Câu lưu ở sân bay là để hăm dọa người dân
2019.02.22
Chuyện các nhà bất đồng chính kiến, những người hoạt động trong các tổ chức xã hội dân sự hay thân nhân những tù nhân lương tâm đi nước ngoài về bị câu lưu ở sân bay, bị thu giữ điện thoại hay hộ chiếu là chuyện không có gì lạ ở Việt Nam.
Hôm 25/1/2019, ba ngày sau phiên Kiểm Điểm Nhân Quyền Định Kỳ Phổ Quát 2019 của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc diễn ra tại Genève, một phái đoàn người Việt Nam đã gặp gỡ Bộ Ngoại Giao Cộng Hòa Liên Bang Đức tại Berlin để tiếp tục vận động cho nhân quyền, trong đó có bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ tù nhân chính trị Trương Minh Đức - một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, bị kết án 13 năm tù và 5 năm quản chế.
Khi trở về Việt Nam sáng 21/2/2019, bà Nguyễn Thị Kim Thanh đã bị công an xuất nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất câu lưu gần 5 giờ đồng hồ và tịch thu hộ chiếu. Bà kể:
Họ giữ hộ chiếu của tôi, tôi nói là nếu không trả hộ chiếu thì tôi không về. Họ đe dọa tôi là bây giờ họ nói đàng hoàng, giữ hộ chiếu để xác minh rồi trả lại, bên phòng xuất nhập cảnh họ cấp visa cho chị được thì họ có quyền lấy lại. - Bà Kim Thanh
“Người ta giữ tôi lại mời tôi vô phòng làm việc hỏi tôi qua Đức làm gì, họ hỏi tôi rất nhiều thứ, tên tuổi gia đình tôi như điều tra gia đình tôi vậy.
Hỏi tôi qua gặp những ai, tôi bảo rằng tôi lớn tuổi tôi không nhớ ai tên gì. Họ tóm tắt câu chuyện rồi kêu ký vào, tôi không ký, tôi bảo rằng khi tôi đi qua Đức thì chính phủ Đức có giấy mời, rồi chính phủ Việt Nam đã cho tôi đi thì tôi đi hợp pháp, tôi có vi phạm gì mà bắt tôi phải ký?
Dù có giữ tôi đến bao lâu tôi cũng không ký vì tôi không làm gì sai luật pháp hết.
Họ giữ hộ chiếu của tôi, tôi nói là nếu không trả hộ chiếu thì tôi không về. Họ đe dọa tôi là bây giờ họ nói đàng hoàng, giữ hộ chiếu để xác minh rồi trả lại, bên phòng xuất nhập cảnh họ cấp visa cho chị được thì họ có quyền lấy lại.”
Bà cho biết bên an ninh hạch hỏi bà rằng tại sao biết Việt Tân là đảng khủng bố mà còn gặp, bà trả lời bà không biết ai là Việt Tân bên đó, bà chỉ biết rằng chồng bà bị kết án oan sai nên bà vô Bộ Ngoại Giao Đức kêu oan và vận động cho chồng bà ra tù bằng mọi cách. Bà hỏi ngược lại an ninh rằng “Tôi mong muốn họ giúp đỡ, kêu gọi trả tự do cho chồng tôi thì cái đó có gì sai phạm?”
Từ Đức, Luật sư Nguyễn Văn Đài, Chủ tịch Hội Anh Em Dân Chủ, cho chúng tôi biết thêm:
“Họ nói chị ấy thuộc diện cấm xuất cảnh vì lý do an ninh quốc gia nhưng họ vẫn cho chị ấy đi, lúc về thì lại giữ hộ chiếu để làm rõ lý do chị đi. Họ hỏi chị ấy là tại sao đi thăm gia đình bên Đức mà lại sang Thụy Sĩ, ai đưa chị sang Thụy Sĩ, sang đấy gặp những ai, quen anh Đài như thế nào Họ đưa một loạt hình ảnh của chị bên Thụy Sĩ chụp với những người khác rồi hỏi chị có biết những người này không…”
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh trở về sau chuyến du lịch Mỹ vào tháng 1/2019 cũng đã bị an ninh sân bay Nội Bài mời vào làm việc.
Thứ nhất là nó muốn hăm dọa những người sẽ đi lại hoặc người sắp đi ra nước ngoài để khi ra nước ngoài thì đừng liên hệ với tổ chức này hay cá nhân khác, về sẽ gặp rắc rối. - Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh
Chia sẻ trên facebook cá nhân của mình, ông cho biết an ninh sân bay lập ra một biên bản trong đó có nhắc đến Điếu Cày, Trịnh Hội& VOICE, Việt Tân, và chuyện quỹ 50K rồi yêu cầu ông ký vô. Ông trả lời rất dí dỏm rằng ký thì không khó nhưng nếu ông ký vào thì nhục nhã cho nhà nước này lắm:
“Nhục nhã cho các anh và nhục nhã cho nhà nước nầy chứ không phải cho tui. Một đất nước mà ông Phúc bạn tui vẫn ra khoe với thế giới là rất dân chủ và tôn trọng nhân quyền lại tự dưng bắt một công dân đáng tôn kính như tui phải ký biên bản tường trình lại sự việc đi ăn chơi của mình sau khi đi du lịch về thì còn chi thể diện quốc gia”.
Trả lời RFA về mục đích của việc câu lưu ở sân bay, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng:
“Có hai ý. Thứ nhất là nó muốn hăm dọa những người sẽ đi lại hoặc người sắp đi ra nước ngoài để khi ra nước ngoài thì đừng liên hệ với tổ chức này hay cá nhân khác, về sẽ gặp rắc rối. Thứ hai là nó cũng muốn tìm hiểu xem mình có liên hệ với ai không, qua đó làm gì, có tổ chức nào liên hệ với mình không…
Những người quen rồi thì không sợ an ninh chứ những người mới họ cũng sợ phiền, họ sẽ không tiếp xúc với ai.”
Chiều ngày 4 tháng 4 năm 2016, anh Mai Văn Tám, thành viên Hội Anh Em Dân Chủ bị cơ quan nhập cảnh sân bay Nội Bài câu lưu, tịch thu hộ chiếu khi từ Thái Lan về Hà Nội. Anh cùng với phái đoàn 14 người đã sang Thái Lan để tham dự hội nghị diễn đàn Xã Hội Dân Sự khu vực ASEAN tại Bangkok, Thái Lan hôm 31/3/2016.
Tháng 9/2015, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã bị câu lưu ở sân bay Nội Bài 15 tiếng, khi trở về sau chuyến công tác dài ngày ở châu Âu và Mỹ. Chia sẻ trên facebook cá nhân của mình sau khi được thả, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết chiêu bắt cóc người quen thuộc của an ninh là bảo hộ chiếu của ông đã hết hạn mới giữ ông lại để kiểm tra.
“Họ muốn mình trả lời đi Mỹ gặp những ai, ở đâu, móc nối với các tổ chức "phản động" nào ...”
“Chỉ có họ mới biết, nhưng có thể thấy họ mới chính là những người bôi tro trát trấu lên mặt nước Việt Nam XHCN, và phản động theo đúng nghĩa!”
Vào tháng 6/2014, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng một số nhà hoạt động xã hội khác ở Việt Nam đã sang Geneva (Thụy Sĩ) để tham gia phiên họp về Kiểm điểm Nhân quyền Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam diễn ra tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Một trong những trường hợp đầu tiên khiến công luận quan tâm và các hãng truyền thông quốc tế như Reuters, AFP, AP thậm chí tờ South China Morning Post đưa tin, là trường hợp của blogger Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động cho quyền con người và tự do ngôn luận tại Việt Nam, đã bị an ninh sân bay Nội Bài giữ nhiều tiếng đồng hồ khi ông trở về từ khóa huấn luyện về Xã hội Dân sự do tổ chức Asian Bridge tổ chức tại Philippines vào tháng 10 năm 2013.
Ngay sau khi được thả, blogger Nguyễn Lân Thắng cho RFA biết mục đích của việc câu lưu là “họ muốn tìm hiểu những hoạt động của tôi liên quan đến tuyên bố 258 và cái lớp học Xã hội dân sự do tổ chức Asian Bridge tổ chức.”
Ông nói thêm rằng thật ra thì cơ quan an ninh Việt Nam họ nắm rất nhiều nguồn thông tin, họ theo dõi và biết tất cả các hoạt động của ông cũng như nhiều người khác từ trước, nhưng hoạt động của từng blogger có thể khác nhau và đánh giá của cơ quan an ninh cũng khác nhau cho nên hành xử của họ cũng khác nhau.
Chỉ sáu tháng sau, nhà báo Ngô Nhật Đăng và blogger Nguyễn Đình Hà bị câu lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhà báo Nguyễn Tường Thụy bị câu lưu ở sân bay Nội Bài, khi ba nhà hoạt động này trở về từ Mỹ sau phiên điều trần về nền tự do báo chí của Việt Nam, theo lời mời của các dân biểu nghị sĩ Hoa kỳ.
Tất cả những người từng bị câu lưu ở sân bay đều cho chúng tôi biết là an ninh hạch sách, hỏi đủ điều về chuyến đi, ghi chép lại và yêu cầu ký tên, rồi thu giữ điện thoại, hộ chiếu và hẹn một ngày khác lên làm việc tiếp.