Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng mang não trạng ‘thế lực thù địch kích động’
2021.03.24
Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) vừa lấy ba vụ việc gồm Đồng Tâm, Formosa và Luật đặc khu kinh tế để dẫn chứng làm điển hình cho sự “kích động, xuyên tạc và gây rối của các “thế lực thù dịch”. Điều này nằm trong báo cáo tổng kết của Viện Kiểm Sát nhiệm kỳ 2016-2021 gởi cho Quốc Hội vào hôm 22/3 vừa qua.
Trong phần đánh giá tình hình tội phạm. Ông Trí cho biết, trong những năm qua, các “thế lực thù địch và tổ chức phản động tiếp tục lôi kéo những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, lợi dụng triệt để sơ hở, thiếu sót của cơ quan Nhà nước để tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân; kích động biểu tình, chống đối, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nhằm chống phá đảng và Nhà nước”.
Có ba vụ việc mà báo cáo này dẫn chứng cho việc “kích động, gây rối” là: Các chức sắc tôn giáo lợi dụng việc công ty gang thép Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường biển miền Trung đã kích động, xúi giục giáo dân biểu tình, chống đối và bắt giữ người trái pháp luật; Lợi dụng dự thảo Luật Đặc khu và An ninh mạng để kích động biểu tình gây rối, đập phá các cơ quan Nhà nước vào năm 2018; thứ ba là vụ án giết người, gây rối trật tự công cộng ở xã Đồng Tâm, Hà Nội xảy ra vào ngày 9 tháng 1 năm 2020 khi hàng ngàn công an được huy động tấn công và xã này vì tranh chấp đất với người dân.
Đây là ba vụ việc lớn tại Việt Nam từ năm 2016 đến nay, đã khiến nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và chính phủ các nước như Mỹ và EU phải lên tiếng quan ngại về sự đàn áp của chính quyền Việt Nam đối với những người phản đối ở Việt Nam.
“Thế lực thù địch” nào?
Nhiều người hoạt động trong nước đã lên tiếng phản bác lại lời quy kết này của lãnh đạo VKSND tối cao.
Trả lời RFA chiều ngày 23/3, Linh mục Nguyễn Đình Thục, người đã trực tiếp nhiều lần hướng dẫn nạn nhân chịu tác động đi khiếu kiện, yêu cầu Formosa phải bồi thường thiệt hại, nói rằng, ông không lạ gì với cách quy chụp như vậy của các cơ quan Nhà nước Việt Nam. Trong vụ Formosa, không có “thế lực thù địch” nào kích động người dân biểu tình ngoài việc Formosa xả thải, đẩy người dân vào tình cảnh nghèo khổ:
“Đối với lãnh đạo Việt Nam thì họ coi những người dân có quan điểm trái với họ đều là thù địch. Chỉ có rất ít lãnh đạo Việt Nam còn lo cho dân cho nước, còn đa phần là họ lo cho quyền lợi cá nhân của họ là chính.
Thành ra đối với những ai mà có tư tưởng trái với quyền lợi của Cộng sản thì họ cho đó là thế lực thù địch.”
Công ty gang thép Formosa ở Hà Tĩnh đã xả thải độc ra môi trường biển 4 tỉnh miền Trung Việt Nam năm 2016 khiến hàng trăm tấn cá chết dạt vào bờ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân cho đến tận bây giờ.
Một người hoạt động xã hội không muốn nếu tên, hiện đang ở Hà Nội, đã từng tham gia rất nhiều các cuộc biểu tình suốt từ năm 2011, khẳng định ông muốn lên tiếng trước những việc làm sai trái của Chính quyền và ông tin rằng tất cả những ai đã từng xuống đường đều có lòng với Đất nước như vậy:
“Ở góc độ của ông ấy thì báo cáo phải viết như thế thôi. Chứ còn góc độ người dân thì những vụ như Formosa hoặc là Luật Đặc khu nó ảnh hưởng tới môi trường sống, ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng và chủ quyền của Việt Nam thì người ta xuống đường thôi.
Tất cả những cuộc xuống đường hay là bày tỏ chính kiến về tất cả vấn đề trên mạng xã hội ở Việt Nam đều là do nhận thức, hiểu biết và sự quan tâm của người dân.”
Nói thêm về vụ án ở Đồng Tâm, người này nêu quan điểm rằng ở vụ Đồng Tâm thì lại càng không có sự kích động của thế lực thù địch nào. Bởi cho đến lúc chết, cụ Lê Đình Kình (là thủ lĩnh tinh thần của người làng Đồng Tâm) vẫn là một đảng viên có hơn 60 năm tuổi đảng. Mục đích của họ chỉ là bảo vệ quyền lợi và chống tham nhũng, chứ không phải là đấu tranh cho tự do, dân chủ hay nhân quyền:
“Thực ra nói vụ Đồng Tâm là bị thế lực thù địch kích động, lợi dụng thì cũng không phải. Với góc nhìn của một người ở gần khu vực Đồng Tâm, thực ra từ trước đây dân làng Đồng Tâm đã đấu tranh đòi quyền lợi của họ từ lâu rồi. Nhưng mà việc đấu tranh của họ chỉ gói gọn trong khu vực đó, chứ họ cũng không kết nối.
Cộng đồng chỉ biết đến họ sau khi xảy ra vụ việc cảnh sát bị bắt giữ 20 mấy người. Trên thực tế thì họ chỉ đấu tranh để đòi lại quyền lợi và chống tham nhũng.
Cụ Kình là một người đảng viên 60 năm tuổi đảng, giữ những chức vụ rất quan trọng ở xã đó. Từ trước đến nay lúc nào mở miệng ra cũng nói là theo nghị quyết này nọ, tác phong của cụ rất là cán bộ.”
Trên trang cá nhân, ông Phạm Minh Vũ, một người bất đồng chính kiến từng bị kết án 18 tháng tù hồi năm 2014, vì tham gia biểu tình chống Trung Quốc ở Đồng Nai, bày tỏ sự tức giận, chỉ trích bản báo cáo của Viện trưởng VKS Lê Minh Trí:
“Viện kiểm sát là hành lang ngăn chặn hữu hiệu nhận diện được dấu hiệu vụ án có oan sai, thế mà bằng ý kiến chủ quan lại quy kết cho rằng các vụ việc đó đều do phản động gây ra.
Phản động nào xả độc ở Formosa gây cá chết hàng loạt, đẩy hàng triệu ngư dân Miền Trung vào cảnh thuyền thúng úp bờ? Phản động nào đàn áp Nhân dân đi đâm đơn khiếu kiện?
Phản động nào đòi mở đặc khu mục đích bán cho Tàu cộng? Phản động nào ra luật an ninh mạng cấm tiệt người dân nói lên tiếng nói lương tri?
Và đặc biệt, phản động nào đem 3000 quân nửa đêm tấn công vào Thôn Hoành giết người, tru di nhà họ? Ai? Thế lực nào mà gây tội ác trời không dung đất cũng không tha như thế?”
Lại dùng “thế lực thù địch” để công kích người phản biện
Ở Việt Nam, cứ mỗi lần người dân lên tiếng phản đối một quyết sách hay hành động nào của Chính quyền thì hầu như đều bị quy chụp là do “thế lực thù địch kích động”. Có thể thấy điều này dễ dàng thông qua hàng loạt các bài báo có nội dung kiểu như “nhận diện, lên án thế lực thù địch” của hệ thống báo chí, truyền thông nhà nước.
Ông Châu Đoàn, một người quan tâm đến tình hình chính trị xã hội ở Việt Nam chia sẻ trên mạng xã hội rằng ông cảm thấy “ấm ức” trước lời quy chụp của người đứng đầu Viện Kiểm sát. Ông cho rằng nếu lãnh đạo của một đất nước mà nói những người có ý kiến góp ý, phản biện là "thế lực thù địch" thì quá nguy hiểm, thái độ ấy sẽ khiến xã hội bị tê liệt, đất nước tụt hậu với thế giới văn minh:
“Không phải cứ có quyền lực là có thể nhuộm đen cái gì không thích, nhuộm đỏ cái gì thích được. Nếu thế thì cuộc sống này thật chán chường và vô nghĩa.
Một cá nhân hay một đất nước muốn phát triển thành một cá nhân xuất sắc hay một nước văn minh thì sự nhìn nhận mọi sự việc rạch ròi, thẳng thắn luôn là điều cần thiết.”
Theo linh mục Nguyễn Đình Thục, những ai dám bày tỏ quan điểm trái với Chính quyền không chỉ bị vu cho là “thế lực thù địch”, mà họ còn đang đối mặt với nguy cơ bị bỏ tù:
“Làm cho người dân không dám bày tỏ chính kiến của mình và ý kiến của người dân cũng không được tôn trọng, và khi mà họ đã bày tỏ rồi thì họ sẽ bị rơi vào tình trạng rất nguy hiểm
Đối với một đất nước như thế thì làm sao có thể tốt lên được, có thể phát triển được. Một đất nước như thế là một đất nước của lụi tàn. Những người khôn ngoan giỏi giang thì không được tôn trọng, nhân dân sợ hãi và giai cấp lãnh đạo phá hoại đất nước thì càng ngày càng nhiều lên.”
Chính vị linh mục này cũng đã bị cấm xuất cảnh sau nhiều nỗ lực tham gia giúp bà con các tỉnh miền Trung khởi kiện Formosa đòi bồi thường thoả đáng.
Hồi tháng 6/2020, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa phát biểu giữa Quốc hội rằng "không nên mượn bóng ma của chúng để công kích những người góp ý cho mình, dù đó là dân thường, doanh nghiệp, trí thức hay đại biểu dân cử. Tôi dám khẳng định không ít trường hợp, nếu có thế lực thù địch thì nó chỉ tồn tại trong suy nghĩ của những người quy chụp mà thôi, chứ không ở đâu cả”.
Phát biểu như thế của một đại biểu Quốc hội ngay tại nghị trường thật hiếm hoi. Đối với ông Lê Minh Trí, người từng có quan điểm trái với Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình về quyết định Giám đốc thẩm tử tù Hồ Duy Hải khiến nhiều người hy vọng, với phát biểu của ông cũng cho thấy não trạng khó có thể thay đổi của các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.