Mong Việt Nam có Nobel Văn chương: Phát ngôn bi hài ‘mở hàng’ năm 2022?
2022.01.11
Tại buổi lễ phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi và trao giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sáng 9 tháng 1 năm 2022, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Tôi luôn mong ước một ngày không xa Việt Nam sẽ có nhà văn đạt giải thưởng Nobel Văn chương, mang đến niềm tự hào cho đất nước”. Trong buổi lễ còn có Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.
Câu nói của ông Phúc bị cư dân mạng xã hội cười cợt, cho rằng đây là một câu nói ngô nghê, ngớ ngẩn của một quan chức ‘mở hàng’ cho năm 2022.
Ổng nói thì cứ nói vì trước giờ ổng vẫn vậy mà. Nói chung là hay vẽ vời, với lại họ nói với cái Hội nhà văn của họ thôi. Cái hội này cũng của nhà nước nên cũng phải theo chỉ thị, định hướng từ trên. Trên thả thì dưới mới dám làm. - Anh Hoàng Nhơn
Anh Hoàng Nhơn, kinh doanh ở TPHCM, nêu suy nghĩ của mình với RFA sáng 11 tháng 1:
“Theo tôi thì phải có tự do tư tưởng cái đã. Không có tự do tư tưởng thì làm sao mà viết hết những gì trong ruột, trong dạ người ta suy nghĩ. Làm sao mà chạm tới những hiện tượng xã hội, chạm tới con tim người dân trong xã hội mà đoạt giải được?
Ổng nói thì cứ nói vì trước giờ ổng vẫn vậy mà. Nói chung là hay vẽ vời, với lại họ nói với cái Hội nhà văn của họ thôi. Cái hội này cũng của nhà nước nên cũng phải theo chỉ thị, định hướng từ trên. Trên thả thì dưới mới dám làm.”
Nhà báo tự do Thiện Nhân viết trên danh khoản Facebook cá nhân của mình:
“Xét ra, cái mong ước đó rất chân thành và cũng chính đáng, nhưng ông chủ tịch đã không hiểu rằng nó khó thực hiện trong điều kiện xã hội, chính trị, văn hoá của đất nước do ông và các đồng sự đang điều hành hiện nay; và nó vừa hài hước vừa tội nghiệp, cho ông, và cho cả chúng ta - những thành viên của cộng đồng. Đồng thời, dường như cái mong ước của lãnh đạo cũng là lời nhắn gởi, nhắc nhở, như một thứ nhiệm vụ trao cho những cán bộ lãnh lương để làm công tác văn chương: Hội Nhà Văn.”
Từ nhiều năm qua, hiện tượng các quan chức phát ngôn khiến dân bật cười nén tiếng thở dài không còn là chuyện lạ. Từ phát ngôn của ông Nguyễn Phú Trọng năm 2013 tại phiên họp tổ của Quốc hội về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ nghĩa Xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa….”; phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng năm 2014: “Công tác đấu tranh của riêng Quản lý thị trường đã cố gắng nhưng phương tiện công cụ vừa yếu, vừa thiếu. Một câu chuyện có thật là, ở nhiều nơi thanh kiểm tra, anh em cán bộ phải dùng miệng để kiểm tra chất lượng phân bón!”; đến phát ngôn của Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường năm 2015: “Ùn tắc là xe phải đứng im trong 30 phút, còn các vụ việc kẹt xe kéo dài ở TP.HCM chỉ là ùn ứ vì xe vẫn có thể nhúc nhích được”…
Với ông Nguyễn Xuân Phúc, có lẽ câu nói khiến ông bị dân cười nhiều nhất trong năm 2021 là câu: “Trước đây, sau năm 1975 một thời gian dài, người ta nói nếu cái cột điện biết đi thì chạy sang Mỹ hết. Còn bây giờ, thực tại nước Mỹ những tháng qua và nhiều nước khác thì nếu cột điện ở Mỹ biết đi thì sẽ về Việt Nam.”
Quay lại với phát biểu của ông Phúc về giải Nobel Văn chương cho Việt Nam một ngày không xa, nhà văn Trần Ngọc Tuấn hiện ở Cộng hòa Séc bật cười, nói với RFA quan điểm của mình:
“Tôi thấy nó rất hài hước. Nó hài hước ở chỗ chỉ khi nào các nhà văn và người nghệ sĩ được tự do sáng tạo trong môi trường tự do thì tài năng mới phát triển được. Tôi biết rất nhiều tác phẩm của những người bạn tôi viết rất hay nhưng không thể in ra được mà chỉ là những tác phẩm ‘giấu trong ngăn kéo’.
Tôi nghĩ cái thể chế chính trị nó quyết định. Cái thể chế không có tự do sáng tạo nó kìm hãm sự phát triển của văn học nghệ thuật. Văn học nghệ thuật muốn đoạt được những giải thưởng cao, đi vào lòng người đọc là phải có tự do sáng tạo. Việt Nam thiếu môi trường học thuật và tự do sáng tạo thì không bao giờ có giải thưởng như thế mặc dù ông ấy mong. Để thay đổi tận gốc thì trước hết cho tự do sáng tác đi, cho tự do ngôn luận đi, cho tự do báo chí đi. Tôi nghĩ Việt Nam không thiếu những nhà văn có tài.”
Việt Nam thiếu môi trường học thuật và tự do sáng tạo thì không bao giờ có giải thưởng như thế mặc dù ông ấy mong. Để thay đổi tận gốc thì trước hết cho tự do sáng tác đi, cho tự do ngôn luận đi, cho tự do báo chí đi. Tôi nghĩ Việt Nam không thiếu những nhà văn có tài. - Nhà văn Trần Ngọc Tuấn
Từ 1901 đến 2021, Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển đã có 114 lần trao giải Nobel Văn chương cho 118 người. Người đầu tiên nhận giải này năm 1901 là nhà văn người Pháp Sully Prudhomme. Người đoạt giải Nobel Văn chương năm 2021 là nhà văn Abdulrazak Gurnah, Cộng hòa Thống nhất Tanzania thuộc châu Phi.
Tuy mong ước Việt Nam sớm có giải Nobel Văn chương và bày tỏ niềm tin vào tất cả các nhà văn, các tác giả trẻ, ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng không quên chỉ đạo các cơ quan chức năng ‘cần tạo ra không gian sáng tạo để các nhà văn sáng tạo, nhưng không được làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, dân tộc và của đảng đã xây dựng’.
Chỉ đạo của ông Phúc không khác với những gì mà Ban Tuyên giáo đang làm, tức là vẫn kiểm tra, giám sát tất cả các lĩnh vực sáng tác theo tiêu chí của Đảng; định hướng hoạt động báo chí, xuất bản. Trưởng ban tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa từng nhấn mạnh, mỗi cơ quan báo chí Nhà nước phải là pháo đài chính trị tư tưởng vững chắc trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, thế hệ trẻ có sức đề kháng, sức miễn dịch tốt trước các thông tin xấu độc.
Với cách quản lý như vậy thì ước mong của Chủ tịch Việt Nam về một giải Nobel Văn chương sẽ mãi chỉ là mơ ước mà thôi!