Liệu tăng thuế cao với túi nilong có giảm bớt rác thải nhựa?
2019.07.11
Tăng thuế nilong, bớt thải nhựa
Đại biểu Võ Văn Tân huyện Củ Chi tại buổi thảo luận cho rằng, thành phố Hồ Chí minh phát động hạn chế sử dụng túi nilong nhưng không có biện pháp kinh tế thì rất khó mang lại được hiệu quả.
Do đó, ông Tân có đề xuất ngành sản xuất túi nilong thông thường mỗi kilogram phải đóng thuê 10% và bây giờ tăng lên 50%. Theo giải thích của ông Tân “ví dụ muốn mua món hàng có bỏ túi nilong thí phải trả thêm từ 1000-2000 thì người dân khi đi chợ mua chừng 5 món thì mất thêm khoảng 10.000 đồng tiền túi nilong, như thế thì chẳng ai lựa chọn xài túi nilong nữa.”
Phó giáo sư, tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường, cho rằng đó cũng chỉ là biện pháp hạn chế thôi vì việc tăng như vậy không đáng là bao so với mức thu nhập trung bình của người dân, có thể đạt mức độ hiệu quả nào đó nhưng sẽ không cao. Tiến sĩ giải thích.
“Chuyện tăng tiền người ta không sợ gì chuyện đó vì nó không ảnh hưởng đến thu nhập cuộc sống người ta là bao nhiêu. Có thể có người sẽ thực hiện việc này tuy nhiên chắc chắn không mang lại hiệu quả cao được.”
Anh Nguyễn Anh Thảo, chủ cửa hàng siêu thị bán rau củ quả “Tiệm Rau Của Ba” chuyên sử dụng lá chuối thay thế túi nilong để gói rau quả có nhận xét rằng, chủ trương đánh vào kinh tế như vậy sẽ đánh vào ý thức của người dân điều này hợp lý và anh ủng hộ. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ là trước mắt.
“Theo em đưa ra mức phí như vậy cũng chỉ là chế tài tạm thời thôi còn việc người dân thấy có ảnh hưởng tới họ thì chắc chắn sẽ có những người họ cân nhắc việc này nên xài nhiều hay ít nhưng về mặt thói quen thì em nghĩ chưa thể làm người ta hoàn toàn không xài nilong nữa được vì tăng vài ngàn thì người vẫn có thể xài bình thường vì sự tiện dụng của nilong đã làm người ta quá quen rồi.”
Đồng ý với ý kiến này, chị Cherry Châu một người dân sống tại thành phố Hồ Chí Minh nêu ra thói quen lâu nay của người dân:
“Hồi xưa khi tụi mình đi chợ khoảng năm 1990 – 2000 thì thường đi chợ ai cũng cầm theo cái giỏ nhựa thì thường mua xong người ta sẽ bỏ vào giỏ nhựa đó nhưng càng về sau nó không còn được tận dụng nữa vì túi nilong quá trời rồi nên ai cũng xách túi về, trong túi to còn túi nhỏ hơn rồi tùm lum túi hết, số lượng túi cho một chuyến đi chợ khoảng 250k/ngày thôi thì sẽ được cầm về rất rất nhiều túi nilong to nhỏ khác nhau.”
Chị Ngọc, chuyên viên về truyền thông giải trí tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng biện pháp tăng thuế đối với mặt hàng túi nylon chưa thể giải quyết tận gốc của vấn đề:
“Vì thật sự không giải quyết được tận gốc của vấn đề vì thói quen của người dân không còn giải pháp nào để đựng khác cả chứ không phải vấn đề túi nilong mắc hay rẻ. bởi vì khi đi chợ tại VN thì người trả tiền túi nilong là người bán hàng chứ không phải là người mua. Bản thân người mua họ cũng không biết và cũng không quan tâm giá của túi nilong, ví dụ mỗi khi ra tiệm tạp hóa người ta cũng cho túi nilong miễn phí thì nó có tăng bao nhiều thì làm sao mà em để ý được. Cho nên em thấy nó không đi vào tận gốc của vấn đề.”
Đồng ý với điều này, giáo sư tiến sĩ Phạm Ngọc Đăng phó chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường cho hay:
“Mấy việc đó không phải một ngày hai ngày có thể giải quyết được cần phải có thời gian, vì túi nilong nó rất là tiện lợi và nó trở thành một thói quen rồi nên giờ thay đổi là điều không dễ dàng.”
“Giáo dục” thay đổi “thói quen”
Từ trước đến nay, mặc dù chính quyền và các ban ngành của thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh thành khác cũng đã có rất nhiều cuộc họp đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế và xử lý tình trạng sử dụng nilong và rác thải nhựa nhưng việc giải quyết vẫn không triệt để. Ngoài đường phố, khắp các ngõ hẻm mọi nơi vẫn tràn lan túi nylon thải bỏ ra.
Cũng tại buổi thảo luận ngày 11/7, đại biểu Trần Quang Thắng cho rằng, tình trạng tồn tại mãi đến nay là do công tác tuyên truyền chưa hiệu quả cũng như thói quen xả rác bừa bãi đã ăn vào máu nhiều người dân. Do đó, ông đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần có giải pháp mạnh hơn để chấm dứt tình trạng này.
Một số người dân có ý kiến cho rằng giải pháp tốt nhất là đưa vào chương trình giáo dục ngay từ nhỏ. Anh Nguyễn Anh Thảo ý kiến.
“Nếu có những biện pháp chính sách giáo dục tốt, giáo dục con trẻ từ nhỏ phải hạn chế cái này cái kia hoặc có thể đưa ra hướng bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa thì em nghĩ nó sẽ hay hơn và từ gốc hơn rất là nhiều. Cái tác động lớn nhất là giáo dục, điểm yêu của người Việt Nam mình là giáo dục chưa thể định hướng, vẫn có chương trình nhưng chưa thật sự một cách quyết liệt để trẻ em hay thế hệ trẻ có thể nhận biết ngay từ nhỏ.”
Hoàn toàn đồng ý với điều này, phó giáo sư tiến sĩ Phùng Chí Sỹ khẳng định.
“Mình đưa vào giáo dục từ bậc nhỏ nhất đến cao hơn, khi trẻ em được học ở trường thì sẽ về tuyên truyền cho cha mẹ, ông bà để biết việc đấy. Trẻ em sẽ dễ làm thay đổi nhận thức của người lớn nên tôi nghĩ hướng đi này là đúng hơn.”
Biện pháp đưa vào giáo dục tương đối đúng nhưng cách triển khai thì hoàn toàn khó, như lời nhận định của chị Cherry Châu.
“Vì mình cứ thử hình dung số lượng trường có thể mở ra câu chuyện mà tiếp thu một cách năng động, kiến thức năng động như vậy thì đa số ở những thành phố lớn mà tập trung cũng chỉ TPHCM và Hà Nội mà thôi, số lượng trường học phải là trường quốc tế, của những môi trường đầu tư khác cho phép mở rộng kiến thức cho trẻ em VN thì người ta đưa thông tin đó vô thì mình nghĩ hợp lý nhưng số lượng trường đó đối với cả dân số VN, số lượng trẻ em tại VN thì nó cũng chẳng là bao nhiêu.”
Rác thải nhựa không phải là vấn nạn tại Việt Nam mà cả thế giới. Nhiều tổ chức đã lên tiếng và có những chiến dịch dọn rác thải nhựa. Việt Nam cũng lên tiếng nhưng các biện pháp quyết liệt vẫn chưa có.