Quyết định về kiện toàn Ban Chỉ đạo 167
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, trong những ngày đầu tháng Ba, loan tin Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong vừa ký Quyết định về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo 167, nhằm để xây dựng đề án để sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà trước trong phạm vi của thành phố.
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Lê Hòa Bình, cũng đã ký quyết định, phê duyệt Đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP.HCM”.
Theo đó, đề án đưa ra hai giải pháp để thực hiện việc sắp xếp, điều chuyển đưa vào sử dụng hợp lý tài sản công là đất và nhà.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, vào tối ngày 9/3, cho RFA biết ông ủng hộ quyết định vừa nêu và quyết tâm của Chính quyền TP.HCM.
“Gần đây từ độ khoảng một năm, TP.HCM có một chủ trương chung là hoàn thiện lại tất cả những thể chế triển khai mọi việc ở một thành phố được gọi là siêu đô thị. Trong đó, phần quản lý đất đai thì UBND TP.HCM cũng đã phê duyệt một đề án gọi là ‘Đổi mới Quản lý Đất đai’ nhằm sử dụng đất có hiệu quả. Việc này đã diễn ra khoảng độ nửa tháng. Sau đề án đất đai thì chắc chắc sẽ là đề án kiện toàn việc quản lý các tài sản công. Tức là đất đai công và gắn với nó là nhà cửa dưới dạng công sở, các đơn vị sự nghiệp và kể cả các doanh nghiệp nhà nước. Trên tinh thần huy hoạch lại thành phố cho thành phố trở thành một thành phố đáng sống, thành phố sáng tạo theo chủ trương của TP.HCM. Tôi cho rằng đây là một việc làm rất tốt. Bởi vì sau đề án hoàn thiện hệ thống quản lý đất đai theo hướng chia sẻ lợi ích giữa nhà nước với người dân. Tôi cho đấy là chủ trương rất đúng đắn.”
Nguyên Thứ trưởng Bộ tài nguyên-Môi trường, GS. Đặng Hùng Võ cho biết thêm rằng đây là chủ trương của Chính phủ Việt Nam đã đẩy mạnh từ năm 2013. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thì vẫn còn các vướng mắc trên thực tế do pháp luật chưa thật đầy đủ và toàn diện.
Theo ghi nhận của GS. Đặng Hùng Võ thì chính quyền TP.HCM đang tiến hành hoàn thiện cơ chế sắp xếp lại các bất động sản công để tạo dựng cho thành phố một cách sử dụng hợp lý hơn, và đặc biệt là để chống lại tham nhũng trong việc chuyển đổi từ tài sản công sang tài sản riêng, bất động sản công thành tài sản của tư nhân.
Người dân muốn công khai mọi điều. Điều gì minh bạch, công khai được thì hoan nghênh. Đấu thầu để cho thuê hoặc bán đấu giá…thì nên làm như vậy. Tôi hoan nghênh việc công bố những căn nhà. Tôi biết trong vụ việc liên quan đất đai, có những trường hợp người dân di tản và bị mất nhà bằng nhiều hình thức, rồi đa số các căn nhà đó bị sở hữu hóa. Sau khi sở hữu hóa xong thì lại trao cho nhiều đơn vị, nhiều cá nhân giữ hoặc thuê và đòi không trả. Bây giờ họ làm rốt ráo thì hoan nghênh và cần làm cho đến nơi đến chốn-Luật sư Đặng Dũng
Khó khăn và biện pháp tháo gỡ
UBND TP.HCM cho báo giới Nhà nước biết từ năm 2000 đã thực hiện theo chủ trương lớn của Chính phủ trong việc sắp xếp lại mặt bằng sử dụng tài sản công là nhà, đất do nhà nước quản lý tại các đô thị. Thế nhưng, quá trình thực hiện chủ trương này thường rất khó khăn vì lợi ích của các vị trí đất tại trung tâm thường rất lớn, nhất là các công sản đang thuộc quản lý của các cơ quan trung ương.
Do đó, Chính quyền TP.HCM phải xây dựng đề án để rà soát quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức xã hội phải thuê đất của nhà nước. Đồng thời, giải quyết dứt điểm những tồn đọng trong vấn đề tài sản công liên quan nhà, đất.
Một trong những biện pháp cần thực hiện mà Chính quyền TP.HCM đưa ra là ủng hộ kế hoạch tổng rà soát cũng như kiên quyết thu hồi các nhà, đất công đang khai thác, sử dụng lãng phí.
Việc cần làm là công khai tất cả các địa chỉ nhà, đất công thuộc phạm vi của thành phố để người dân thực hiện chức năng giám sát, phản ánh cũng như nhằm cung cấp thông tin rõ ràng cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm.

Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, đại biểu Hội đồng Nhân dân TP.HCM, ông Trần Quang Thắng cho rằng việc làm này rất có lợi trong thu hút các nhà đầu tư khi đưa ra đấu giá sử dụng nhà, đất công.
Bên cạnh đó, ông Trần Quang Thắng cũng cho rằng Chính quyền TP.HCM cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau khi giao, cho thuê đất từ các cơ quan liên quan.
Luật sư Đặng Dũng, vào tối ngày 9/3, lên tiếng với RFA liên quan biện pháp mà Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM nêu ra.
“Người dân muốn công bố công khai mọi điều. Điều gì minh bạch, công khai được thì hoan nghênh. Đấu thầu để cho thuê hoặc bán đấu giá…thì nên làm như vậy. Tôi hoan nghênh việc công bố những căn nhà. Tôi biết trong vụ việc liên quan đất đai, có những trường hợp người dân di tản và bị mất nhà bằng nhiều hình thức, rồi đa số các căn nhà đó bị sở hữu hóa. Sau khi sở hữu hóa xong thì lại trao cho nhiều đơn vị, nhiều cá nhân giữ hoặc thuê và đòi không trả. Bây giờ họ làm rốt ráo thì hoan nghênh và cần làm cho đến nơi đến chốn.”
Đúng là quá trình thực hiện còn lại như thế nào? Vẫn là một câu hỏi, bởi vì đã 10 năm nay triển khai rồi mà vẫn còn vướng mắc ở nhiều nơi. Và có có nhiều vụ án tham nhũng liên quan đến tài sản công. Thế thì tôi vẫn cho rằng chủ trương là hoàn toàn đúng. Vậy còn lại, thực hiện như thế nào cũng là vấn đề lớn-Giáo sư Đặng Hùng Võ
Trả lời câu hỏi của RFA liệu rằng với các định chế pháp luật hiện hành của Việt Nam hiện nay có thể hỗ trợ cho quyết tâm của Chính quyền TP.HCM đạt được kết quả như mong muốn hay không, luật sư Đặng Dũng nêu lên quan điểm của ông.
“Tôi nghĩ luật pháp nằm trong tay chính quyền, họ không làm được trước đây thì bây giờ họ ra quyết định rằng họ cương quyết làm. Tôi nghĩ rằng sau nhiều lần cương quyết thì họ làm được, chứ không phải là không.”
Luật sư Đặng Dũng cho rằng với quyết định và quyết tâm của Chính quyền TP.HCM thì cần phải nhanh chóng liệt kê các tài sản công đang được sử dụng không đúng mục đích, lãng phí để công khai đấu giá minh bạch hay dùng để cho thuê thu về ngân sách của thành phố và sử dụng vào các dự án công ích cho thành phố.
Nhưng với góc nhìn của GS. Đặng Hùng Võ thì mặc dù Chính quyền TP.HCM quyết tâm, còn quá trình thực hiện đạt hiệu quả hay không lại là một vấn đề khác.
“Đúng là quá trình thực hiện còn lại như thế nào thì vẫn là một câu hỏi, bởi vì đã 10 năm nay triển khai rồi mà vẫn còn vướng mắc ở nhiều nơi. Và có có nhiều vụ án tham nhũng liên quan đến tài sản công. Thế thì tôi vẫn cho rằng chủ trương là hoàn toàn đúng. Vậy còn lại, thực hiện như thế nào cũng là vấn đề lớn.”
Các vụ án tham nhũng liên quan nhà, đất công tại TP.HCM được công luận đặc biệt quan tâm, điển hình như vụ án cựu Bộ trưởng Công Thương, ông Vũ Huy Hoàng, bị truy tố cùng với 9 người khác do liên can trong vụ “đất vàng” 2-4-6 đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM và vụ án cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Tài, bị cáo buộc liên can khu “đất vàng” 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM.
Tòa án Việt Nam bắt đầu đưa ra xét xử cả hai vụ án vừa nêu trong năm 2020.
Một vụ án tham nhũng tài sản công khác, sẽ được Tòa án TP.HCM dự kiến mở lại phiên xử sơ thẩm vào ngày 15/3 tới đây, là vụ án liên quan đến việc hoán đổi khu “đất vàng” 58 Cao Thắng, gây thiệt hại cho nhà nước 186 tỷ đồng.
Một loạt các cựu quan chức của Chính quyền TP.HCM được cho biết sắp ra hầu tòa trong vụ án này gồm cựu Phó Bí thư thành uỷ TP.HCM, ông Tất Thành Cang; nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Tài; nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp và một số cựu quan chức văn phòng Ủy ban, Sở Văn hoá- Thể thao- Du lịch, Sở Tài nguyên- Môi trường và sở Tài chính TP.HCM.