Tranh cãi quanh việc đập bỏ một kiến trúc Pháp
2016.08.26
Báo Đà Nẵng Online cho biết do trụ sở làm việc chật hẹp, Thành ủy Đà Nẵng quyết định dỡ bỏ tòa nhà kiến trúc kiểu Pháp 100 tuổi - vốn là cơ quan của Ủy ban Mặt trận tổ quốc thành phố - để xây công trình làm việc mới. Thông tin này gây tranh cãi giữa báo chí cũng như người dân khi cho rằng đây là một quyết định phá hoại di sản và cảnh quan công cộng.
Phản ứng của dư luận
Câu chuyện về tòa nhà “trái bắp” vẫn chưa ráo mực thì người dân và cán bộ nhân viên Đà Nẵng lại có thêm một chủ đề nữa để bàn cãi, tranh luận. Mặc dù tòa nhà lần này nhỏ hơn cả hình dáng lẫn tiền bạc nhưng cái mà nó đang gây bức xúc là sẽ bị đập xuống cho Thành Ủy Đà Nẵng có nơi làm việc.
Sự kiện đập tòa nhà “trái bắp” cũng vì cán bộ nhân viên than khó thở cộng với căn biệt thự của Pháp tại số 70 đường Bạch Đằng Đà Nẵng để cho Thành ủy có chỗ làm việc giống như lửa được chế thêm dầu, phản ứng gay gắt trước tiên từ báo chí rồi tới người dân và những ai quan tâm.
Căn biệt thự của Pháp này đã được xây dụng từ hơn trăm năm nay đang được Mật trận tổ quốc dùng làm văn phòng và Thành Ủy Dà Nẵng đề nghị MTTQ dời di nơi khác để thành ủy đập nó xuống xây dựng nối với tòa nhà mà Thành ủy đang sử dụng sát bên cho lớn thêm, và lý do đáng chú ý do chính quyền thành phố đưa ra để dập bỏ nó là Pháp đã chính thức gửi công văn thông báo tòa nhà này cùng một số nhà khác của Pháp đã hết niên hạn sử dụng.
Tôi nghĩ rằng trong trường hợp này nên trùng tu nên duy tu lại và giữ cho cảnh quan của con đường đó vì kiến trúc đó nó rất phù hợp với bờ sông và hai con đường.
- Ông Nguyễn Công Khế
Ông Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng Biên Tập báo Thanh Niên là một người sống và rất am hiểu Đà Năng cho chúng tôi biết ý kiến về việc này:
“Tôi ở Đà Nẵng từ lúc nhỏ, con sông Hàn và đường Độc Lập tức đường Trần Phú bây giờ nó song song với nhau hai bờ đó nó có kiến trúc của Pháp như Tòa Thị chính bây giờ là Ủy ban nhân dân, Thành ủy nó đều nằm trên dãy đó. Nói cho ngay rằng cái kiến trúc đó nó rất đẹp và phù hợp với phối cảnh của hai con đường đó.
Ở đây có hai việc, một nếu dỡ bỏ làm mới thì sẽ có điều gì đó trống vắng và nó mất đi cảnh quan cũ. Theo tôi trong trường hợp này giống như lúc trước đối với trường Phan Chu Trinh mà tôi đã theo học, trường này mấy ảnh cũng định cắt ra làm khu thương mại và nhà ở thì chúng tôi phản đối bởi vì trường Phan Chu Trinh ở Đà Nẵng là biểu trưng cho thành phố, cả kiến trúc lẫn nhiều thế hệ học trò mà giờ đây họ đã lớn lên vào Sài Gòn hay ra nước ngoài vì vậy trường Phan Chu Trinh là một biểu tượng. Lúc đó chúng tôi ngăn chặn được. Sau đó cái trường này không bị phá.
Tôi đồng ý là không phải cái gì cũng phải giữ lại nhưng tôi thấy trong trường hợp này có người nói nó đã mục nát, nó đã quá trăm năm và có người cảnh báo rằng không nên để. Nhưng mà các công trình cũ dù trăm năm hay ngàn năm người ta vẫn trùng tu nếu kiến trúc có tính cách biểu tượng hoặc là cảnh quan mà mình giữ được. Tôi nghĩ rằng trong trường hợp này nên trùng tu nên duy tu lại và giữ cho cảnh quan của con đường đó vì kiến trúc đó nó rất phù hợp với bờ sông và hai con đường như tôi đã nói”
Như vậy kiến trúc của tòa nhà số 70 này có phải là biểu tượng hay di sản cần phải bảo tồn hay không?
Trả lời câu hỏi này nhà báo, blogger Trương Duy Nhất, người con của Đà Nẵng cho biết:
“Tôi lại có cái nhìn khác với tất cả báo chí. Đa phần báo chí chính thống tôi thấy anh em đều phê phán lãnh đạo Đà Nẵng bảo nên giữ lại tòa nhà này và bảo việc đập bỏ nó không nên. Trước hết tôi là người có thời gian khá dài đã làm việc trong chính tòa nhà đó. Tòa nhà đó thực sự nó đã xuống cấp rất nghiêm trọng. Thậm chí nó xập xệ đến mức tường long tróc, và khi ngồi trong toilet chỉ cần giật xả nước mạnh tay thì nó rung cả cầu thang rồi. Trong khi đó nó có là di sản không? Xin thưa là không. Nó có thuộc di tích xếp hạng không? Xin thưa không, dù di tích cấp phường cũng không. Thế thì tại sao không đập bỏ đi khi đã quá date?
Còn việc có nên giữ nó lại hay không thì tôi không bàn cãi ở chuyện mở rộng ra cho Thành ủy hay giữ lại cho Mặt trận vì giao cho anh nào cũng thế vì nó có công năng là công sở miễn là anh đừng xẻ nó, phân lô bán để chia chát thôi. Mà việc này thì chính quyền Đà Nẵng họ sẽ không phân lô để bán mà chia chát thì tôi nghĩ rằng việc nên làm”
Nên trùng tu hay dỡ bỏ?
Một cái nhìn từ chính quyền khác với ý kiến của Thành Ủy Đà Nẵng là ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, nguyên Trưởng Ban tổ chức Thành ủy, cho biết tòa nhà 70 Bạch Đằng là một địa chỉ lịch sử và văn hóa mà theo ông nó cũng là nơi thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc vì mỗi năm từ sau 1975 đến nay Việt kiều thường tụ tập mỗi dịp Tết Nguyên đán, nó cũng là nơi tập họp chức sắc tôn giáo và trí thức cũng như người dân thành phố.
Lý do này của ông Bùi Văn Tiếng xem ra không vững lắm vì kiến trúc và độ tuổi của tòa nhà nếu định giá nó bằng chính sách đoàn kết dân tộc thì quá khiên cưỡng. Hơn nữa việc gặp gỡ trí thức, nhân sĩ hay nhân dân đâu nhất thiết phải vào nơi trăm tuổi mới được gọi là thành tựu.
Đó là chưa nói tới tai nạn nếu tòa nhà bất thình lình sụp xuống. Nhà báo Trương Duy Nhất đưa ra lập trường và cái nhìn của anh về việc tại sao phải dỡ bỏ căn nhà này:
“Nhà của thời Pháp thì chúng ta thấy bất cứ đâu cũng có, bất cứ đô thị nào. Có thể ở đô thị khác nó sẽ tạo nên bản sắc cái hồn cốt thậm chí cái gì đó cần phải gìn giữ, bảo tồn. Nhưng với Đà Nẵng thì tôi nghĩ nó không tới mức đó. Cái tòa nhà số 70 và một vài ba biệt thự đã xuống cấp, xập xệ quá rồi trên đường Bạch Đằng Đà Nẵng mà gọi là bản sắc, hồn cốt thì tôi cho là hơi quá, nó lố.
Cái tòa nhà số 70 và một vài ba biệt thự đã xuống cấp, xập xệ quá rồi trên đường Bạch Đằng Đà Nẵng mà gọi là bản sắc, hồn cốt thì tôi cho là hơi quá, nó lố.
- Nhà báo Trương Duy Nhất
Tôi nghĩ cái gì cần phá thì nên phá. Một số báo chí cứ bảo nó là ký ức! Tôi cho là ký ức thì mỗi người đều có, nó vô cùng. Cứ vin vào ký ức thì Đà Nẵng làm sao phá bỏ được bến phà, làm sao phá những khu “nhà chồ” nhếch nhác trước đây? Đấy, cái ký ức mà ai cũng nói cái “nhà chồ” đáng lưu giữ.
Tôi nghĩ con đường ven sông ấy, thậm chí là hơi cực đoan, nhưng tôi muốn phá tan hết cái khu nhà cổ hom hem ấy xây dựng cho nó một kiến trúc thật là mới. Đà Nẵng không có gì cổ hết bởi vì “cổ” không phải là bản sắc của Đà Nẵng. Đà Nẵng phải là đô thị trẻ trung năng động, lối kiến trúc từ công sở tới tư gia đến từ hàng cây, cột điện cũng phải vậy, phải hiện đại và trẻ trung”
Câu hỏi cần đặt ra trong tình hình hiện nay về cơ sở hành chánh của chính quyền Đà Nẵng là phải minh bạch trước các quyết định liên quan đến xây dựng hay dỡ bỏ các công trình dành cho cơ quan chính quyền. Đối với tòa nhà 70 đường Bạch Đằng biện pháp hay nhất là chứng minh cho người dân thấy nó đã quá niên hạn xử dụng và việc đập bỏ nó không ảnh hưởng tới cảnh quan hay quần thể kiến trúc của thành phố.
Và làm điều này cần có sự tham gia xác nhận của các nhà kiến trúc uy tín và không phải là người Đà Nẵng, bởi sự thân thiết trong “ký ức” của một công dân có thể sẽ gây ra nhận xét hay quyết định lệch lạc đối với một căn nhà hay một di tích.