Chính phủ VN sợ tinh thần phản kháng ở Bangladesh lan đến Việt Nam: giới hoạt động nhận định.

2024.08.14
Chính phủ VN sợ tinh thần phản kháng ở Bangladesh lan đến Việt Nam: giới hoạt động nhận định. Một sinh viên vẫy quốc kỳ Bangladesh ở gần Đại học Dhaka ở thủ đô vào ngày 12 tháng 8 năm 2024.
AFP

Tại Bangladesh, các cuộc biểu tình kéo dài liên tục trong nhiều tuần qua đã buộc thủ tướng cầm quyền 15 năm của nước này là bà Sheikh Hasina phải từ chức và chạy trốn khỏi đất nước vào ngày 5 tháng 8 vừa qua. 

Hãng tin AP loan tin các cuộc biểu tình ban đầu diễn ra trong ôn hòa và được lãnh đạo bởi chủ yếu là sinh viên - những người thất vọng với chính sách việc làm mà họ cho là thiên vị những người có quan hệ với đảng cầm quyền. 

Tăng trưởng việc làm ở khu vực tư nhân bị đánh giá là trì trệ khi gần 32 triệu thanh niên không có việc làm hoặc không được học hành trong tổng dân số 170 triệu người.

Ngày 15/7, các cuộc biểu tình trở thành bạo lực khi các sinh viên đụng độ với lực lượng cảnh sát và những người ủng hộ chính quyền. Sự việc tới nay đã khiến gần 300 người thiệt mạng, bao gồm cả sinh viên và cảnh sát.

Ngay cả sau khi Bangladesh bãi bỏ hạn ngạch, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn, lan rộng ra ngoài phạm vi sinh viên. Người dân thường cũng đổ xuống đường bày tỏ sự tức giận với đối với chính phủ của bà Hasina.

Hãng tin Reuters loan rằng các nhà hoạt động nhân quyền tố cáo không gian cho hoạt động dân chủ cũng đã bị thu hẹp dưới thời bà Hasina. Chính phủ bị cáo buộc là kìm hãm bất đồng chính kiến, vùi dập tiếng nói của giới truyền thông và những người chỉ trích chính phủ, và bỏ tù những người chỉ trích mạnh mẽ nhất. 

Truyền thông nhà nước định hướng dư luận

Báo chí nhà nước Việt Nam, khi đưa tin về sự kiện diễn ra tại Bangladesh đã mô tả những cuộc biểu tình đòi quyền lợi của người dân thành những cuộc bạo loạn đầy bạo lực, tàn phá nền kinh tế và gây rối an ninh - trật tự tại quốc gia Nam Á này. 

Đơn cử, báo Công an nhân dân có bài viết hôm 7/8 với tiêu đề “Những cuộc biểu tình phá tan nền kinh tế Bangladesh”; hôm 19/7, mạng báo VnExpress có bài “Bạo loạn ở Bangladesh vì hạn ngạch viên chức”; Trang báo mạng của VTV - Đài truyền hình Quốc gia VN hôm 5/8 đăng bài về tình hình ở Bangladesh rằng “Biểu tình bạo lực tiếp tục nổ ra ở Bangladesh, gần 100 người thiệt mạng”. 

Bên cạnh đó, các trang fanpage của dư luận viên cũng đăng nhiều bài viết chỉ trích các cuộc biểu tình ở Bangladesh. Page Chính trị Việt Nam cảnh báo rằng những cuộc biểu tình như ở Bangladesh chính là nguyên nhân gây ra bạo loạn, bất ổn chính trị. Và rằng, Việt Nam là một đất nước đang ổn định, bình yên nên mọi người “cần cảnh giác trước những âm mưu lợi dụng khát vọng dân chủ, tự do của nhân dân để thực hiện những "cách mạng màu" nhằm lật đổ chính quyền hợp hiến.” 

Một người hoạt động dân chủ trong nước, yêu cầu được giấu danh tính vì lý do an toàn, nhận định rằng việc truyền thông bị kiểm duyệt đưa tin theo định hướng như là một hành động cướp phá bạo lực là do họ muốn ngăn chặn sự lan rộng của phong trào này, nhất là trong hoàn cảnh tình hình kinh tế xã hội ngày càng bất ổn như hiện nay. 

“Việc đưa tin một phía sẽ bóp méo tính chính nghĩa và mục đích cao đẹp của phong trào, làm người dân hiểu lầm về tính hợp pháp xã hội của một cuộc đấu tranh bất bạo động, làm cho phong trào bị hiểu nhầm thành công cụ của các phe nhóm chính trị, và mất đi tính đại diện hợp pháp cho nguyện vọng của nhân dân.”

Ông Nguyễn Tiến Trung, một nhà hoạt động chính trị Việt Nam nói với RFA rằng rõ ràng là nhà nước Việt Nam đang chỉ đạo đưa tin một chiều về tình hình ở Bangladesh hiện nay:

“Qua cái cách trình bày vấn đề của phía báo chí nhà nước, thì chúng ta thấy cái cách đưa tin nó hoàn toàn một chiều. Họ hoàn toàn không lý giải được là tại sao lại dẫn đến những cái cuộc biểu tình hay bạo loạn. Giả sử như là đúng ý họ nói là bạo loạn thì tại sao người dân phải như vậy? Tại vì khi người dân dám bạo loạn thì họ phải đối đầu với súng đạn của công an và quân đội? Tại sao họ bất chấp cả cái chết họ dám làm chuyện như vậy?... thì họ không lý giải được.”

Lo ngại tinh thần dân chủ lan truyền tới Việt Nam

Nguyên nhân mà nhà nước Việt Nam chỉ đạo đưa tin về những cuộc biểu tình ở Bangladesh một cách đầy bạo lực và tiêu cực như vậy, theo ông Nguyễn Tiến Trung, là do họ lo sợ tinh thần phản kháng, đòi dân chủ ở Bangladesh sẽ lan truyền và tác động tới người dân Việt Nam: 

“Việt Nam chúng ta cũng nằm trong chế độ độc đảng dưới sự cai trị độc tài của Đảng Cộng sản và họ đàn áp đối lập với người dân không có tiếng nói gì.

Khi nghe thấy có thêm một nước chuyển từ chế độ độc tài sang dân chủ thì họ chắc chắn là họ phải sợ hãi và họ sợ cái tinh thần mà đấu tranh của người dân Bangladesh có thể lan truyền đến Việt Nam và người dân Việt Nam tiếp nhận được thông tin đó, thấy được tinh thần đấu tranh của người dân Bangladesh và sẽ học hỏi theo. Cho nên là chắc chắn là phía Đảng Cộng sản Việt Nam phải sợ hãi rồi.”

Đồng quan điểm, nhà hoạt động giấu tên cho rằng sự việc xảy ra tại Bangladesh có ảnh hưởng to rộng đến những nước đang ở thể chế toàn trị. Do đó, Việt Nam phản ứng như vậy không phải là điều bất ngờ:

“Những cuộc biểu tình, đấu tranh ôn hòa luôn tạo ra một làn sóng lan tỏa và truyền động lực cho những người có cùng hoàn cảnh như vậy. Cụ thể là như những người dân tại Bangladesh, đặc biệt là tại những nước tồn tại tình trạng phân biệt đẳng cấp, xuất thân, như người dân Bangladesh đã phản đối việc ưu tiên việc làm cho người nhà cán bộ công chức, những điều ở trên cũng đang tồn tại và xảy ra ở Việt Nam.” 

Biểu tình làm kinh tế suy tàn?

bangladesh.jpg
Một số fanpage dư luận viên đưa tin về các cuộc biểu tình ở Bangladesh.

Luận điểm chính mà các trang dư luận viên sử dụng như để chỉ trích các cuộc biểu tình đòi quyền lợi của người dân Bangladesh chính là việc nền kinh tế của nước này đang tụt dốc.

Trang fanpage Đơn vị Tác chiến Việt Nam đăng status nói rằng bất ổn chính trị Bangladesh chính là nguyên nhân khiến hàng loạt nhà máy may mặc phải đóng cửa, “đơn hàng đang đổ dồn về Việt Nam. Việc hàng loạt nhà máy phải đóng cửa trước mùa mua sắm lớn nhất năm, đánh mạnh vào niềm tin của các thương hiệu thời trang vào quốc gia này, điều này sẽ tác động lâu dài đến nền kinh tế nước này.”

Ngành kinh tế chủ lực của Bangladesh chính là gia công và xuất khẩu các mặt hàng dệt may, được coi là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trong lĩnh vực này. 

Theo nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung, dư luận viên đã cố tính đánh tráo khái niệm trong việc đưa tin rằng kinh tế Bangladesh suy tàn vì biểu tình. Thực tế, chính việc quản lý kinh tế yếu kém, kinh tế đình trệ lâu nay mới là nguyên do khiến đông đảo người dân xuống đường:

“Cái này là đảng Cộng sản Việt Nam là họ đã đánh tráo cái nguyên nhân và hậu quả. Xã hội ở Bangladesh bất ổn vì cái sự cai trị độc tài của cái bà Hasani và đảng của bà ta chứ không phải là vì người dân biểu tình. Người dân biểu tình là hệ quả, không phải là nguyên nhân.”

Nhà hoạt động giấu tên cho rằng tình trạng đói kém, bạo lực, hay những tổn thất vĩ mô của một quốc gia đến từ sự hoạch định chính sách sai lầm của cơ quan nhà nước và sự bất lực của chính phủ trong việc giải quyết các mâu thuẫn trong xã hội, tình trạng tham nhũng và trì trệ xã hội… Những điều này không thể là hành động mang tính bộc phát của toàn xã hội chỉ trong vài ngày hay vài tháng:

“Hay nói chính xác, thì chính sự yếu kém của chính quyền mới là nguyên nhân của sự tụt hậu, đói kém, thất bại kinh tế, chính trị, xã hội. Còn những cuộc biểu tình chỉ là công cụ của quần chúng để giải quyết những “hậu quả” của một chính phủ yếu kém. Còn về “Cách mạng màu, nhìn chung thì đây là một “thuật ngữ” được nêu ra bởi Việt Nam, và chỉ được dùng để gán ghép cho những cuộc biểu tình ôn hòa dân chủ lật đổ những kẻ độc tài có quan hệ tốt với họ.”

Một bài viết của Reuters hôm 8/8 phân tích rằng dưới thời Hasina, Bangladesh trong những năm gần đây đã chứng kiến thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng gia tăng, đồng tiền mất giá và dự trữ ngoại hối sụt giảm. Chi phí sinh hoạt tăng cao đã gây ra làn sóng phản đối của công nhân may mặc đòi tăng lương. Nền kinh tế quốc gia Nam Á này giảm tốc mạnh kể từ khi chiến tranh Nga - Ukraine do giá nhập khẩu nhiên liệu và thực phẩm tăng cao, buộc Bangladesh vào năm ngoái phải cầu cứu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để nhận gói cứu trợ trị giá 4,7 tỷ USD.

Một bài viết khác của Bloomberg đưa ra dự đoán rằng các cuộc biểu tình và việc đóng cửa ngành may mặc của Bangladesh có thể khiến nền kinh tế thiệt hại 10 tỷ USD, khiến việc tăng cường dự trữ ngoại tệ càng trở nên khó khăn hơn. 

Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, từ Na Uy cho rằng các cuộc biểu tình đúng là có gây ra xáo trộn các hoạt động xã hội và kinh tế trong tương lai gần có thể khó khăn hơn. Tuy nhiên:

“Chuyện này là chuyện chẳng đặng đừng, nhưng mà người dân Bangladesh Họ phải làm để mà họ thoát khỏi bàn tay sắt, thoát khỏi cái nhà tù và cái gọng kiềm, sự cai trị hà khắc của chính phủ Bà Hasina để mở ra một chân trời mới cho họ.

Và nếu mà một cái chính phủ mới được bầu theo nguyện vọng của nhân dân, vì hạnh phúc người dân, tạo ra nhiều công ăn việc làm, đối xử với người dân một cách công bằng với nhau thì không có lý do gì mà người dân bạo loạn làm gì.” 

Bangladesh - Việt Nam có nhiều điểm tương đồng

Theo những nhà hoạt động chính trị mà RFA phỏng vấn trong bài viết này, tình hình chính trị, xã hội của Bangladesh và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng.

Mồi lửa châm ngòi cho các cuộc biểu tình chính là hệ thống hạn ngạch việc làm của chính phủ Bangladesh. Theo chính sách này, một phần ba việc làm trong khu vực công dành cho người thân của cựu chiến binh trong cuộc chiến giành độc lập của Bangladesh từ Pakistan năm 1971.

Nhìn lại Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Trung thấy rằng hầu hết quan chức trong nhà nước Việt Nam đều là thành viên của Đảng Cộng sản, người dân thường hoàn toàn không có cửa để trèo lên các vị trí cao trong hệ thống công quyền:

“Trước đây là chúng ta thấy rất rõ là qua cái chủ nghĩa lý lịch. Nó không đưa ra thành luật nhưng mà mọi người đều ngầm hiểu. 

Những người ngoài Đảng Cộng sản cũng không được phép tham gia vào chính quyền. Chính quyền hoàn toàn là 100% là Đảng Cộng sản Việt Nam. Có thể nói tỷ lệ là gần như 100%. 

Trong khi chính quyền Bangladesh của bà Hasani là họ chỉ đưa ra con số 30% thôi. Tức là cái mức độ bất công của Bangladesh vẫn còn nhỏ hơn mức độ bất công của Việt Nam rất là nhiều.”

Theo tiến sỹ Huy Vũ, nếu mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác trong xã hội thì Việt Nam cũng tương tự như Bangladesh dưới thời bà Hasina, rằng người dân không được bầu chính phủ mà mình tin tưởng, con cháu của đảng viên Cộng sản luôn được hưởng những đặc quyền hơn các tầng lớp khác trong xã hội: 

“Tương tự như ở Việt Nam cũng vậy thôi. Chúng ta thấy là Đảng cộng sản và con cháu họ cũng nắm vị trí rất lớn trong chính quyền, cũng được hưởng những ưu đãi, được nắm giữ tài sản rất lớn có được nhờ nhiều cách khác nhau. 

Nếu mà nhìn qua nhìn lại thì chúng ta sẽ thấy được là những người giàu nhất hiện nay ở Việt Nam là những cái người đã từng là một phần của chế độ hoặc là một cánh tay của chế độ thì tương tự như Đảng Awami bên Bangladesh mà thôi. 

Bên cạnh đó thì chúng ta cũng thấy là có một cái tầng lớp người bình dân không có mô tiếng nói nào cả. Lá phiếu bầu của họ không có giá trị và họ không biết bầu cho ai và ai là người đại diện cho họ. Họ là những cái người sống bên lề xã hội, những cái người gọi là tạm trú trên đất nước của chính mình.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Duy Hữu, USA
16/08/2024 09:00

Tập đoàn đảng viên, đảng trưởng, tổng đảng trưởng da vàng Việt Cộng... danh bất chính, ngôn bất thuần, hành bất lương... độc đảng, độc tài, độc đoán, độc tôn, độc quyền... ngụy ngôn, ngụy biên, ngụy luận, ngụy thuyết, nguy danh, ngụy quyền Việt Cộng.

Bao nhiêu năm qua, bao nhiêu năm nay... tập đoàn đảng viên, đảng trưởng, tổng đảng trưởng da vàng, cờ đỏ, búa liềm Việt Cộng chúng độc địa, độc ác, độc hại, độc ngu, ngu độc... đôc quyền bịt mồm, bịt miệng, bịt tai, bịt mắt, bịt mặt, lừa bịp nhân dân ta.. độc quyền bắt nhân dân Việt Nam... phải sống, phải làm việc, phải đóng thúê... như dân nô lệ da vàng Việt Nam... theo " Hiến pháp " Việt Cộng, theo luật rừng Việt Cộng, theo luật thuế má, chó má Việt Cộng... nuôi tập đoàn đảng viên, đảng trưởng, tổng đảng trưởng da vàng, cờ đỏ, búa liềm... ăn hại, đái nát, ăn cháo, đái bát... là tập đoàn nhà nước cờ đỏ, độc sao, Việt Cộng.