Bản đồ xã Đồng Tâm: “Mập mờ tính xác thực”
2019.08.28
Vào chiều ngày 27/8/2019, trong buổi họp báo tại Hà Nội về việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý vụ việc liên quan đến diện tích đất khu sân bay Miếu Môn, thuộc xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. UBND TP. Hà Nội và Thanh tra Chính phủ đã công bố tấm bản đồ thể hiện “Phạm vi quản lý đất sân bay Miếu Môn” và “Sơ đồ hiện trạng”.
Kết luận của Thanh tra có căn cứ?
Theo cơ quan chức năng, Bản đồ này được xác lập vào năm 1992, sau thời điểm khu đất sân bay Miếu Môn được bàn giao cho đơn vị quốc phòng vào ngày 14/4/1980. Chính quyền Hà Nội căn cứ theo Bản đồ này đã khẳng định kết luận của Thanh tra thành phố Hà Nội toàn bộ 236,7 ha đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng là chính xác.
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, bản đồ được xác lập từ năm 1992, sau quá trình bàn giao, cắm mốc, tiếp quản quản lý suốt những năm 1980 đến năm 1992 các bên liên quan đã lập bản đồ, có chữ kí Ủy ban nhân dân các xã giao đất cho đơn vị quân đội, trong đó có UBND xã Đồng Tâm.
Ông Thanh cho rằng, không ai có thể nghi ngờ bản đồ đã được lập ra từ 1992 (!?)
Luật sư Ngô Anh Tuấn, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, là luật sư đại diện cho người dân Đồng Tâm sau khi có kết luận thanh tra vào tháng tư năm 2019, đưa ra nhận định liên quan vấn đề này:
“Sau này UBND thành phố Hà Nội mới nói chuyện mở rộng, chứ thực tế đâu có chuyện mở rộng, cái đó là chính quyền đưa ra đơn phương. Cái bản đồ đó chưa bao giờ họ đưa cho chúng tôi và chúng tôi cũng chưa bao thấy cái bản đồ đó.”
Theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, vấn đề sân bay Miếu Môn thì Phó Thủ tướng Chính phủ có quyết định một lần và đó một lần duy nhất thôi, chứ chưa có một văn bản chính thức nào về mở rộng thêm hay thu hồi các diện tích tăng thêm khác.
Tại buổi họp báo, khi được hỏi tại sao đến bây giờ Hà Nội mới công khai về bản đồ liên quan đến sân bay Miếu Môn, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong quá trình thu thập thông tin, tài liệu thì có bản đồ 1992 này. Ông Chung khẳng định: “Khi đối thoại tại huyện Mỹ Đức và quá trình mời người dân xã Đồng Tâm tham gia đi kiểm tra thực địa thì người dân đều được công khai xem tấm bản đồ này. Chúng tôi không úp mở để đến hôm nay mới công bố.” (!?)
Tuy nhiên, Luật sư Ngô Anh Tuấn lại tỏ vẻ nghi ngờ thông tin này:
“Hôm qua thì họ tự nói, tự làm, họ tự biên tự diễn, chứ không có đối thoại hay nói chuyện gì với người dân cả cho nên chúng tôi chỉ biết một chiều thôi. Ngay cả họ đưa thông tin bản đồ như vậy chứ cũng có văn bản chính thức nào mà họ công bố cả, cho nên chúng tôi chả biết đâu mà lần.”
Ông Lê Đình Công, một trong những người dân Đồng Tâm cho rằng, muốn biết tính xác thực của tấm bản đồ 1992 mới công bố này, chính quyền phải đối thoại với dân Đồng Tâm và đối chiếu với bản đồ và giấy tờ do người dân thu thập từ trước đến nay:
“Bản đồ mà UBND thành phố Hà Nội và thanh tra chính phủ muốn đưa ra, nếu muốn biết có đúng với số liệu bàn giao đất của xã Đồng Tâm thì phải mời người dân Đồng Tâm đối thoại. Bởi vì chúng tôi có bản đồ quân sự hẳn hoi, trực tiếp từ lữ đoàn 28. Ngoài ra chúng tôi cũng có quyết định 113 của Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười và quyết định 386 của UBND tỉnh Hà Sơn Bình chỉ có 47,36 ha đất quốc phòng thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm.”
Đây không phải lần đầu tiên cơ quan chức năng Việt Nam bị nghi ngờ khi công bố bản đồ để giải quyết tranh chấp đất đai với người dân. Trước đây, khi giải quyết vấn đề tranh chấp, đền bù giải tỏa ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chính quyền sở tại đã từng nhiều lần công bố, thay đổi bản đồ, không theo một quy chuẩn nào?
Cụ thể, vào tháng 5 năm 2018, UBND TPHCM đã thừa nhận chưa tìm thấy bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm 1996, với tỷ lệ 1/5.000 kèm theo Quyết định 367 ngày 4/6/1996 của Thủ tướng. Bản đồ quy hoạch này được chính quyền khi đó xem là tài liệu quan trọng nhất để giải quyết mọi khiếu nại kéo dài của người dân Thủ Thiêm bị thu hồi đất, khiếu nại hơn 20 năm qua.
Trong khi Thứ trưởng Bộ xây dựng Lê Quang Hùng trong một cuộc họp về Thủ Thiêm từng khẳng định, quy hoạch chung là năm 1996 về pháp lý đã được thay đổi bằng quy hoạch 2005 do đó dựa vào quy hoạch theo bản đồ 2005, không tìm bản đồ năm 1996 làm gì. Thế nhưng trong cuộc họp báo chiều 14/8/2019, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TPHCM lại kết luận, tổ công tác căn cứ vào hai bản đồ, gồm bản đồ quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm 1/2000 thiết lập 1997 và bản đồ quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm 1/5000 lập năm 1995 để xác định ranh 4,3ha...
Trao đổi với RFA hôm 28/8/2019 liên quan vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, đưa ra nhận định:
“Bản đồ quan trọng vì nó là cơ sở giải quyết những khiếu nại, đó là bản đồ mang tính chất 1 phần 2000, tức là bản đồ phân khu, phân chia, xác định chức năng, do thủ tướng duyệt, hay chủ tịch UBND tỉnh thành phố duyệt, tùy theo tính chất khu đó lớn hay nhỏ. Ví dụ như bản đồ Thủ Thiêm là do Thủ tướng duyệt, còn bản đồ Đồng Tâm thì tôi nghĩ có thể là do UBND thành phố duyệt. Bản đồ 1 phần 2000 đó xác định vị trí công trình, ranh giới trên đất, do đó quy hoạch này liên quan mật thiết đến quyền sở hữu về đất đai tức là quyền sử dụng đất, nó có tính hợp lý rất cao.”
Dân không hay không biết
Trở lại buổi họp báo chiều ngày 27/8/2019, theo hình ảnh đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng về tấm bản đồ “Phạm vi quản lý đất sân bay Miếu Môn” mà UBND TP Hà Nội và Thanh tra Chính phủ đã công bố, RFA ghi nhận tấm bản đồ này được vẽ tay bằng mực xanh, có chữ ký và con dấu đỏ của Ủy ban nhân dân các xã giao đất cho đơn vị quân đội, và chữ ký của phía quân đội. Không hề có phê duyệt của thủ tướng, hay chủ tịch UBND tỉnh, thành phố…
Luật sư Ngô Anh Tuấn nhận định:
“Rất là khó để nhận định động thái của chính quyền, chúng tôi chỉ muốn nói là quyết định mở rộng sân bay Miếu Môn chỉ có một lần như thế và không có lần thứ hai, không có một văn bản nào khác. Còn bản đồ họ muốn dựng lên 92, 93, 95… hay 100 gì đó là việc của họ. Còn văn bản chính thức về việc thu hồi của dân để giao cho sân bay thì không có. Theo tôi nhớ, họ đo năm 94 và đến năm 96 họ công bố thì mới đúng. 96 họ công bố gần như toàn bộ thành phố Hà Nội, có một số đất đai chưa có ranh giới rõ ràng. Thậm chí đất vô chủ mà người nào sử dụng thời gian đó thì họ công nhận luôn. Còn hôm qua họ công bố bản đồ 1992 thì tôi cũng không biết bản đồ nào, tôi chịu.”
Cũng tại buổi họp báo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, sắp tới Bộ Quốc phòng sẽ xây dựng tường rào để bảo vệ công trình quốc phòng ở sân bay Miếu Môn. Chính quyền sẽ vận dụng tất cả chính sách có thể để hỗ trợ cuộc sống cho người dân đang sử dụng đất quốc phòng thuộc sân bay Miếu Môn. Ông cho biết, 14 hộ dân nằm trong diện này hết sức ủng hộ, đồng tình, sẵn sàng bàn giao mặt bằng. (!?)
Tuy nhiên, Ông Lê Đình Công, một trong những người dân Đồng Tâm, lại cho rằng, có sự mập mờ ở đây:
“Như ông Nguyễn Chung, Ông Thanh nói hôm qua trong buổi họp báo thì chúng tôi phản bác. Năm 2016 UBND huyện Mỹ Đức có báo cáo UBND thành phố Hà Nội, đề nghị di dời 14 hộ dân đang sinh sống trên đất quốc phòng thuộc sân bay Miếu Môn, nhưng trên thực tế ở khu vực 47 ha đất quốc phòng và khu vực 59 ha đất nông nghiệp, đều có 14 hộ dân. Báo cáo của UBND huyện Mỹ Đức đề nghị di dời dân trên đất quốc phòng, nhưng UBND Hà Nội lại di dời 14 hộ dân ở khu 59 ha đất canh tác nông nghiệp của xã Đồng Tâm.”
Còn Cụ Lê Đình Kình ở Đồng Tâm thì cho rằng, chính quyền Hà Nội đã lạm quyền trong khi giải quyết vấn đề này:
“Ông Nguyễn Đức Chung và ông Nguyễn Văn Thanh có quyền gì mà ra quyết định chỉ đạo thu hồi đất để mà giao cho Bộ quốc phòng để làm sân bay Miếu Môn, như vậy là ông Nguyễn Đức Chung trái thẩm quyền, trái pháp luật, không đúng quy định của nhà nước.”
Vào ngày 15/04/17, khi chính quyền xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội tiến hành cưỡng chế đất tại đồng Sênh, ở thôn Hoành, người dân xã Đồng Tâm khi đó đã gây chấn động dư luận trong và ngoài nước qua vụ việc bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và cán bộ làm con tin, để yêu cầu được đối thoại với Chính quyền thành phố Hà Nội, sau khi Công an Hà Nội bắt 4 người dân xã Đồng Tâm để điều tra cáo buộc gây rối trật tự công cộng, trong số này có cụ Lê Đình Kình, nguyên Bí thư đảng ủy xã, 82 tuổi vào thời điểm đó.
Vụ việc xảy ra vì liên quan đến 59 héc-ta đất trong xã mà người dân nói là thuộc đất nông nghiệp của họ trong khi chính quyền địa phương lại nói đây là đất đã bàn giao cho Bộ Quốc phòng và đòi thu hồi để giao cho tập đoàn viễn thông quân đội Viettel.