Hành xử khác biệt của ngành tư pháp Việt Nam

Trung Khang, RFA
2019.06.26
000_1HS4XJ-960 Công dân Mỹ gốc Việt Michael Phương Minh Nguyễn (trái) tại phiên tòa sáng ngày 24/6/2019 ở TPHCM; và ông Nguyễn Hữu Linh (phải), nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Đà Nẵng.
RFA Edited

Điều 16, chương 2, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Thế nhưng, qua nhiều vụ việc được ghi nhận trong thực tế, có sự khác biệt rõ ràng trong tiến trình tư pháp đối với người vi phạm là thường dân và người vi phạm là quan chức.

Nhiều nhân vật bất đồng chính kiến, nhiều nhà hoạt động nhân quyền đã bị đưa ra xét xử trong những phiên tòa chóng vánh, kết án nặng nề mà luật sư bào chữa chỉ ra những sai phạm trong tiến trình tố tụng…

Điển hình như vụ án đối với blogger được nhiều người biết đến là Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh hay trong thời gian qua là các phiên xử hơn 120 người tham gia biểu tình phản đối Dự thảo Luật Đặc khu Kinh tế và Dự thảo Luật An ninh mạng hồi tháng 6 năm 2018. Rất nhiều người trong số họ đã bị xét xử tập thể và thời gian xử án chỉ 1 ngày mà không hề có luật sư…

Trong một số vụ án hình sự xét xử đối với những tội danh về xâm phạm an ninh quốc gia mà tôi có dịp tham gia bào chữa với tư cách là luật sư, thì hồ sơ truy tố không có chứng cứ hoặc chứng cứ không thuyết phục. Nhưng tất cả đều dễ dàng được tòa án chấp nhận là chứng cứ hợp pháp để kết tội và tuyên hình phạt rất nặng.
-Luật sư Đặng Đình Mạnh

Trong khi đó ngược lại,  đối với nhiều quan chức chính quyền Việt Nam phạm tội, tiến trình tố tụng được thực hiện theo đúng qui định của pháp luật. Vụ việc mới nhất được công luận quan tâm là  vụ ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Đà Nẵng, sàm sỡ bé gái trong thang máy ở chung cư Galaxy 9, quận 4 thành phố Hồ Chí Minh. Sau nửa ngày xử kín đối với ông này hôm 25 tháng 6, Hội đồng Xét Xử  quyết định trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung.

Luật sư Đặng Đình Mạnh, khi trao đổi với chúng tôi qua tin nhắn từ Sài Gòn hôm 26/6/2019 cho rằng, như hầu hết các quốc gia có nền tư pháp tiên tiến trên thế giới, thì luật pháp Việt Nam cũng có quy định về nguyên tắc “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Thế nhưng, trong thực tế thì nguyên tắc này đã không được bảo đảm thực hiện. Điều này công chúng nhận thấy rất rõ đối với tài phán hành chính và đặc biệt trong tài phán hình sự. Ông trình bày tiếp:

“Trong một số vụ án hình sự xét xử đối với những tội danh về xâm phạm an ninh quốc gia mà tôi có dịp tham gia bào chữa với tư cách là luật sư, thì hồ sơ truy tố không có chứng cứ hoặc chứng cứ không thuyết phục. Nhưng tất cả đều dễ dàng được tòa án chấp nhận là chứng cứ hợp pháp để kết tội và tuyên hình phạt rất nặng.

Nhưng bên cạnh đó, đối với các quan chức phạm tội, cho dù mức độ sai phạm và hậu quả gây ra cho xã hội vô cùng lớn thì hình phạt lại thường được tuyên rất nhẹ nhàng. Điển hình, một cựu phó thống đốc ngân hàng gây thất thoát đến con số khổng lồ là 15 nghìn tỷ đồng cùng với một số hành vi vi phạm pháp luật khác chỉ phải chịu mức án nhẹ như bỡn : 3 năm tù.

Điều này gây xói mòn lòng tin của công chúng vào hệ thống tư pháp hiện tại của nước nhà.”

Người được Luật sư Đặng Đình Mạnh nhắc đến là nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình, hôm 2/7/2018 bị Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh tuyên phạt 3 năm tù giam về tội ‘thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, dẫn đến việc gây ra tổn thất 15.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng, tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (Trustbank).

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 26/6 từ Sài Gòn, Luật sư Nguyễn Văn Miếng, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra ý kiến của mình:

15 người biểu tình ở Biên Hòa tại phiên tòa phúc thẩm hôm 9/11/2018
15 người biểu tình ở Biên Hòa tại phiên tòa phúc thẩm hôm 9/11/2018
Courtesy Báo Đồng Nai

“Đại diện Việt Nam đã nói trong các phiên giải trình với quốc tế, là luật pháp Việt Nam không phân biệt tội phạm chính trị, cũng như đối với tội hình sự khác. Nhưng thực tế, những người phạm tôi về an ninh đã được cơ quan tố tụng chăm sóc rất đặc biệt, những người vi phạm an ninh quốc gia thì họ xử rất là nặng. Tôi thấy 2 năm gần đây họ xử nặng hơn các năm trước.”

Riêng đối với quan chức phạm tội thì Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho rằng thật ra, cũng là giữa họ với nhau, có thể họ đã áp dụng đúng luật, hoặc rất nhiều các tình tiết giảm nhẹ, như có công với nhà nước hay cha mẹ của họ có công…

Từ Sài Gòn, cựu tù chính trị, nhà báo Nguyễn Ngọc Già, nhận định:

“Việc xử ông Nguyễn Hữu Linh vừa qua là xử theo dư luận thôi, dư luận làm dữ quá nên buộc họ phải xử như vậy. Nhưng họ lại không thấy được, chính cái cách xử tưởng chừng như tôn trọng pháp luật, tôn trọng nhân quyền lại là con dao hai lưỡi thông qua việc chạy trốn của Nguyễn Hữu Linh trước hàng chục ống kính của báo chí, thoải mái đưa tin, không hề bưng bít che dấu, các phóng viên được tự do tác nghiệp, đó là con dao hai lưỡi cho đảng cộng sản Việt Nam hiện nay. Còn đối với chuyện xử những người bất đồng chính kiến, tù nhân lương tâm, thì họ rất khắc nghiệt, bởi vì đơn giản một điều, họ thấy những người ví dụ như tôi và rất nhiều các bạn tù khác là sự an nguy cho sự tồn vong của chế độ cộng sản.”

Tương tự, cựu tù chính trị Blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải, khi trả lời RFA trước đây về các phiên tòa xử Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, cũng cho biết có nhiều điều kỳ quặc và bất công. Chẳng hạn sau khi khai mạc phiên tòa sơ thẩm, thì phóng viên các báo có mặt đầy đủ. Nhưng khi phiên tòa diễn ra thì báo chí phải đi ra ngoài, chỉ còn lại truyền hình của An Ninh thôi. Blogger Điếu Cày cho rằng vì là ‘án bỏ túi’, lấy trong túi ra đọc, nên nếu mà để báo chí theo dõi thì không thể nào bưng bít được.

Trong nhiều năm là luật sư bào chữa cho nhiều vụ án chính trị, Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho rằng, bất công nhất là vụ án với cáo buộc ông Michael Phương Minh Nguyễn với tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’:

“Nếu mà nói bất công nhất thì tôi cho rằng là vụ ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ xử Michael Phương Minh Nguyễn, Huỳnh Đức Thanh Bình, Trần Long Phi cùng bố của Huỳnh Đức Thanh Bình là ông Huỳnh Đức Thịnh về tội không tố giác tội phạm. Riêng ba người bị ghép tội an ninh quốc gia thì bị chụp mũ việc ‘quốc nội quật khởi’, trong khi bản thân họ đến với nhau không hề có khái niệm đó. Cho đến khi có những e-mail hướng dẫn họ trong các phiên biểu tình thì mới có đề cập đến tiêu chí… chứ họ không hề chủ trương trước.

Nếu mà nói bất công nhất thì tôi cho rằng là vụ ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ xử Michael Phương Minh Nguyễn, Huỳnh Đức Thanh Bình, Trần Long Phi cùng bố của Huỳnh Đức Thanh Bình là ông Huỳnh Đức Thịnh về tội không tố giác tội phạm.
-Luật sư Nguyễn Văn Miếng

Đối với ông Thịnh thì, thì trước đây tương tự chỉ án treo nhưng kỳ này họ tuyên 1 năm tù giam. Tôi cho rằng phiên vừa rồi các bị cáo bị oan nhất, và họ áp dụng mức án cho một tổ chức, những năm gần đây án cho người đứng đầu tổ chức là 15 năm tù giam, và cấp thấp hơn là 12 năm tù giam.”

Trong phiên tòa kết thúc chỉ trong vòng buổi sáng ngày 24/6/2019 tại Tòa án nhân dân TPHCM, công dân Mỹ gốc Việt Michael Phương Minh Nguyễn bị tuyên 12 năm tù giam, Huỳnh Đức Thanh Bình và Trần Long Phi bị tuyên lần lượt 10 năm tù và 8 năm tù giam, với cùng cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Riêng ông Huỳnh Đức Thịnh bị tuyên 1 năm tù giam với cáo buộc “không tố giác tội phạm” và Ông Lê Quốc Phong bị truy nã.

Ngoài ra, công dân Mỹ Michael Phương Minh Nguyễn sẽ bị trục xuất sau khi thi hành xong bản án, ông Bình và ông Phi sẽ bị quản chế thêm 3 năm sau án tù và bị tước các quyền công dân.

Một cựu tù chính trị khác là ông Lê Thăng Long, khi trả lời RFA qua điện thoại từ Sài Gòn hôm 26/6/2019, nhớ lại những phiên tòa mà mình và các bằng hữu bị đưa ra xét xử:

“Thật sự việc xét xử khi đó đã không khách quan, khi chúng tôi đưa ra những tiếng nói thể hiện quyền tự do ngôn luận, cũng như khi chúng tôi trao đổi để tìm ra giải pháp cho đất nước, thì bị gán ghép, cho đó là chống đối. Điều đó không đúng với những cam kết của Việt Nam đối với những công ước quốc tế về quyền con người.”

Theo Luật sự Mạnh, nguyên nhân của sự bất công này dễ được xác định là do hệ thống tài phán không độc lập. Các thẩm phán không thuần túy tuân thủ luật pháp mà đã bị tác động bởi các yếu tố chính trị hoặc của các thế lực gây ảnh hưởng đến quyết định của phiên xét xử. Mất lòng tin. Cho nên, công chúng chứng kiến ngày càng nhiều các hành vi người dân tự mình ban phát công lý hơn là nhờ đến luật pháp. Điều đó thật sự nguy hiểm, vì môi trường xã hội trở nên hỗn loạn, kém an toàn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.