollars cho VN và ngỏ ý muốn bang giao. Nhưng cộng sản Hà Nội còn say men chiến thắng, đòi bồi thường cao hơn và không muốn bang giao. Mỹ phải thay đổi, bang giao với Tàu Cộng và đưa đến kết quả xảy ra hai cuộc chiến trên. Tới lúc này thì Hà Nội bắn tiếng xin bang giao với Mỹ và không còn đòi bồi thường chiến tranh. Cuộc vận động kéo dài cho tới khi Bill Clinton làm tổng thống và đồng ý bang giao với VN năm 1995. Mật ước Thành Đô năm 1990 là vì cộng sản Liên Xô sụp đổ, cả hai cộng sản Tàu và cộng sản VN phải quên đi quá khứ để gắn bó với nhau tồn tại nhưng Hà Nội vẫn ráo riết vận động xin bang giao với Mỹ.

Cũng tính từ khi được bang với với Mỹ thì đất nước VN phát triển về kinh tế. Đầu tư quốc tế và Mỹ bắt đầu đổ vào. Riêng về mặt nhân quyền thì vẫn xấu và rất xấu. Năm 2000 Mỹ cho VN vào WTO trước Tàu nhưng Hà Nội sợ để Tàu Cộng vào trước lại để mất thêm một cơ hội. Được bang giao với Mỹ, đảng cộng sản VN bớt sợ bị Tàu Cộng bức hiếp hoặc tấn công. Phải khách quan thừa nhận là nhờ được bang giao với Mỹ mà Tàu Cộng không còn dám ăn hiếp VN. Tuy khác thể chế nhưng Mỹ chỉ muốn kết bạn và cùng VN bảo vệ lợi ích chung. Mỹ không chủ trương lật đổ chế độ cộng sản VN mà chỉ muốn hợp tác vì quyền lợi của hai nước nhưng người cộng sản thì luôn luôn sợ thế lực thù địch và sợ mất quyền lực nên vẫn không tin tưởng người Mỹ.

Ngày nay thì cuộc cờ hoàn toàn khác. Mọi con bài đã lật ngửa và đảng cộng sản VN không có con đường nào để thoát mà bảo vệ được đất nước ngoài phải đi theo Mỹ. Mỹ đã cho VN rất nhiều cơ hội nhưng đảng cộng sản VN sợ không dám nắm bắt cho tới khí cái giàn khoan HD-981 của Tàu Cộng cắm vào lãnh hải VN năm 2014 thì Hà Nội mới biết sẽ mất nước và cần Mỹ. Dù Mỹ chưa chính thức đóng quân hay vào Cảng Cam Ranh như Nam Hàn hay Nhật nhưng nhờ có Mỹ mà VN vẫn còn chưa bị Tàu Cộng chiếm mất. Chỉ có Mỹ mới giúp VN không bị Tàu Cộng thôn tính.

Người dân VN đặt hy vọng và mong muốn Mỹ quay trở lại. Chừng nào người sản cộng mới sẵn sàng trước khi quá trễ?
nv

Tiêu Cà Mau
13/03/2021 22:58

Người dân VN đặt hy vọng và mong muốn Mỹ quay trở lại.

Còn Đảng ta thì không vì sợ mất quyền, thà mất nước còn hơn mất Đảng .

Duy Hữu, USA
14/03/2021 18:00

Nhân dân Việt Nam, trên khắp nước và trên khắp thế giới, đồng tâm, đồng hành, đồng thanh...
Đứng lên đáp lời sông núi Đứng Lên, Lên Tiếng Stand Up, Speak Out

Đòi hỏi Đảng Búa Liềm, độc tài, tài phiệt, phong kíên là Nhà nước Việt Cộng phải chấm dứt đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại " đu dây "

" Còn Tàu, còn Tiền... Còn Tiền, còn Đảng, còn tao... Tao còn bán nước, tao con bán dân, tao còn bán tao... cho Tàu ".

Đòi hỏi... Đảng Búa Liềm là Nhà nước Việt Cộng phải mạnh mẽ trước Liên Hiệp Quốc, trước dư luận nhân dân thế giới và nhân dân Việt Nam,
phải đòi hỏi Đảng Búa Liềm là Nhà nước Tàu Cộng phải trả lại chủ quyền Đảo Hoàng Sa và Đảo Gạc Ma của Việt Nam đã bị xâm lăng và chiếm đóng bằng quân sự từ năm 1974 và 1988.

Đó chính là bằng chứng lịch sử và quân sử chủ quyền Việt Nam trên Đảo Hoàng Sa và Đảo Gạc Ma trước năm 1974 và trứơc năm 1988.

Y dân là ý trời ! Ý trời là ý dân... Ý Dân Việt là ý Trời ! Ý Trời là Ý Dân Việt !
Tự do, Dân chủ, Dân quyền, Nhân quyền > Độc lập, Tự do, Hạnh phúc > Đa đảng, Đa tài, Đa dạng, Đa năng, Đa hiệu cho Dân tộc Việt.

Nhân dân Việt Nam liên kết và đoàn kêt trong Đa đảng, Đa dạng, Đa tài, Đa năng, Đa hiệu.

Unity in Diversity. Diversity in Unity !

Duy Hữu, USA
14/03/2021 19:20

Nhân dân Việt Nam, trên khắp nước và trên khắp thế giới, đồng tâm, đồng hành, đồng thanh...
Đứng lên đáp lời sông núi Đứng Lên, Lên Tiếng Stand Up, Speak Out

Đòi hỏi Đảng Búa Liềm, độc tài, tài phiệt, phong kíên là Nhà nước Việt Cộng phải chấm dứt đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại " đu dây "

" Còn Tàu, còn Tiền... Còn Tiền, còn Đảng, còn tao... Tao còn bán nước, tao con bán dân, tao còn bán tao... cho Tàu ".

Đòi hỏi... Đảng Búa Liềm là Nhà nước Việt Cộng phải mạnh mẽ trước Liên Hiệp Quốc, trước dư luận nhân dân thế giới và nhân dân Việt Nam,
phải đòi hỏi Đảng Búa Liềm là Nhà nước Tàu Cộng phải trả lại chủ quyền Đảo Hoàng Sa và Đảo Gạc Ma của Việt Nam đã bị xâm lăng và chiếm đóng bằng quân sự từ năm 1974 và 1988.

Đó chính là bằng chứng lịch sử và quân sử chủ quyền Việt Nam trên Đảo Hoàng Sa và Đảo Gạc Ma trước năm 1974 và trứơc năm 1988.

Y dân là ý trời ! Ý trời là ý dân... Ý Dân Việt là ý Trời ! Ý Trời là Ý Dân Việt !
Tự do, Dân chủ, Dân quyền, Nhân quyền > Độc lập, Tự do, Hạnh phúc > Đa đảng, Đa tài, Đa dạng, Đa năng, Đa hiệu cho Dân tộc Việt.

Nhân dân Việt Nam liên kết và đoàn kêt trong Đa đảng, Đa dạng, Đa tài, Đa năng, Đa hiệu.

Unity in Diversity. Diversity in Unity !

Trương Hiếu, Norway
16/03/2021 17:42

sự kiện Gạc Ma có thể gọi là trận hải chiến hay đó là cuộc thảm sát của phía hải quân Trung Quốc?
Theo tôi nhận định không phải là trận HẢI CHIẾN, vì không có hải quân hai bên đánh nhau bằng súng đạn... Chỉ bên Trung Quốc dùng súng bắn đạn thật, còn bên Việt Nam thì dùng BIA NGƯỜI đứng hàng ngang hô khẩu hiệu giữ đảo để cho Trung Quốc bắn chết...