Nông dân nuôi bò sữa bị vắt kiệt

RFA
2018.05.09
000_V595K Một trang trại bò sữa.
AFP

Mấy ngày qua, dư luận lại bàn tán về nghề nuôi bò sữa sau khi trên mạng lan truyền đoạn video clip ghi cảnh một người đàn ông chở sữa đến một đại lý thu mua của công ty cổ phần sữa VN – Vinamilk tại thị xã Thái Hòa, Nghệ An và sau đó tức giận đổ hết số sữa chở đến lênh láng ra sân. Vừa đổ, anh vừa nói lớn: “Tôi phải đòi lại công bằng cho mọi người, không có lý do gì mà giảm giá sữa. Từ 14 nghìn/lít giờ còn 8 nghìn là thế nào?”

Ngay sau khi đoạn clip được loan tải, nhiều hộ nông dân nuôi bò sữa cho biết thông thường với giá sữa là 14.000 đồng/kg nhiều hộ đã phải bỏ nghề vì không lãi lời gì. Huống chi là giảm xuống 8.000 đồng thì không đủ tiền thức ăn nuôi bò.

Về phía công ty Vinamilk cũng đã lên tiếng với đại ý là sữa của anh nông dân này không đạt chất lượng đề ra nên bị trả giá thấp hơn.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra trường hợp nông dân nuôi bò đổ bỏ sữa đi. Trước đây có những hộ đổ hàng chục tấn sữa tươi xuống sông vì không bán được. Hay những vụ người dân mang sữa ra tắm cũng vì giá cả quá bèo bọt.

Chúng tôi tìm đến huyện Củ Chi, TP.HCM, địa phương hiện có 60 ngàn bò sữa. Nơi đây có hộ cho biết phất lên nhờ bò sữa, nhưng cũng không thiếu những hộ dở khóc dở cười, thậm chí phá sản, nợ nần vì sữa mất giá.

Một anh nông dân nuôi bò sữa chia sẻ:

Với Vinamilk, làm tốt thì được giá 14.000 đồng/lít, nếu làm trung bình thì giá 12.000 đồng, giá 10.000 cũng có, thậm chí 7.000 hay 7.500 cũng có.

Vinamilk nó nói làm tốt hay không làm tốt rồi đem mẫu về thì công ty thử mình đâu có biết được. Nó muốn cho lên thì lên, muốn cho xuống thì xuống. Nó muốn trừ sao thì trừ, muốn chặt chém sao thì chặt.

Anh cho biết giá sữa ngày một đi xuống trong khi các chi phí đầu vào như thức ăn chăn nuôi thì ngày càng lên cao. Anh cũng cho biết phía công ty dùng nhiều mánh khóe để trục lợi từ người dân:

Nó muốn trả bao nhiêu thì nó trả chứ đừng nói chuyện mình làm tốt hay không làm tốt. Vinamilk nó còn chơi gian xảo, có ăn nhậu thì có giá cao. Có trạm còn cân gian, xách lên xách xuống là mất 1 ký. Hai lần là mất 2 ký. Đủ thứ trò nó chặt chém mình hết.

Chuyện công ty kiểm định sữa được người nông dân này ví như bầu cử ở Việt Nam, nói sao thì biết vậy, chứ không có sự minh bạch:

Hai tuần lễ vừa rồi không thu mua sữa. Mình đổ bỏ chứ bán cho ai được. Mình muốn đổ bỏ hay làm gì thì làm nó đâu quan tâm đâu. Thậm chí nó cắt cả hợp đồng.

Nó lấy sữa về công ty muốn chấm sao thì chấm chứ có minh bạch đâu mà dân biết. Tóm lại cũng như chính quyền của mình vậy thôi. Bầu cử cũng vậy, muốn đưa ai lên thì đưa chứ dân đâu có biết.

Nó lấy sữa về công ty muốn chấm sao thì chấm chứ có minh bạch đâu mà dân biết. Tóm lại cũng như bầu cử của chính quyền vậy.
- Nông dân nuôi bò

Anh chia sẻ người dân rất bất bình nhưng vì chén cơm nên họ đành  im lặng. Bởi vì, nếu “ý kiến” nhiều sẽ bị trả thù bằng cách cắt hợp đồng. Anh nói, dân nuôi bò sữa như “cá nằm trên thớt, họ muốn chặt đâu thì chặt thôi.”

Nói về vụ việc người nông dân ở Nghệ An bức xúc đổ sửa đi vì bị trả giá có 8000 đồng/ kg, anh nói rằng bức xúc là đúng bởi vì với giá thu mua như vậy người dân sẽ lỗ vốn. Ở khu xóm quanh nhà anh, có nhiều trường hợp đã phải bán bò vì bị ép giá sữa xuống quá thấp, trong khi chi phí chuồng trại và thức ăn cho bò quá cao. Nhưng khi bán bò đi rồi họ vẫn bị rơi vào cảnh nợ nần vì một con bò lúc mua từ 50-60 triệu đồng như khi bán chỉ được khoảng 20 triệu đồng/con.

Để người nông dân phải lâm vào tình cảnh như vậy anh cho rằng có phần lỗi của Nhà nước:

Nhà nước, nông dân và doanh nghiệp phải liên kết với nhau nhưng đằng này Nhà nước lại không can thiệp. Bởi vậy, doanh nghiệp muốn làm sao thì làm, nông dân chỉ có con đường chết thôi. Nhà nước chỉ lo cho mấy thằng doanh nghiệp chứ đâu có lo cho dân.

Trả lời câu hỏi phía doành nghiệp có hỗ trợ gì để nông dân đạt được các tiêu chuẩn sữa họ đề ra hay không? Anh nông dân nói:

Tư vấn thì có, chứ hỗ trợ thì không bao giờ. Tư vấn như lấy sữa thế này, tiệt trùng thế kia, máy móc rồi can xô,… Nói sao thì nghe vậy chứ đâu có dám ý kiến ý cò gì.

Một hộ nông dân khác cũng than phiền nghề nuôi bò sữa giờ đây không đủ sống:

Hồi nào đến giờ chị toàn bỏ hơn 10 ngàn. Như vậy là xuống dữ lắm rồi đó chứ lúc đầu là 12 ngàn. Đợt vừa rồi tự nhiên họ nói có chín ngàn mấy. Giờ nghề bò sống đâu có nổi đâu.

Tính đến năm 2017, ngành chăn nuôi bò sữa ở VN đã tăng lên đạt hơn 300 ngàn con với sản lượng sữa là gần 900 ngàn kg. Bộ Nông nghiệp- Phát Triển Nông Thôn đề ra mục tiêu đến năm 2020 phải đạt 500 ngàn con bò sữa. Các địa phương “thủ phủ” của ngành bò sữa ở VN bao gồm Củ Chi, Lâm Đồng, Ba Vì, Sơn La,…

Nhà nước thì muốn mở rộng quy mô ngành nuôi bò sữa, trong khi nông dân lại nói họ không được hỗ trợ và thường xuyên bị ép giá tới mức phải bỏ nghề.

RFA trao đổi với Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết vấn đề này xảy ra với nhiều loại nông sản ở VN, chứ không chỉ riêng sữa bò:

Nhà nước đã có chủ trương xây dựng chuỗi giá trị, tức là liên kết anh nông dân với doanh nghiệp để doanh nghiệp giúp cho họ đầu ra. Tuy nhiên có thể nói cho đến bây giờ, quá trình liên kết này có thể nói chưa phải là một thành công phổ biến. Một số ngành và địa phương thì làm tốt nhưng còn rất nhiều ngành và địa phương làm chưa tốt chuyện này. Trong đó đặc biệt là những nông sản phải qua chế biến như sữa, mía đường, cao su, giấy thì vẫn thực sự là mối lo cho cả hai phía là anh nông dân và doanh nghiệp.

Về vấn đề thể chế thì phải có chính sách để nông dân liên kết lại với nhau thành các hợp tác xã hay các tổ hợp tác để họ có tiếng nói mạnh mẽ hơn
- TS Đặng Kim Sơn

TS. Hoàng Kim Giao, nguyên Cục trưởng Cục chăn nuôi bổ sung:

Chính sách thu mua giữa các công ty thu mua sữa cho dân và người chăn nuôi chưa gặp nhau về lợi nhuận. Do giá sữa bột của thế giới xuống thấp hơn so với giá sữa tươi nên công ty thu mua sữa tươi thường hay bị lỗ.

Từ những khó khăn này, TS. Đặng Kim Sơn cho rằng, để xử lý vấn đề đầu ra cho nông sản của nông dân VN thì điều đầu tiên cần giải quyết là cung cấp thông tin thị trường cho nông dân để họ biết trồng cây gì, nuôi con gì. Ông đưa ra thêm một đề xuất khác:

Về vấn đề thể chế thì phải có chính sách để nông dân liên kết lại với nhau thành các hợp tác xã hay các tổ hợp tác để họ có tiếng nói mạnh mẽ hơn, có tầm cỡ và vị thế tương đương với các doanh nghiệp. Từ đó, có sự bàn bạc, thống nhất cân bằng giữa người nông dân và doanh nhân.

Không chỉ riêng với sản phẩm sữa bò mà các nông sản khác như thịt heo, chuối, tiêu, chanh leo,… cũng nhiều lần bị ép giá khiến người nông dân lâm vào cảnh khốn cùng

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.