COVID-19 được phát hiện trở lại và bài học vừa qua!
2023.04.20
Tối 18 tháng 4 năm 2023, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành văn bản hỏa tốc về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện hàng loạt biện pháp phòng, chống dịch; đẩy mạnh tổ chức tiêm chủng vắc xin…
Cùng ngày, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tình hình số ca mắc COVID-19 tại thành phố đang có chiều hướng gia tăng. Theo đó, trong tuần qua, thành phố ghi nhận 33 ca nhiễm, tăng hơn 6 lần so với trung bình 4 tuần trước đó. Thêm vào đó, cả nước sắp nghỉ lễ 30 tháng 4 và 1 tháng 5 nên mức độ lây nhiễm COVID-19 có nguy cơ tăng cao.
Liệu Việt Nam có bùng phát dịch lần nữa hay không, là điều nhiều người lo lắng. Bác sĩ Đinh Đức Long nhận định:
“Theo cá nhân tôi nghĩ, người ta đã coi COVID-19 như là một loại cúm mùa. Mà cúm mùa thì nó đâu có gì đặc biệt nữa đâu. Năm nào chả có. Chẳng qua cúm mùa này gọi tên là COVID-19 thôi. Cúm hàng năm là chuyện thông thường. Riêng COVID-19 thì đã có vắc-xin chính phủ Mỹ cho và bán cho chính phủ Việt Nam rồi.
Thực ra là những người thuộc nhóm nguy cơ cao, sức đề kháng kém là những người dễ bị phơi nhiễm, dễ bị mắc bệnh. Còn những người khỏe mạnh thì khả năng ít hơn.
Bây giờ nếu dịch ở đâu đó bùng lên thì người ta cảnh báo. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tiêm ngừa rồi thì khả năng miễn dịch vẫn còn kéo đến bây giờ. Không có vaccine thì cả thế giới đều bị và chết chứ có phải riêng Việt Nam đâu. Biến thể thì có nhưng về cơ bản thì bản chất giống nhau. Hơn nữa có miễn dịch chéo. Tiêm vắc-xin này cũng có thể ngừa được bệnh khác mà. Hiện nay COVID-19 ở Việt Nam hoàn toàn trong vòng kiểm soát.”
Hôm 12 tháng 4 năm 2023, Bộ Y tế Việt Nam ra công văn khẩn cảnh báo về tình hình dịch bệnh COVID-19 đang lây lan nhanh và số ca nhập viện tăng từ đầu tháng 4. Bộ này đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục, giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; không để COVID-19 bùng phát trở lại.
Không để dịch bùng phát thì chuyện đó khó. Nhưng nếu có dịch thì phải sống chung với dịch thôi. Chắc chắn nhà nước Việt Nam sẽ không thực hiện chính sách xét nghiệm đại trà như trước. Cách xét nghiệm này được công nhận là sai cách. Bây giờ chỉ khuyến khích người dân chích ngừa, nhất là những đối tượng dễ tổn thương. - Bác sĩ Nguyễn Viện
Theo Bác sĩ Nguyễn Viện ở Thành phố Hồ Chí Minh, chuyện ngăn chặn dịch bùng phát trở lại là điều không dễ nhưng cũng không khó. Nhưng chắc chắn cách chống dịch của chính phủ sẽ khác trước. Ông nói:
“Cái cách đối phó chắc chắn sẽ khác hồi trước. Cái cách truy vết, cô lập, cách ly những ca mới được cho là thành công trong giai đoạn đầu, khi số nhiễm bệnh rất ít. Mà cách đó chỉ có Việt Nam làm được với lực lượng, hệ thống cũng như cách tổ chức xã hội giống với Trung Quốc. Nước khác họ không làm được.
Không để dịch bùng phát thì chuyện đó khó. Nhưng nếu có dịch thì phải sống chung với dịch thôi. Chắc chắn nhà nước Việt Nam sẽ không thực hiện chính sách xét nghiệm đại trà như trước. Cách xét nghiệm này được công nhận là sai cách. Bây giờ chỉ khuyến khích người dân chích ngừa, nhất là những đối tượng dễ tổn thương.”
Chiến lược dập dịch của Việt Nam ở giai đoạn đầu là sử dụng các biện pháp cách ly tập trung, phong toả diện rộng và xét nghiệm, truy vết người nhiễm COVID-19. Cách này được cho là phát huy được hiệu quả, duy trì được số ca nhiễm ở mức vài chục ca mỗi ngày.
Đến tháng 4 năm 2021, Việt Nam hứng chịu đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm trong lúc chưa có vắc-xin. Lúc bấy giờ, chính phủ Việt Nam cho áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có gây hoang mang trong dân chúng như giãn cách xã hội theo các chỉ thị 15, 16, rồi chỉ thị 16 tăng cường của Chính phủ; chạy đua làm xét nghiệm để tìm F0 trong cộng đồng, gõ cửa từng nhà để đưa hàng loạt F0, F1 đi cách ly, điều trị tập trung...
Người dân cảm thấy bất an với hàng loạt chỉ thị được Chính phủ ban hành bị coi là trái hiến pháp và pháp luật khi ngăn cản người dân đi lại, cấm đoán các hoạt động kinh tế, tước đoạt nhiều quyền tự do khác của người dân. Giãn cách nối tiếp giãn cách với hàng loạt công văn được ban hành. Khắp nơi mọc lên các chốt kiểm tra y tế, hàng rào kẽm gai giăng đầy. Cảnh sát giao thông cùng nhân viên nhà chức trách thường xuyên kiểm tra, xử phạt hành chính những người ra đường không có giấy phép.
Rất nhiều người dân khi trao đổi với RFA sau đó đều cho biết, những tháng vừa qua họ sống trong ác mộng với cách chống dịch coi người bệnh như tội phạm của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.
Trao đổi với RFA sáng 20 tháng 4 năm 2023, Bác sĩ Võ Xuân Sơn cho rằng, nếu dịch bùng phát trở lại thì chuyện chống dịch không khó nếu chính phủ thực hiện được hai điều sau:
“Trước tiên, chính phủ phải tôn trọng các chuyên gia y tế và nghe theo khuyến cáo của họ. Thứ hai, chính phủ phải kiểm soát được người của mình. Người của chính phủ tham nhũng quá trời. Làm đủ trò cho dịch nó tăng lên để mà trục lợi. Chỉ cần thực hiện hai điều đó thì tôi nghĩ dịch không còn là vấn đề căng thẳng nữa nếu nó bùng phát trở lại.
Nếu người ta không vì những cái trục lợi trong chống dịch để đưa ra những quy định này, quy định nọ và coi con người có ‘ký lô’ hơn thì mọi chuyện sẽ khác. Tôi nghĩ, những bài học rút ra từ đợt dịch trước nó quá rõ ràng, quá hiển nhiên rồi. Vấn đề bây giờ là có làm hay không mà thôi.”
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, ngay từ ban đầu, chính quyền đã sai khi chủ trương ‘cách ly tập trung’, bởi ‘cách ly’ tức là cô lập mà lại có chữ ‘tập trung’ trong đó làm sao cô lập. Lối cách ly lạ lùng này được cho là nguyên nhân gây lây nhiễm chéo giữa những người bị ‘nhốt chung’.
Trước tiên, chính phủ phải tôn trọng các chuyên gia y tế và nghe theo khuyến cáo của họ. Thứ hai, chính phủ phải kiểm soát được người của mình. Người của chính phủ tham nhũng quá trời. Làm đủ trò cho dịch nó tăng lên để mà trục lợi. Chỉ cần thực hiện hai điều đó thì tôi nghĩ dịch không còn là vấn đề căng thẳng nữa nếu nó bùng phát trở lại. - Bác sĩ Võ Xuân Sơn
Bác sĩ Đinh Đức Long nói với RFA vào tháng 9 năm 2021:
“Các nước chống dịch phải dựa vào các chuyên gia dịch tễ học lâm sàng, tức là các nhà y học chuyên ngành về lâm sàng. Đằng này, Việt Nam, cụ thể là thành phố Hồ Chí Minh lại chống dịch dựa vào các nhà chuyên gia về hành chính công. Mà nói về luật hành chính, quan hệ hành chính là quan hệ phục tùng. Nghĩa là cấp dưới phục tùng cấp trên.
Như vậy tư duy chống dịch của họ sai khi chống dịch bằng quan hệ hành chính. Tư duy đó là tư duy trấn áp, mệnh lệnh. Không thể ra lệnh cho con vi-rút không được phát triển. Theo tôi, cách chống dịch hiện nay là ‘chống dịch theo định hướng xã hội chủ nghĩa’.”
Tại hội nghị trực tuyến Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh hôm 25 tháng 7 năm 2021, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên thừa nhận không khống chế được dịch là khuyết điểm của hệ thống chính trị, khuyết điểm của người đứng đầu các cấp. Ông Nên cũng cho rằng, việc giãn cách của người dân không hoàn toàn nghiêm túc làm ảnh hưởng đến hiệu quả phòng, chống dịch.
Hậu quả của cách chống dịch sai lầm ngay từ ban đầu của giới lãnh đạo Việt Nam bị cho là nguyên nhân gây ra cái chết cho hơn 43 ngàn bệnh nhân; cả ngàn đứa trẻ lâm cảnh mồ côi.