Cáo buộc Fulbright Việt Nam là “ổ dạy làm cách mạng màu” - Cựu sinh viên nói gì?
“Lò đào tạo phản động”, “âm mưu thực hiện cách mạng màu”… là những cáo buộc mà các trang mạng xã hội thân chính phủ đã tấn công trường đại học Fulbright trong tuần qua. Một người từng tham gia vào chương trình đào tạo của Fulbright Việt Nam khẳng định: “…nói Fulbright hướng tới để tạo ra cách mạng là sai.”
Lò đào tạo “phản động"?
Ngày 14/8, trường Đại học Fulbright Việt Nam đăng tuyên bố chính thức trên trang Facebook của mình, nơi có hơn 100 ngàn lượt thích và 112 ngàn người theo dõi (có dấu tích xanh) nêu rõ, đã có một số tuyên bố sai lệch và gây kích động về Trường Đại học Fulbright Việt Nam và cộng đồng Fulbright đã được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội với ngôn ngữ xúc phạm những ngày qua.
Trang Facebook chính thức của trường đại học này không nói cụ thể các thông tin đó là gì. Tuy nhiên, khi lướt qua một số trang Facebook hoặc một số website như Tifosi, Diễn đàn chống phản động... thì có thể thấy một loạt các status, bài viết trong thời gian qua liên tục chỉ trích trường đại học này như: “không chỉ là một cơ sở giáo dục, mà còn là một công cụ của Mỹ nhằm đào tạo và nuôi dưỡng những người có khả năng trở thành “tay sai” cho các cuộc cách mạng màu, làm thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam.”
Anh M., (giấu tên vì lý do an toàn) từng tham gia chương trình đào tạo của Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng trước tiên, phải xác định rằng chương trình học của Fulbright đã được chính phủ và Bộ giáo dục Việt Nam chấp thuận:
“Họ cấp cho mã ngành, tức là về mặt chính danh, chính thống thì nó là một chương trình thuần túy để phát triển kinh tế.”
Chị T. (giấu tên vì lý do an toàn), cũng là một cựu sinh viên trường Fulbright, cho biết trường Fulbright ưu tiên đào tạo những người làm chính sách công ở trong khu vực công, giúp cho sinh viên ở đây được phát triển tối đa năng lực của mình. Và trên thực tế, có rất nhiều cán bộ đang làm việc trong bộ máy nhà nước đã và đang là sinh viên của trường này:
“Việc mà Fulbright đang làm là đào tạo ra những con người tự do, giúp cho con người phát triển. Fulbright đã làm rất là nhiều việc để đóng góp nguồn nhân lực cao cấp cho khu vực công của Việt Nam và cho đất nước nói chung và cái điều đấy là vô cùng quan trọng. Thế nên nói rằng Fulbright hướng tới để tạo ra cách mạng là sai."
Thuỳ Linh, nghiên cứu sinh ngành “Hoà bình và xung đột", từng theo học bậc cao học ở đại học Fulbright Việt Nam cho biết, Fulbright cố gắng mô phỏng một cộng đồng thu nhỏ của Việt Nam, để từ đó có những thảo luận học thuật về chính sách thực tế nhất, vì tính đặc thù của thể chế chính trị - kinh tế - xã hội của Việt Nam.
“Nếu Fulbright mà có ý đồ gì thì chả dại gì lại cho công an, và các công nhân viên chức nhà nước, Đảng viên vào học cả. Nếu là người biết tư duy, không chụp mũ thì chỉ cần nhìn qua là biết.”
Lo ngại “theo bước" Bangladesh
Chiến dịch chỉ trích Fulbright lần này diễn ra trong bối cảnh Bangladesh đang nổ ra các cuộc biểu tình, ban đầu được lãnh đạo bởi sinh viên chống lại chính sách hạn ngạch tuyển công chức bị cho là thiên vị những người có quan hệ với đảng cầm quyền. Biểu tình sau đó lan rộng ra các tầng lớp khác, phản đối các chính sách quản trị kinh tế - chính trị trong xã hội.
Một bài viết trên trang web “trelang" cho rằng, sự kiện tại Bangladesh có thể đã góp phần làm gia tăng sự lo ngại rằng Fulbright có thể đang đóng vai trò tương tự tại Việt Nam. Bởi vì, ông Muhammad Yunus, một cựu sinh viên Fulbright, được chọn là người tạm đứng đầu chính phủ Bangladesh sau khi bà thủ tướng của nước này từ chức và chạy sang Ấn Độ.
Tuy nhiên, cô Thuỳ Linh phản bác ý kiến trên đồng thời khẳng định, lập luận vừa nêu là rất “tào lao”. Bởi, theo cô Linh, chương trình của ông Yunus là học bổng Fulbright và nó khác hoàn toàn với chương trình thạc sĩ và bậc đại học ở ĐH Fulbright Việt Nam:
“Nói thẳng ra là trước giờ cái chương trình học bổng Fulbright luôn "sang" hơn, và nhiều năm qua, rất nhiều sinh viên, người trẻ ưu tú ở Việt Nam đạt học bổng này. Học bổng này cho phép họ theo học một chương trình cao học ở một trường đại học ở Mỹ, tùy vào lĩnh vực họ theo đuổi.
Trong khi Đại học Fulbright bậc cử nhân thì được thiết kế với giáo án riêng, bậc cao học thì chỉ dạy mỗi chính sách công, mà còn là dạy ở Việt Nam, chỉ giáo trình là được dịch thuật và soạn thảo từ chính chương trình thạc sĩ chính sách công của trường Harvard Kennedy School. Nếu mà được hiểu gộp, đánh đồng với chương trình học bổng Fulbright kia thì quý hóa quá…”
Chị T. cho biết đã theo dõi tình hình Bangladesh rất sát sao và nhận thấy rằng cáo buộc của dư luận viên cho thấy họ không hiểu gì về tình hình Bangladesh. Ông Yunus năm nay đã ngoài 80 tuổi và không có tham vọng quyền lực gì cả. Cô T. nói tiếp:
“Ông là người rất là được tôn trọng một cách rộng rãi ở trong Bangladesh cho nên ông ấy thế chỗ để tạm thời, nắm quyền vào thời điểm này chứ không phải là giành chính quyền gì cho bản thân. Đây hoàn toàn là một bước đi kỹ thuật.
Sự diễn biến thay đổi ở một quốc gia nó phức tạp hơn rất là nhiều so với việc chỉ có thuần túy kết án một vài người lên tiếng phản biện hay là có cái tư duy độc lập.”
Anh M. cũng đồng ý kiến, xác nhận Fulbright Việt Nam là một chương trình hợp tác ngoại giao và học thuật và luôn nhận được sự “quan tâm đặc biệt" từ phía nhà nước Việt Nam:
“Nhà nước Việt Nam cũng có những phương pháp để đảm bảo rằng chương trình Fulbright tại Việt Nam là một chương trình hợp tác ngoại giao và học thuật. Với một sự gọi là được quan tâm như vậy thì cơ hội để làm những cái điều mà các bạn dư luận viên nói thì dưới góc nhìn của tôi là một người bên trong thì thấy là dù có muốn cũng không được.”
Tranh cãi về lịch sử
Sự tấn công của dư luận viên vẫn tiếp diễn khi ngày 20/8, trang web “trelang” tiếp tục đăng tải bài viết có tiêu đề “Fulbright - cảnh giác không thừa”. Nội dung bài viết cho rằng ông Bob Kerrey là người từng gây tội ác trong chiến tranh Việt Nam. Việc ông này được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng tín thác của trường này khi mới thành lập khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự chân thành trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ.
Trong thực tế, anh M., cho biết, có rất nhiều người hỗ trợ ban đầu cho đại học Fulbright Việt Nam là các cựu binh Hoa Kỳ:
“Họ thực hiện chương trình này vì họ cảm thấy cần phải có một sự đền đáp lại đối với Việt Nam. Nó giống như là một chương trình hàn gắn. Đương nhiên trong cái chương trình đó sẽ có nhân vật này và nhân vật kia; nhưng tôi nghĩ là ở cấp chính phủ thì họ đã cũng sẽ không nói về việc đấy nữa, họ cũng đã có những cái nhận định, nhận diện một cách chính thức cho chương trình này.”
Do đó, theo anh M., lãnh đạo hai nước sẽ có cách để điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay, nhằm đạt được mục đích là đào tạo ra một thế hệ học sinh sinh viên và những người có khả năng làm chính sách tốt.
Vào tháng 6/2016, khi ông Bob Kerrey được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng tín thác của Fulbright Việt Nam, Giáo sư tiến sĩ khoa học Nguyễn Đăng Hưng – một Giáo sư danh dự của trường Đại học Liège, Bỉ, từng có bài viết gửi cho RFA. Trong đó, ông nhận định về ông Kerry rằng:
“Nguyên là một sỹ quan quân đội Mỹ đã tích cực tham gia một cuộc chiến tàn khốc tại Việt Nam, đã chịu trách nhiệm về việc sát hại 20 người dân Việt Nam nhưng sau đó đã chân thành sám hối, cật lực vận động thành lập và điều hành trường để có ngày hôm nay. Còn tấm gương sám hối tích cực có tính lịch sử nào sinh động hơn?”
Một cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh biên giới phía bắc, ông Trần Bang, trong năm 2016, cũng đã đưa ra ý kiến với RFA về việc Việt Nam và Hoa Kỳ cần khép lại quá khứ chiến tranh và hướng đến hợp tác xây dựng, phát triển cho Việt Nam.
“Tôi ‘bênh vực’ việc hướng đến tương lai, hướng thiện. Tôi cho rằng ngày xưa Ông Bob Kerrey tham gia chiến tranh thì cũng như bất cứ vị sĩ quan nào cũng phải thực hiện các mệnh lệnh chính trị”.
* Trong bài viết này RFA có ghi tên viết tắt của người phỏng vấn vì lý do an toàn.