Hà Nội xích lại gần Washington và việc hoà giải với đồng bào gốc Việt
Quan hệ giữa hai nước cựu thù Việt Nam và Mỹ ngày càng được cải thiện hơn kể từ sau năm 1975. Tuy vậy, đối với đồng bào là cộng đồng người Việt hải ngoại, Chính phủ Hà Nội có thái độ thế nào?
Việt Nam sẵn sàng hoà giải với Mỹ,
Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 9/8 phát biểu rằng sẽ sớm thăm Việt Nam vì nước này muốn nâng tầm quan hệ với Hoa Kỳ. Hôm 18/8, hãng tin Politico của Mỹ dẫn các nguồn tin cho biết hai bên sẽ ký thoả thuận nâng cấp quan hệ Mỹ - Việt Nam từ Đối tác Toàn diện lên Đối tác Chiến lược trong một chuyến thăm được chờ đợi như thế.
Về phía Việt Nam, trong cuộc họp báo ngày 17/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết quan hệ Việt - Mỹ trong thời gian qua đã phát triển sâu rộng, hiệu quả… Hai bên đang trao đổi các biện pháp để tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ, hướng tới ổn định, thực chất, lâu dài…
Lý giải về sự cởi mở của chính quyền Việt Nam trong việc nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ, cô Duyên Bùi, giảng viên ngành Khoa học Chính trị tại trường đại học Hawaii Pacific University, nói với RFA rằng dù Việt Nam và Mỹ là hai nước cựu thù, đối ngược nhau về ý thức hệ; tuy nhiên, Việt Nam là một nước nhỏ hơn về địa chính trị và quy mô kinh tế nên phải tìm kiếm quan hệ đa phương để không quá phụ thuộc vào sự giúp đỡ của một nước lớn hơn:
“Do đó, bất chấp lịch sử xung đột trong quá khứ, việc xây dựng các mối quan hệ năng động mới sẽ có lợi cho Việt Nam và cả Mỹ, đặc biệt là để ngăn chặn sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.”
Nhà báo Đinh Quang Anh Thái, từ California, nhận định về việc hai nước sắp sửa nâng cấp mối quan hệ:
“Đây là đối xử và quan hệ giữa hai cựu thù với nhau. Cá nhân tôi thấy rằng nếu nhà nước Hà Nội thực tâm muốn hướng về Tây phương và nước Mỹ như là một đồng minh để ngăn chặn những tham vọng của kẻ thù phương Bắc Trung Quốc thì tôi hoan nghênh.
Nhưng mà nếu đây chỉ là một bước để cho lãnh đạo Hà Nội củng cố thêm quyền lực; trong khi đó, phía Hoa Kỳ dùng Việt Nam như một thế chặn trong chiến lược bao vây Trung Quốc, thì tôi ngờ rằng Việt Nam vẫn sẽ rơi vào một vòng xoáy của sự tranh chấp quốc tế mà thôi.”
Nhưng vẫn e dè với đồng bào gốc Việt
Cô Duyên Bùi cho biết, sau khi Mỹ và Việt Nam bình thường hoá quan hệ, kể từ những năm 2000, chính quyền Hà Nội một mặt ngày càng cố gắng lôi kéo người Mỹ gốc Việt đầu tư và đổi mới Việt Nam, nhưng mặt khác vẫn đàn áp bất kỳ nhà phê bình chính trị nào. Những cá nhân, tổ chức đấu tranh cho nhân quyền ở hải ngoại vấn bị dán nhãn là “thế lực thù địch”:
“Những cuộc đàn áp người Mỹ gốc Việt cho thấy Chính phủ Việt Nam vẫn lo ngại đối với cộng đồng người Việt hải ngoại trong việc góp phần phát triển hệ thống chính trị Việt Nam. Do đó, chính phủ vẫn sẽ e dè người Mỹ gốc Việt mặc dù nhìn chung, Việt Nam đã có mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ.”
Ông Michael Phương Minh Nguyễn, một người Mỹ gốc Việt, đã bị chính quyền Việt Nam kết án 12 năm tù giam với cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền” vào năm 2019. Đến tháng 10/2020 ông này được trả tự do về lại Mỹ.
Trả lời RFA hôm 22/8, ông Michael Phương Minh Nguyễn cho biết việc nâng cấp mối quan hệ hai nước sẽ mang lại cơ hội hơn để người Việt ở Mỹ có thể vận động, đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.
Và chính điều này lại càng khiến lãnh đạo Việt Nam tỏ ra lo ngại hơn đối với cộng đồng người Việt hải ngoại. Ông nói:
“Tôi nghĩ rằng nhà cầm quyền Việt Nam luôn luôn e ngại. Họ sẽ đề cao cảnh giác nhiều hơn và họ sẽ làm những điều bất lợi cho những người ở Hoa Kỳ về Việt Nam.”
Theo nhà báo Đinh Quang Anh Thái, động thái xích lại gần hơn với Mỹ cho thấy Nhà nước Cộng sản Việt Nam có thể hòa giải với cựu thù là Hoa Kỳ nhưng vẫn chưa thật tâm giải hòa giải với dân tộc Việt Nam:
“Đối với cộng đồng người Việt hải ngoại, nếu nhìn bên ngoài thì Nhà nước Việt Nam có một vài thái độ hòa giải, nhưng mà chỉ hòa giải với những người có lợi cho họ mà thôi chứ không phải là hòa giải với tập thể người Việt tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Điều kiện tiên quyết để cho một dân tộc có thể hòa giải với nhau là phải sòng phẳng với quá khứ và phải tôn trọng danh dự của những người đã từng có một thời khác chiến tuyến với mình.
Đằng này Nhà nước Cộng sản Việt Nam không sòng phẳng được với quá khứ, vẫn xem cuộc xâm chiếm niềm Nam như là một cuộc giải phóng thần thánh và vẫn có thái độ không chấp nhận những người từng một thời bên kia chiến tuyến.”
Không chỉ vào mỗi dịp 30/4, hệ thống truyền thông nhà nước Việt Nam đồng loạt đăng các bài viết ca ngợi chiến thắng ngày “Giải phóng miền Nam, hoàn tất công cuộc chống Mỹ, cứu nước”. Vào cuối tháng sáu vừa qua, khi Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đến thăm Việt Nam, Đài truyền hình VTV cho phát chương trình có tên "Mở Đường Ra Biển" dài hơn một tiếng vào giờ vàng ca ngợi Hải quân Việt Nam chống đế quốc Mỹ thời thập niên 60, 70 thế kỷ trước.