Thông tin ‘thật- giả’ và cách quản lý của cơ quan chức năng Việt Nam

RFA
2019.12.04
22fbbe6e-a1e3-480f-98a8-3178aff3ec27.jpeg Ảnh minh họa: Một sạp bán báo ở Việt Nam
RFA

Một đề xuất được đưa ra tại Hội nghị Sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí năm 2016, do Bộ Thông tin-Truyền thông tổ chức vào ngày 4/12/19 ở Hà Nội, được dư luận chú ý là cần xử lý nghiêm khắc tình trạng khai thác thông tin sai sự thật trên mạng, đăng tin theo mạng xã hội mà không kiểm chứng hoặc thông tin báo chí chính thống bị cắt gọt đưa lên mạng xã hội…

Đề xuất xử lý nghiêm khắc

Nhà báo Hồ Bất Khuất, vào tối ngày 4/12 lên tiếng với RFA về quan điểm của ông trước đề xuất vừa nêu:

“Nói chung ít nhiều là cần thiết bởi vì đúng là có hiện tượng như vậy. Nhưng nếu xử lý thì chỉ xử lý phần ngọn trong khi rất cần phải xử lý phần gốc. Nghĩa là, phải trang bị kiến thức cho nhà báo. Những người làm báo có nghề là phải kiểm định thông tin. Tôi không muốn gọi là báo ‘chính thống’ mà là báo có giấy phép và loại báo không có giấy phép. Những người làm việc cho các cơ quan báo chí có giấy phép thì phải kiểm định lại thông tin trước khi đăng. Còn nếu mà không kiểm định lại và sai sự thật thì phải chịu trách nhiệm, chứ không phải là những người đưa tin lên mạng xã hội chịu trách nhiệm vì họ là những người không có nghề nên họ chịu trách nhiệm khác mà không chịu trách nhiệm trước pháp luật.”

Đài RFA ghi nhận truyền thông trong nước, hồi thượng tuần tháng 10 dẫn nguồn từ báo cáo của Bộ Thông tin-Truyền thông cho thấy báo điện tử bị phản ánh thông tin sai sự thật nhiều nhất và từ đầu năm 2018 đến đầu tháng 5/19, cơ quan chức năng của Bộ đã xử phạt 37 trường hợp bị cho là thông tin sai sự thật cùng 9 trường hợp thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong hoạt động báo chí.

Đặc biệt nhất là kênh Youtube. Về những đề tài khác thì tôi không dám bàn, nhưng riêng về đề tài chính trị xã hội thì phải nói là 99,9% là tào lao, tiêu đề một nơi và nội dung một nẻo. Xin nói là cả báo nhà nước thì nhiều tin cũng không đúng đâu, tô hồng, bóp méo đủ thứ hết đấy chứ. Những trò đó thì nhiều lắm. Thế thì rõ ràng cả hai đều có cái hay và có cái dở nếu mình so sánh giữa mạng xã hội và báo nhà nước. Nếu như kết hợp khéo giữa hai cái đó thì vẫn đảm bảo được thông tin tốt nhất, nhưng với điều kiện người đưa tin có kinh nghiệm một chút thì mới được chứ không thì dễ bị thông tin sai lạc
-Nhà báo Võ Văn Tạo

Một vài vụ việc Cục Báo chí, Bộ Thông tin-Truyền thông xử lý đưa tin không đúng sự thật và gây ảnh hưởng xấu mà dư luận đặc biệt quan tâm có thể nêu ra như vụ Báo Tuổi Trẻ hồi tháng 7/18 bị đình bản 3 tháng và bị phạt 220 triệu đồng vì đăng bài viết về Luật Biểu tình hay Tạp chí Luật sư Việt Nam Online, trong tháng 11/19 bị đình bản 2 tháng và bị phạt 50 triệu đồng do đăng tải thông tin về Biệt phủ lấn sông của gia đình thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng…

Từ Nha Trang, Nhà báo Võ Văn Tạo nói với RFA rằng cần phải có sự nhìn nhận công bằng khách quan đối với hai hệ thống thông tin gồm báo chí nhà nước và truyền thông mạng xã hội. Nhà báo Võ Văn Tạo đánh giá thông tin trên mạng xã hội được nhanh chóng, mang tính kịp thời, phần nào giúp cho báo chí nhà nước chạy theo tin tức thực tiễn mà dân chúng quan tâm; chứ không phải chỉ những bản tin tuyên truyền đi vào lối mòn mà độc giả không màng tới. Tuy nhiên, Nhà báo Võ Văn Tạo cũng khẳng định thông tin trên mạng xã hội là tự phát và trong muôn vàn tin tức được đăng tải liên tục đó, có không ít những thông tin không chính xác. Nhà báo Võ Văn Tạo nhấn mạnh:

“Đặc biệt nhất là kênh Youtube. Về những đề tài khác thì tôi không dám bàn, nhưng riêng về đề tài chính trị xã hội thì phải nói là 99,9% là tào lao, tiêu đề một nơi và nội dung một nẻo. Xin nói là cả báo nhà nước thì nhiều tin cũng không đúng đâu, tô hồng, bóp méo đủ thứ hết đấy chứ. Những trò đó thì nhiều lắm. Thế thì rõ ràng cả hai đều có cái hay và có cái dở nếu mình so sánh giữa mạng xã hội và báo nhà nước. Nếu như kết hợp khéo giữa hai cái đó thì vẫn đảm bảo được thông tin tốt nhất, nhưng với điều kiện người đưa tin có kinh nghiệm một chút thì mới được chứ không thì dễ bị thông tin sai lạc.”

Áp phích Phản đối Luật An Ninh Mạng
Áp phích Phản đối Luật An Ninh Mạng
Courtesy: Amnesty International
Quan ngại

Qua trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, cả hai Nhà báo Hồ Bất Khuất và Võ Văn Tạo đều cho rằng đề xuất cần xử lý nghiêm khắc thông tin sai sự thật trên mạng xã hội trong Luật Báo chí sửa đổi sẽ không thể đạt được hiệu quả tuyệt đối trong việc kiểm soát truyền thông mạng xã hội, thậm chí có cả nhiều biện pháp kỹ thuật được áp dụng như tường lửa…

Đối với Nhà báo Hồ Bất Khuất thì ông kiến nghị Việt Nam nên học hỏi cách thức của một số các quốc gia Âu Châu về truyền thông mạng xã hội mà mang lại hiệu quả cao:

“Theo tôi thì cách tốt nhất là cách trang bị kiến thức, kỹ năng, quan niệm…cho nhân dân để người ta tự sàng lọc lấy thông tin đấy. Như vậy thì mới bền vững và có hiệu quả nhất.”

Thế nhưng cũng có những ý kiến quan ngại về đề xuất mới này khi được đưa vào Luật Báo chỉ sửa đổi có thể sẽ được Chính quyền Việt Nam sử dụng như là thêm một công cụ trong việc hạn chế tự do thông tin của người dân cùng với Luật An ninh mạng. Nhà báo Võ Văn Tạo lý giải:

“Xu thế đó là có thể có tại vì quan sát trong vài ba năm trở lại đây thì cũng những hành động của những người tương đương như nhau và có tính chất độc lập, tức là đấu tranh cho nhân quyền, cho quyền tự do ngôn luận, cho quyền tự do báo chí, cho tự do truyền đạt thông tin…thì khi công an khởi tố những vụ án và tòa án xét xử với mức án càng ngày càng nặng nề. Trước đây những án 10 năm hay trên 10 năm là hiếm lắm, có nhưng rất hiếm còn 2-3 năm trở lại đây thì rất nhiều. Hầu như vụ án nào cũng đưa vào những điều luật khắc khe và gán cho những mức án 10 năm, trên 10 năm và thậm chí 20 năm.”

Kể từ khi Luật An ninh mạng được thông qua và có hiệu lực từ đầu năm 2019, hàng loạt facebooker ở Việt Nam bị bắt giữ và bị tuyên các bản án tù. Trường hợp mới nhất là Huỳnh Thị Tố Nga và Huỳnh Minh Tâm vào ngày 28/11/19 bị Tòa án tỉnh Đồng Nai tuyên tổng cộng 14 năm tù giam, dưới tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Theo tôi thì cách tốt nhất là cách trang bị kiến thức, kỹ năng, quan niệm…cho nhân dân để người ta tự sàng lọc lấy thông tin đấy. Như vậy thì mới bền vững và có hiệu quả nhất
-Nhà báo Hồ Bất Khuất

Đài RFA cũng ghi nhận việc chia sẻ thông tin của người dân Việt Nam trên mạng xã hội bị hạn chế qua các hình thức như Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, trong hạ tuần tháng 11 ban hành văn bản cấm sinh viên của trường này chia sẻ trên mạng xã hội ủng hộ biểu tình ở Hong Kong; hoặc như trang Dân Làm Báo vào ngày 4/12 vừa loan tin lãnh đạo Trường Tiểu học Số 2 Lộc Trì, ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, yêu cầu giáo viên của trường xóa chia sẻ trên Facebook cá nhân thông tin đăng trên Báo Thanh Niên với nội dung “Tự tiện cắt, thu hồi phụ cấp giáo viên vùng khó”.

Mặc dù vậy, một số nhà quan sát tình hình Việt Nam nhận định Việt Nam trong thời gian tới sẽ thực thi những biện pháp kiểm duyệt và áp dụng các luật định theo xu hướng cởi mở của thế giới trong thông tin và truyền thông trong bối cảnh mở rộng ngoại giao và hợp tác phát triển kinh tế với quốc tế. Nhưng hiện tại với Luật An ninh mạng thì Nhà hoạt động dân chủ-Facebooker Đinh Quang Tuyến nhận xét là “Tất cả người Việt Nam trở thành nô lệ một cách tuyệt đối của công an, kể cả Quốc Hội."

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.