“Nạn lũ lụt miền Trung sẽ giảm bớt khi người dân nhận thức về thảm họa của thủy điện”
2020.10.21
Khu vực miền Trung đang hứng chịu trận lũ lụt được ghi nhận là rất nghiêm trọng.
Đài RFA thực hiện một cuộc phỏng vấn ngắn với nhà hoạt động xã hội-blogger Nguyễn Lân Thắng. Ông Nguyễn Lân Thắng đang có mặt tại tỉnh Quảng Bình để cứu trợ cho đồng bào ở đó. Trước hết, ông cho biết về tình hình lũ lụt ở Quảng Bình
Ông Nguyễn Lân Thắng: Hiện tại tôi đang ở khu vực Quảng Bình. Đây là một trong những nơi trong điểm trong đợt lũ lụt ở miền Trung lần này bị ngập lụt rất nhiều. Trận lụt ở khu vực này xảy ra khoảng 10 ngày rồi. Nhưng, tôi đến đây mới được hai ngày thôi. Nước đang rút rất chậm. Hiện tại so với mực nước cao nhất hôm trước thì rút được tầm 1,5 mét. Tuy nhiên còn rất nhiều các hộ dân ở vùng sâu, như vùng Lệ Thủy, Quảng Bình đang còn chìm trong nước. Rất nhiều người dân cùng nhau tránh lũ ở trên các nhà cao tầng và xung quanh là biển nước.
RFA: Ông đã đến Quảng Bình được hai ngày rồi, ông có nghe được sự phản ảnh của người dân về công tác cứu hộ, cứu nạn ở địa phương này như thế nào? Bị quá chậm hay hầu như không có công tác đó?
Ông Nguyễn Lân Thắng: Thật ra tôi cũng không được chứng kiến từ đầu cơn lũ lụt này. Nhưng mà cũng nghe một số người dân kể lại rằng trong đêm đầu tiên mà thủy điện xả nước và cơn lũ kéo về khu vực này thì hầu hết những người dân ở vùng biển, họ mang tàu bè lên và dùng ô tô để vận chuyển vào trong đất liền và đi sâu vào trong các cánh đồng đang bị ngập để cứu người. Đã có hàng trăm ghe và thuyền nhỏ được tập kết vào trong đó và cứu được rất nhiều người. Như ngày hôm nay tôi chứng kiến thì cũng có rất nhiều ngư dân chạy những ghe nhỏ để giúp các đoàn cứu trợ từ các tỉnh về đây và chuyển những phần quà đến cho các người dân đang còn bị cô lập ở giữa đồng nước.
RFA: Thế còn công tác cứu hộ, cứu nạn từ phía chính quyền thì sao? Ông được nghe hay nhìn tận mắt những công tác đó hay không?
Ông Nguyễn Lân Thắng: Hiện tại, lực lượng cứu hộ, cứu nạn thì tôi nhìn thấy có lực lượng công an và lực lượng biên phòng. Họ có nhân viên và ca-nô. Thật sự rằng bây giờ để đánh giá là có hiệu quả hay không thì tôi không biết, nhưng mà còn rất nhiều người dân đang còn đói và quá trình lũ rút đi cũng rất chậm cho nên chắc chắn công tác cứu hộ, cứu nạn là có vấn đề và cần được nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa.
RFA: Chúng tôi được biết qua chia sẻ của ông rằng nhóm thiện nguyện ông tham gia nhận được số tiền quyên góp khoảng 160 triệu đồng và số tiền này rất nhỏ nhoi đối với nhu cầu cần giúp đỡ của đồng bào tại Quảng Bình. Ông có ghi nhận nào về bên cạnh nhóm của ông còn có nhiều nhóm khác gồm những tổ chức và cá nhân đến khu vực đó để làm thiện nguyện hay không?
Ông Nguyễn Lân Thắng: Thật ra lần này tôi cũng không có chủ đích ngay từ đầu về chương trình cứu trợ bà con, bởi cũng có rất nhiều vấn đề từ trước đến nay như chúng ta đã biết rằng việc cứu trợ thì năm nào cũng như năm nấy. Nhất là trong dịp COVID-19 này, nền kinh tế bị suy thoái và lượng tiền của người dân khắp cả nước cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, tôi cũng chứng kiến có rất nhiều tổ chức thiện nguyện và cá nhân đóng góp những phần quà ngay từ thời gian đầu lũ lụt và rất nhiều đoàn xe từ khắp các tỉnh/thành chạy về khu vực miền Trung bị lũ lụt để đưa các phần quà cho đồng bào.
RFA: Về phía chính quyền, ngay tại địa phương mà nhóm của hay những nhóm thiện nguyện khác gặp trở ngại nào với chính quyền hay không? Phía chính quyền có đòi hỏi các đoàn thiện nguyện phải làm những thủ tục gì hay tất cả các nhóm đều có thể được tự phát và tự do để làm công việc thiện nguyện?
Ông Nguyễn Lân Thắng: Đoàn của tôi đi thì không gặp trở ngại nào. Thế nhưng cũng có một số phản ánh từ chỗ này, chỗ kia rằng người ta cũng gặp sự cản trở. Do tôi không chứng kiến việc đó, nhưng mà chắc là cũng có vấn đề gì đó nên họ mới than phiền trên mạng xã hội. Tôi nghĩ rằng các chính quyền địa phương cần rút kinh nghiệm nhắc nhở các đội ngũ và những lực lượng tham gia cứu trợ của nhà nước phải có thái độ cũng như sự giúp đỡ đối với những đồng bào ở xa đến từng địa phương để trợ giúp lũ lụt.
RFA: Bây giờ tất cả bà con ở tại vùng lũ đang bị đói rét như vậy, nhưng ông có nghe được những lời ta thán hay kêu ca vì sao họ phải chịu cảnh lũ lụt như thế không?
Ông Nguyễn Lân Thắng: Nói chung, trong dịp cứu trợ lần này thì tôi cũng nghe rất nhiều than phiền của chính người dân và của cả những người đi làm công việc thiện nguyện rằng họ rất bất bình trong việc quản lý cấp phép xây dựng các đập thủy điện ở miền Trung và Việt Nam nói chung là rất cẩu thả. Có những thủy điện rất nhỏ và không có giá trị kinh tế gì nhiều nhưng lại tàn phá một diện tích rừng rất lớn, làm cho các cơn lũ ngày càng trở nên khốc liệt.
RFA: Chúng tôi cũng được biết mỗi lần xảy ra lũ lụt thì ông cũng cố gắng thực hiện những chuyến đi cứu trợ cho bà con ở vùng lũ lụt. Nhưng riêng trong lần này, vừa dịch bệnh COVID-19 và tình hình lũ lụt ở miền Trung lại quá nặng nề. Trong bối cảnh như thế, trước những hình ảnh thực tế mà ông chứng kiến, ông cảm nhận điều gì?
Ông Nguyễn Lân Thắng: Tôi nghĩ rằng những thảm họa thiên nhiên thực ra bị tác nhân bởi con người rất nhiều. Tại vì, hàng triệu năm nay, mưa vẫn cứ rơi và nắng vẫn cứ chiếu vì đấy là điều kiện tự nhiên rồi. Nhưng việc con người quản lý tác động đến môi trường thế nào mà tình hình bão lũ ngày càng nguy cấp như thế thì cần phải xem lại năng lực quản lý nhà nước, cũng như phải xem lại việc người dân chưa dám hoặc có lẽ vẫn còn chưa hiểu được những thảm họa mà họ đang phải chịu là nguyên nhân do đâu.
Khi mà người dân nhận thức được về quyền và nghĩa vụ của họ cũng như họ hiểu được trách nhiệm của nhà nước như thế nào thì tôi tin rằng có lẽ nhà nước sẽ phải thay đổi, không thể để tình trạng người dân phải chịu những cảnh lũ lụt hàng năm như thế này.
RFA: Cảm ơn nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng rất nhiều dành thời gian chia sẻ thông tin với RFA nhân chuyến thiện nguyện giúp bà con bị lũ lụt ở Quảng Bình.