Cần thay đổi cách thức quy hoạch đô thị để phòng ngừa sạt lở ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

Thanh Trúc
2021.04.22
Cần thay đổi cách thức quy hoạch đô thị để phòng ngừa sạt lở ở Đồng Bằng Sông Cửu Long Hình minh hoạ. Một người đàn ông đi trên mảnh đất nơi căn nhà của ông bị cuốn trôi do sạt lở ở bờ sông ở tỉnh An Giang hôm 17/12/2018
Reuters

Việc phòng chống sạt lở Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ không toàn diện nếu chỉ nhìn vào khía cạnh sạt lở, là nhận định quan trọng của Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Ngọc Trân, trong bài tham khảo “Chuyển dịch của sông Tiền, sông hậu và phòng chống sạt lở ở Đồng Bằng Sông Cửu Long”.

Trên trang Diễn Đàn Trí Thức của báo Đất Việt, bài viết của GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân nhấn mạnh đến vai trò của Tiền giang và Hậu giang, hai con sông lớn với những phụ lưu chằng chịt, mà sự dịch chuyển của chúng tác động thế nào đến bồi, lở và phòng chống sạt lở tại ĐBSCL.

Bài viết có 2 phần. Phần I: Chuyển dịch của sông Tiền, sông Hậu từ 1865 đến nay. Phần II: Phòng ngừa sạt lở ở ĐBSCL.

“Bồi và “Lở” , theo GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, là cặp phạm trù liên quan đến dòng chảy của một dòng sông. Bằng sơ đồ chỉ dẫn chi tiết, GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân khơi lại lịch sử dịch chuyển của hai sông Tiền, sông Hậu 160 năm qua. Từ đó, Phần II đề cập đến vấn đề phòng chống sạt lở với nhiều khuyến nghị quan trọng và thức thời.

Nhà nghiên cứu độc lập về sông Mekong và ĐBSCL, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, giải thích cách Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân đã dùng hình ảnh so sánh sự dịch chuyển chiều ngang của sông Tiền, sông Hậu trong 155 năm từ 1865 đến 2020:

Nghiên cứu này rất đáng quý, nó nhắc chúng ta nhớ một khía cạnh quan trọng của vấn đề sạt lở bờ sông. Đó là sự dịch chuyển tự nhiên của dòng sông, tức là sự tự sắp xếp lại của bản thân dòng sông dù không hoặc chưa có sự tác động của con người. Có thể hình dung quá trình này là quá trình nền (baseline) đã và đang tự nó diễn ra. Sau đó cộng thêm tác động của con người nữa thì quá trình biến động sạt lở/bồi đắp diễn ra nhanh chóng hơn, phức tạp hơn”.

2019-01-14T003257Z_921783094_RC1829344B80_RTRMADP_3_VIETNAM-MEKONG.JPG
Hình minh hoạ. Tàu chở cát trên dòng sông Mekong ở thành phố Cần Thơ hôm 16/12/2018. Reuters

Từ những dữ kiện lịch sử và khoa học mà GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân đưa ra trong bài tham khảo, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện lý giải cho gần với thực tế hơn:

Sông Tiền, sông Hậu là một phần của hệ thống sông Mekong dài 4.800 km bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng xuống ĐBSCL

Một hệ thống sông thường được chia làm 3 đoạn: đoạn thượng lưu, đoạn trung lưu, và đoạn hạ lưu. Một con sông tự nhiên thì không bao giờ chảy thẳng như thước vạch mà luôn uốn lượn, men theo địa hình. Ở đoạn thượng lưu thì sông chảy trong các khe thung lũng núi đá nên dòng chảy khó dịch chuyển qua lại, nhưng về đến trung lưu và hạ lưu, nơi sông chảy qua địa hình đất mềm hơn, thì nó luôn luôn dịch chuyển qua lại theo thời gian, không bao giờ đứng yên. Sông Tiền, Sông Hậu ở ĐBSCL là thuộc phần hạ lưu của sông Mekong chảy qua phần đất mềm, do đó sự dịch chuyển của dòng sông là hợp lẽ tự nhiên”.

Sự tự dịch chuyển qua lại của một dòng sông được thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện lý giải thêm như sau:

“Đó là vì dòng sông đi qua bất cứ đoạn sông nào nó cũng phải giải quyết vấn đề năng lượng dòng chảy và tuân theo công thức Q (m3/s)=V (m/s) x S (m2). Trong đó, Q là lưu lượng nước, là số mét khối trên giây đồng hồ chảy qua đoạn sông đó, V là vận tốc dòng chảy tính bằng m/s, mét/giây, và S là diện tích mặt cắt ướt của dòng chảy” 

“Giả sử dòng sông đang chảy với lưu lượng Q, nhưng đến đoạn nào đó có một vật cản xuất hiện làm hẹp dòng sông tức là làm cho S nhỏ đi thì V sẽ phải tăng lên. Vật cản to hoặc nhỏ cũng đều tạo ra thay đổi dòng chảy, to thì thay đổi nhiều hơn, nhỏ thì thay đổi ít hơn. Một sự thay đổi ở nơi này kéo theo sự thay đổi ở nơi khác trên toàn bộ dòng sông phía dưới, theo hiệu ứng domino. Và vì vậy, dòng sông luôn luôn phải tự điều chỉnh” 

“Còn giả sử Q tăng lên đột ngột, như có mưa lớn, lũ lớn thì vận tốc V sẽ tăng lên và dòng chảy sẽ tìm cách mở rộng diện tích S”. 

Dòng sông luôn luôn uốn lượn, ông nói tiếp, ở những đoạn sông cong, bờ phía lồi ra gọi là Doi, bờ phía bên lõm gọi là Vịnh. Dòng chảy phía Vịnh luôn mạnh hơn phía Doi, do đó bào mòn bờ phía Vịnh và gây sạt lở phía này, còn phía bên Doi thì dòng chảy thường yếu hơn nên bồi đắp càng ngày càng nhô ra. Nhưng nếu có sự biến động nào đó ở trên làm dòng chảy thay đổi tác động vào phía Doi thì Doi có thể sạt lở còn phía Vịnh lại được bồi và dần dần hai phía này đổi vai với nhau.

Mặt khác, trên nền sự sắp xếp tự nhiên đó của dòng sông thì tác động của con người làm gia tăng sự biến động.

“Nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân đã chỉ ra rằng từ những năm 1980 đã thấy có sự tăng tốc sự biến động bờ sông do tác động của các hoạt động của con người.

“Trước đây vào mùa lũ thì nước từ Campuchia chảy vào Việt Nam không chỉ là trong hai con sông Tiền, sông Hậu mà kể cả tràn đồng trên một diện rất rộng suốt dọc biên giới hàng trăm cây số ở vùng Tứ giác Long Xuyên, ở hữu ngạn và Đồng Tháp Mười phía tả ngạn. Ngày nay, đê bao khép kín làm lúa ba vụ trong mùa lũ và các tuyến lộ dọc biên giới cản lũ làm cho dòng chảy chỉ tập trung vào dòng chính của sông Tiền và sông Hậu làm dòng chảy tăng tốc trong hai lòng sông này”

Khai thác cát dọc sông Mekong ở tất cả các quốc gia ở Hạ lưu vực từ Thái Lan, Lào, đến Campuchia và Việt Nam, trong đó nhiều nhất là ở Campuchia và Việt Nam làm biến động dòng chảy và làm đáy sông sâu thêm, dẫn đến sạt lở”

“Các đập thủy điện ở Trung Quốc và ở Lào, Thái Lan, Tây Nguyên kể cả trên dòng chính và dòng nhánh làm biến đổi dòng chảy và giảm lượng phù sa và cát về ĐBSCL, làm cho dòng nước trở thành nước đói (hungry water), hung hãn hơn và thiếu vật liệu để bồi đắp”

“Và các yếu tố khác như biến đổi khí hậu, mất rừng ở Lào, Thái Lan, Campuchia các công trình lấn sông, vân vân.” 

Đó là những lý do mà ngày nay người ta nhận thấy sạt lở nhiều hơn là bồi đắp, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện khẳng định. Cũng như Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, ông cho rằng sạt lở thì dễ nhưng bồi đắp thì khó vì không có đủ vật liệu để bồi. 

Theo chỗ tôi hiểu, chữ phòng sạt lở mà Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân nói là phòng thiệt hại về tài sản và tính mạng của người dân trước khi sạt lở xảy ra. Chứ trong bối cảnh như ngày nay thì có 2 tiến trình xảy ra cùng lúc. Một là quá trình tự thân sắp xếp lại của dòng sông vẫn đang diễn ra, dòng sông vẫn dịch chuyển qua lại theo chiều ngang qua thời gian dù có hay không có tác động của con người”

Hai là các yếu tố gia tăng của con người thêm vào, thì sạt lở có lẽ đã là tất yếu. Các yếu tố gia tăng của con người khi nào chưa giải quyết được thì các biện pháp can thiệp gì ở nội tại ĐBSCL cũng chỉ là chống đỡ tạm thời”

2019-01-14T003255Z_128553097_RC15BE8616F0_RTRMADP_3_VIETNAM-MEKONG.JPG
Hình minh hoạ. Những căn nhà dọc sông Mekong ở thành phố Cần Thờ hôm 19/12/2018. Reuters

Những khuyến nghị mà Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân đưa ra trong bài tham khảo của ông đều rất hợp lý, là nhận định tiếp của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thiện:  

Giáo sư đã chỉ ra rất đúng một vấn đề như vụ sạt lở ở Bình Mỹ. Trước khi sạt lở thì không thể giải ngân chi tiền cho phòng ngừa được, nhưng khi sạt lở xảy ra rồi thì có thể giải ngân. Việc này nên được sửa đổi”

Thứ hai việc phòng ngừa sạt lở cần có sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương là đúng. Vấn đề sạt lở ở ĐBSCL thì cần nhìn trên bình diện đồng bằng. Cách làm theo từng địa phương và theo ngành riêng lẻ như hiện nay là không ổn”

Quy hoạch không gian không phù hợp thì sẽ tác động đến sạt lở là đúng.Ở ĐBSCL bây giờ, sông ngòi nào cũng bị hai con đê hai bên giam hãm trong lòng sông, không có không gian lan tỏa tự nhiên, nên vào mùa lũ, nước chỉ chảy trong lòng sông, lòng kinh rạch, thiếu không gian nên vận tốc chảy cao hơn”

Quy chuẩn về đô thị hóa phù hợp sẽ hỗ trợ phòng ngừa sạt lở. Cứ lấy lượng cát khổng lồ để đắp lên làm đô thị như cách xưa này chắc chắn là không ổn trong tương lai. Có lẽ phải xây dựng đô thị theo kiểu xen kẽ giữa vùng nước và vùng xây dựng và dùng chính đất đào lên để tôn nền, vừa có hồ để tạo cảnh quan vừa có đất cao để xây dựng mà không phải lấy cát từ dưới sông lên. Các kiến nghị này của Giáo sư Trân đều phù hợp và khả thi về mặt kỹ thuật”.

Vấn đề có thực hiện được hay không tùy vào nhận thức của nhiều người, nhiều bên, là kết luận của thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện.

Đối với GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, đồng bằng sông Cửu Long là một châu thổ trẻ, để “hiểu” được nó thì một trong những nhiệm vụ đầu tiên của Chương trình Khoa học cấp Nhà Nước trong điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL là thực hiện đề tài  “Xây dựng bộ bản đồ biến động dòng sông và bờ biển ĐBSCL trong hơn một thế kỷ rưỡi qua.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.