Từ sự kiện Đá Ba Đầu nhìn về chiến thuật “Vùng xám” & “Chiến tranh nhân dân trên biển” của Trung Quốc

2021.04.08
Từ sự kiện Đá Ba Đầu nhìn về chiến thuật “Vùng xám” & “Chiến tranh nhân dân trên biển” của Trung Quốc Rất nhiều tàu Trung Quốc, được cho là do dân quân biển Trung Quốc điều khiển, neo đậu ở khu vực Đá Ba Đầu ngày 27/3/2021.
Ảnh: Cảnh sát Biển Philippines/Reuteurs

Trung Quốc đã và đang sử dụng chiến thuật “vùng xám”, đặc biệt là “Chiến tranh nhân dân trên biển” trong việc thực hiện tham vọng bành trướng của nước này ở Biển Đông. TS. Vũ Hồng Lâm, một chuyên gia hàng đầu về vấn đề biển Đông và an ninh châu Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Hoa Kỳ (APCSS) cho rằng, để đối phó hiệu quả với những chiến thuật này của Trung Quốc, các quốc gia nhỏ có tuyên bố chủ quyền trong khu vực như Philippines và Việt Nam cần sớm đưa các vi phạm của Trung Quốc ra công luận quốc tế đồng thời kiên trì đấu tranh với Trung Quốc ngay tại khu vực xảy ra xung đột.

RFA: Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang thực hiện Chiến tranh nhân dân trên biển (people’s war at sea) trong vụ việc Đá Ba Đầu– một chiến thuật mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn của nước này đã đề cập tới trong một vài năm gần đây. Ông nghĩ gì về nhận định này và theo ông, Trung Quốc đã sử dụng chiến thuật này như thế nào để thực hiện tham vọng của họ ở biển Đông?

TS Vũ Hồng Lâm: Chiến tranh nhân dân trên biển (CTNDTB) đúng là một chiến thuật rất quan trọng của Trung quốc ở biển Đông và họ đã thực hiện chiến thuật này từ lâu. Ban đầu họ sử dụng một số quân nhân trá hình giả làm ngư dân. Dần dần họ phát triển lực lượng dân quân biển và bây giờ lực lượng này đã phát triển khá hùng hậu với hàng trăm, hàng ngàn tàu cùng với số lượng người rất lớn. Một số trong lực lượng này là quân nhân phục viên chuyển ngành (ví dụ trước đây từng là lính hải quân) và rất nhiều người vốn là ngư dân nhưng được tuyển dụng làm dân binh.

Trung Quốc đã huy động lính giả dạng làm ngư dân để chiếm các đảo ở Trường Sa từ những năm 1980. Chẳng hạn vào năm 1988, khi xuống Đá Chữ Thập với lý do xây dựng trạm khí tượng, Trung Quốc đã dùng lính hải quân đóng giả ngư dân, dùng tàu cá để đi trinh sát. Sau đó, cũng với chiến thuật này, họ chiếm Đá Vành Khăn vào năm 1995 và gần đây là chiếm Bãi cạn Scarborough vào năm 2012.

000_C62X0.jpg
Việc Trung Quốc chiếm đóng Bãi cạn Scarborough khiến việc đánh cá của ngư dân Philippines tại ngư trường này gặp nhiều khó khăn. Ảnh chụp ngày 16/6/2016. Ảnh: AFP

Trung Quốc chiếm được bãi cạn này bằng chiến thuật  cải bắp với vòng đầu là ngư dân, vòng hai  là cảnh sát biển và vòng ngoài là hải quân, hiện diện ở rất xa, ngoài đường chân trời.  Tại khu vực vòng đầu, ngư dân Trung Quốc tập hợp thành đám đông vào đánh bắt và xua đuổi ngư dân của Philippines đi, rồi dần dần họ bao vây, không cho thuyền của các nước như Philippines hay Việt Nam ra vào. Sau một thời gian, họ đã chiếm đóng và kiểm soát bãi cạn Scarborough trên thực tế. Đấy là chiến thuật sử dụng dân binh phối hợp với tàu cảnh sát biển  đã giúp nước này chiếm các đảo đá ở Trường Sa.

Vừa qua, Trung Quốc tiếp tục sử dụng chiến thuật CTNDTB ở Đá Ba Đầu. Những gì Trung Quốc làm ở Đá Ba Đầu trong tháng 3 cũng là điều họ đã làm ở đây hàng năm vào mùa này vì đây là thời gian biển không động, thời tiết tương đối tốt. Năm nay là lần Trung Quốc sử dụng một số lượng rất lớn, với hơn 200 tàu cá để bao vây khu vực Đá Ba Đầu với mưu đồ thiết lập quyền kiểm soát trên thực tế  và xua đuổi ngư dân của các nước khác như Việt Nam và Philippines ra khỏi đây. Đáng  lưu ý, Trung Quốc đã sử dụng chiến thuật này trong hơn 2 năm gần đây tại khu vực gần đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát. Họ cũng sử dụng cả trăm tàu dân binh để bao vây khu vực này, không đánh bắt nhưng cứ neo đậu ở đó để “tạo quyền kiểm soát trên thực tế” đồng thời xua đuổi tàu thuyền nước khác, đặc biệt là tàu thuyền của các nước có tuyên bố chủ quyền trong khu vực.

Như vậy, có thể nói rằng chiến thuật này là sự lặp lại của những gì Trung Quốc đã làm trong lịch sử và đã làm ở khu vực đảo Thị Tứ trong mấy năm gần đây.

000_96P3E4.jpg
Rất nhiều tàu cá của Trung Quốc tập trung tại Đá Ba Đầu, quần đảo Trường Sa hôm 23/3/2021. Ảnh Maxar/AP

Những động thái Trung Quốc ở Đá Ba Đầu gần đây đang gây áp lực rất lớn đối với Việt Nam ở cụm đảo Sinh Tồn. Ở cụm đảo này, Việt Nam đóng quân ở 4 điểm: Đảo Sinh Tồn, đảo Sinh Tồn Đông, đảo Len-đao và Co-lin. Trung Quốc đóng quân ở 2 điểm, gồm đảo Gạc Ma và đá Tư Nghĩa. Đảo Đá Ba Đầu và Gạc Ma đều có vị trí chiến lược vì nằm ở hai đầu  mút phía Tây và phía Đông của cụm đảo Sinh Tồn. Nếu nắm được 2 đầu đó thì Trung Quốc có thể tạo ra áp lực chia cắt và phong tỏa các đảo mà Việt nam đang nắm giữ ở cụm đảo Sinh  Tồn” - TS. Vũ Hồng Lâm thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Hoa Kỳ (APCSS)

RFA: Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của chiến thuật này?

TS Vũ Hồng Lâm: Chiến thuật này đặc biệt hiệu quả đối với trường hợp bãi cạn Scarborough và trên thực tế Trung Quốc đã chiếm đoạt được thực thể này. Mặc dù đã có phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế nhưng Trung Quốc vẫn không tuân thủ, họ vẫn xua đuổi ngư dân của Philippines và Việt Nam đến đánh cá và bản thân tàu chấp pháp của Philippines cũng không còn ra vào khu vực này nữa.

Hiện Trung Quốc và Philippines vẫn tranh chấp ở khu vực đảo Thị Tứ, tuy tình hình đã bớt nóng nhưng vẫn còn giằng co. Chiến thuật này thường phát huy hiệu quả khi đối phương không đủ thuyền bè để đối phó, nghĩa là không tạo được sức ép trên thực địa đồng thời giữ im lặng hoặc không tạo được sức ép dư luận quốc tế và do đó dẫn tới mất quyền kiểm soát.

RFA: Theo ông, những nước nhỏ như Việt Nam và Philliplines có thể làm gì để đáp trả chiến thuật CTNDTB cũng như đội ngũ dân binh và cảnh sát biển hùng hậu của Trung Quốc?

TS Vũ Hồng Lâm: Để đối phó, chủ yếu mình phải làm được ở hai mặt trận. Một là phải đưa vấn đề này ra công luận quốc tế để tạo lập dư luận và tận dụng sức ép của công luận, đặc biệt từ chính phủ các nước cũng như truyền thông của quốc tế. Hai là, trên thực địa, mình cũng cần có lực lượng để giằng co. Tuy lực lượng của mình mỏng hơn, ít hơn nhưng phải kiên quyết để duy trì sự hiện diện của mình ở đó.

Trong năm 2014, khi Trung Quốc đưa dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Việt Nam đã làm đúng hai điều này và đã thành công. Tuy trên biển, lực lượng dân quân và hải cảnh của Việt Nam yếu hơn Trung Quốc rất nhiều nhưng Việt Nam vẫn cương quyết bám trụ. Mặc khác, Việt Nam đã đưa vấn đề này ra quốc tế, thậm chí còn gửi kiến nghị lên Liên Hợp Quốc và mời nhà báo nước ngoài đến tận hiện trường để chứng kiến. Nhờ tất cả những việc làm này, Việt Nam đã khiến Trung Quốc đã phải rút giàn khoan trước hạn.

Dan khoan 981.png
Tàu Trung Quốc ngăn chặn tàu tuần tra của Cảnh sát biển Việt Nam gần giàn khoan HD 981 của Trung Quốc nằm trong vùng đặc khu kinh tế của Việt Nam. Ảnh chụp 28/5/2015. Ảnh AFP

RFA: Nguy cơ thương vong đối với các nước nhỏ sẽ như thế nào nếu thực hiện theo phương án này thưa ông?

TS Vũ Hồng Lâm: Khả năng xảy ra thương vong là có nhưng rất ít vì tính chất của câu chuyện này là tất cả các bên đều cố gắng giữ để xung đột không leo thang thành xung đột vũ trang.

Vì tính chất này nên Trung Quốc thường dùng CTNDTB và chiến thuật vùng xám để lấn dần, chứ không nhắm đến các trận giao tranh lớn bằng vũ trang.

RFA: Chiến tranh nhân dân trên biển và chiến thuật “vùng xám” mà giới chuyên môn gần đây hay đề cập là một hay là hai chiến thuật khác nhau thưa ông?

TS Vũ Hồng Lâm: Đây là 2 phạm trù khác nhau. Chiến tranh nhân dân (CTND) là  dựa vào nhân dân để tiến hành chiến tranh và CTND thường có dạng không chính quy như “chiến tranh du kích”, “chiến tranh phi quy ước” . CTND trên biển của Trung Quốc có khía cạnh chính là sử dụng dân binh và ngư dân tham gia vào  cuộc chiến chủ quyền của nước này.

Vùng xám là nơi không có hòa bình nhưng cũng không có chiến tranh. Chiến thuật vùng xám cũng sử dụng một số dạng chiến tranh không quy ước. CTND là một hình thái mà chiến thuật vùng xám sử dụng. Chiến thuật vùng xám còn có nhiều hình thái khác như: “Cắt lát xúc xích (salami slice)” [mỗi hôm lấn chiếm một chút, không để tạo xung đột lớn], “Tạo sự đã rồi” [ví dụ chiếm đóng trong một đêm] hay chiến thuật cải bắp như trong trường hợp Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough như đã phân tích ở trên.

RFA: Ông nói rằng các nước nạn nhân như Philippine cần sớm lên tiếng lên án vi phạm của Trung Quốc. Vậy theo ông, việc Philippines lên tiếng về vụ việc Đá Ba Đầu vừa rồi có bị muộn quá không trong khi nước này đã phát hiện ra tàu cá Trung Quốc neo đậu từ 2 tuần trước đó?

TS Vũ Hồng Lâm: Tôi cho rằng Philippines lên tiếng như vậy không hẳn là muộn vì không phải lúc nào nước này cũng biết những gì đang xảy ra cho đến khi họ đi tuần tra. Thêm vào đó, khi lượng tàu của Trung Quốc mới chỉ là một con số nhỏ, 5,7,10 hay 20 tàu thì nếu  lên tiếng cũng chưa thích hợp lắm vì chưa rõ ràng, chưa đáng nói.

Các quốc gia nhỏ hơn và có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông cần nâng cao năng lực nhận thức về lĩnh vực hàng hải để có thể biết được tất cả các tàu và máy bay hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Họ cần cương quyết không cho bất cứ tàu nước ngoài nào được hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Việt Nam, Philippines và Malaysia cần nhất trí về nguyên tắc này. Các vi phạm cần phải được công bố rộng rãi và các quốc gia khác cần tập trung lên án vi phạm đối với vùng đặc quyền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào tính từ bờ biển của nước đó” – Bà Bonnie Glaser – Cố vấn Cấp cao về châu Á và Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS)

RFA: Theo ông, chiến thuật này đã và đang gây ra những khó khăn, bất lợi gì cho các nước có tranh chấp liên quan cũng như cho sự can thiệp của các cường quốc, trong đó có Mỹ?

TS Vũ Hồng Lâm: Theo tôi, các nước có tranh chấp và các cường quốc có liên quan có bất lợi là họ chưa chuẩn bị kỹ cho chiến thuật vùng xám và CTND trong khi đó đây lại là những thế mạnh và truyền thống của Trung Quốc. Ví dụ, trừ Việt Nam, tất cả các nước hiện không có lực lượng dân quân biển vì họ bị ràng buộc bởi luật pháp và học thuyết quân sự của họ, do đó không có khả năng răn đe Trung Quốc ở vùng xám. Việt Nam tuy có dân quân biển nhưng lực lượng này còn nhỏ vì mới chỉ được thành lập từ khoảng chục năm trở lại đây.

Như vậy, có thể thấy về mặt lực lượng quân sự chính quy thì phần nào, Mỹ có thể răn đe được nhờ có tàu sân bay, tàu ngầm, tên lửa nhưng nước này không răn đe được Trung Quốc ở khu vực Vùng xám.  Tính chất của vùng xám là “lách luật” nên cứ đàng hoàng dùng “luật” để chơi thì khó hiệu quả.

000_1FJ8TJ.jpg
Tập trận chung của Hải quân Mỹ và Philippines tháng 4/ 2019. Ảnh: AFP

RFA: Mỹ đã có bài học ở Scarborough và biết rất rõ tính chất của chiến tranh vùng xám. Theo ông, nếu Mỹ thực sự muốn cải thiện tình hình ở Biển Đông thì nước này nên làm điều gì?

TS Vũ Hồng Lâm: Thực ra dưới thời chính quyền của Tổng thống Trump,  có tướng lĩnh Mỹ đã từng tuyên bố sẽ đối xử với tàu dân binh và hải cảnh Trung Quốc giống như đối với tàu thuyền quân sự. Nhưng đó chỉ là tuyên bố nhất thời và cũng không khả thi để biến thành chính sách vì điều này vướng rất nhiều rào cản luật pháp. Có thể nói Mỹ chưa có những bước đi lớn để đối phó với chiến thuật vùng xám cũng như khả năng tham gia chiến thuật vùng xám của Mỹ vẫn còn yếu.

Mặc dầu vậy, tôi nghĩ Mỹ vẫn có thể làm một số việc để cải thiện tình hình khu vực.

Thứ nhất Mỹ có thể đẩy manh hợp tác cảnh sát biển với các nước ven bờ như Việt Nam và Philippines để giúp những nước này nâng cao năng lực bảo vệ vùng biển hợp pháp của họ.

Thứ hai, là giúp đỡ các nước này sử dụng các công cụ kỹ thuật cao (ví dụ máy bay không người lái hoặc những vật thể không phải là vũ khí gây sát thương) để phục vụ việc trinh sát và xua đuổi.

Thư ba là ủng hộ Việt Nam và Philippines phát triển lực lượng dân binh biển của họ. Điều này có thể khiến Mỹ vấp phải những khó khăn về mặt luật pháp, học thuyết quân sự (học thuyết quân sự của Mỹ không có khái niệm dân binh biển) nhưng nếu muốn đối phó hiệu quả với Trung Quốc thì Mỹ phải thay đổi học thuyết quân sự của mình.

RFA: Xin cảm ơn ông!

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Nguyen
09/04/2021 08:58

Hình như Hải quân và Hải cảnh của Việt nam không dám bắt những tàu cá giả của Trung cộng mà chỉ bắt những người buôn lậu ở ngoài biển thôi

Anonymous
09/04/2021 10:19

Jane’s Fighting Ships 80-81 viết: “Trong những năm đầu của thập niên 1950, một số tàu viễn duyên và những đoàn tàu đánh cá duyên hải đã được tổ chức thành lực lượng dân quân biển. Các tàu đánh cá này đặt dưới sự kiểm soát của chi nhánh đảng bộ địa phương, mang theo đoàn viên của Đoàn Thanh niên Cộng sản và khi cần họ sẽ thi hành công tác yểm trợ hoặc như là phương tiện che đậy hoạt động bất hợp pháp hay bí mật cho lực lượng Hải quân. Công tác thường lệ của họ là do thám và theo dõi nhưng trong nhiều trường hợp họ đã được trang bị súng đại liên (trường hợp quần đảo HS năm 1974).”
Trong biến cố Hoàng Sa tháng 1 năm 1974, loại tàu này đã được Trung Cộng sử dụng vào cả 2 mục đích quân sự và thương mại tùy theo nhu cầu vì thế ngoài các hoạt động đánh cá, những tàu đánh cá này còn phục vụ như là nền tảng cho việc thu thập tin tức tình báo. Với sự ra vào hoàn toàn không bị giới hạn đến các khu vực được lựa chọn là mục tiêu tối hậu trong nhóm Nguyệt Thiềm gồm các đảo không người Quang Hòa, Duy Mộng, Cam Tuyền, Vĩnh Lạc, thủy thủ đoàn của các “tàu đánh cá” đã có cơ hội chụp hình mỗi đảo, cập nhật hóa trên hải đồ những vùng nước cạn và thám sát các bãi đổ bộ sử dụng sau này.
Đối với đảo Hoàng Sa là đảo có Địa phương quân (ĐPQ) trú đóng, TC dùng thủ đoạn lợi dụng lòng nhân đạo và tính hiếu khách của người Việt để thu thập tin tức.

Viên chức DAO Gerald Kosh đã được người Việt Nam trú đóng trên đảo Hoàng Sa cho biết là nhiều lần trong khoảng mùa Thu năm 1973, một phái đoàn thiện chí TC đổ bộ lên đảo. Mỗi lần như vậy, một toán đổ bộ từ tàu đánh cá lên đảo và tặng quà “như thực phẩm và nước uống” cho toán lính VNCH trú đóng trên đảo. Mặc dù bày tỏ mục đích thân thiện qua những lần thăm viếng nhưng qua sự quen thuộc với địa hình của đảo Hoàng Sa mà lực lượng tấn công đã chứng tỏ cho thấy một cách hùng hồn là những phái đoàn “thiện chí” này thật ra chỉ là những toán thu thập tình báo.

thềm sơn hà
10/04/2021 09:51

Thưa qúy đài.
Những lời nhận xét trên là của chính tôi Thềm Sơn Hà trích trong cuốn sách 'Sự Thật Hải Chiến Hoàng Sa tháng 1 năm 1974' xuất bản năm 2015 và tái bản tháng 12/2020. Tôi không hiểu sao qúy vị đổi lại là ANONYMOUS, tôi luôn luôn dùng tên thật khi đưa ra nhận xét của mình. Cám ơn