Vì sao có hỗ trợ, nhưng kinh tế VN vẫn bị COVID-19 thổi bay nỗ lực tăng trưởng suốt 30 năm?

RFA
2020.07.06
000_1UG92H-960 Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 2/7/2020.
AFP

Tăng trưởng GDP giảm kỷ lục

Thông tin từ ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia - Tổng cục Thống kê, tại một cuộc cuộc họp báo mới đây cho thấy từ năm 1991 đến nay, chưa bao giờ tăng trưởng GDP của Việt Nam quý 2 chỉ đạt 0,36%, mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 6 tháng 7 năm 2020 về việc này cho biết, khi Việt Nam đã đặt ưu tiên hàng đầu lên chống dịch và hạn chế các hoạt động kinh tế, nhất là giao lưu kinh tế giữa Việt Nam với nước ngoài, thì rõ ràng ảnh hường đến kinh tế là không thể tránh khỏi. Theo bà, trong trường hợp này chính phủ đã xác định phải hy sinh một phần tăng trưởng kinh tế hoặc những lợi ích kinh tế, cho việc phòng chống dịch. Phải đánh đổi, phải có sự lựa chọn, chứ không thể được cả hai, vừa phòng chống dịch mà vừa vẫn tăng trưởng kính tế bình thường. Bà nói tiếp:

“Sau khi đã khắc phục được dịch và dần dần mở cửa như thế nào, phát triển kinh tế như thế nào thì đây còn là điều Việt Nam phải cố gắng thêm. Vì việc mở cửa chỉ mới diễn ra chứ chưa lâu, nhất là dù Việt Nam muốn mở cửa trở lại mạnh hơn nữa, rộng hơn nữa, nhưng các nước đối tác của Việt Nam chưa khắc phục được dịch, vẫn còn phải hạn chế giao thương, kể cả con người lẫn hàng hóa, thì điều đó chắc chắn ảnh hưởng đến Việt Nam, vì các hoạt động kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào các thị trường bên ngoài.”

Không chỉ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm của Việt Nam xuống thấp như hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp hiện nay của Việt Nam cũng cao nhất trong 10 năm qua.

Thất nghiệp tăng cao

Tính đến tháng 6 năm 2020, có đến 7,8 triệu lao động tại Việt Nam bị mất việc làm hoặc nghỉ việc luân phiên, giãn việc... vì đại dịch Covid-19. Ngoài ra còn có đến gần 40 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Những quy định để có thể nhận trợ cấp đối với các doanh nghiệp theo tôi là quá ngặt nghèo, cho nên cho tới bây giờ, hầu như chưa có doanh nghiệp nào nhận được gói hỗ trợ này.
-TS. Lê Đăng Doanh

Người lao động mất việc do đã có 35.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, và có đến 75% số doanh nghiệp đăng ký phải thu hẹp quy mô lao động, chỉ trong quý I năm 2020.

Trong số đó, doanh nghiệp cho nhiều lao động nghỉ nhất là Công tyPouYuen Việt Nam dự kiến từ nay đến hết tháng 8 năm 2020 sẽ chấm dứt hợp đồng lao động 2.786 người; Công ty Dệt may Huê Phong sẽ cắt giảm hơn 2.000 lao động; Công ty gỗ Woodworth Wooden dự kiến cắt giảm hơn 2.000 lao động...

Đơn cử tại TPHCM, nền kinh tế lớn nhất Việt Nam, chưa lúc nào lao động ở địa phương này mất việc nhiều như hiện nay. Theo Cục Thống kê, sáu tháng đầu năm 2020 đã có hơn 327.000 lao động bị thôi việc, gần 14.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Do thiếu nguyên liêu, đơn hàng, khoảng 8.400 doanh nghiệp có khả năng dừng hoạt động phải cắt giảm lượng lớn lao động.

Khó tiếp cận hỗ trợ

Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng được nhà nước Việt Nam ban hành theo Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15 của Chính phủ, nhằm giúp đỡ các đối tượng bị mất nhiều thu nhập, mất việc, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, tính đến ngày 2/7/2020, tổng kinh phí hỗ trợ người dân khó khăn do đại dịch COVID-19 hiện chỉ mới đạt 17.500 tỷ đồng, tương đương gần 30% gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của chính phủ Hà Nội.

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 18/6/2020.
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 18/6/2020.
AFP

Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 6 tháng 7 năm 2020 liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng nguyên nhân một phần do những quy định để nhận hỗ trợ quá ngặt nghèo:

“Covid-19 gây ra các tác động rất tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam, số người bị thất nghiệp lên đến 8 triệu người có hợp động lao động. Ngoài ra còn 13 triệu người nữa bị giảm thời gian làm việc, cũng cần trợ giúp. Ngoài ra cũng cần lưu ý số hộ gia đình và lao động tự do, của khu vực kinh tế phi chính thức, bị mất việc cũng tăng thêm. Chính phủ có gói hỗ trợ cho những lao động có hợp đồng chứng minh được mình bị mất việc... do đó TPHCM có yêu cầu bổ sung thêm những lao động tự do vào diện được hưởng trợ cấp. Ngoài ra, chính phủ cũng có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp nếu như chứng minh được đã ngừng việc 3 tháng, gặp khó khăn. Những quy định để có thể nhận trợ cấp đối với các doanh nghiệp theo tôi là quá ngặt nghèo, cho nên cho tới bây giờ, hầu như chưa có doanh nghiệp nào nhận được gói hỗ trợ này.”

Tại Hội nghị bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) hôm 29/6/2020, đại diện các Doanh nghiệp cho biết khó tiếp cận và thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của chính phủ. Ví dụ như doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện như không có doanh thu, bị cắt giảm 50% lao động... Ngoài ra, điều kiện tài chính bằng 0 mới được vay là rất khó tiếp cận.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng chính phủ phải xem xét thêm, để làm sao tăng cường hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ người dân bị dịch bệnh làm ảnh hưởng cuộc sống, và hỗ trợ các doanh nghiệp sớm khắc phục tình trạng bị đình trệ do Covid-19. Vì khi doanh nghiệp phục hồi thì nền kinh tế mới có khả năng phục hồi. Theo Bà, có hai mặt hạn chế cần khắc phục:

“Thứ nhất, toàn bộ gói tiền ngân sách sẵn sàng bỏ ra để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch là khá lớn, nhưng trong quá trình thực hiện không kịp thời và đủ mức để giúp cho sự hồi phục của người dân, cũng như các lĩnh vực kinh tế khác nhau. Về việc này chính phủ cần có những hệ thống để kiểm tra giám sát và thúc đẩy thực hiện tiếp những chính sách đã đề ra về lĩnh vực này. Những chính sách này là đúng, nếu thực hiện tốt thì sẽ hiệu quả hơn nhiều so với tình trạng hiện nay.”

Thứ hai theo Bà Phạm Chi Lan, hiện nay không chỉ Việt Nam, các nước trong khu vực cũng đều đang cố gắng thu hút đầu tư mới, tận dụng cơ hội các nước phương Tây dịch chuyển chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu từ Trung Quốc về nước họ một phần, và một phần chuyển sang nước khác. Các nước gần Trung Quốc đang có lợi thế về việc này. Tuy nhiên Bà nói tiếp:

Chính phủ cần có những hệ thống để kiểm tra giám sát và thúc đẩy thực hiện tiếp những chính sách đã đề ra về lĩnh vực này. Những chính sách này là đúng, nếu thực hiện tốt thì sẽ hiệu quả hơn nhiều so với tình trạng hiện nay.
-Bà Phạm Chi Lan

“Để giành được sự đầu tư đó thì các nước cũng phải có sự cố gắng nhất định. Riêng Việt Nam cần phải có nỗ lực liên quan như: cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, cải cách những điều kiện về hạ tầng, để làm sao tăng thu hút đầu tư nước ngoài hơn. Nhất là chất lượng nguồn nhân lực, làm sao có thể có nguồn lao động đáp ứng được chuỗi giá trị mới. Nhưng đào tạo kỹ năng người lao động trong một thời gian ngắn là việc hết sức khó khăn. Tiếc rằng lâu nay Việt Nam nói nhiều về việc này, nhưng thực sự chưa làm được nhiều lắm, để có thể đáp ứng những yêu cầu mới. Ngay cả nội lực đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước cũng cần những yếu tố tôi vừa nói là thể chế, môi trường kinh doanh và nguồn nhân lực...”

Kinh tế Việt Nam: Nhiệm vụ khả thi?

Trước những khó khăn vừa nêu, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam – Anh Quốc tại Đại học Lincoln, Vương quốc Anh tuần qua có bài phân tích cho rằng, dù đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhưng cũng lo ngại về làn sóng bùng phát dịch lần 2, rất có thể làm cho tình trạng sụt giảm tăng trưởng kéo dài.

Do đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 là từ 3% đến 4%, dù có giảm so với mức 6,8% đưa ra trước đó, song theo Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam – Anh Quốc, đây vẫn là nhiệm vụ bất khả thi.

Liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nhận định:

“Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự báo năm nay chỉ tăng trưởng 2,9%, nhưng Việt Nam đặt mục tiêu cao hơn là từ 3% đến 4%. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đang yêu cầu các tỉnh cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu đó. Tôi rất mong, các Bộ, các tỉnh sẽ có giải pháp cải cách, giảm bớt các điều kiện kinh doanh, các giấy phép con, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân, các hộ gia đình có thể vương lên, tạo công ăn việc làm, giúp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng từ 3% đến 4% mà chính phủ đặt ra.”

Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, mục tiêu GDP đó là mong muốn, nếu tính toán theo các điều kiện của Việt Nam thì bà cho rằng có thể đạt được. Tuy nhiên cũng có những yếu tố ngoài vòng kiểm soát của Việt Nam, nên khó có thể lường trước. Bà nói tiếp:

“Ví dụ như dịch bùng phát lần thứ hai ở những nước là đối tác quan trọng của Việt Nam, thì nó sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Nhưng ngoài ra còn có những nhân tố mới, ví dụ như gần đây Trung Quốc đưa ra cảnh báo về dịch cúm trên heo, từ heo có thể lây sang người và con vật khác, thì đấy sẽ là đe dọa rất lớn cho một nước ngay cạnh Trung Quốc như Việt Nam. Thì những tính toán mục tiêu GDP lúc bấy giờ chưa có yếu tố dịch heo có thể xảy ra.”

Nhưng Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, vẫn có thể hy vọng tăng trưởng, nếu có thêm một số điều kiện khác từ bên ngoài, ví dụ EU sớm đưa vào thực hiện EVFTA, hay những quốc gia đối tác thúc đẩy phát triển kinh tế của nước họ, thì cũng có thể thúc đẩy được phần nào kinh tế Việt Nam, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 3% đến 4% của mình.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.