Lịch sử là môn tự chọn – Nên hay không?
2014.04.30
Theo quyết định của Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo, trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm nay, Lịch Sử nằm trong danh sách các môn tự chọn chứ không bắt buộc. Quyết định này khiến các học giả hoặc những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục lo rằng một môn học xã hội nhân văn quan trọng cần thiết như vậy rồi ra sẽ mất dần chỗ đứng trong lúc học sinh thì càng ngày càng chán học môn này.
Chưa lường hết hệ quả
Chán học Sử đang là điều tất yếu, bây giở đưa Sử vào danh sách các môn tự chọn thì chẳng khác nào liệt môn học này vào hàng thứ yếu.
Đó là ý kiến của giáo sư Phan Huy Lê, chủ tịch Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam, sau khi nghe Bộ Giáo Dục Đào Tạo liệt môn Sử vào danh sách các môn tự chọn kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm nay.
Theo giáo sư Phan Huy Lê, cải cách thi cử là cần thiết nhưng khi đưa lịch sử vào môn tự chọn thì có lẽ Bộ Giáo Dục Đào Tạo chưa lường hết được hệ quả của nó. Trong giáo dục phổ thông, ông nói, các môn xã hội đóng vai trò quan trọng để hình thành nhân cách, bản lĩnh, năng lực tư duy của con người, vì thế đưa lịch sử xuống các môn tự chọn có nghĩa là loại trừ môn học cần thiết này.
Dưới mắt vị chủ tịch Hội Khoa Học Lịch Sử Phan Huy Lê, với chương trình và sách giáo khoa nặng kiến thức, dày đặc sự kiện, kiểu dạy một chiều thiếu sinh động lại còn đòi hỏi thuộc lòng thì chuyện học sinh không mặn mà với môn Lịch Sử đã là tình trạng phổ biến bao năm nay.
Tình hình cho thấy tỷ lệ học sinh chọn môn Sử ở các trường rất ít, nghĩa là không tới 10%. Thậm chí tỷ lệ này ở nhiều trường khác là 0%.
Nếu không quan tâm đến việc kiểm tra kiến thức môn Sử thông qua thi cử thì ở một bộ phận nhất định học sinh nó coi nhẹ.
-Ông Trần Hồng Quân
Ông Trần Hồng Quân, cựu bộ trưởng Bộ Giáo Dục Đào Tạo, cho biết:
“Giáo sư Phan Huy Lê nói những vấn đề về nội dung và phương pháp thì tôi đồng tình, chỉ thêm một điều là lâu nay thi cử không coi trọng môn Sử. Sinh viên và học sinh vừa học để hiểu biết vừa học để đối phó với thi cử, nếu không quan tâm đến việc kiểm tra kiến thức môn Sử thông qua thi cử thì ở một bộ phận nhất định học sinh nó coi nhẹ. Sử học là một trong những môn như thế. Đó là lý do tại sao học sinh không chăm học môn Sử.
Đối với ông, không thể coi môn Sử là môn tự chọn mà nên là môn bắt buộc vì:
“Không phải cái thi cử của chúng ta là học môn nào thì thi chừng ấy bài môn đó. Rất có khả năng là chúng ta có những bài thi mang tính thích hợp và đương nhiên là có nội dung môn Sử, thành ra học sinh không thể lơ là môn Sử được mà phải tiếp tục học.”
Trong khi đó, giáo sư Phạm Phụ, nguyên ủy viên Hội Đồng Quốc Gia Giáo Dục, từng giảng dạy tại Đại Học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh, cũng bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của giáo sư Phan Huy Lê rằng chương trình Sử của Việt Nam quá nặng nề, bắt học sinh nhớ qua nhiều chi tiết cũng như sự kiện:
“Nếu vừa thôi thì học sinh còn thích, đây thì những sự kiện nó dồn dập, trong đó nhiều phần mang tính cách chính trị hóa. Ví dụ lịch sử một ngàn năm Bắc thuộc cũng có chứ không phải không nhưng tổng số rất ít. Còn lịch sử cận đại như cuộc kháng chiến vừa rồi thì tỷ trọng từ năm 45 đến nay nó quá lớn, trong đó nhiều phần lồng vào sử của đảng cộng sản Việt Nam, học trò học mãi những thứ đó nó nhàm chán thôi chứ có gì đâu.
Thời chúng tôi học, lấy ví dụ như ông thầy giảng tới Công Xã Paris, giảng xong bọn tôi còn vỗ tay kia mà. Học bây giờ nội dung sách thì nặng nề, quá nhiều sự kiện, thầy giảng nói thật cũng yếu lắm khiến học sinh chán. Thậm chí ở Việt Nam có một ông phó giáo sư trưởng khoa một trường đại học lớn nói rằng Việt Nam không có Khoa Học Xã Hội, tức là những môn Khoa Học Xã Hội trong đó có môn Sử không trình bày bằng những sự kiện mang màu sắc khoa học mà như là cái môn nhằm mục đích tuyên truyền vậy thì người ta nghe mãi người ta chán thôi.
Còn bây giờ làm như thế nào thì tôi nghĩ giáo sư Phan Huy Lê nói vậy thôi chứ chính ông cũng trong nhóm người soạn nên môn Sử hiện nay. Cho nên chính những người đấy tất nhiên cũng có những ràng buộc nhất định nào đấy. Chính những người đấy phải thay đổi cách suy nghĩ của mình thì may ra mới cải tạo được môn Sử.”
Chán học Sử?
Về hiện trạng quá ít học sinh chọn môn Sử, giáo sư Văn Như Cương, nguyên hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh, cho rằng vì phải cân nhắc liên quan đến thi đại học và đa số đi khối A, B, D nên chuyện không chọn môn Sử là một tính toán đương nhiên của các em:
“Hiện nay các em chuyên về các môn Khoa Học Tự Nhiên đông hơn các em đi theo Khoa Học Nhân Văn là vì xã hội Việt Nam đang hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đi vào các ngành Khoa Học Tự Nhiên, Khoa Học Kỹ Thuật là hướng đi có nhiều việc làm cho nên các môn Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn bị xem nhẹ là một thực tế.
Các em nó đi vào các môn Khoa Học Kỹ Thuật, vào Tin Học, vào Kinh Tế là nhiều. Mình phải chấp nhận một thực tế là như thế.
-GS Văn Như Cương
Thi vào đại học chẳng hạn, các môn thuộc khối C theo hướng Văn, Sử Địa tức các môn Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn thì chỉ khoảng 4 hay 5% học sinh đi theo khối C mà thực tế ra tốt nghiệp không có việc làm.
Học môn Sử thì ra làm gì? Nhà nghiên cứu lịch sử thì tất nhiên không nhiều lắm, hoặc làm việc ở viện bảo tàng hay làm ở thư viện thì cũng rất ít. Cho nên các em nó đi vào các môn Khoa Học Kỹ Thuật, vào Tin Học, vào Kinh Tế là nhiều. Mình phải chấp nhận một thực tế là như thế.”
Tuy nhiên, vẫn theo lời giáo sư Văn Như Cương, một xã hội không chú trọng đến Sử, môn Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn mà bị coi thường thì xã hội đó trở nên thiếu sót, khập khểnh và méo mó:
“Thêm vào đó khi môn Sử không còn được hâm mộ nữa và Bộ lại đưa Sử vào môn tự chọn thì đó có thể là một sai lầm của Bộ. Đáng lý ra môn Sử là môn cực kỳ hấp dẫn đối với học sinh, thế nhưng tại sao không đến mức say mê môn Sử mà thậm chí lại còn chán ghét ? Là vì cách dạy của ta, chương trình của ta, sách giáo khoa và cách truyền thụ của thầy giáo làm cho nó khô cứng môn Sử. Trong một thời gian dài môn Sử bị xơ cứng, chính trị hóa thế này thế khác thì đâm ra nhàm chán.
Tất cả mọi người đều mong muốn sắp tới trong cải cách giáo dục thì người ta chú ý hơn nữa đến các môn Khoa Học Xã Hội Nhân Văn, làm thế nào để hấp dẫn trẻ con cho nó thích học.”
Lịch sử, đặc biệt môn Sử dạy cho học sinh, cần đa dạng, trung thực và chính xác, giáo sư Văn Như Cương nói:
“Đừng đưa cái chính trị khô khan áp đặt vào môn Sử. Thí dụ khi nói đến thắng lợi là do dân tộc anh hùng do đảng lãnh đạo do quốc tế giúp đỡ… tất cả những cái nói rập khuôn nhàm chán. Trong lịch sử có phải khi nào cũng thắng cả đâu, có những thất bại, những tổn hại, những chiến dịch này kia thì đôi lúc cũng phải nói. Như thế mới công bằng mới hấp dẫn hơn là chỉ toàn chiến thắng và đi đến thắng lợi cuối cùng. Ví dụ trong sách giáo khoa lịch sử không nói đến Biển Đông, không nói đến Gạc Ma, không nói đến Tàu không nói đến Hoàng Sa Trường Sa của ta bị chiếm đóng thì cũng không tôn trọng lịch sử.”
Còn theo kết luận của giáo sư Phan Huy Lê Hội Khoa Học Lịch Sử, muốn thay đổi thì trước hết phải nhận thức được dạy Sử nhằm mục đích gì, môn Sử giúp đào tạo rèn luyện con người nơi lớp trẻ như thế nào. Bên cạnh đó, giáo viên dạy Sử cũng phải được đào tạo lại mới có thể đáp ứng yêu cầu mới của tiến trình cải cách Sử.