Thầy cô giáo không thể ép học sinh nhận thức khác về nhân vật Khá “bảnh”
2019.04.09
Nhân vật Khá ‘bảnh”, một thanh niên có nhiều hành động gây chú ý trên mạng xã hội và thậm chí bị bắt giữ vì đánh bạc và tổ chức đánh bạc mới đây đã trở thành thần tượng của nhiều bạn trẻ và thậm chí đi vào đề thi học sinh giỏi văn lớp 11 tại một trường trung học phổ thông ở Hải Phòng. Điều này đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.
Đoạn trích đề thi học sinh giỏi môn Văn lớp 11 năm 2018-2019 của trường trung học phổ thông Kiến Thụy, Hải Phòng viết:
“Hiện tượng Khá bảnh với đời tư bất hảo và nhiều tai tiếng nhưng vẫn thu hút được rất nhiều người hâm mộ. Không chỉ nổi tiếng mạng xã hội với hàng triệu lượt theo dõi, mỗi khi xuất hiện nhiều học sinh và người lớn đón tiếp như thần tượng ở Yên Bái. Hãy viết một bài văn khoảng 400 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về hiện tượng được đề cập trong bài viết”
Ngay sau khi tin được loan, ông Nguyễn Trọng Hoan, phó vụ trưởng vụ giáo dục trung học thuộc Bộ giáo dục và đào tạo đã yêu cầu sở giáo dục Hải Phòng báo cáo làm rõ sự việc.
Dư luận mạng xã hội có nhiều ý kiến cho rằng, dù vấn đề thời sự nhưng nhân vật này không đáng để được đưa vào đề thi, nhiều tấm gương tốt việc tốt sao không đưa mà lại đưa nhân vật này vào. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng đưa nhân vật đang tạo sóng trên cộng đồng mạng để các em phân tích sẽ hứng thú hơn.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa từ Hà Nội cho biết, thầy không ủng hộ việc này vì cho rằng nó đi ngược với định hướng của xã hội.
“Tôi thấy rằng hiệu ứng ngược của các hiện tượng giáo viên đã đề ra như vậy. Người ta đã quên đi và lờ đi một nhân vật được gần như xem là xã hội đen được nổi tiếng một cách bất ngờ nhưng ngành giáo dục Hải Phòng lại đi khơi lại, đưa vào bài thi bắt học sinh phải tìm hiểu về nhân vật này và tôi tin chắc rằng rất nhiều em cũng không biết đến nhân vật này nhưng giờ trở nên quan tâm hơn. Đã hướng dẫn học sinh đã định hướng xã hội rằng không tung hô, không quan tâm, không cổ vũ cho nhân vật đó thì xin đừng đưa nó vào văn học và không nên.”
Một nữ giáo viên từ Sài Gòn thì cho rằng việc đưa vào đề thi vấn đề xã hội như vậy không được hay.
“Theo cá nhân mình thì việc đưa như vậy thì nó mang tính chất thời sự hơn là giáo dục bởi vì giờ có bao nhiêu người sai phạm đều đưa lên hết thì nhiều em cũng có tâm sự là khi làm bài cũng không được khách quan cho lắm, thành ra các em có những lời lẽ và hình thành tư cách nhân phẩm của các em sau này và nói chung không được hay lắm. Vấn đề đó là của xã hội và vi phạm như vậy để xã hội xử lý còn việc đưa vào bài thi tôi thấy nó chính trị quá.”
Chị Ngọc Nguyễn, giám đốc truyền thông marketing của một công ty công nghệ tại Sài Gòn và cũng là một người phụ nữ có hai con còn đang đi học cho biết, về phương diện cá nhân của chị, việc đưa vấn đề đó vào đề thi có thể giúp hiểu được suy nghĩ được tụi trẻ và có thể hướng chúng theo chiều đúng của sự việc.
“Giáo dục trẻ con kiểu nhồi sọ như thời của mình thì đã qua rồi, bây giờ tụi nó có quá nhiều phương tiện truyền thông thông tin thì việc đầu tiên nên tôn trọng suy nghĩ của chúng nó và cho nó có phản biện và nói ra suy nghĩ và nếu người lớn thấy có gì không đúng thì mình trao đổi hoặc cho nó thấy được những góc nhìn khác để nhìn rộng rãi hơn. Bây giờ không thể dạy trẻ con kiểu bắt mày phải làm và sống như thằng đó đi thì rõ ràng mọi người đặt nặng vấn đề nào đó xấu mà ảnh hưởng đến thế hệ. Mỗi thế hệ nó có cách trưởng thành riêng của nó.”
Nhân vật Khá “bảnh” có tên thật là Ngô Bá Khá. Trang Facebook của thanh niên này có hơn 600.000 lượt theo dõi, kênh Youtube cá nhân cũng có hơn 2 triệu lượt đăng ký, con số mà nhiều nghệ sĩ chân chính Việt Nam phải "chào thua". Mỗi clip của Khá đều thu hút tới hàng trăm nghìn đến cả chục triệu lượt xem với nhiều tương tác, bình luận.
Nhiều bậc phụ huynh chia sẻ sự lo lắng trên cộng đồng mạng rằng, họ cảm thấy lo lắng cho tương lai của con em họ nói riêng cũng như ngành giáo dục Việt Nam nói chung. Bởi vì không hiểu nguyên nhân vì sao nhân vật này lại có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng giới trẻ hiện nay.
Theo nữ giáo viên thì nguyên nhân là do truyền thông mạng xã hội Việt Nam có tác động quá lớn, khi các bạn trẻ đọc nội dung trên tin nhắn hay trên bất cứ phương tiện truyền thông nào mà chưa hiểu được ngọn ngành thì đã like và share nên nó không đúng với bản chất sự việc.
Thầy Đỗ Việt Khoa đồng ý với điều đó và cho rằng sự ảnh hưởng của nhân vật này lớn đến mức nghiêm trọng vì nhiều thanh thiếu niên học sinh quan tâm đến những phát ngôn không chuẩn mực, những hành động thiếu suy nghĩ và điều đó cho thấy một xã hội bị khủng hoảng niềm tin về đạo đức. Tuy nhiên, thầy Khoa cho rằng cũng có một điểm đáng chú ý trong hiện tượng này:
“Xét cho cùng Khá Bảnh ngoài chuyện bị đi tù vì tội đánh người trước kia thì cậu ta có những phát ngôn dung tục, nói năn bất thường nhưng lại được giới trẻ tung hô, và không ít giới trẻ nói thẳng là đạo đức của Khá Bảnh còn tốt hơn cả những người được coi là mẫu mực của xã hội. Ít nhất gần đây người ta cũng so sánh được với ông Linh phó viện kiểm sát nhân dân Đà Nẵng, nhân vật Khá Bảnh còn tốt hơn nhiều lần ông đó và tội nó gây ra không đáng một phần nhỏ so với những hành vi tham nhũng, lừa đảo cướp bóc của nhân dân. Điều đó cho thấy khủng hoảng niềm tin trong xã hội rất là lớn.”
Ông Nguyễn Hữu Linh – nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Đà Nẵng có hành vi sàm sỡ bé gái 9 tuổi trong thang máy chung cư ở quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 1/4. Tuy nhiên đến nay, cơ quan tố tụng quận 4 vẫn chưa khởi tố vụ án này.
Còn chị Ngọc Nguyễn thì lại có ý kiến cho rằng, hiện nay thị hiếu dư luận thích những điều lố bịch, nhanh gọn dễ dàng và có tính giải trí cao, tuy nhiên sau vài năm cũng sẽ chìm vào quên lãng khi người ta tìm được cái khác tốt hơn.
“Thời buổi giờ người ta thích điều gì đó nó lố bịch, nó nhanh, đơn giản, dễ dàng và yêu cầu nó mới lạ và liên tục thì những nhân vật nổi tiếng qua mạng xã hội cũng chỉ là hiện tượng một lúc nào đó cả xã hội phát điên lên vì nó thì sau vài năm cũng sẽ chìm vào quên lãng khi người ta có một cái gì đó giải trí hơn. Mấy năm trước cái công cụ mạng xã hội nó không mạnh như bây giờ nên sự bùng nổ của những hiện tượng đó không có, giờ người ta lại thích những kiểu bất chấp tiêu cực cũng được nhưng nó mang tính giải trí là được, còn những người tốt việc tốt người ta đã chán quá rồi.”
Theo con số thống kê của các ngành Digital Marketing toàn cầu năm 2018, lượng người sử dụng internet tại Việt Nam đạt 64 triệu người dùng chiếm 67% dân số. Riêng về mạng xã hội Facebook, Việt Nam có tới 55 triệu tài khoản đang hoạt động và đạt tỉ lệ 57% người dùng internet tại Việt Nam.
Cũng theo thầy Đỗ Việt Khoa, bây giờ thầy cô không thể bắt ép các em không quan tâm đến thanh niên này hay ép cái này cái kia vì đây là điều rất khó. Ông cho rằng việc các em trên lớp còn học đối phó thì ra ngoài xã hội các thầy cô càng không thể can thiệp được.