Luật có thể chế tài thói xu nịnh cấp trên của cán bộ Việt Nam?
2019.05.08
Dư luận trong nước đặc biệt chú ý thông tin về quy định “cấm công chức nịnh sếp” sẽ được luật hóa với với nhiều ý kiến trái chiều. Liệu rằng thói xu nịnh của cán bộ, công chức và viên chức sẽ được cải thiện do luật pháp chế tài?
Đề án Văn hóa công vụ
Đề án số 1847/QĐTTg về Văn hóa công vụ được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký phê duyệt vào ngày 27/12/18, trong đó có nội dung liên quan loại trừ thói xu nịnh của cán bộ và công viên chức nhà nước.
Truyền thông trong nước, vào ngày 08/05/19 dẫn lời của Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân cho biết vừa ký quyết định ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đề án vừa nêu. Ông Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết thêm Bộ Nội Vụ đang nghiên cứu, đề xuất bổ sung các quy định về văn hóa công vụ, trong đó có việc cấm công chức nịnh bợ cấp trên vào Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức sửa đổi và dự kiến hoàn thành trong tháng 12 năm 2019.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, thuộc Bộ Nội vụ được báo giới quốc nội dẫn lời rằng đây là một đề án khó đối với quy định “không nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng” vì còn gặp nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Còn Phó Vụ trưởng Vụ Công chức viên chức, thuộc Bộ Nội Vụ, ông Nguyễn Tư Long, là người trực tiếp soạn thảo Dự thảo luật Cán bộ, công chức và luật viên chức sửa đổi nhấn mạnh rằng kế hoạch của Bộ Nội Vụ chỉ nói “nghiên cứu” đưa các quy định về văn hóa công vụ trong Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức chứ không phải là bắt buộc “phải sửa đổi, bổ sung” vào trong luật.
Nói chung thói quen đó là một thói quen xấu. Nếu có luật cho việc đó thì tốt thôi. Nhưng còn hạn chế được hay không là còn chuyện dài phía sau nữa. Tập tính của người Việt mình đã vậy rồi, không dễ thay đổi đâu
-Một nhân viên Nhà nước
Đài RFA ghi nhận có rất nhiều ý kiến trong dư luận xoay quanh đề xuất này của Bộ Nội Vụ. Không ít người lên tiếng rằng thói xu nịnh là một tập tính xấu luôn tồn tại trong đời sống xã hội của người Việt xuyên suốt chiều dài lịch sử bao đời nay, và từ sau ngày 30/04/1975, thói xu nịnh trong bộ máy nhà nước còn được đánh giá ngày càng tồi tệ hơn, thể hiện qua câu nói cửa miệng là “bằng lòng hơn bằng cấp”.
Ông Hà Quang Vinh, nguyên Phó Chủ tịch huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA về những gì ông nhìn thấy khi còn tại chức:
“Trong ngành công chức, tôi cũng ở trong ngành này một thời gian lâu thì vấn đề nịnh bợ là thường xuyên xảy ra. Người ta gọi là ‘chuyện thường ngày ở huyện’ đó mà. Người ta nịnh bợ cấp trên vì chức, quyền và tiền. Nịnh bợ cấp trên để họ được vững vàng trong ‘cái ghế’ của họ và họ kiếm được nhiều tiền nhờ ‘cái ghế’ của họ thôi. Nói chung, nịnh bợ là một dây chuyền trong hệ thống hành chánh ở Việt Nam.”
Trước khi Đề án về Văn hóa công vụ được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt, Báo Quân Đội Nhân Dân và Báo Đảng Cộng Sản Việt Nam đăng tải nhiều bài viết cổ xúy cho đề án này, với khẩu hiệu “Loại trừ thói xu nịnh là góp phần làm lành mạnh văn hóa công quyền”. Và ngay sau khi đề án này được thông qua, báo giới cũng đưa nhiều ý kiến tranh luận đến với cộng đồng. Một trong những ý kiến được dư luận chú ý là nhận định của Tiến sĩ Phan Quang Anh, thuộc Đại học Quốc gia Singapore, qua cuộc phỏng vấn với Báo Thanh Niên, đăng tải vào ngày 07/01/19. Chúng tôi xin được trích nguyên văn:
“Một hệ thống chưa đủ chuyên nghiệp trong công tác lãnh đạo, yếu năng lực lãnh đạo, tự ti hoặc tự tôn trong thái độ lãnh đạo, hoặc không đảm bảo được các ranh giới quan hệ đều dễ sử dụng hoặc ưa sử dụng những người có hành vi nịnh bợ.”
Luật khả thi?
Vào tối ngày 8 tháng 5, trả lời câu hỏi của RFA liên quan đề xuất luật hóa quy định “cấm nịnh bợ sếp” của Bộ Nội Vụ, một nhân viên là đảng viên làm việc trong ngành cấp thoát nước ở đồng bằng Sông Cửu Long, không muốn nêu tên cho biết quan điểm cá nhân:
“Nói chung thói quen đó là một thói quen xấu. Nếu có luật cho việc đó thì tốt thôi. Nhưng còn hạn chế được hay không là còn chuyện dài phía sau nữa. Tập tính của người Việt mình đã vậy rồi, không dễ thay đổi đâu.”
Trong khi đó, trên mạng xã hội lẫn trên trang fanpage của báo chính thống có nhiều ý kiến thắc mắc thế nào là “nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng” và làm sao phát hiện người nịnh bợ để xử phạt…Bên cạnh đó, còn có ý kiến cho rằng phải đưa cả vào luật để chế tài đối với lãnh đạo là những người “nâng đỡ” nhân viên nịnh bợ vì động cơ không trong sáng, với lập luận nếu cấp trên không ưa thích xu nịnh thì cấp dưới dù có động cơ “trong sáng” hay “không trong sáng” cũng đều vô hiệu hóa.
Một số người mà Đài RFA tiếp xúc bày tỏ rằng nếu đưa các quy định này vào luật thì rất khó thực thi vì nó thuộc về phạm trù đạo đức, không phải phạm trù pháp luật. Ông Hà Quang Vinh lý giải:
“Theo tôi thì họ không bao giờ làm được luật này đâu. Bởi vì đây là vấn đề liên quan lương tri của con người trong xử lý công việc là không được nịnh bợ, vì như vậy là đánh mất bản thân của mình. Thế thì làm sao mà dùng luật lệ để bắt người ta phải không nịnh bợ được?”
Trong ngành công chức, tôi cũng ở trong ngành này một thời gian lâu thì vấn đề nịnh bợ là thường xuyên xảy ra. Người ta gọi là ‘chuyện thường ngày ở huyện’ đó mà. Người ta nịnh bợ cấp trên vì chức, quyền và tiền. Nịnh bợ cấp trên để họ được vững vàng trong ‘cái ghế’ của họ và họ kiếm được nhiều tiền nhờ ‘cái ghế’ của họ thôi. Nói chung, nịnh bợ là một dây chuyền trong hệ thống hành chánh ở Việt Nam
-Ông Hà Quang Vinh
Trong những năm gần đây, các cơ quan trực thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cũng thừa nhận nhiều vụ việc tham nhũng, chạy chức, chạy quyền xuất phát từ thói xu nịnh. Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tại buổi gặp mặt đại diện Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hồi ngày 10 tháng 4 vừa qua, đã nói rằng ông “xót ruột khi đạo đức xuống cấp” và hàng loạt quy định được ban hành như Quy định nêu gương, chống chạy chức chạy quyền, chạy bằng cấp…để kỷ kỷ luật, răn đe các cán bộ sai phạm.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận giới quan sát tình hình Việt Nam ở trong nước luôn khẳng định vì cơ chế và hệ thống tham nhũng nên sản sinh ra những khái niệm rất “phản văn hóa” trong bộ máy công quyền như “văn hóa” phong bì, “văn hóa” chạy chức chạy quyền, “văn hóa” chửi đổng, “văn hóa” làm nhục, “văn hóa” nịnh bợ…; do đó không có quy định nào hay luật nào có thể chế tài hoặc thực thi có hiệu quả nếu như không có giám sát độc lập.
Riêng đề xuất mới nhất của Bộ Nội Vụ về bổ sung các quy định về văn hóa công vụ, trong đó có việc cấm công chức nịnh bợ cấp trên vào Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức sửa đổi, thì một số người lên tiếng phản đối vì cho là tiền thuế của dân được chi vào những việc vô bổ để cán bộ cấp bộ “thừa giấy vẽ voi”.