Chuyên gia nói về Dự án Kênh đào Phù Nam của Campuchia dưới góc độ luật pháp quốc tế

RFA
2024.06.03
Chuyên gia nói về Dự án Kênh đào Phù Nam của Campuchia dưới góc độ luật pháp quốc tế Sơ đồ dự án kênh đào Funan. Ảnh chụp từ Google Map, RFA vẽ minh họa sơ lược, dựa theo thông số kĩ thuật của dự án.
Google Map/ RFA

Chính phủ Campuchia cho biết sẽ khởi công dự án kênh đào Phù Nam (Funan Techo) vào tháng 8, 2024. Ngoài ra, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen thúc giục con trai Hun Manet phải thực hiện ngay dự án kênh đào Funan vì “nền độc lập dân tộc của mình.” Đương nhiên, dự án này thuộc chủ quyền của Campuchia. Tuy nhiên, theo nhiều điều luật quốc tế, quốc gia thực hiện những dự án có tác động môi trường xuyên biên giới như kênh đào Funan Techo cần phải thực hiện một số nghĩa vụ quốc tế. RFA phỏng vấn nhà nghiên cứu Hoàng Việt, một chuyên gia về luật quốc tế ở Tp. HCM về dự án này dưới góc độ luật quốc tế.  

RFA. Xin ông cho biết dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia có thể bị ràng buộc bởi những điều luật quốc tế nào hay không. 

Hoàng Việt 

Việt Nam và Campuchia có xung đột lợi ích. Campuchia muốn làm kênh đào Phù Nam, sử dụng nguồn nước Mekong vì lợi ích kinh tế của mình. Còn Việt Nam thì lo ngại về tác động đối với nguồn nước và môi trường của mình. Đó là một xung đột lợi ích giữa hai nước. Đã có xung đột lợi ích giữa hai nước thì nên sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết. 

Theo luật quốc tế thì như thế nào? Trước hết là Luật về sử dụng các nguồn nước quốc tế (International Water Law) năm 1997 của Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra còn có rất nhiều thực tế và án lệ về giải quyết tranh chấp nguồn nước quốc tế. 

Mặc dù Campuchia không tham gia vào Công ước về nguồn nước năm 1997 của Liên Hiệp Quốc nhưng điều đó không ngăn cản hai nước Việt Nam và Campuchia tìm đến luật pháp quốc tế như một bộ khung pháp lý. 

Trong xung đột lợi ích quốc gia, nếu bên nào cũng muốn bảo vệ lợi ích của mình thì tốt nhất là đưa vấn đề vào cái khuôn của luật quốc tế. Nó sẽ bảo vệ hài hòa lợi ích của cả hai bên. 

Ngoài ra trong Hiệp định sông Mekong năm 1995 có bốn quốc gia kí kết là Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan. Hiệp ước này như vậy ràng buộc bốn quốc gia trong đó có Việt Nam và Campuchia. 

Hiệp định 1995 có quy định một số nguyên tắc cơ bản, trong đó có một số nguyên tắc rất quan trọng. Thứ nhất là các bên phải sử dụng nguồn nước một cách công bằng và hợp lý. 

Thế nào là công bằng? Công bằng nghĩa là các quốc gia hạ nguồn như Việt Nam không được ngăn cấm các quốc gia ở phía trên thực hiện các dự án của mình. 

Các quốc gia thượng nguồn như Campuchia (so với Việt Nam) có chủ quyền của mình, nhưng đồng thời có nghĩa vụ phải bảo đảm không gây tác hại đối với quốc gia hạ nguồn là Việt Nam. Đồng thời các bên phải tuân theo các luật quốc tế khác. 

RFA. Những điều luật quốc tế đó có thể đặt ra yêu cầu gì về trách nhiệm của quốc gia thực hiện dự án như Campuchia đối với dự án Funan Techo?

Hoàng Việt 

Hiệp định Mekong 1995 đã quy định thành lập Ủy hội sông Mekong (MRC). Ủy hội sông Mekong đã đặt ra quy chế Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận. 

Có mấy vấn đề với dự án kênh đào Techo Funan. Thứ nhất là hồ sơ mà Campuchia gửi cho Ủy hội sông Mekong ngày 8 tháng 8 năm 2023, có 14 trang. Trong đó có một loạt hình ảnh. Mô tả về dự án chỉ có sáu trang. Phần mô tả dự án này rất sơ sài. 

Với thông tin sơ sài đó, Việt Nam không thể đánh giá tác động môi trường của dự án này. Cả hai dự đoán trái chiều về dự án này đều không có cơ sở. Một là dự đoán rằng kênh đào Funan sẽ tác động rất tiêu cực đến Đồng bằng sông Cửu Long như một số nhà khoa học Việt Nam nhận định. Hai là, ngược lại, dự đoán rằng kênh đào này không tác động gì lớn đến Việt Nam, như quan điểm của phía Campuchia. Cả hai dự đoán này đều không có cơ sở vì thiếu thông tin. 

Vấn đề thứ hai là hồ sơ phải kèm theo một hồ sơ “Đánh giá Tác động Môi trường,” EIA, tức “environemental impact assessment”. Đây là yêu cầu bắt buộc, không chỉ theo Luật nước quốc tế, theo Hiệp định Mekong 1995 mà còn với cả Luật Môi trường Quốc tế. Khi bạn sử dụng nguồn nước quốc tế, bạn phải tiến hành “đánh giá tác động môi trường”. 

“Đánh giá tác động môi trường” để làm gì? Để bạn chứng minh là bạn bảo tồn môi trường cho khu vực hạ lưu, ngoài ra, để chứng minh dự án tuân thủ nguyên tắc “không gây hại”. Nguyên tắc “không gây hại” trong trường hợp dự án kênh đào Funan Techo là Campuchia có quyền thực hiện dự án nhưng không gây hại cho quốc gia ven sông khác, ở đây là Việt Nam. 

Điều này đòi hỏi Campuchia có “nghĩa vụ hợp tác” ("duty of cooperation"). Trong trường hợp dự án này, nghĩa vụ hợp tác trước hết của Campuchia là nghĩa vụ cung cấp thông tin, thông qua Ủy hội sông Mekong.  

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã nói rõ là Việt Nam không ngăn cản dự án mà ủng hộ Campuchia phát triển kinh tế, nhưng yêu cầu Campuchia phải cung cấp thêm thông tin. 

Thứ nhất là thông tin Campuchia cung cấp quá sơ sài. Thứ hai là Campuchia không cung cấp bản báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường. Thứ ba là Campuchia không thực thi thủ tục theo quy chế Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận. 

Theo quy định tại Điều 5 của Hiệp định Mekong năm 1995 thì các dự án sử dụng nguồn nước trên dòng chính thì bắt buộc phải thực hiện  thủ tục theo quy chế Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận. Campuchia lại lý luận rằng dự án Funan Techo là dự án trên dòng nhánh. 

Gần đây, một nghiên cứu của Stimson Center đã khẳng định đây là dự án nối hai dòng chính chứ không phải dự án thuộc dòng nhánh. Do đó, dự án này phải thực hiện thủ tục theo quy chế Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận. 

Nếu trường hợp Campuchia tiếp tục khăng khăng cho rằng đây là dự án thuộc dòng nhánh chứ không phải dòng chính thì Việt Nam có thể đưa vấn đề ra Tòa án Công lý Quốc tế để phân xử. Tòa án Công lý Quốc tế có thể đưa ra một phán quyết rằng đây là dự án trên dòng nhánh hay dòng chính sông Mekong. 

Bản thân Campuchia đã sử dụng Tòa án Công lý Quốc tế cho một số trường hợp. Ví dụ, Campuchia đã yêu cầu Tòa phán xử về ngôi đền Preah Vihear trong tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia. Tôi nghĩ việc này cũng là việc đơn giản thôi. Nếu Việt Nam và Campuchia cùng đưa vấn đề ra Tòa án quốc tế thì vấn đề sẽ đơn giản thôi. Làm điều đó thì hai nước sẽ tránh được các tranh chấp, Việt Nam thì lo lắng Campuchia xâm hại lợi ích của mình, còn Campuchia thì cho rằng Việt Nam can thiệp vào Campuchia. Theo tôi, hai nước có thể sử dụng luật pháp quốc tế như một khung pháp để giải quyết những vấn đề đó. 

RFA. Các điều luật quốc tế đó có nói rõ là những quốc gia thực hiện dự án có tác động xuyên biên giới phải thực hiện nghĩa vụ “cung cấp thông tin” cho quốc gia hạ nguồn hay không?

Hoàng Việt 

Mặc dù Luật quốc tế không ghi rõ là các bên phải “cung cấp thông tin”, chỉ ghi là nghĩa vụ “hợp tác” nhưng vấn đề là các bên giải thích thế nào lại là chuyện khác. Trong “nghĩa vụ hợp tác” thì có nghĩa vụ “cung cấp thông tin”. 

Nếu Campuchia khẳng định họ không có nghĩa vụ cung cấp thông tin thì sao? Hiệp định Mekong 1995 cũng chỉ nói là các bên cần giải quyết bằng biện pháp ngoại giao hoặc giải quyết với bên thứ ba. Nếu Việt Nam mạnh dạn thì có thể đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế để yêu cầu Tòa giải thích khái niệm này và đưa ra cách áp dụng khái niệm này trong trường hợp dự án kênh đào Funan Techo ra sao. 

RFA. Xét về mặt quan hệ quốc tế, gần đây Chính phủ Campuchia tỏ ý rằng dự án này là vấn đề chủ quyền quốc gia của Campuchia. Như Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen đã nói đó là vấn đề “độc lập dân tộc”. Điều này có hàm ý là nước ngoài (Việt Nam) phản đối Campuchia là can thiệp vào nội bộ Campuchia. Tuy nhiên, trong dự án này có vấn đề Luật quốc tế, nghĩa vụ quốc tế. Tiến sỹ Brian Eyler ở Stimson Center (Washington DC) cũng đã khẳng định Campuchia mô tả không chính xác về dự án. Đây là dự án lấy nguồn nước từ dòng chính sông Mekong nhưng Campuchia đã mô tả sai, rằng đó là dự án lấy nước từ dòng nhánh.

Hoàng Việt 

Đúng. Đó là cách Campuchia chơi chữ. Cần nói thêm là ông Hun Sen nói đây là vấn đề chủ quyền của Campuchia. Điều đó đúng. Nhưng cần lưu ý thêm là bạn làm gì trong lãnh thổ của bạn đi nữa thì điều đó không được gây hại cho nước khác. Luật nước Quốc tế và Hiệp định Mekong 1995 mà Campuchia tham gia cũng ghi rõ điều này: “Không gây hại”. 

RFA. Như vậy vấn đề giữa Việt Nam và Campuchia giờ đây chỉ còn là vấn đề quan hệ chính trị. Ngoài ra, việc tiến hành Đánh giá Tác động Môi trường cũng đem lại lợi ích cho chính Campuchia nữa. 

Hoàng Việt 

Đúng. Nhưng tiến hành Đánh giá Tác động Môi trường thì phải đánh giá rộng, chứ không phải chỉ đánh giá ở phạm vi một vài km xung quanh dự án đó thì điều đó không có tác dụng gì với hạ lưu là Đồng bằng sông Cửu Long. Điều đó có nghĩa là đánh giá tác động môi trường phải khoa học và hợp lý chứ không phải chỉ làm cho có. Nếu mà chỉ đánh giá tác động môi trường trong phạm vi ví dụ 3 km xung quanh kênh đào thì đâu có ý nghĩa gì. 

Campuchia có thể sẽ nói đây vẫn là vấn đề chủ quyền và họ sẽ không đánh giá tác động môi trường ở phía hạ lưu là Việt Nam. 

RFA xin cảm ơn nhà nghiên cứu Hoàng Việt đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. 

 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.