Lời hứa thiếu cơ sở như “ cam kết dập dịch trong 10 ngày”
2021.02.22
Các lãnh đạo Đảng Cộng sản và Chính phủ Hà Nội luôn đưa ra những tuyên bố ‘chắc như đinh đóng cột’, nhưng rồi không thể thành sự trong thực tế. Đơn cử như tuyên bố của cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh rằng đến năm 2020, Việt Nam trở thành nước công nghiệp…
Lời cam kết “dập dịch 10 ngày” và kết quả
Gần đây nhất khi dịch COVID-19 bùng phát ở Hải Dương hồi cuối tháng 1 vừa qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cam kết sẽ dập dịch trong vòng 10 ngày. Cái mốc 10 ngày mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra về lời cam kết sẽ dập được dịch đến lúc này đã qua gần một tháng.
Hôm 29/1, ông Đam tuyên bố rằng “Chúng tôi đã đề ra một lời tự hứa với nhau và hứa với nhân dân, với lãnh đạo là trong vòng 10 ngày chúng tôi sẽ khoanh trọn được cái này. Đến ngày hôm nay chúng tôi trừ hao 2 ngày là còn 8 ngày. Chúng tôi khẳng định là vẫn cố gắng tiếp tục từng giờ từng phút để làm sao phấn đấu khoanh gọn dập được cái dịch này đúng thời hạn đấy.”
Nhưng kết quả lại không được như ông Đam mong muốn. Tính từ khi dịch vừa khởi phát ở Hải Dương vào ngày 27/1 cho đến hết ngày 22/2, dịch COVID-19 lan rộng ra 13 tỉnh, thành trên khắp cả nước. Nhiều ổ dịch mới được phát hiện với tổng cộng 800 người nhiễm bệnh.
Trong đó, nghiêm trọng nhất vẫn là ổ dịch Hải Dương khi tất cả các huyện đều có người mắc bệnh. Điều đó buộc Chính quyền tỉnh này phải đưa ra biện pháp gắt gao hơn như phát phiếu đi chợ cho các hộ gia đình. Ở huyện Cẩm Giàng, những ai làm nông phải đăng ký với thôn xóm mới được cấp thẻ ra đồng, phải ghi rõ giờ đi, hết giờ phải về thẳng nhà.
Trao đổi với phóng viên RFA vào chiều ngày 22/2, một cán bộ trực ban tại Trung tâm Y tế tỉnh Hải Dương xác nhận hiện giờ tình hình vẫn còn đang rất căng thẳng:
“Hải Dương bây giờ đang cách ly toàn tỉnh. Từ hôm 16 đến giờ đang cách ly huyện với huyện, xã với xã. Các thôn khóm không được giao lưu đi ra ngoài nếu không có giấy tờ, đi đâu tuỳ ý là sẽ bị phạt tiền.”
Ông Đỗ Nam Trung, một người quan tâm đến tình hình chính trị-xã hội, hiện đang ở Hà Nội, cho biết chính quyền địa phương đang cách ly rất nghiêm ngặt những nơi có người nhiễm bệnh:
“Hiện tại, dịch ở Hà Nội vẫn đang rất là căng, họ vẫn chưa thể khắc phục được đâu. Ông Đam bảo như thế, nhưng thực ra 10 ngày không thể dập hết được dịch, phòng chống lây chéo trong cộng đồng.
Bây giờ, người dân rất hạn chế ra đường. Những hàng ăn hàng cà phê dọc đường đều phải đóng cửa hết. Chính quyền bắt buộc đóng cửa, còn nếu cố tình mở cửa thì sẽ bị phạt. Có rất nhiều người tụ tập đám đông xong sau đó là bị mời về phường hoặc là bị phạt hành chính.”
Các nơi khác như TPHCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Điện Biên, Lào Cai, Bình Dương, Gia Lai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bình Phước… đều đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị của Chính phủ. Trong đó, có bảy tỉnh, thành buộc phải cho học sinh nghỉ học đến hết tháng Hai.
Như vậy, dù không thực hiện được đúng như lời cam kết, ông Vũ Đức Đam cho đến nay vẫn chưa lên tiếng giải trình về lời hứa của mình.
Nhiều lãnh đạo “Hứa cho có”
Theo ông Đỗ Nam Trung, không chỉ riêng ông Vũ Đức Đam, nhiều quan chức khác ở Việt Nam thường đưa ra những lời hứa, cam kết hay tuyên bố “đao to búa lớn”. Nhưng đến khi không thực hiện được thì chưa từng thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm với người dân:
“Ông ấy quá tự tin. Bởi vì lần trước họ đã dập dịch khá tốt. ông Chung (nguyên Chủ tịch Hà Nội-PV) và ông Đam nhận được nhiều lời khen ngợi của mọi người. Trong mắt của người dân như vậy đã là một người giỏi, người tài rồi. Và có thể là họ có một chút kiêu ngạo Cộng sản nữa, vì bệnh của người Cộng sản là luôn luôn cao ngạo, thích tuyên bố, ra oai.
Đối với giới lãnh đạo Việt Nam thì tôi không tin. Bởi vì có quá nhiều trường hợp họ hứa xong rồi họ quên đi mất. Chuyện đó không phải chỉ ở một ông, mà ở rất nhiều lãnh đạo.
Ví dụ như vụ (đường sắt) Cát Linh-Hà Đông, hứa cả chục năm nay mà cũng đã vận hành được đâu, cứ chạy thử xong rồi lại để đó mà không vận hành được. Càng vận hành thì lại càng lỗ.
Cho nên lời hứa về “dập dịch” cũng không có gì là đáng tin cả. Ví dụ như ông Chu Ngọc Anh (Chủ tịch Hà Nội-PV) đã nói nếu như Hà Nội mà toang thì ông ấy sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Nếu ông ấy không hứa thì cũng phải chịu trách nhiệm.
Lúc ông nói thì nghe rất oai nhưng thực tế bây giờ mình đặt câu hỏi là ông ấy sẽ chịu trách nhiệm như thế nào? Bây giờ bao nhiêu người mất công ăn việc làm, vào cách ly như thế thì cái chi phí đó ai sẽ chịu? Ông ấy có chịu hay không? Thật ra những lời đó chỉ là “lời nói gió bay” mà thôi chứ chẳng có một tí giá trị gì cả!”
Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố vào chiều 2/12/2020 như sau: “Nếu Hà Nội mà bung, mà toang, hứa với các đồng chí, tôi chịu trách nhiệm”.
Số liệu thống kê không đáng tin cậy
Bình luận với RFA về đợt bùng phát dịch lần này, một giảng viên chuyên ngành sinh học đang nghiên cứu tại một trường đại học ở Hàn Quốc không muốn nêu tên nói bà không biết ông Vũ Đức Đam lấy cơ sở nào để mạnh dạn và nhanh chóng đưa ra lời cam kết sẽ “dập dịch” trong 10 ngày.
Tuy nhiên, quan sát diễn biến và các sự kiện liên quan trong gần một tháng qua, chuyên gia này lo ngại rằng tình hình dịch bệnh ở Việt Nam là nghiêm trọng hơn so với thông báo và các con số thống kê chưa đáng tin. Mọi người cần phải cẩn trọng dù đang ở nơi không có dịch. Đầu tiên là về ổ dịch ở Hải Dương:
“Đợt dịch này người đầu tiên bị phát hiện ra không phải từ Việt Nam mà là bên Nhật phát hiện ra rồi ở Việt Nam mới nháo nhào đi truy vết và xét nghiệm.
Có một bạn công nhân ở Hải dương, trước khi lên máy bay xuất khẩu lao động có xét nghiệm virus thì không phát hiện ra, nhưng khi sang sân bay của Nhật thì bị giữ lại.
Nếu thực sự có động thái này thì đó là một sự nguy hiểm. Bởi vì mình không thật sự có một sự xét nghiệm tốt trong cộng đồng, không có thông tin tốt về số người nhiễm bệnh trong cộng đồng. Đó là cái mình đáng quan ngại.”
Thứ hai là ổ dịch ở TPHCM, xuất phát từ một nhân viên trong đội bốc dỡ, giám sát hàng hóa của sân bay Tân Sơn Nhất, được công bố là bệnh nhân số 1979 vào ngày 6/2.
Chỉ trước đó 2 ngày, vào ngày 4/2, báo Tuổi Trẻ dẫn lời Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết đến ngày 4/2, các sân bay Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Cần Thơ, Vinh và Liên Khương đã hoàn thành xét nghiệm toàn bộ cán bộ, công nhân viên với kết quả 100% mẫu xét nghiệm âm tính với COVID-19:
“Có thể là ngày mùng 4/2 họ đã phát hiện ra nhưng họ không thông báo thôi. Bởi vì, nếu ngày mùng 6 họ thông báo thì có nghĩa là ngày mùng 4 và mùng 5 họ đã phải xét nghiệm lại một lần nữa rồi. Họ phải xét nghiệm ít nhất 3 lần thì mới xác định là dương tính, mà xét nghiệm thì phải ở ba ngày khác nhau. Có nghĩa là ít nhất vào ngày 4/2 là họ phải phát hiện ra rồi nhưng họ không công bố.”
Từ hai sự việc trên, chuyên gia này kết luận như sau:
“Nếu phát hiện ở Việt Nam và họ bắt đầu truy vết thì mình quản lý tốt về con số thống kê về dịch, số người nhiễm bệnh và mình đang có chiến lược đối phó tốt.
Nhưng nếu như phát hiện dịch đầu tiên là ở bên kia rồi mình mới quay lại truy vết thì nó sẽ lòi ra sự thật là mình đã không quản lý tốt số người bị bệnh. Mình không có xét nghiệm đúng đắn hoặc mình không khoanh vùng xét nghiệm. Mình để cho nó lan trong cộng đồng mà mình không biết thôi.
Qua đó thấy rằng dịch có trong cộng đồng nhưng mình không biết, không có xét nghiệm chính xác và mình không thống kê đúng. Con số thống kê của mình là không đáng tin cậy.”
Người dân Việt Nam có câu ‘Một lần mất tin, vạn lần bất tin’. Đối với nhiều lãnh đạo Việt Nam lâu nay, thì không chỉ họ làm người dân mất tin một lần; nếu thống kê lại thì không biết bao nhiêu lần mà kể.