Trả lời thư tín
2013.08.09
Mở đầu chương trình hôm nay, Hòa Ái mời quý thính giả nghe tin nhắn sau:
“ Alo…alo…alo….Phải đài ACTD không?...alo…”
Quý thính giả kính mến, Hòa Ái xin được nhắc lại cách thức khi quý vị gọi vào hộp thư thoại tại số 202-530-7775 như sau:
Khi gọi vào hộp thư thoại, quý vị sẽ nghe lời chào mừng được ghi âm của Hòa Ái, sau đó sẽ có 1 câu nói bằng Anh ngữ và 1 tiếng “bíp”. Sau khi nghe tiếng “bíp” này, quý vị vui lòng nói lại những gì quý vị muốn chia sẻ hay chỉ cần nói lại tên và số điện thoại để chúng tôi liên lạc lại cùng quý vị. Quý thính giả ở VN khi gọi vào hộp thư thoại, vui lòng bấm số 001 trước dãy số 202-530-7775.
Trong tuần qua, Hòa Ái cũng nhận được phản ảnh của thính giả về các chương trình phát thanh nghe không rõ, bị phá sóng. Quý thính giả vui lòng truy cập đường kết nối www.soundcloud.com/rfavietnam để nghe được các chương trình phát thanh một cách dễ dàng với chất lượng tốt.
Trong mục “Trả lời Thư tín” tuần trước, Hòa Ái có đăng 1 thắc mắc của thính giả Phương ở New Jersey rằng có ẩn số gì trong cuộc họp báo giữa Tổng thống Obama với Chủ tịch Trương Tấn Sang khi chỉ thấy chiếu 2 cái micro và không thấy hình 1 phóng viên nào, ngay cả thông dịch viên của Tổng thống cũng không thấy mặt. Theo yêu cầu của quý vị, hôm nay, Giám đốc ban Việt ngữ trực tiếp trả cũng như chia sẻ về cách thức tổ chức các cuộc họp báo ở Hoa Kỳ.
Hòa Ái: Xin chào anh Nguyễn Khanh. Mời anh mở lời cùng với thính giả Phương và quý thính giả đang nghe mục “Trả lời Thư tín”.
Nguyễn Khanh: Tôi là Nguyễn Khanh. Xin được cảm ơn vị thính giả mà chị Hòa Ái mới vừa nhắc lại. Và nhân tiện đây cũng xin phép được trình bày như thế này. Tại Hoa Kỳ, đặc biệt là trong những cuộc họp cấp cao, “họp báo” được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Ba hình thức thông dụng nhất gồm có:
Hình thức thứ nhất là trường hợp Tổng Thống Barack Obama và ông Trương Tấn Sang. Báo chí được gọi vào Phòng Bầu Dục, 2 ông phát biểu và sau đó không có phần hỏi đáp. Hôm đó, mỗi ông phát biểu một câu, đại ý trình bày cho biết những gì đã thảo luận với nhau, nhà báo có quyền đặt câu hỏi nhưng trong cương vị chủ nhà, Tổng Thống Obama bảo “đủ rồi, các bạn”, không trả lời ai cả. Cũng hôm đó, Tổng thống Obama có nói với Chủ tịch Trương Tấn Sang rằng “nhà báo chỗ nào cũng thế”, ý muốn bảo các nhà báo lúc nào cũng muốn kéo dài thời gian, đặt câu hỏi, mong có câu trả lời từ phía nhà lãnh đạo.
Hình thức thứ hai là sau phát biểu có trả lời câu hỏi của các nhà báo, nhưng bên Phòng Báo Chí Nhà Trắng nói trước là mỗi bên sẽ được hỏi bao nhiêu câu (thường là 2+2, tức mỗi bên được đặt 2 câu hỏi, không được hỏi thêm).
Điều quan trọng không phải là nhà báo đứng nghe các ông lãnh đạo nói gì, mà sau đó là nhà báo tìm thêm được gì qua những viên chức thân cận nhất của các sếp.
- Nguyễn Khanh
Hình thức thứ ba là họp báo, hai nhà lãnh đạo xuất hiện, báo chí đứng dậy chào, sau đó 2 nhà lãnh đạo phát biểu và cuộc họp báo bắt đầu. Trong cuộc họp báo này, báo chí có quyền đặt mọi câu hỏi họ muốn đặt, chứ không nhất thiết phải hỏi ở một vấn đề nào đó. Thí dụ như Tổng Thống Hoa Kỳ đón Thủ Tướng Đức…các nhà báo được quyền hỏi về những chuyện liên quan đến tình hình kinh tế, lao động hay quốc phòng của Mỹ, chứ không bắt buộc phải hỏi về quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đức…
Hòa Ái: Thưa anh Nguyễn Khanh, thế thì họp báo trong Nhà Trắng có khác biệt gì hay không?
Nguyễn Khanh: Ngoài ra tôi cũng cần phải nói thêm về họp báo ở Mỹ:
Điểm thứ nhất, Nhà Trắng luôn luôn ưu tiên cho các nhà báo của hãng thông tấn lớn như AP, AFP, Reuters hay của các đài truyền hình CNN, ABC, CBS, NBC hoặc của các tờ nhật báo lớn như The New York Times, The Washington Post, The Los Angeles Times… Những nhà báo ưu tiên này được Tổng Thống gọi trước, sau đó mới đến những nhà báo khác (với điều kiện nếu còn thì giờ).
Điểm thứ nhì, khi đồng ý với nhau là mỗi bên có 2 câu hỏi, Nhà Trắng sẽ đưa ra danh sách những nhà báo nào được hỏi. Thí dụ như mở đầu là một nhà báo Mỹ, câu kế tiếp sẽ là một nhà báo Trung Quốc, sau đó lại là 1 nhà báo Mỹ rồi đến nhà báo Trung Quốc.
Điểm thứ ba, vì số lượng nhà báo săn tin ở Nhà Trắng khá đông, nên không phải người nào cũng được vào Phòng Bầu Dục. Phòng Báo Chí Nhà Trắng có sẵn lịch trình làm việc hàng tuần, thí dụ như thứ Hai là việc của đài truyền hình CNN, thứ Ba là ngày của CBS v.v… Những nhà báo đặc trách trong ngày này gọi là “pool”, sau đó có trách nhiệm phải viết tường trình gửi cho các nhà báo khác để mọi đồng nghiệp đều biết chuyện gì xảy ra. Thí dụ như hôm Tổng Thống Obama gặp ông Sang, chỉ có chừng 5 nhà báo Mỹ được chọn vào Phòng Bầu Dục, cộng với gần 20 nhà báo từ Việt Nam sang, khoảng vài chục nhà báo khác phải ngồi ngoài chờ vì không được vào bên trong Phòng Bầu Dục.
Điều quan trọng không phải là nhà báo đứng nghe các ông lãnh đạo nói gì, mà sau đó là nhà báo tìm thêm được gì qua những viên chức thân cận nhất của các sếp. Do đó, báo chí Hoa Kỳ thường nói câu “nguồn tin đáng tin cậy cho biết”, “một giới chức hành pháp cho biết” v.v… Thí dụ: cả ông Obama và ông Sang đều nói đã bàn về phát triển thương mại, nhưng cụ thể bàn thế nào, kết quả ra sao thì 2 ông không nói. Trách nhiệm của các nhà báo là phải tìm cho ra.
Một điều cũng cần chú ý: nhiều khi tìm ra rồi mà không được loan báo. Đồng ý cho loan hay không là quyền của người cho tin. Nếu vi phạm quy định này, lần sao hỏi, họ sẽ không trả lời.
Hòa Ái: Cảm ơn anh Nguyễn Khanh.
Nguyễn Khanh: Một lần nữa xin được cảm ơn vị thính giả đặt câu hỏi này và hy vọng vị thính giả đặt câu hỏi cũng như tất cả quý vị hài lòng với những điểm mà tôi vừa trình bày liên quan đến chuyện họp báo ở nước Mỹ.
Trong thời gian còn lại, Hòa Ái gửi đến quý vị chia sẻ của 1 thính giả giấu tên gửi từ Nga:
“Tôi đã xem tất cả video trên youtube và thấy đài ACTD vào cuộc với nạn mại dâm ở Nga rất tuyệt vời, chân thực, chính xác, có đầy đủ dẫn chứng. Mặc dù đài ko có trụ sở ở Moscow nhưng đã điều khiển từ xa hơn cả Đại sứ quán VN tại Moscow.
Tại sao tôi có thể khẳng định được điều đó vì bản thân tôi hiện tại đang sống ở Moscow nên tôi hiểu hết mọi chuyện đang diễn ra. Thực chất mấy nạn nhân của “An Ộp” nói với đài là hoàn toàn sự thật. Ở Moscow này ai đàn ông mà ko biết ‘mụ’. ‘Mụ’ nổi tiếng là một má mì có số và đứng ở sau ‘mụ’ là cả thế lực đại sứ hùng hậu bao che cho. Có thể lấy dẫn chứng rằng tháng 3 vừa rồi chưa phải là lần đầu tiên đại sứ quán triệu tập mụ lên mà năm 2006 mụ cũng đã từng bị vậy nhưng ko hiểu sao rồi đâu lại vào đó. Giờ tôi vẫn gặp ‘mụ’ ở Moscow vậy.
Xin nói thêm nhé, hiện tại Moscow có khoảng 20 điểm như ‘An Ộp’ vẫn hiển nhiên hoạt động và lừa những cô gái từ VN sang làm việc. Đây cũng là ước muốn của tôi cho các cô gái VN xấu số được giải phóng”.
Và sau đây là ý kiến của thính giả (tạm đọc tên ) Long Lư về đề nghị bà Bộ trưởng Y tế VN từ chức:
“ ‘Mía sâu có đốt. nhà dột có nơi’. Nếu như có bất kì vấn đề gì ở ngành nào thì yêu cầu bộ trưởng của ngành đó từ chức, mà không cần điều tra và xem xét lỗi đó do đâu. Như vậy, có quá cực đoan hay không? Chúng ta cần chờ kết quả điều tra nguyên nhân xảy ra ở khâu nào? Trách nhiệm thuộc về ai? Giả sử bộ trưởng đưa ra ý tưởng tiêm vắc xin viêm gan B tốt cho người dân, quy trình tiêm chủng chặt chẽ, nhưng người thực hiện trực tiếp cuối cùng làm sai quy định gây ra tử vong cho các em. Như vậy, bộ trưởng phải từ chức sao?
Tôi đã xem tất cả video trên youtube và thấy đài ACTD vào cuộc với nạn mại dâm ở Nga rất tuyệt vời, chân thực, chính xác, có đầy đủ dẫn chứng.
- Thính giả từ Nga
Nếu như thế thì: Tại nạn giao thông xảy ra, yêu cầu Bộ trưởng Giao thông từ chức, trẻ em học không lên lớp yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục từ chức, chiến tranh xảy ra người lính hy sinh yêu cầu Bộ quốc phòng từ chức, nhà bị sập yêu cầu Bộ trưởng Xây dựng từ chức.v.v…
Và nếu như thế thì: ông Thủ tướng phải từ chức, vì ông Thủ tưởng chỉ đạo Bộ trưởng, Quốc hội từ chức vì Quốc hội bầu thủ tướng, dân từ chứ vì dân bầu Quốc hội và cứ như thế…Kết quả là không ai dám đứng ra cống hiến cho xã hội của chúng ta. Vì là 1 người thì không có đủ mắt xem xét từng hành động của tất cả những người dưới quyền mình để ngăn chặn kịp thời”.
Hòa Ái xin phép chấm dứt mục “Trả lời Thư tín” tại đây. Trước khi dứt lời, Hòa Ái cảm ơn thính giả Lane Maxi, thính giả Nguyễn Gia Tĩnh, thính giả Baongoc Nguyen, thính giả Jenny Bui cùng những thính giả liên lạc với đài trong tuần qua không muốn nêu tên.Ban Việt ngữ kính mong tiếp tục nhận được những phản hồi của quý vị trong mục “Bạn nghĩ gì” về Nghị định 72 vừa mới ban hành về việc gia tăng các biện pháp kiểm soát internet và mạng xã hội. Hòa Ái trân trọng kính chào. Và hẹn gặp lại trong mục “Trả lời Thư tín” tuần sau.