Nước ngoài và vấn đề nhân quyền tại Việt Nam

RFA
2018.07.13
000_17D3GI.jpg Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo phát biểu tại buổi gặp các doanh nhân Việt Nam, hôm 8 tháng 7 năm 2018.
AFP

Cụm từ nhân quyền và pháp trị biến mất

Nhiều người xôn xao về vụ việc trên trang Facebook của đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Daniel KritenBrink, hôm 8 tháng 7 có đoạn được cho là dịch lời ngoại trưởng Mỹ như sau“Tại buổi gặp gỡ các doanh nhân, Ngoại trưởng Pompeo đã khẳng định rằng, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nỗ lực vì một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập, một quốc gia tham gia thương mại công bằng và đối ứng.. Một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở mang tính sống còn cho sự tăng trưởng thương mại liên tục giữa hai nước chúng ta.”

Ngay dưới phần nội dung tiếng Việt lại có đoạn Tiếng Anh với cụm từ “respects human rights and the rule of law”, có nghĩa là “tôn trọng nhân quyền và pháp trị”. Nhiều ý kiến cho rằng bản dịch tiếng Việt bị thiếu nhưng sau đó không lâu bản dịch tiếng Anh trên trang cá nhân của vị Đại sứ Mỹ cũng bị xóa bỏ cùm từ đó.

Nhiều người sử dụng mạng xã hội lên tiếng về sự việc này như Facebooker Trung Nguyễn viết trên trang cá nhân rằng “ Đến Facebook của ngài đại sứ cũng tự kiểm duyệt”

Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến từ Hà Nội cho rằng ông không chắc có cụm từ đó trong bài phát biểu của vị Ngoại trưởng Mỹ hay không:

“Tôi có đọc qua chứ không đọc hết bài phát biểu của ông Pompeo nhưng tôi có soi thì không thấy có cụm từ đó trong bài phát biểu của ông. Tôi không chắc rằng trong buổi gặp các doanh nhân ấy thì ông Pompeo có sử dụng cụm từ đó hay không.”

Tôi không tâm đến lời nói mà tôi muốn xem họ sẽ hành động như thế nào, nó có thể tác động đến chính quyền và nhân dân Việt Nam hay không thôi.

Tuy nhiên một số người sử dụng mạng xã hội lập luận rằng trong phạm vi hành chánh nhất là trong lãnh vực ngoại giao, ngôn từ dùng để chuyển đạt “Đường lối” và “Chính sách” từ một quốc gia này đến quốc gia khác, cho nên không thể có chuyện sai sót như vậy.

Facebooker Thạch Nguyễn có viết trên trang cá nhân của mình rằng đại sứ quán Mỹ cần rà soát nghiêm chỉnh đội ngũ những người dịch, anh nhấn mạnh “Ở mức độ nhẹ,họ đã không làm tốt công việc. Ở mức độ nghiêm trọng, họ thực hiện các chỉ thị của VCP (Vietnamese Communist Party – Đảng Cộng sản Việt Nam) ở bên trong Đại sứ quán Mỹ.

Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến thì lại có ý kiến khác cho rằng có hay không vấn đề nhân quyền được đề cập trong các bài phát biểu của các vị quan chức ngoại giao thì cũng không có vấn đề gì.

Anh cho biết thêm “Từ phát biểu lời nói của các quan chức như Bộ trưởng ngoại giao, các tổng thống, thủ tướng của các nước nếu như họ có sang Việt Nam mà trong bài phát biểu có liên quan đến tự do dân chủ, nhân quyền thì tốt thôi còn nếu họ không nói thì theo cá nhân tôi thì nó không có vấn đề gì lắm. Bởi vì tôi không tâm đến lời nói mà tôi muốn xem họ sẽ hành động như thế nào, nó có thể tác động đến chính quyền và nhân dân Việt Nam hay không thôi.”

Tác động từ nước ngoài đối với nhân quyền VN

Trong hơn một thập niên trở lại đây, Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu EU đã thực hiện nhiều cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam nhưng hai bên vẫn không thể rút ngắn khác biệt và đây vẫn là chủ đề căng thẳng trong quan hệ của hai phía.

Các báo cáo nhân quyền thường kỳ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thường xuyên lên tiếng chỉ trích Việt Nam không có tự do về chính trị, nhiều vấn đề thuộc về quyền con người tại Việt Nam không được tôn trọng. Trong khi đó, chính quyền Hà Nội luôn bác bỏ các cáo buộc trên và đề nghị Washington không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến chia sẻ với chúng tôi rằng trong các vấn đề đối thoại song phương trong những năm gần đây phía Liên minh Châu Âu EU quan tâm đến nhân quyền Việt Nam hơn là Hoa Kỳ, đặc biệt là các nước như Đức và Thụy Điển có những tiếng nói và việc làm cụ thể gây ảnh hưởng đối với nhân quyền Việt Nam.

Tôi hy vọng rằng khi làm việc với chính quyền VN thì các sức ép về nhân quyền thì đi song song với các vấn đề về kinh tế.
- Lã Việt Dũng

Còn nhà hoạt động Lã Việt Dũng chia sẻ rằng sức ép về các vấn đề nhân quyền lên Việt Nam từ bên ngoài trong những năm gần đây giảm sút rất nhiều.

Anh cho biết “Giai đoạn gần đây, sức ép về các vấn đề nhân quyền lên Việt Nam từ bên ngoài giảm sút khá nhiều, đặc biệt khi Trump lên làm tổng thống Hoa Kỳ, TPP không còn sự tham gia của Mỹ nữa cho nên chính quyền VN cũng không quá quan tâm đến việc chiều lòng EU và Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền nên sức ép có vẻ giảm. Giữa EU và Hoa Kỳ thì theo cảm nhận của riêng mình thì phiá EU quan tâm hơn Hoa Kỳ vào thời điểm này về vấn đề nhân quyền.”

Nhà hoạt động Lã Việt Dũng thừa nhận dù sức ép từ bên ngoài lớn bao nhiêu thì chính quyền Việt Nam cũng không e ngại về điều đó. Anh có bày tỏ:

“Tôi hy vọng rằng khi làm việc với chính quyền VN thì các sức ép về nhân quyền thì đi song song với các vấn đề về kinh tế, nhiều khi EU và HK chỉ vì kinh tế mà nhượng bộ về nhân quyền thì điều đó không tốt.”

Thực tế tiếp tục cho thấy tù nhân lương tâm bị Việt Nam sử dụng như những vật trao đổi với nước ngoài để đạt được mục tiêu về kinh tế cũng như những mục tiêu khác. Sự việc trao đổi tù nhân chính trị gần đây nhất là việc đưa luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài cùng vợ và cô Lê Thu Hà sang Đức được cho có những trao đổi đằng sau giữa chính phủ Hà Nội với nước này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.