Người đầu tiên chết tại đồn công an năm 2013
2013.01.16
Tuy nhiên, gia đình ông Tân cho rằng cái chết của thân nhân có nhiều điểm không minh bạch, không có dấu hiệu tự vẫn trên thi thể của ông Tân.
Lại là "Thắt cổ tự vẫn"
Được biết, vào hôm 2/1, sau khi ông Tân rời nhà và bảo rằng đi làm thuê và làm cỏ cho mộ bà nội, gia đình đã không thấy ông trở về nên đi tìm. Sáng hôm sau, họ tìm thấy anh chết ở đồn công an xã sau khi bị tạm giữ vì lấy trộm một tấm tôn của công ty xi măng Thành Công vào ngày hôm trước.
Bà Lê Thị Ránh, vợ của ông Tân, cho Khánh An của Đài Á Châu Tự Do biết sự việc cụ thể như sau:
"Tôi là vợ của anh Tân. Gia đình tôi thì bà nội chồng tôi là “bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Bố chồng tôi là liệt sĩ. Nguyên nhân cái chết của chồng tôi ở UBND xã Kim Xuyên, Kim Thành, Hải Dương, là hôm đó chồng tôi có vào công ty Thành Công lấy một miếng tôn. Bên Thành Công lập biên bản giao cho UBND xã Kim Xuyên. Lúc đó là có bên an ninh canh giữ chồng tôi và nhốt chồng tôi vào trong nhà. Nhưng không hiểu làm sao mà sáng ra, những người ở trên xã trên người ta đi chợ qua ngõ nhà tôi và có nguồn tin là trên hội trường ở Kim Xuyên có một người sinh năm 1960, ở thôn Nam, chết ở trên đó.
Các em tôi lúc bấy giờ mới lên đấy thì quả tình là chồng tôi chết nằm dưới đất. Lúc bấy giờ là công an tỉnh, công an huyện, công an xã đã có mặt ở đấy đầy đủ rồi. Họ bảo mang xác chồng tôi về bệnh viện Kim Thành để khám nghiệm tử thi. Gia đình tôi cũng thương xót thì cũng nghĩ là pháp y người ta bảo thế thì cũng đồng ý để cho về huyện Kim Thành để cho mổ khám nghiệm tử thi.
Trên thân thể anh ấy không có một dấu vết gì để chứng minh là anh ấy thắt cổ tự vẫn cả, mà bây giờ sơ bộ dựng lên là chồng tôi thắt cổ chết.
Bà Lê Thị Ránh
Đến vài hôm sau họ báo tôi xuống đấy và trong khi em chồng tôi ký vào biên bản là sơ bộ công an huyện Kim Thành (kết luận) sơ bộ là chồng tôi thắt cổ tự vẫn."
Khánh An: Chị và gia đình nghĩ thế nào về kết luận này?
Bà Lê Thị Ránh: "Gia đình tôi rất bức xúc. Một tội nho nhỏ mà chồng tôi làm không đáng để chết thê thảm như thế. Chồng tôi trước giờ vẫn khỏe mạnh bình thường, hiền lành làm ăn. Ai thuê làm thuê làm mướn gì cũng làm hết. Từ trước giờ anh không ốm đau gì cả. Bên Thành Công giao người cho bên xã Kim Xuyên thì chồng tôi vẫn khỏe mạnh bình thường, thế nhưng đến hôm sau lại là một xác chết nằm đấy. Trong khi đó, từ gia đình tôi đến Kim Xuyên chỉ khoảng 2 km, thế nhưng họ không báo gì cho gia đình tôi biết cả. Hoàn toàn gia đình tôi coi như không biết tin gì về chuyện chồng tôi chết cả. Đêm hôm đó mẹ chồng tôi điện liên tục, trong khi đó điện thoại chồng tôi vẫn đút trong túi. Cái chết của chồng tôi như thế cho nên gia đình tôi rất bức xúc. Đề nghị báo chí, cơ quan pháp luật nhà nước làm rõ nguyên nhân cái chết của chồng tôi."
Khánh An: Khi đưa thi thể của ông Tân về nhà thì trên thi thể ông Tân có dấu vết nào không mà gia đình lại nghĩ là không phải do ông Tân tự tử?
Bà Lê Thị Ránh: "Không có dấu vết gì ngoài dấu còng số 8 ở hai cổ tay. Ngoài ra trên thân thể anh ấy, lật ngược lật xuôi từ đầu xuống chân không có một dấu vết gì để chứng minh là anh ấy thắt cổ tự vẫn cả, mà bây giờ sơ bộ dựng lên là chồng tôi thắt cổ chết. Người thắt cổ tự vẫn thì phải mặt to, lưỡi thè hay chân tay phải thẳng đứng, nhưng đây với tư thế các em tôi lên đấy về nói là nằm một chân co, chân duỗi như một người đi ngủ bình thường. Tôi sống với chồng tôi hơn 30 năm nay, tôi xác nhận là một tội trạng nho nhỏ như thế không đáng để chồng tôi phải thắt cổ tự vẫn. Thế cho nên gia đình tôi hiện bây giờ rất bức xúc, đưa đơn lên các cấp lãnh đạo của nhà nước kêu oan cho linh hồn của chồng tôi, chết một cách vô lý như thế."
Gia đình sẽ lên tận trung ương
Khánh An: Phía công an địa phương đã có trả lời gì về đơn thư hay có mời chị lên làm việc hay không?
Bà Lê Thị Ránh: "Chồng tôi chết được 3, 4 hôm thì công an huyện có mời tôi xuống. Người ta hỏi tôi rằng anh ấy có bệnh gì không, cuộc sống hàng ngày giữa hai vợ chồng có mâu thuẫn gì không. Tôi bảo: “Không. Bây giờ chúng tôi chỉ có cày cấy mấy sào ruộng để cho cuộc sống hàng ngày thôi. Các con tôi nó ở xa. Đợt vừa rồi cháu nội tôi nó về thì đúng là hai ông bà vui như Tết luôn. Lúc nào cũng vui vẻ. Anh ấy có đi làm ở đâu chăng nữa thì cũng vội vàng về để bế ẵm cháu đi chơi thôi. Thời gian này vợ chồng tôi một câu nói nặng cũng không có”. Công an huyện hỏi thì tôi cũng trả lời rõ ràng rành mạch như thế."
Khánh An: Theo người trong gia đình chị cho biết là chính quyền ngỏ ý muốn dàn xếp với gia đình, thế thì việc dàn xếp mà họ đưa ra là như thế nào?
Bà Lê Thị Ránh: "Chưa, chưa biết như thế nào. Hôm qua mấy anh ở trên xã Kim Xuyên, bên dân vận họ xuống họ có ý kiến là thôi thì bây giờ chết người thì cũng không đền người được. Họ mạn đàm là yêu cầu của gia đình là như thế nào. Hôm qua tôi nói rõ quan điểm là thứ nhất phải điều tra ra là người nào hôm đấy trông, gác chồng tôi mà dẫn đến cái chết của chồng tôi như thế thì phải vạch ra rõ ràng, thứ hai là phải có trách nhiệm với gia đình nhà tôi. Chứ bây giờ anh ấy chết như thế là coi như gia đình tôi mất hẳn cánh tay phải luôn."
Nếu như cấp huyện, cấp tỉnh mà không làm rõ vấn đề thì mẹ tôi sẵn sàng cơm nắm, khoai lang lên tận trung ương Đảng luôn.
Bà Lê Thị Ránh
Khánh An: Vâng. Trong vài năm trở lại đây, có khá nhiều vụ việc xảy ra tương tự như trường hợp của gia đình chị là nạn nhân bị chết trong đồn công an trong thời gian điều tra. Nhưng cho đến nay thì gần như chưa có vụ nào có kết luận điều tra là do cơ quan công an gây ra cả. Thế thì chị và gia đình có tin là các cơ quan chính quyền cao hơn có thể giải quyết, làm rõ, phân minh về cái chết của anh Tân không? Và chị có e ngại sẽ gặp khó dễ trong thời gian đi kiện không?
Bà Lê Thị Ránh: "Gia đình tôi bây giờ đủ tự tin để hỏi các cấp lãnh đạo của nhà nước, chứ không sợ một lời đe dọa nào của những người từ cấp xã trở lên. Mong làm sao càng giải quyết, đưa ra (nguyên nhân) cái chết của anh Tân bao nhiêu thì tôi nghĩ rằng ban lãnh đạo của nhà nước càng tốt bấy nhiêu. Còn nếu như cấp huyện, cấp tỉnh mà không làm rõ vấn đề thì mẹ tôi sẵn sàng cơm nắm, khoai lang lên tận trung ương Đảng luôn."
Khánh An: Vâng, cám ơn chị đã dành thời gian cho Đài Á Châu Tự Do.