Không cho tiền người ăn xin: Đúng nhưng chưa đủ!
2019.08.22
Ngày 22 tháng 8 năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) đã đề nghị người dân không cho tiền trực tiếp đến người ăn xin. Nếu muốn giúp đỡ người ăn xin, người lang thang khó khăn, thì người dân nên thông qua các tổ chức từ thiện hoặc đoàn thể chính trị - xã hội.
Giải quyết sao cho hài hòa
Theo cơ quan này, việc bấy lâu nay người dân hay cho tiền trực tiếp người ăn xin nên khiến tình trạng người ăn xin xuất hiện tràn lan khắp thành phố. Nhiều trẻ em và người già ăn uống, ngủ ở các chốt đèn giao thông để đeo bám, xin tiền, làm phiền người đi đường và cả khách du lịch…
Trao đổi với RFA hôm 22/8/2019 từ Sài Gòn, Bà Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, bà rất ủng hộ chủ trương này của TPHCM. Bà cũng đồng tình, gặp ăn xin cho tiền cũng là lòng tốt của người dân, là đáng quý, tuy nhiên, bà nói tiếp:
Về chủ trương TPHCM khuyến cáo không nên giúp trực tiếp người ăn xin thì tôi thấy không đúng, quan điểm tôi là tôi không đồng ý khuyến nghị đó.
-Nhà báo Võ Văn Tạo
“Nhưng nếu mà có tâm giúp cho người nghèo, người khó khăn thì có thể thông qua tổ chức chính trị hoặc là chùa chiền làm từ thiện hoặc qua các tổ chức từ thiện để giúp người ta theo nhiều cách. Chứ còn cho tiền trực tiếp họ… thì cũng được… nhưng làm như thế thì cũng sẽ có những người lợi dụng, chăn dắt… Chưa kể, những người ăn xin la lết… nhiều khi mất bộ mặt thành phố… Một số nước phát triển người ta không có như thế. Mình có thể đưa mấy người lang thang cơ nhỡ vào những nơi tập trung để nhà nước chăm lo, xã hội chăm lo, mình có chủ trương đó.”
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ có ăn xin là người Việt Nam lang thang trong thành phố, nhiều nơi còn có nhiều người nước ngoài cũng xin ăn, như ở trung tâm Sài Gòn và các khu vui chơi, giải trí đông người. Họ nói tiếng Anh, hoặc cầm bảng viết chữ tiếng nước ngoài kèm tiếng Việt Nam…
Theo Nhà báo Võ Văn Tạo, người từng nhiều lần giúp đỡ người khó khăn, hay anh em thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa ở Sài Gòn thì, đa phần cán bộ của các đô thị người ta không thích hiện tượng trong đô thị mà họ quản lý có người lang thang cơ nhỡ hay ăn xin. Ông nói tiếp:
“Về chủ trương TPHCM khuyến cáo không nên giúp trực tiếp người ăn xin thì tôi thấy không đúng, quan điểm tôi là tôi không đồng ý khuyến nghị đó. Tất nhiên hình ảnh ăn xin, ăn mày ở đô thị thì không thật là đẹp, đấy là góc độ anh nhìn thôi, người quản lý thấy nói không đẹp. Nhưng những người theo quan điểm nhân văn thì họ cho rằng cái đấy thể hiện tình yêu thương con người. Tất nhiên những người lương thiện tốt thì chẳng ai mong muốn xã hội còn những hiện tượng như thế, nhưng mong muốn là một việc còn hiện thực lại là việc khác.”
Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết, kể cả những nước giàu có văn minh vẫn có ăn xin, nhưng tất nhiên hầu hết những người ăn xin ở đó họ không đeo bám hay làm phiền người đi đường hay du khách, họ đứng một chỗ thôi, ai có lòng thương thì cho tiền. Ông nói tiếp:
“Tôi nghĩ chuyện đó cũng bình thường, đó là xã hội, nhà nước giải quyết không hết được đâu, bất kỳ quốc gia nào cũng có, thế nhưng phải làm sao cho hài hòa, chứ để nhiều quá làm phiền người đi đường hay du khách thì cũng không nên.”
Liệu có “Bắt cóc bỏ dĩa”?
Cũng theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ngoài người Việt Nam, trên địa bàn TPHCM còn rất nhiều trẻ em, phụ nữ nuôi con nhỏ đi ăn xin mang quốc tịch Campuchia. Họ được kẻ chăn dắt tập hợp từ các tỉnh như: Sóc Trăng, An Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Ninh Thuận... Dù bất đồng ngôn ngữ nhưng những người này đã được đào tạo các chiêu thức để ra đường hành nghề ăn xin tại Sài Gòn.
Đối với những người này, phía Việt Nam cũng từng thu gom, tập trung rồi trao trả cho phía Campuchia. Tuy nhiên, trả xong, đâu lại vào đấy. Vì việc qua lại giữa công dân 2 tỉnh giáp biên giới quá dễ dãi.
Cũng trong ngày 22/8, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng yêu cầu các quận huyện lập danh sách khu vực thường có người xin ăn, sinh sống nơi công cộng để giải quyết hoặc đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội.
Từ Sài Gòn, nhà báo Sương Quỳnh đưa ra nhận định:
Nếu mà họ làm một cách thực tâm để lo cho người nghèo một cách triệt để tạo cho họ một cuộc sống bớt nghèo khổ để khỏi đi ăn xin thì tốt. Nhưng vấn đề là họ có làm được như vậy không hay chỉ làm được cái ngọn trước mắt thôi.-Nhà báo Sương Quỳnh
“Nếu mà họ làm một cách thực tâm để lo cho người nghèo một cách triệt để tạo cho họ một cuộc sống bớt nghèo khổ để khỏi đi ăn xin thì tốt. Nhưng vấn đề là họ có làm được như vậy không hay chỉ làm được cái ngọn trước mắt thôi. Chẳng hạn như họ cho tiền người ăn xin và bắt họ ra khỏi thành phố giống như Đà Nẵng hồi trước ông Bá Thanh làm cái này, nhưng rồi vứt họ ra một nơi khác, vậy nơi khác là nơi nào? Là rừng rú hoang mạc, hay không phải đất nước Việt Nam, nhưng ở đây vẫn là nước Việt Nam và người nghèo đó lại vẫn có chân họ đi về. Thì tiền đâu mà cho mỗi người nghèo 200 ngàn như hồi ông Bá Thanh làm. Thậm chí Đà Nẵng khi đó còn cho tiền để thưởng người báo tin để bắt người ăn xin đó.
Theo nhà báo Sương Quỳnh, khi đó cũng thấy Đà Nẵng bớt ăn xin, nhưng bà chắc chắn rằng, những người ăn xin đấy cũng phải đi ăn xin nơi khác, thành phố khác. Theo bà, điều đó có phải là bắt cóc bỏ dĩa không?
Vào năm 2011, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã ra quân dẹp “cái bang” một cách quyết liệt, như bắt tập trung về Trung tâm Bảo trợ xã hội, cho tiền người lang thang tự nguyện rời thành phố, hay cá nhân nào phát hiện một người lang thang xin ăn và báo cho lực lượng chức năng đến xử lý sẽ được thưởng “nóng” 200.000 đồng”.
Theo nhà báo Sương Quỳnh, dù là Đà Nẵng trước đây hay Sài Gòn hiện nay, thì đây không phải là phương pháp xóa đói giảm nghèo. Theo bà, phải có chính sách an sinh xã hội cho những người ăn xin đó. Những người có điều kiện lao động thì phải tạo điều kiện cho người ta lao động, hoặc nếu họ chịu trở về địa phương thì yêu cầu địa phương tìm việc cho họ. Bà nói tiếp:
“Tất cả những người đi ăn xin là do thất nghiệp, hoặc cũng có thể cuộc sống của họ ở quê nghèo khổ quá nên phải ăn xin. Ngoài ra cũng có những người lạm dụng đi ăn xin, hoặc có những kẻ chăn dắt trẻ em và người già để đi ăn xin. Khi chăn dắt như thế thì công an đâu? Nhưng những người chịu trách nhiệm lại không làm tốt việc đó.”
Đây không phải là lần đầu tiên TPHCM đưa ra giải pháp quyết liệt với người ăn xin, vào năm 2014 chính quyền từng ra nghị quyết, tất cả người ăn xin, sống lang thang phải được đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Tính riêng năm 2018, có 1.800 người đã được đưa vào các trung tâm này.