Tranh cãi quanh chuyện Thích Trúc Thái Minh được bổ nhiệm làm chức sắc Quảng Bình
Sự việc bổ nhiệm Đại đức Thích Trúc Thái Minh về làm Phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Bình gây ra nhiều tranh cãi trên cộng đồng mạng thời gian qua bởi thông tin sự luân chuyển này ban đầu được công bố là do Uỷ ban tỉnh này quyết định.
Dù sau đó, cán bộ Ban tôn giáo tỉnh này đã lên tiếng đính chính rằng việc suy cử chức sắc là vấn đề nội bộ của Giáo hội. Tuy nhiên, một số sư thầy mà đài RFA phỏng vấn cho biết sự sắp đặt nhân sự trong Ban trị sự Giáo hội đều phải bàn bạc và được chính quyền thông qua.
Chức sắc hay công chức?
Vào chiều 23/8, trao đổi với mạng báo trong nước, ông Trần Đức Thủy, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Bình, xác nhận đại đức Thích Trúc Thái Minh đã được chấp thuận để giữ chức Phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2022-2027, kiêm trưởng Ban Phật giáo quốc tế tại Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Bình lần thứ IV vừa qua.
Lúc này, ông Thủy nói “Việc bổ nhiệm người ở địa phương khác vào Ban trị sự Giáo hội Phật giáo của tỉnh là rất bình thường. Thẩm quyền luân chuyển bổ nhiệm do Sở Nội vụ và Ủy ban tỉnh quyết định và đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê duyệt”.
Một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng như vậy có phải ông Thích Trúc Thái Minh là một công chức Nhà nước khi chịu sự quản lý, thuyên chuyển của chính quyền tỉnh Quảng Bình.
Facebooker Mai Bá Kiếm, một người thường xuyên theo dõi, bình luận tình hình chính trị, xã hội Việt Nam viết trên trang cá nhân như sau:
“Cán bộ Thích Trúc Thái Minh được "luân chuyển" về Quảng Bình giữ chức vụ Phó Ban Trị sự GHPG tỉnh, kiêm "trưởng Ban Phật giáo quốc tế" tại Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Bình lần thứ IV vừa qua.
Quy trình luân chuyển cán bộ Thích Trúc Thái Minh rất giống luân chuyển cán bộ Nhà nước: Sở Nội vụ và UBND tỉnh Quảng Bình ra quyết định luân chuyển, GHPGVN chỉ phê duyệt…
Giống như cán bộ Nhà nước được luân chuyển, cán bộ Thích Trúc Thái Minh có thể lên chức cao hơn sau năm 2027!”
Chỉ một ngày sau, ngày 24/8, ông Thuỷ - đại diện cho Ban tôn giáo thuộc Sở Nội vụ Quảng Bình - ký một công văn thanh minh cho lời mà ông đã nói trước đó với truyền thông trong nước.
Công văn này ghi rằng việc thuyên chuyển, bầu cử, suy cử, bổ nhiệm và chuẩn y nhân sự tham gia Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2022-2027 là công việc nội bộ của Giáo hội, do Giáo hội lựa chọn và thực hiện. Các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình cũng như Ban Tôn giáo tỉnh không thực hiện việc thuyên chuyển, phê chuẩn, bổ nhiệm.”
Phóng viên RFA gọi điện cho ông Trần Đức Thủy theo số điện thoại được cung cấp trong công văn này, nhưng không có ai nghe máy.
Chúng tôi tiếp tục gọi điện đến Văn phòng Ban tôn giáo tỉnh Quảng Bình để hỏi về vụ việc, thì được một cán bộ cho biết:
“Bây giờ các thông tin liên quan đến thầy Thích Trúc Thái Minh thì lãnh đạo đang bàn bạc, xử lý, giải quyết. Lãnh đạo có chỉ đạo là vụ việc đang còn đợi giải quyết nên không được thông tin ra ngoài.”
Luật quy định thế nào?
Quy định về việc bổ nhiệm, suy cử chức sắc của giáo hội Phật giáo được quy định ở Hiến chương mới nhất của GHPGVN, sửa đổi tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ (2017 - 2022).
Tại Chương VI, Điều 31 quy định về “Nhân sự Ban Trị sự cấp tỉnh” nói rằng danh sách nhân sự phải trình Ban Thường trực Hội đồng Trị sự cấp tỉnh thẩm định, trước khi trao đổi với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cùng cấp.
Về phía Nhà nước, trên trang web của Bộ nội vụ cũng có nêu rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban tôn giáo thuộc Sở nội vụ các tỉnh - thành. Một trong các nhiệm vụ được nêu ra là “nhập tu, bổ nhiệm, phong chức, phong phẩm, thuyên chuyển các chức sắc, chức việc, nhà tu hành trên phạm vị tỉnh”.
Ngoài ra, Ban tôn giáo cấp tỉnh - thành còn có một số chức năng khác như “Làm đầu mối liên hệ giữa chính quyền địa phương và các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh” và “Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các hoạt động quốc tế của chức sắc, nhà tu hành, nhân sỹ tôn giáo theo quy định pháp luật.”
Thực tế ra sao?
Sư thầy có pháp danh là Minh Trí, hiện đang tu tập tại một ngôi chùa ở tỉnh Bình Phước, cho biết, trước mỗi kỳ Đại hội đại biểu Phật giáo, Ban trị sự cấp xã, huyện sẽ chọn người đang tu học ở địa phương, có năng lực đề cử cho các vị trí trong Ban trị sự cấp tỉnh. Sư thầy cũng khẳng định rằng các chức sắc muốn được bổ nhiệm thì phải có sự chấp thuận của chính quyền:
“Ví dụ như thầy tổ chức tu học, làm các công việc từ thiện… mà Ban trị sự Giáo hội thấy thầy có năng lực thì sẽ đề cử thầy vào thành viên Ban trị sự ở xã, rồi lên huyện, rồi lên tỉnh, nếu thấy mình đủ khả năng.
Nếu chức sắc càng cao thì càng phải có sự đồng thuận của bên Nhà nước thì mới được”.
Vị đại đức này từ chối bình luận khi được hỏi về quá trình bổ nhiệm thầy Thích Trúc Thái Minh làm Phó ban tôn giáo Quảng Bình.
Một đại đức khác có pháp danh viết tắt là P.T (không muốn nêu rõ danh tính), thuộc GHPGVN nói với RFA rằng, trên nguyên tắc, các Tăng Ni tại địa phương sẽ chọn ra danh sách những người có năng lực, uy tín trong địa phương để trình cho ban trị sự cấp tỉnh, rồi gởi cho Ban tôn giáo tỉnh đó kiểm duyệt. Nếu không ai có “vướng mắc” gì thì những người có tên trong danh sách đó sẽ được bầu tại Đại hội đại biểu Phật giáo.
Tuy nhiên, trên thực tế, vị đại đức P.T cho biết Ban trị sự cùng với Ban tôn giáo cấp tỉnh đã bàn bạc và tự ấn định luôn ai giữ chức gì trong nhiệm kỳ tới:
“Dĩ nhiên là bên Phật giáo sẽ đưa một cái danh sách lên gồm những người dự kiến sẽ được ứng cử vào vị trí này vị trí kia. Sở Nội vụ sẽ kiểm tra nhân thân, lý lịch, sự uy tín của người đó.
Nếu người đó sai bảo được thì sẽ duyệt. Nhưng nếu cảm thấy người đó ngang ngạnh quá hoặc là không theo đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo thì người ta sẽ loại ra.
Để được cắt cử về làm lãnh đạo chức sắc ở một địa phương thì cũng đã sự thỏa thuận ở phía trên, như là văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo hoặc Ban tôn giáo thuộc Bộ nội vụ rồi.
Những người tu thực sự họ không có ý kiến về những vấn đề đó đâu. Ai lên làm Ban trị sự họ cũng kệ. Bởi vì ý kiến cũng không được gì, càng ý kiến thì càng phiền não, nên chả có ai ý kiến gì đâu.”
GHPGVN có giống các hội của Nhà nước?
Đại đức P.T thừa nhận rằng về thực chất, chức năng, hoạt động của GHPG giống như các hội đoàn Nhà nước. Nó có chức năng góp phần ổn định trật tự xã hội và tuyên truyền đường lối của nhà nước đến người dân là tín đồ Phật giáo:
“Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) nếu nhìn bề ngoài nó hoàn toàn độc lập với Nhà nước nhưng về nội tình ở bên trong thì nó vẫn chịu sự chi phối rất nặng nề.
Bởi vì nó (GHPGVN - PV) gần như là một công cụ để cho chính phủ tuyên truyền về những hoạt động xã hội. Khi cần làm truyền thông về những chính sách cần thiết thì lực lượng tôn giáo này có thể làm rất mạnh mẽ và lôi kéo được quần chúng nhân dân và nó trở thành một công cụ của thế lực cầm quyền.
Có thể coi nó (GHPGVN - PV) là “cánh tay nối dài” của chính phủ để ổn định Phật giáo, văn hóa, chính trị xã hội tại địa phương.”
Tuy nhiên, theo vị đại đức này thì điểm khác biệt giữa GHPGVN và các hội đoàn nhà nước là Giáo hội không dùng ngân sách nhà nước, mà thậm chí, các vị chức sắc phải lo lót cho chính quyền nếu muốn giữ chức cao trong Giáo hội.