Xóa tiêu cực trong sở hữu chéo ngân hàng
2012.11.23
Không vi phạm pháp luật?
Báo điện tử Dân Trí ngày 21/11/2012 nhận định : vụ “Bầu Kiên” bị bắt là câu chuyện điển hình về sở hữu chéo và lợi ích cục bộ. Tờ báo trích lời Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình, theo đó sở hữu chéo là vấn đề mang tính lịch sử, và không có qui định nào cấm các ngân hàng nắm giữ cổ phiếu của các ngân hàng khác cũng như không cấm việc các cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phiếu của nhiều ngân hàng khác nhau.
Xin nhắc lại, ngày 20/8/2012 nhà tài phiệt Nguyễn Đức Kiên bị bắt, hai ngày sau Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công an điều tra xử lý nghiêm minh về điều ông gọi là tội phạm thâu tóm ngân hàng. Website Chinhphu.vn ngày 22/8/2012 đã đặt tựa lớn nguyên văn như sau: “Về tội phạm thâu tóm ngân hàng: Thủ tướng yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm minh bất kỳ đó là ai.” Mới đây ngày 21/11 chúng tôi vẫn truy cập được bản tin này. Tuyên bố của thủ tướng được cho là có mâu thuẫn với phát biểu của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình mà Báo Dân Trí vừa trích thuật.
Tôi hoàn toàn không đồng ý với nhận định của Thủ tướng cho rằng thâu tóm ngân hàng là một tội hình sự… hoàn toàn không phải như vậy.LS Bùi Quang Nghiêm
Ở khía cạnh luật pháp, sau vụ bắt Bầu Kiên và chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Luật sư Bùi Quang Nghiêm phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM khi trả lời chúng tôi đã nhận định:
“Tôi cho rằng Bộ Luật hình sự của Việt Nam không qui định hành vi thâu tóm ngân hàng là tội hình sự. Tức là tôi có nhiều tiền, tôi mua cổ phiếu của ngân hàng hoặc nhiều ngân hàng, luật Việt Nam không cấm…Và hành vi mà tôi có nhiều tiền tôi mua cổ phiếu ngân hàng hoặc tham gia vào nhiều ngân hàng với tỷ lệ sở hữu cao đấy không phải là tội hình sự. Tôi hoàn toàn không đồng ý với nhận định của Thủ tướng cho rằng thâu tóm ngân hàng là một tội hình sự… hoàn toàn không phải như vậy.”
Vẫn theo Dân Trí điện tử, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình tuy xác định sở hữu chéo không phạm luật, nhưng trong quá trình phát triển, xuất hiện tình trạng việc vay mượn, đầu tư chồng chéo lẫn nhau giữa các cổ đông của ngân hàng, các công ty con của ngân hàng vào những ngân hàng khác và tạo ra chuỗi sở hữu phức tạp…có nguy cơ khiến các ngân hàng gặp phải rủi ro.
Cùng về vấn đề này khi trả lời Đài ACTD, TS Võ Trí Thành phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từng nhận định:
“Dưới góc độ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài chính ngân hàng là lĩnh vực có nhiều rủi ro, mà rủi ro thì thường mang tính hệ thống lan tỏa rất cao. Đứng trước vấn đề sở hữu chéo này thì khả năng giám sát của Nhà nước đối với các dòng tiền rất khó khăn.”
Theo số liệu chính thức, toàn hệ thống ngân hàng hiện nay có 2 ngân hàng chính sách, 14 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, 6 ngân hàng liên doanh, ngoài ra có 39 ngân hàng thương mại cổ phần trong nước. Chính ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần này đã xảy ra những hiện tượng bất thường gây xáo động trong thời gian vừa qua.
Với tình trạng các ngân hàng thương mại chưa công bố thông tin một cách công khai minh bạch như tiêu chuẩn quốc tế, các cơ quan quản lý Nhà nước không thể biết rõ dòng tiền lưu thông trong hệ thống và sự đầu tư chằng chịt của dòng vốn. Trong dịp trả lời Đài ACTD, TS Vũ Đình Ánh phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường và Giá cả nhận định:
“Vấn đề của Việt Nam liên quan đến các ngân hàng hiện nay tức là sở hữu chéo và các doanh nghiệp sân sau thiếu công khai minh bạch và gần như không kiểm soát nổi. Ai thực sự là chủ ngân hàng và người nào thực sự chi phối một định chế tài chính đến mức như thế nào và tiềm lực của người ta đến đâu thì khó mà biết được.”
Gây hại cả hệ thống ngân hàng
Cuối tháng 9, cơ quan pháp luật đã khởi tố 4 người gồm ông Trần Xuân Giá, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Á châu (ACB), cùng hai Phó chủ tịch các ông Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang và ông Phạm Trung Cang, phó chủ tịch Ngân hàng Eximbank, đồng thời là là đại diện nhóm quyền lợi của Ngân hàng Á Châu (ACB) tại Eximbank.
Những gương mặt lớn của giới ngân hàng vừa nêu đều đã từ chức vài ngày trước khi bị khởi tố về tội “cố ý làm trái qui đinh Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”. Vụ án này được xem như có liên quan tới sở hữu chéo và phục vụ lợi ích nhóm tại một ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu của Việt Nam. Đặc biệt ông Trần Xuân Giá là cựu Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư từ 1997-2003, ông là một trong các tác giả Luật Doanh Nghiệp.
Nhận định về sở hữu chéo và phục vụ lợi ích nhóm trong vụ án Trần Xuân Giá, bà Phạm Chi Lan nguyên thành viên nhóm tư vấn kinh tế thời Thủ tướng Phan Văn Khải, nhận định:
“ Sở hữu chéo là một trong những vấn đề lớn nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay, do nó có thể dẫn đến tình trạng họ có thể móc ngoặc với nhau giữa một số cá nhân, thậm chí giữa một số tổ chức để tạo nên những giao dịch ảo mà chỉ mang lợi cho một số ít người lạm dụng, nhưng nó gây hại chung cho cả hệ thống ngân hàng, nó làm cho sự tin tưởng hệ thống ngân giảm đi rất mạnh trong công chúng.”
Theo lời Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình được báo điện tử Dân Trí đưa lên mạng, Ngân hàng Nhà nước đang ráo riết xử lý vấn đề qua thực hiện hai bước. Thứ nhất là phải làm rõ được vấn đề sở hữu ngân hàng. Bước thứ hai là ban hành những qui định mới để xử lý dứt điểm các bất cập trong sở hữu thuộc hệ thống ngân hàng. Theo đó sang năm 2013, sẽ ban hành và áp dụng nhiều qui định pháp luật liên quan tới vấn đề sở hữu chéo.
Sở hữu chéo có thể dẫn đến tình trạng tạo nên những giao dịch ảo mà chỉ mang lợi cho một số ít người lạm dụng, gây hại chung cho cả hệ thống ngân hàng.Bà Phạm Chi Lan
Giải pháp hai bước của Ngân hàng Nhà nước liệu có thể thực hiện suôn sẻ hay không vì tình hình hết sức phức tạp của Việt Nam. Sở hữu chéo giữa các ngân hàng rối rắm như một nồi canh hẹ. Theo Dân Trí, đồng tác giả Báo cáo Kinh tế Vĩ mô 2012 do Ủy ban Kinh tế Quốc hội phát hành với sự tài trợ của Chương trình Phát triển LHQ, TS Đinh Tuấn Minh nhận định, “vấn đề sở hữu chéo giữa các ngân hàng và ngân hàng trở thành sân sau của các tập đoàn kinh tế, kể cả Nhà nước lẫn tư nhân đã ở mức báo động. TS Minh phân tích, không phải tất cả các dạng sở hữu chéo đều tiêu cực, tuy nhiên trong trường hợp các Ngân hàng Thương mại có cổ đông lớn là các doanh nghiệp thì rất có thể các Ngân hàng Thương mại trở thành sân sau, chuyên huy động vốn từ dân để tài trợ cho các dự án của mình.”
Những gì chúng tôi đọc được trên báo Dân Trí điện tử cho thấy, tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng thuơng mại mà chuyên gia nước ngoài dự đoán là 15% tổng dư nợ 2 triệu tỷ có thể còn cao hơn nhiều. Lý do là tình trạng sở hữu ngân hàng chồng chéo, việc vay mượn trong hệ thống chồng chéo đó không minh bạch, một lượng tiền lớn lao lên tới 1 triệu tỷ đang nằm trong các dự án bất động sản bị đóng băng từ vài năm qua và tổn thất rất nhiều.
Thanh tra 30 trong số 39 ngân hàng thương mại cổ phần của toàn hệ thống về thực trạng tài chính và sở hữu, theo ý kiến chuyên gia có thể dẫn tới nhiều vụ sáp nhập ngân hàng trong tương lai, cũng không loại trừ hình thức thôn tính như đã xảy ra tại Sacombank. Câu hỏi đặt ra là một khi quyền lợi nhóm là điều có thật như Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thừa nhận trước Quốc hội, thì liệu các cuộc thanh tra ngân hàng thương mại có bị áp lực chi phối hay không, chưa kể khả năng mất mát đổ vỡ trong hệ thống.
Theo dòng thời sự:
- Cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá bị khởi tố
- Nguyên tổng giám đốc ngân hàng ACB bị bắt
- Chủ tịch, phó chủ tịch ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) từ nhiệm
- Ông Nguyễn Đức Kiên bị khởi tố thêm tội lừa đảo
- Vụ “bầu” Kiên: Lúng túng toàn hệ thống
- Sở hữu chồng chéo làm ngân hàng tròng trành
- Vỡ Nợ Dây Chuyền- Tháp Cao Sụp Đổ?
- Moody’s hạ bậc tín nhiệm trái phiếu Việt Nam