Hào nhoáng của những làng quê Trung Bộ: sự đánh đổi đầy can đảm?

RFA
2019.10.29
1029f1 Làng Phú Xuân, nơi gia đình nạn nhân Bùi Thị Nhung sống.
AFP video

Sau khi sự việc 39 người được phát hiện chết trong xe tải ở London được tuyền thông trong và ngoài nước loan tin rộng rãi, nhiều gia đình ở khu vực miền Trung đã trình báo mất liên lạc với con, cháu họ khi trùng hợp những người này cũng cho biết đang trên đường sang Anh lao động. Tin vào những tin nhắn gửi vội về nhà từ Anh và tin vào trực giác của những người làm cha làm mẹ, nhiều gia đình đã lập bàn thờ vọng cho con, em họ…mặc dù giới chức ở Anh và cả VN đều chưa loan tin chắc chắn về danh tính của 39 nạn nhân xấu số đó.

Những đánh đổi cho sự hào nhoáng

Hình ảnh từ những video được các hãng thông tấn trong và ngoài nước loan tải mấy ngày qua tại các làng quê được cho là của những người mất tích ở Anh cho thấy những ngôi nhà cao tầng, khang trang và màu sắc, mặc dù sự ảm đạm, tang thương gần như bao gồm cả xóm làng…

Số người từ miền Trung đi các nơi khác để làm ăn là rất đông so với nơi khác trong nước. Đây cũng thể hiện một điều rất rõ là kinh tế miền Trung vẫn còn chậm phát triển, công ăn việc làm vẫn còn hiếm hoi, cuộc sống người dân vẫn còn vất vả quá nên người ta phải bỏ quê hương mà đi nơi khác làm. - Phạm Chi Lan

Trong thực tế, có nhiều làng, xã miền Trung ngày nay đang trở nên khang trang, sầm uất hơn nhờ những người trẻ đăng ký đi xuất khẩu lao động. Điển hình như sự chuyển mình từ một huyện nghèo thành ‘huyện tỉ phú’ như ở Yên Thành thuộc tỉnh Nghệ An do có 20.000 người đi xuất khẩu lao động tính đến năm 2015.

Tuy nhiên, không phải ai cũng chọn cách chính thống đi xuất khẩu lao động hợp pháp.

Sau sự việc 39 người chết trên xe tải sang Anh, nhiều người trong số họ có thể là người trẻ ở làng quê miền Bắc Trung Bộ hào nhoáng ấy. Tại sao các gia đình để người thân mình ra đi, đó là câu hỏi được đặt ra suốt mấy ngày qua khi số phận của những người mất tích được gia đình chia sẻ trên truyền thông?

Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan, nguyên cố vấn Văn Phòng Thủ Tướng trước đây đưa ra nguyên nhân:

“Điều này phản ánh một thực tế là ở miền Trung cuộc sống, công ăn việc làm còn rất khó khăn. Nếu ngay ở Việt Nam, có dịp đi vào các vùng kinh tế ở miền Nam chẳng hạn như Bình Dương, Đồng Nai hay Sài Gòn, hoặc các tỉnh khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, kể cả vùng Tây Nguyên thì có thể thấy rất nhiều người quê gốc miền Trung đi về các nơi đó làm việc. Số người từ miền Trung đi các nơi khác để làm ăn là rất đông so với nơi khác trong nước. Đây cũng thể hiện một điều rất rõ là kinh tế miền Trung vẫn còn chậm phát triển, công ăn việc làm vẫn còn hiếm hoi, cuộc sống người dân vẫn còn vất vả quá nên người ta phải bỏ quê hương mà đi nơi khác làm.”

Còn theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương thuộc viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam lại cho rằng do vấn đề tâm lý vì người dân nhìn thấy những người đi trước có môt cuộc sống tốt hơn nên họ tiếp tục đi.

“Họ là những người rất căn bản, rất có nghị lực. Rõ ràng người dân tự biết được những gì tốt cho người ta, họ vẫn vươn lên làm cho cuộc sống của mình tốt hơn chứ không bằng lòng với hiện tại. Những người đi như vậy đem lại tiền cho gia đình xây nhà cửa, mua đồ đạc để cuộc sống tốt hơn, con cái được học hành tốt hơn. Tôi thấy đó là lựa chọn đúng đắn và tôi tôn trọng họ, đánh giá cao quyết tâm của họ vì dám vượt qua những khó khăn, những trở ngại. Nhưng họ lại mạo hiểm quá, đánh cược cả sinh mạng của mình thì tôi thấy quá rủi ro. Thực sự thế hệ trước, thuyền nhân ra đi như thế thì quá rủi ro. Cái đấy thì suy nghĩ một chút, mình không lên án họ nhưng họ nên nghĩ lại, bây giờ không như trước nữa, không phải đến mức như thế nữa. Có rất nhiều cách như xuất khẩu lao động thì hãy đi bằng cách an toàn hơn.”

Phong trào đổi đời?

Bùi Thị Nhung, người được cho là 1 trong số 39 người được tìm thấy đã chết trong một chiếc xe tải ở Anh. Ảnh chụp ngày 27/10/2019.
Bùi Thị Nhung, người được cho là 1 trong số 39 người được tìm thấy đã chết trong một chiếc xe tải ở Anh. Ảnh chụp ngày 27/10/2019.
AFP

Miền Trung Việt Nam được đánh giá là vùng đất không được thiên nhiên ưu đãi vì khí hậu khô hạn và thường xuyên gánh chịu thiên tai, bão lũ.

Người dân nơi đây chủ yếu làm nông và đánh bắt cá. Tuy nhiên, tình trạng hải sản ngày càng cạn kiệt do đánh bắt quá nhiều, cộng thêm việc chính quyền bán đất ruộng của dân để làm đường khiến người dân đã nghèo nay còn khó khăn hơn.

Để cải thiện kinh tế gia đình, nhiều hộ dân đã cho con em mình ra nước ngoài mưu sinh, đặc biệt kể cả việc lao động bất hợp pháp.

Hết lớp người này đi thành công thì sẽ có lớp khác đi theo, cứ như vậy, phong trào ‘lao động chui’ mang đến cơ hội giúp họ đổi đời. Mặc dù họ biết rằng ra đi và sinh sống bất hợp pháp tại xứ người sẽ có những hậu quả khắc nghiệt nhưng nhiều thanh niên vẫn chọn con đường ra đi. Liệu giấc mơ đổi đời có đáng để họ đánh đổi?

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng nguyện vọng đổi đời là nguyện vọng chính đáng đối với bất cứ ai. Bà nhận định:

“Không ai là người cứ muốn mình sống trong điều kiện nghèo khổ, khó khăn, cực nhọc mãi nên đổi đời là nguyện vọng rất chính đáng của tất cả mọi người. Đối với người Việt Nam, tâm lý chung là muốn sống ở quê hương, gắn bó với quê hương mình. Thành ra đi ra khỏi quê hương để đi nơi khác sinh sống làm ăn như ngày xưa vẫn gọi là tha phương thì không ai muốn cả. Nên những người phải bỏ đi xa, càng xa hơn, những điều kiện khắc nghiệt hơn, khó về hơn lại càng là điều bất đắc dĩ hơn đối với họ. Tuy nhiên tìm con đường như thế nào để đi tìm những công việc tốt hơn để cải thiện cuộc sống cho mình lại là sự chọn lựa khác nhau của rất nhiều người.”

Đồng tình với quan điểm của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương phân tích sẽ có 2 trường hợp xảy ra: người dân chấp nhận hoàn cảnh sống và tìm cách vươn lên. Tuy nhiên 2 trường hợp này sẽ cùng song hành, không cái nào vượt trội hơn cái nào.

Số người từ miền Trung đi các nơi khác để làm ăn là rất đông so với nơi khác trong nước. Đây cũng thể hiện một điều rất rõ là kinh tế miền Trung vẫn còn chậm phát triển, công ăn việc làm vẫn còn hiếm hoi, cuộc sống người dân vẫn còn vất vả quá nên người ta phải bỏ quê hương mà đi nơi khác làm. - Phạm Chi Lan

Giải thích rõ hơn, bà cho biết:

“Một khía cạnh là rõ ràng cuộc sống người dân ngày nay tốt hơn so với ngày xưa nhưng người ta vẫn tiếp tục đi vì vẫn muốn phải tốt hơn nữa. Tôi rất chia sẻ với những người dân trong làn sóng di cư trước đây, gọi là thuyền nhân, đó là sự lựa chọn của họ mặc dù đánh đổi sinh mạng của bản thân, nhiều khi của cả gia đình, nhưng họ vẫn quyết định ra đi. Tôi thấy họ rất dũng cảm và can đảm. Có lẽ sự can đảm đấy vẫn tiếp tục cho đến làn sóng di cư bây giờ, truyền tiếp cho thế hệ hiện nay ở Việt Nam. Tôi thấy ảnh hưởng tâm lý ấy là vẫn có trong những người dân Việt Nam bây giờ.”

Vẫn theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, nguyên nhân có thể còn do ảnh hưởng của mặt trái kinh tế thị trường, khiến người dân cảm thấy bất an và chấp nhận ra đi.

Vì thế, qua vụ việc 39 người tử nạn trong container khi đang trên đường nhập cảnh lậu vào Anh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng các cơ quan có trách nhiệm ở Việt Nam cần xem xét lại hướng giải quyết để tránh tình trạng đau lòng này:

“Chắc chắn về góc độ kinh tế, góc độ công ăn việc làm, góc độ về làm thế nào để phát triển, cân bằng hơn giữa các nơi, các vùng miền, giữa các nhóm người khác nhau, mang lại cơ hội đồng đều hơn cho tất cả mọi người dân trong xã hội còn là điều cả các nhà làm chính sách cũng như những người làm nghiên cứu ở Việt Nam sẽ phải suy nghĩ rất nhiều để đóng góp và cải thiện.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.