Thí điểm dân Đà Nẵng trực tiếp bầu chủ tịch UBND có giúp thực thi dân chủ?

0:00 / 0:00

Đề xuất công dân trực tiếp bầu chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân cho thành phố Đà Nẵng được sử gia, đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc ủng hộ, nói rằng cá nhân ông từng bày tỏ trên diễn đàn Quốc hội về trường hợp thủ đô Hà Nội trước kia.

Theo ông Dương Trung Quốc, lịch sử cho thấy chỉ trong vòng hơn 60 năm, Hà Nội đã có tới hơn 40 thị trưởng, và nếu làm việc không đáp ứng yêu cầu thì hội đồng sẽ gạt đi. Tất nhiên, ông nói tiếp, thể chế chính trị mỗi thời mỗi khác nên không thể lấy đó làm chuẩn mực. Điểm quan trọng nhất, được ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh ở đây, là xây dựng được một cơ chế dân chủ.

Trong lúc các đại biểu khác như Đồng Nai hay Hải Dương chẳng hạn, bàn tới bàn lui về hai chữ “đô thị”, rồi thì “hướng tới giảm thiểu cơ quan đại diện của dân, tức Hội Đồng Nhân Dân”, nhiều người dân quan tâm tại Đà Nẵng lại tập trung vào vấn đề để dân trực tiếp bầu chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân, cấp lãnh đạo cao nhất của một thành phố.

Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, đại học Bách Khoa Đà Nẵng, cho biết ý tưởng dân trực tiếp bầu chủ tịch thành phố từng được đưa ra dưới thời cố bí thư Nguyễn Bá Thanh chứ không phải tới giờ mới có:

"Nếu được vậy thì còn gì hay bằng, bởi vì người dân làm chủ xã hội tức là dân chủ, còn không dùng lá phiếu để chọn lãnh đạo thì không gọi là dân chủ được. Việc dùng từ dân chủ như trước đây chẳng qua là gán ghép, là đánh tráo khái niệm, nghĩ một cách nôm na là thế" .

Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 31/7/2018: khách đi thăm Cầu Vàng ở Bà Nà, Đà Nẵng
Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 31/7/2018: khách đi thăm Cầu Vàng ở Bà Nà, Đà Nẵng (AFP)

Nói dễ nhưng thực hiện không dễ, là ý kiến của ông Huỳnh Tấn Vinh, chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Đà Nẵng :

"Một bước mới, một cách thức mới cho dân chủ của Việt Nam. Vấn đề là ai được ứng cử, ứng cử từ cấp cơ sở ra sao, qui chế bầu cử như thế nào. Cần phải tính đến chứ không phải chỉ búng tay là người dân có thể trực tiếp bầu"

“Tôi cho rằng phải cải cách sâu rộng thể chế chứ không chỉ có bầu chủ tịch Đà Nẵng thôi. Nếu có thể bình luận thì tôi mượn lời ông Hồ Chí Minh, rằng muốn dân chủ hãy để cho người dân được mở miệng ra, mở miệng cách gì, theo cơ chế gì thì còn phải tính đến nữa”.

Từ Hội An cách Đà Nẵng không xa, nhà tư vấn kinh tế Bùi Kiến Thành, trình bày quan điểm:

"Việt Nam làm gì có tự do bầu cử mà nói dân chúng hay không dân chúng? Thường cứ đảng cử ra rồi dân bầu, làm gì có người dân nào được quyền đứng ra ứng cử, rồi là tự do đi phát biểu những chương trình những kế hoạch của mình để được nhân dân bầu"

"Muốn bầu chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng thì nó có cơ chế hết rồi, là phải có sự giới thiệu của chi bộ này, chi bộ kia rồi đưa lên, đẩy lần lên tới mức được giới thiệu ra để Ủy Ban Nhân Dân bầu chứ không phải dân bầu. Thực tế nếu Đà Nẵng ngày mai có năm bảy ông ra ứng cử chức chủ tịch thành phố, cả năm bảy ông đều do đảng chỉ định thì ăn thua gì".

Theo bản tin trên Tiền Phong Online, việc để cho dân trực tiếp bầu chủ tịch thành phố Đà Nẵng là đề xuất thí điểm. Còn theo ông Dương Trung Quốc, người ủng hộ đề xuất này, đây là cả một quá trình dân chủ cần được tập dượt, tiếp cận, rồi phải từ nhận thức của người dân, rằng càng để cho người dân được thực hiện quyền bầu cử trực tiếp thì càng tốt, chẳng khác nào dư luận xã hội bây giờ càng ngày càng có vai trò quan trọng đối với việc điều chỉnh hành vi của cán bộ.

Ý tưởng thì hay nhưng thực tế không đơn giản và không thể điều hành được, là phân tích của ông Lê Thân, chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng, một tổ chức xã hội dân sự trong nước:

"Bởi bạn biết rằng Ủy Ban Nhân Dân ở các cấp là có Đảng ủy của Ủy Ban Nhân Dân đó. Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân chịu sự lãnh đạo của tổ chức đảng nơi đó. Như thế bây giờ có chuyện nhân dân bầu chủ tịch Ủy Ban mà nếu người đó lại không phải là đảng viên thì làm sao mà điều hành, làm sao mà làm việc được".

"Hoặc thí dụ trường hợp họ là đảng viên nhưng bây giờ họ bị chỉ huy của cấp ủy nơi đó, tức là tổ chức đảng nơi đó, mà tổ chức đảng không đồng ý thì có thực hiện được không. Cho nên cái này đưa ra mà không dễ thực hiện đâu".

Trước đó, tại phiên thảo luận về cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, tỉnh Hải Dương, cho rằng thí điểm một mô hình mới giúp người dân cảm nhận được một thế chế dân chủ hơn, thấy rằng sáng kiến của họ được tiếp thu, quyền lợi, đời sống mọi mặt tăng cao hơn.

Theo ông, đã là thành phố đáng sống thì bây giờ phải đáng sống hơn mới được gọi là chính quyền nhân dân theo mô hình mới. Trên cơ sở đó, ông đề xuất thí điểm việc bầu Chủ tịch Uy Ban Nhân Dân trực tiếp, phổ thông đầu phiếu để dân lựa chọn người đứng đầu chính quyền ở địa phương mình.

Tại sao thí điểm là Đà Nẵng mà không là Sài Gòn, Hà Nội hay những thành phố khác, là câu hỏi được giáo sư Nguyễn Thế Hùng trả lời:

"Tôi nghĩ người ta muốn thí nghiệm trong một thành phố tương đối nhỏ. Trong Khoa Học Tự Nhiên thì thí điểm là trong một phạm vi nhỏ có những điều kiện đặc trưng. Cho nên người ta không chọn thành phố nhỏ quá như Nha Trang, Hải Phòng hay Cần Thơ cho thí điểm đó".

"Còn theo Khoa Học Xã Hội, ở đây thì ta biết xu hướng xã hội cũng sẽ như thế, xu hướng xã hội trong tương lai sẽ là dân chủ chứ không phải độc tài, cho nên bây giờ cứ dần dần từng bước thế nào để có sự chuyển tiếp êm ả".

Đối với ông Lê Thân, Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng, muốn có mô hình dân chủ thì phải thay đổi, phải tìm kiếm cái mới chứ không chỉ nói suông mà được:

"Thông thường muốn có sự thay đổi thì bao giờ cũng phải đi tìm thí điểm. Thí điểm được rồi thí sẽ rút kinh nghiệm cái nào đúng, cái nào chưa đúng, cái nào phải bổ sung. Tới giờ phút tôi đương nói với bạn thì vẫn chưa có gì mới hết, tức là mọi cơ quan từ cấp Phường lên tới cấp Quận lên tới cấp Thành Phố đều dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam".

Vẫn theo góp ý của ông, Đà Nẵng cũng không có gì gọi là đặc thù cho lắm bởi không thể áp dụng một cái gì đó ở vùng này mà không áp dụng ở vùng khác. Lại nữa, Đà Nẵng cũng là một thành phố trực thuộc trung ương như thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Hà Nội:

"Trực thuộc trung ương thì có qui chế của trực thuộc trung ương chứ không thể khác. Còn trường hợp muốn biến nơi đó thành một khu đặc biệt gì đó thì phải có qui chế riêng. Cho nên câu hỏi khiến tôi suy nghĩ phải chăng người ta đang muốn thử cái gì đấy, thử thôi coi nó ra làm sao"

Tóm lại rất khó hình dung một mô hình mới chừng nào chưa thoát được sự lãnh đạo bao trùm của đảng. Rõ ràng, ông Lê Thân khẳng định tiếp, thí điểm dân trực tiếp bầu lãnh đạo thành phố, thí điểm mô hình dân chủ mới chẳng qua cũng nằm trong sự sắp xếp của một đảng mà thôi.