Buổi hội ngộ sau 25 năm của những cựu binh Gacma
2013.03.21
Ngày 14 tháng Ba năm 1988, một trận chiến ngắn ngủi nhưng bi tráng xảy ra trên đảo Gacma và đá Colin nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Hai tàu Việt Nam bị bắn chìm, chiếc thứ ba bị bắn thủng nhiều chỗ nhưng không đắm. Việt Nam có ba người hy sinh, mười một người khác bị thương và bảy mươi người mất tích.
Năm 1991, sau khi phía Trung Quốc trao trả chín binh sĩ Việt Nam bị bắt giữ, con số 64 còn gọi là mất tích được kể như đã chết.
Buổi gặp mặt đầy xúc động
Hôm 25 tháng Hai, báo Thanh Niên loan tin về cuộc gặp gỡ giữa các cựu binh Trường Sa, do Hội Cứu Chiến Binh tỉnh Khánh Hòa tổ chức.
Bước sang tháng Ba, nhiều tờ báo trong nước chạy các bài về trận chiến Gacma ngày 14 tháng Ba 1988, đồng thời loan báo về buổi hội ngộ ngày 14 tháng Ba giữa những người lính từng chiến đấu bên nhau ở Trường Sa.
Từ Đà Nẵng, nhà báo Lê Hải, trưởng đại diện tạp chí Nhiếp Ảnh Miền Trung và Tây Nguyên, cho biết:
Các báo địa phương hoặc trung ương, đài truyền hình cũng đặc biệt quan tâm tại vì không phải năm nào thành phố nào đơn vị nào cũng tổ chức mà đây là lần đầu tiên Đà Nẵng đứng ra tổ chức như thế.
Như vậy, sau hơn hai thập niên trở về cuộc sống bình thường, các cựu binh Gacma gặp lại nhau trong tâm trạng bồi hồi cảm xúc. Họ ôm nhau, cười khóc với kỷ niệm:
Cô MC của chương trình truyền hình hỏi nếu như có một người bạn, đã từng cứu sống và đưa anh vào bờ lúc anh bị thương, mà cũng có mặt ở đây, thì anh có muốn gặp không. Anh Nguyễn Văn Lanh nói "Trời ơi quá tốt cho tôi được gặp".
Một số các anh em báo chí ở ngoài Quảng Bình rồi Đà Nẵng đã viết lại trường hợp tiểu đội trưởng Lê Hữu Thảo, là tiểu đội trưởng chiến đấu chứ không phải tiểu đội trưởng kiểu như là công binh hay xây dựng. Sau trận chiến đấu ở Gacma thì anh vẫn còn sống, anh nói anh rất quan tâm đến cuộc gặp gỡ này nhưng mà ảnh nghèo quá không có tiền đi và cũng không biết vô người ta có cho phép không.
Nhận được thông tin như thế thì tôi gọi cho anh, nói là tôi cùng một số bạn bè sẽ góp cho anh đủ chi phí đi lại. Thì như thế anh Lê Hữu Thảo vào gặp anh em báo chí. Đây là một nhân chứng sống, một tiểu đội trưởng còn sống sót nên hầu như báo chí của thành phố Đà Nẵng đều khai thác, hỏi rất nhiều về anh.
Cựu tiểu đội trưởng Lê Hữu Thảo quê ở Hà Tĩnh, được sự quan tâm của báo giới là vì:
Ngoài chuyện chiến đấu thì anh còn cứu được Nguyễn Văn Lanh là anh hùng lực lượng vũ trang hồi anh bị thương, cứu được anh Hải cũng bị thương, đồng thời đưa được xác đại đội phó Trần Văn Phương, người giữ và cắm lá cờ của Vòng Tròn Bất Tử mà bị Trung Quốc bắn chết. Anh Lê Hữu Thảo đã ngồi canh xác của anh Phương, sau đó cũng là một trong những người tổ chức làm tang lễ và chôn anh Phương ở trên đảo luôn.
Cái ngày hôm đó đài phát thanh truyền hình Đà Nẵng cũng có mời anh Lê Hữu Thảo. Sau khi anh Nguyễn Văn Lanh trả lời những câu hỏi của khán giả thì cô MC của chương trình truyền hình hỏi nếu như có một người bạn, đã từng cứu sống và đưa anh vào bờ lúc anh bị thương, mà cũng có mặt ở đây, thì anh có muốn gặp không. Anh Nguyễn Văn Lanh nói "Trời ơi quá tốt cho tôi được gặp". Sau đó người ta đưa anh Thảo ra thì hai ông gặp nhau mà rất là cảm động. Sau hai mươi mấy năm mới gặp được nhau quá tuyệt vời luôn. Sau đó cô MC mời anh Lê Hữu Thảo kể lại cuộc chiến đấu như thế nào trong thời gian ở Gacma.
Tâm sự người lính Lê Hữu Thảo
Đến với mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay, đích thân tiểu đội trưởng chiến đấu Lê Hữu Thảo trò chuyện cùng quí vị:
Trận đánh đấy theo tôi không phải một trận hải chiến. Tôi là tiểu đội trưởng làm nhiệm vụ bảo vệ cờ và bảo vệ đảo lúc ấy thuộc Tiểu Đoàn 146. Chúng tôi vào đảo Gacma chiều ngày 13 tháng Ba năm 1988. Sáng ngày 14, khi chúng tôi đang làm nhiệm vụ thì xảy ra trận đánh ấy.
Lúc đó tôi trực dưới khu máy nên không biết gì hết. Khi một quả pháo làm khu máy cháy rồi tàu chìm, tôi ngoi lên thấy tàu chìm và các đồng đội đã hy sinh. Những người nổi lên biển thì thấy Trung Quốc thả xuồng xuống dùng AK bắn những anh em nổi lên trên chết hết
Lê Minh Thoa
Trước 3 giờ(chiều) đơn vị công binh đã xuống và đã làm nhiệm vụ thăm dò, còn chúng tôi thì 6 giờ xuống, cùng lực lượng công binh vận chuyển vật liệu trên tàu xuống để dựng nhà và đồng thời đưa những lá cờ của mình xuống, treo lên cột cờ và cắm xuống chỗ định vị.
Sáng hôm sau thì tàu Trung Quốc xuất hiện, dùng xuồng máy đổ bộ khoảng 50 người xuống Gacma với súng ống đằng đằng và lưỡi lê sáng quắc. Tiểu đội trưởng Lê Hữu Thảo cho hay ba chiếc tàu Trung Quốc trong tư thế giàn trận, chiếc thứ tư đậu ở xa để quay phim:
Khi đó chúng tôi chưa kịp ăn sáng, chúng tôi bảo nhau đây là đất của Việt Nam, biển đảo của quê hương mình thì mình giữ mình không sợ cái gì hết. Tất cả mọi người vẫn đi lại làm việc, hút thuốc, nói chuyện bình thường. Trong khi đó thì Trung Quốc dùng biện pháp khiêu khích, chĩa súng lên tàu, chạy quanh tàu rồi bằng mọi cách chĩa súng vào chúng tôi.
Chúng tôi cứ làm nhiệm vụ, coi như không có sự hiện diện của quân lính Trung Quốc. Khi lá cờ đã chuyền tay nhau bay phất phới trên đảo rồi, khẳng định chủ quyền của mình rồi, phía Trung Quốc thấy dùng áp lực đe dọa không được thì xông vào giành lá cờ và hai bên dằng xéo nhau. Họ cướp cờ thì chúng tôi bảo vệ cờ, lá cờ thiêng liêng của tổ quốc bắt buộc chúng tôi phải bảo vệ. Trong khi dằng co thì phía Trung Quốc đồng thời nổ súng luôn. Bên chúng tôi đa số dụng cụ là cuốc xẻng thì cũng chẳng làm gì được với một hỏa lực mạnh như vậy. Với một số lượng hơn 50 tên mà chúng tôi chỉ có hơn hai mươi người giữ đảo, một lực lượng không tương quan một tí nào cả.
Được hỏi khi đó phía Việt Nam có mấy tàu, anh Lê Hữu Thảo cho biết có ba tàu nhưng ở cách xa nhau. Chiếc anh đi Gacma là tàu vận tải HQ-604. Chiếc thứ hai, HQ-605, cũng là tàu vận tải hạng nhỏ chỉ mấy trăm tấn ở đảo Lendao và chiếc thứ ba, HQ-505, cũng là tàu vận tải tuy lớn nhưng không có khả năng tác chiến và không được vũ trang.
Trên các tàu cũng có người mà chỉ là thủy thủ đoàn thôi và một số ít lính công binh để ra xây dựng đảo thôi chứ không phải lực lượng vũ trang chính thức tức không được trang bị súng ống, không được huấn luyện chiến đấu, chỉ là xây dựng nhà cửa hoặc làm cầu làm đường là nhiệm vụ của họ.
Cùng đi trên chiếc HQ-604 là Trương Văn Hiền, thuộc Toán Đo Đạc Trường Sa, bị thương ngay lúc ấy:
Ngủ một đêm thì sáng mai sự cố xảy ra, sáng mai chở hàng lên đảo để xây dựng thì tự nhiên xung đột diễn ra. Trung Quốc cho ba xuồng nhỏ xuống uy hiếp không được thì quay về tàu lớn đánh mình. Toàn vũ khí lớn, pháo hạng nặng. Đánh, đánh chết hết toàn bộ, tơi bời mà .
Còn Lê Minh Thoa, vì phụ trách máy nên ở dưới tàu và không biết chuyện xảy ra trên đảo:
Súng nổ nhiều quá tôi phải lặn xuống, ngóc lên là nó bắn đạn chằng chịt. Khắp cả vùng toàn ánh lửa rồi là tiếng súng, tất cả các tàu đều bị phía Trung Quốc bắn. Tôi nhìn về phía tàu 604 của chúng tôi thì toàn bộ như một núi lửa bao trùm lên, chưa kịp bốc cháy thì nó đã chìm luôn
Lê Hữu Thảo
Lúc đó tôi trực dưới khu máy nên không biết gì hết. Khi một quả pháo làm khu máy cháy rồi tàu chìm, tôi ngoi lên thấy tàu chìm và các đồng đội đã hy sinh. Những người nổi lên biển thì thấy Trung Quốc thả xuồng xuống dùng AK bắn những anh em nổi lên trên chết hết.
Trong khi đó trên đảo Gacma, anh Lê Hữu Thảo kể tiếp, quân Trung Quốc nhất quyết dằng lá cờ trong tay binh lính Trường Sa:
Không dằng được thì họ dùng lưỡi lê và nổ súng. Ở chỗ tôi cách 10 mét cũng có ba tên đang dằng lấy đồng đội của tôi. Tôi xông vào cứu thì bị đâm lê, may là tôi tránh được. Súng nổ nhiều quá tôi phải lặn xuống, ngóc lên là nó bắn đạn chằng chịt. Khắp cả vùng toàn ánh lửa rồi là tiếng súng, tất cả các tàu đều bị phía Trung Quốc bắn. Tôi nhìn về phía tàu 604 của chúng tôi thì toàn bộ như một núi lửa bao trùm lên, chưa kịp bốc cháy thì nó đã chìm luôn.
Bơi ra không được vì tàu Trung Quốc chặn phía ngoài nên tôi quay trở lại. Bơi trở lại thì thấy còn bốn năm đồng chí đang giữ một chiếc xuồng. Phía Trung Quốc dùng xuồng máy rút lên tàu rất nhanh, chừa lại bốn năm tên ở xa xa một tí.
Thấy không bắn nữa thì tôi bảo mọi người tản ra và tìm vớt xem may ra còn đồng chí nào bị thương. Đồng đội của tôi tìm vớt được anh Lanh, anh Phương. Tôi bảo mọi người quay về giữ chiếc xuồng và tôi lại bơi ra chỗ tàu chìm, nghe tiếng rên quay trở lại thì tôi vớt được một đồng chí nữa tên là Hải. Bơi ra tiếp thì tôi thấy xác một đồng chí nữa nhưng mà nước chảy mạnh, thấy nguy hiểm thì bắt buộc phải quay trở vào.
Đợi đến một giờ chiều, thủy triều lên thì bằng mọi cách phải rời khỏi đảo cùng với thương binh và xác đồng đội. Tát nước trong xuồng ra, đặt thương binh và xác đồng đội vào, mọi người dùng tay chèo về phía tàu 505 cũng bị bắn nhưng không chìm mà đâm lên một bãi cạn cách đó khoảng bốn năm hải lý:
Khi chèo thì chúng tôi lại vớt thêm một đồng chí nữa tên Hân, quê ở Hải Phòng, máy trưởng hay máy phó gì ở tàu 604, may mắn thoát chết và bơi mấy tiềng đồng hồ rồi. Lúc ấy tàu 505 phát hiện thì cho xuồng máy ra chở chúng tôi về tàu 505.
Tối hôm đó chúng tôi được đưa vào đảo Sinh Tồn, tôi và anh Trúc cùng nhau canh thi thể của thiếu úy Trần Văn Phương, đại đội phó của tôi, cho đến sáng mai thì cùng với đơn vị đang đóng trên đảo Sinh Tồn đã an táng anh Phương trên đảo Sinh Tồn là một đảo trong vùng Trường Sa của Việt Nam. .
Cảm xúc của tôi khi nhớ lại thì tất nhiên nó đau đớn, rất là buồn rất là đau rồi. Không thể nào tưởng được bởi vì trong chốc lát mà đồng đội của tôi đã hy sinh nhiều như vậy rồi thiệt hại nhiều như vậy.
Cho tới lúc đó tiểu đội trưởng Lê Hữu Thảo vẫn chưa biết về chín đồng đội đã bị phía Trung Quốc bắt, trong đó có Trương Văn Hiền và Lê Minh Thoa. Năm 1991, cả chín người được Trung Quốc trao trả về Việt Nam. Tháng chín năm 2011, hai cựu binh Gacma Trương Văn Hiền và Lê Minh Thoa nhận biết nhau qua cuộc gặp Vòng Tròn Bất Tử do Trung Tâm Dữ Liệu Hoàng sa tổ chức tại khu du lịch Suối Lương, Đà Nẵng.
Sau lần đó, vì lo toan cuộc sống nên họ không mấy khi liên lạc với nhau. Hiện anh Trương Minh Hiền ở Ban Mê Thuột, hàng ngày đi làm thuê kiếm tiền.
Còn tại Qui Nhơn, gánh phở mỗi sáng là tất cả gia tài của anh Lê Minh Thoa.
Cuộc sống của Lê HữuThảo được nhà báo ảnh Lê Hải mô tả như sau:
Sau trận chiến Gacma thì quân đội cho anh đi lao động xuất khẩu ở Đức. Mà cái ông này ông lận đận làm sao, bây giờ nhà cửa cũng chưa có, đang yêu một cô mà cũng không có tiền để lấy vợ nữa. Anh em tụi tôi cũng kêu gọi mọi người chung tay góp sức vào lo cho ông cái nhà, lo cho ông công ăn việc làm có tiền để cho ông lấy vợ. Bây giờ ai gọi cái gì anh làm cái nấy, anh có thể lái xe, có thể quản lý một đội xe được, thợ nề thợ hồ gì là ông làm tuốt.
Đó là những người từng chiến đấu ở Gacma hai mươi lăm năm trước. Thanh Trúc sẽ rất sơ sót nếu không nhắc đến những người đã đóng góp một tay cho chuyến đi của anh Lê Hữu Thảo ra Đà Nẵng để hội ngộ cùng đồng đội tuần trước. Giúp Thanh Trúc khép lại câu chuyện này, nhà báo ảnh Lê Hải kể tiếp:
Về mặt tiền nong thì có anh Lê Vinh Quang, chủ Tắc Xi Tiên Sa ở Đà Nẵng, cho được hai triệu. Anh Đỗ Anh Tuấn, giám đốc công ty Phước Tiến, cho một triệu. Ngoài ra báo Thanh Niên cho mười triệu, các anh bên báo Thanh Niên cũng nhờ khách sạn Varna tài trợ ăn ở. Thành ra ảnh vào dự thì khi về cũng còn tiền để tiêu pha được.
Thanh Trúc kính chào và hẹn tái ngộ quí thính giả tối thứ Năm tuần tới.
Góp ý với Thanh Trúc: nguyent@rfa.org