Đại Biểu Quốc Hội giúp gì cho dân trong khiếu kiện đất đai?
2020.01.13
Người dân tại khắp các địa phương ở Việt Nam trên danh nghĩa đều có những người đại diện cho họ tại Quốc Hội. Trong thực tế những vị đại biểu quốc hội giúp được gì cho dân trong khu vực họ đại diện khi nảy sinh tranh chấp như vụ Đồng Tâm?
Không đối thoại mà lại dùng bạo lực!
Khả năng những vụ khiếu kiện về đất đai có thể giải quyết được đến đâu là câu hỏi mà RFA nêu ra với ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, hôm 13 tháng 1 và nhận được câu trả lời:
“Khiếu kiện đất đai cũng có trường hợp do chính quyền chưa làm tốt công tác đối thoại với người dân, chưa giải quyết triệt để những ý kiến, kiến nghị của người dân, cho nên vẫn còn tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.”
Cho đến lúc này nhiều người chưa hết bàng hoàng về vụ vào sáng sớm ngày 9/1, chính quyền Hà Nội đã huy động cảnh sát cơ động có trang bị vũ khí đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội để tiêu diệt, trấn áp, bắt giữ một số người dân bị cơ quan chức năng cho là chống đối yêu cầu giao đất cho chính quyền.
Đụng độ đã xảy ra tại Đồng Tâm giữa cảnh sát và người dân khiến ít nhất 4 người thiệt mạng bao gồm 3 công an và một dân thường, theo thông báo chính thức từ Bộ Công an.
Truyền thông trong nước trích thông tin từ Bộ Công an cho biết có khoảng 30 người chống đối ở Đồng Tâm và tất cả đã bị bắt giữ hôm 9/1.
Theo ông Lê Văn Cuông, vấn đề đất đai luôn là vấn đề nóng, nhiều đại biểu quốc đã nêu lên vấn đề cụ thể ở các địa phương, cũng có nhiều kiến nghị không những sửa đối pháp luật về đất đai mà còn đề nghị các cấp chính quyền phải đối thoại để giải quyết dứt điểm vụ việc kéo dài. Bởi vì gần 80% các khiếu kiện là liên quan đến đất đai.
Đại biểu quốc hội từng nói gì?
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Thường vụ Quốc hội, khi trả lời báo chí trong nước hôm 26/11/2019 liên quan tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm cho rằng: ‘Nếu công khai minh bạch mọi vấn đề thì câu chuyện sẽ rất đơn giản. Tôi cũng biết người dân ở Đồng Tâm rất bao dung. Tôi nghĩ người dân của chúng ta nói chung và người dân ở Đồng Tâm đều rất tốt.’
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, trong giải quyết vụ việc này cơ quan chức năng làm thế nào để người dân nghĩ thật tốt về cơ quan nhà nước, về chính quyền, tạo sự tương hỗ cùng nhau xây dựng đất nước. Các cơ quan nhà nước đừng gây ra điều gì bức xúc cho người dân khi giải quyết vụ việc.
Hay như phát biểu của ĐBQH Dương Trung Quốc, thuộc đoàn Đồng Nai, khi nói về vụ Đồng Tâm trước Quốc hội sáng 31/5/2019 cho rằng: ‘Trong việc này tôi nghĩ rằng Chính phủ nên nhìn nhận một cách hết sức khách quan thì sẽ nhận được lòng tin của người dân’.
Tuy nhiên, sự việc sáng sớm ngày 9/1, chính quyền Hà Nội đã huy động cảnh sát cơ động có trang bị vũ khí đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội, lại trái ngược hoàn toàn với lời ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng và ĐBQH Dương Trung Quốc.
Nói và làm có đi đôi?
Thật sự các ĐBQH nói chung, quan tâm đến tranh chấp, khiếu kiện đất đai của người dân như thế nào? Hay chỉ là những nói không đi đôi với hành động?
Trả lời RFA hôm 13/1, anh Trịnh Bá Tư, một dân oan mất đất nói:
“Theo tôi, các ông ĐBQH là đại biểu cho đảng CS thì đúng hơn, mà QH thì cũng thuộc đảng CS, đáng lý ra họ phải đại diện cho dân thì họ chỉ làm việc theo sự chỉ đạo của đảng CS, gần như họ chẳng có sự tiếp xúc hay hỗ trợ gì cho dân, họ thông qua những dự luật được Bộ chính trị thông qua, và những luật đấy không giải quyết được quyền lợi đất đai của người dân, và nó không giải quyết được xung đột giữa người dân với chính quyền, với quan chức địa phương và thậm chí cả trung ương.”
Cụ Lê Đình Kình lúc sinh thời từng chia sẻ với RFA hôm 25/11/2019, về việc các Đại biểu Quốc hội có hứa sẽ cùng chính quyền về đối thoại với dân Đồng Tâm, nhưng thực tế lại không phải vậy:
“Chúng tôi đã lên gặp các ông Thanh tra Chính phủ, Đại biểu Quốc hội, và các cơ quan liên quan, yêu cầu về đối thoại với dân Đồng Tâm là phải có đủ thành phần, hôm đó ông Nguyễn Hồng Hiều có hứa về tiếp xúc cử tri và có mời ĐBQH Dương Trung Quốc và Lưu Bình Nhưỡng về dự. Các ông ấy nói họp QH xong sẽ bố trí thời gian về, nhưng hôm nay chỉ có ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND thành phố về.”
Ông Lê Đình Kình, người được coi là thủ lĩnh tinh thần của người dân trong việc giữ đất Đồng Tâm, đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ giữa người dân và cảnh sát cơ động vào sáng sớm ngày 9/1/2020.
Ông Kình, 84 tuổi, được truyền thông trong nước cho biết là người đứng đầu “Tổ đồng thuận” ký các đơn thư khiếu kiện liên quan tới khu đất đồng Sênh đang tranh chấp giữa người dân địa phương và chính quyền. Người dân Đồng Tâm cho rằng đây là đất canh tác trong khi chính quyền khẳng định đây là đất quốc phòng. Tranh chấp này đã dẫn đến đụng đổ gây đổ máu hôm 9/1/2020.
Đài Á Châu Tự Do hôm 13/1, đã nhiều lần cố gắng liên lạc ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng và ĐBQH Dương Trung Quốc, nhưng mọi cố gắng đều không thành công.
Trả lời RFA hôm 13/1, Cựu tù nhân Cấn Thị Thêu, một người bị bắt giam, kêu án tù vì suốt chục năm qua khiếu kiện về biện pháp thu hồi đất của gia đình bà và người dân Dương Nội không đúng pháp luật, cho biết ý kiến:
“Việc đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân thì thật sự quốc hội cũng chẳng phát huy được vai trò gì cả, tôi thấy thật sự đó là một QH bù nhìn. Như bà con chúng tôi nhiều lần ra cơ quan tiếp dân của quốc hội thì họ tiếp chúng tôi rất ít, hay trốn, tiếp rất ít.
Theo ông Lê Văn Cuông, qua vụ việc Đồng Tâm xảy ra hậu quả đáng tiếc đổ máu cho cả lực lượng bảo vệ pháp luật và người dân, thì ngoài trách nhiệm của người dân và những người chống đối, cơ quan chức năng cũng có phần trách nhiệm, khi chủ quan, không nắm được tình hình, để ngăn chặn và có biện pháp phù hợp để xủ lý.
Còn theo bà Cấn Thị Thêu, trong khi ĐBQH là đại diện cho dân, giám sát chính quyền… Nhưng theo bà, nếu các ĐBQH thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, thì người dân đã không xảy ra những xung đột lớn như Văn Giang, Đak-Nong hay cụ thể nhất là Đồng Tâm hiện nay.