Người Việt tại Miến Điện ra sao trong tình hình biểu tình và dịch COVID-19?

Giang Nguyễn
2021.02.19
Người Việt tại Miến Điện ra sao trong tình hình biểu tình và dịch COVID-19? Người biểu tình chống đảo chính cầm những tấm biển ghi "Phong trào bất tuân dân sự Myanmar" ở Mandalay hôm 19/2/2021.
AP

Quân đội Miến Điện trong những ngày qua đã gia tăng đàn áp bằng súng bắn đạn cao su, đạn thật, vòi rồng và hơi cay vào các đoàn biểu tình đang diễn ra khắp nơi trên đất nước Miến Điện. Trong hơn hai tuần qua, người dân Miến liên tục kéo xuống đường phản đối cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2, khi quân đội Miến Điện lật đổ chính quyền của bà Aung San Suu Kyi và đảng của bà là Liên minh Quốc gia vì Dân Chủ (NLD). Một cô gái tham gia biểu tình tại thủ đô Naypyidaw đã thiệt mạng sau khi bị bắn vào đầu.

Đại sứ quán Việt Nam tại Yangon vào ngày 17 tháng 2 đã đưa ra thông báo số 5, gửi đến cộng đồng và doanh nghiệp người Việt tại Miến Điện, kêu gọi mọi người đăng ký, cung cấp danh sách công dân để Đại sứ quán “triển khai kế hoạch bảo hộ công dân kịp thời, bảo đảm an toàn cho công dân Việt tại Myanmar”.

Thông báo nói: “Trước các diễn biến biểu tình tiếp tục diễn ra, Đại sứ quán yêu cầu một lần nữa các công dân bình tĩnh, tiếp tục có biện pháp giữ an ninh, an toàn cho cá nhân và doanh nghiệp”. Đồng thời, trong thông báo, Đại sứ quán nhắc nhở công dân tiếp tục “thực hiện biện pháp phòng chống COVID-19 và tránh đi vào nơi tụ tập đông người; không tham gia biểu tình; tránh đi lại vào giờ giới nghiêm”.

Đài Á Châu Tự Do liên lạc với Đại sứ quán hôm 19 tháng 2 thì được một nhân viên không nêu tên cho biết rằng trong sáu tháng qua, trước khi cuộc đảo chính xảy ra, hơn 1.200 người Việt Nam sinh sống tại Miến Điện đã được đưa về Việt Nam. Nhân viên này cho biết, hiện đang còn vài trăm người chờ được hồi hương:

“Hiện tại theo con số thống kê của chúng tôi thì còn khoảng 5-600 người. Đó là những người chúng tôi nắm được. Còn những người không khai báo chúng tôi không thể làm, như những người đi lao động bất hợp pháp. Bởi vì có những người họ không chủ động khai báo họ đang ở đâu, họ đến đây như thế nào. Việt Nam và Myanmar miễn thị thực cho công dân hai nước trong vòng 30 ngày, mà họ đến trước khi dịch nên chúng tôi không thể nắm hết được họ ở nơi nào, đặc biệt là các khu vực biên giới”.

AFP-protester-killed-20210219-Yangon.jpg
Một phụ nữ trẻ, Mya Thwe Thwe Khaing, 20 tuổi, là người đầu tiên thiệt mạng trong cuộc biểu tình chống đảo chính ở Myanmar. Cô đã bị cảnh sát bắn vào đầu. AFP

Ông Trần Văn Cường là một công dân Việt Nam qua Yangon làm việc trong một công ty giày da của Đài Loan được hơn một năm. Ông chia sẻ:

“Hiện tại muốn về mà khó khăn quá! Đại sứ quán chưa có sắp xếp được chuyến bay”.

Tại Yangon, thành phố lớn nhất của Miến Điện, nhiều người Việt trong cộng đồng bắt đầu lo lắng khi thấy biểu tình diễn ra khắp nơi.

Riêng cá nhân ông Cường, ông nói ông không quan tâm nhiều đến cuộc đảo chính và các cuộc biểu tình. Mối quan tâm lớn hơn đối với ông là dịch bệnh COVID-19 đã bùng phát tại đây vào cuối mùa hè năm ngoái:

“Bên này y tế của Miến Điện nó không được tốt cho nên là cũng rất lo sợ về tình hình dịch bệnh”. 

Ông Trần Văn Cường thuật lại với Đài Á Tự Do rằng ông đã đăng ký chờ chuyến bay về Việt Nam, nhưng chờ mãi chưa có chuyến nào:

“Đa số đang chờ. Có người thất nghiệp sáu, bảy tháng này mà cũng chưa có về được, còn anh thì cũng đang chờ hai, ba tháng nay rồi.

Anh cũng có đăng ký nhưng mà lượng người đăng ký về quá nhiều mà số lượng chuyến bay quá ít. Từ khi có dịch bệnh anh đã đăng ký rồi, từ mấy tháng trước”.

Một nhân viên không nêu tên tại Đại sứ quán công nhận có nhiều người đã phải chờ được trở về Việt Nam rất lâu. Trả lời câu hỏi khi nào sẽ có chuyến bay, ông giải thích Đại sứ quán đang chờ Chính phủ Việt Nam đưa ra quy trình:

“Chuyện chờ phải vài tháng, ở đây có nhiều công dân chờ như vậy. Chúng tôi đã đề xuất chính phủ. Bây giờ mọi thứ đều sắp theo quy trình. Trước đây thời COVID, theo tiêu chí của Chính phủ đưa ra thì ưu tiên những người già, trẻ em, những người ốm đau, bệnh tật. Còn những người chưa thuộc ưu tiên thì chúng tôi phải xét duyệt tạm thời như vậy”.

Liên quan đến việc trợ giúp đồng bào bị thất nghiệp tại đây, nhân viên này nói tiếp:

“Chúng tôi chỉ có hỗ trợ trong phạm vi khả năng của mình, hỗ trợ công nhân những tư vấn cần nhất. Còn việc hỗ trợ người lao động thất nghiệp, thì hiện tại Chính phủ Việt Nam không đủ ngân sách hỗ trợ những trường hợp như vậy. Bởi vì họ sang đây lao động tự do thì đôi khi họ phải có trách nhiệm trong việc đó. Chứ bây giờ chúng tôi, Chính phủ còn phải lo cho bao nhiêu công dân ở trong nước nữa, chứ đâu phải một mình lao động ở đây đâu. Khi đấy thì các chủ doanh nghiệp phải có chính sách chứ làm sao yêu cầu chính phủ lo toàn bộ việc đó được”.

“Chúng tôi chỉ có hỗ trợ trong phạm vi khả năng của mình, hỗ trợ công nhân những tư vấn cần nhất. Còn việc hỗ trợ người lao động thất nghiệp, thì hiện tại Chính phủ Việt Nam không đủ ngân sách hỗ trợ những trường hợp như vậy. Bởi vì họ sang đây lao động tự do thì đôi khi họ phải có trách nhiệm trong việc đó. Chứ bây giờ chúng tôi, chính phủ còn phải lo cho bao nhiêu công dân ở trong nước nữa, chứ đâu phải một mình lao động ở đây đâu. Khi đấy thì các chủ doanh nghiệp phải có chính sách chứ làm sao yêu cầu chính phủ lo toàn bộ việc đó được”. -Đại sứ quán Việt Nam tại Yangon

Người Việt Nam giấu tên sống và lao động ở Miến Điện được hơn năm năm, chia sẻ rằng công nhân lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch COVID và hiện giờ họ rất quan tâm vì thấy công an dùng bạo lực ở một số nơi biểu tình chống đảo chính. Người này không muốn nêu tên vì sợ bị rắc rối trong việc sắp xếp đưa họ về Việt Nam. Ông nói:

“Một số nơi như Mandalay, Magwe, và một số bang khác, khi mà người ta đi biểu tình có một số phản đối công an, thì công an họ dùng súng bắn đạn cao su để họ dẹp đi.

Ở bên này bây giờ có mỗi một cái lo nhất là đợt vừa rồi họ thả tù nhân ra, nên gần một tuần nay, từ 8 giờ tối, là giờ giới nghiêm, mỗi khu phố, mỗi một ngõ nhỏ là người ta sẽ có một tổ tự quản, độ 10 người chặn barrier lại, không cho ai lạ đi vào hay đi ra. Bởi vì đợt vừa rồi xảy tình trạng đốt nhà với cả trộm cắp vào nhà nữa”.

Cộng đồng người Việt tại Miến Điện bây giờ chỉ có cách là lên mạng tìm kiếm thông tin về các chuyến bay hồi hương, cổ võ tinh thần lẫn nhau.

Chùa Đại Phước ở Yangon, được biết đến là “ngôi chùa Việt Nam đầu tiên ở xứ chùa Tháp vàng Miến Điện” ngay sau cuộc đảo chính, vào hôm 2 tháng 2, đã đăng trên Facebook rằng cộng đồng người Việt nếu ai gặp khó khăn về nơi ăn chốn ở vì “tình hình dịch COVID đang diễn biến phức tạp và tình hình chính trị bất ổn” thì có thể lại chùa tìm nơi an toàn. Đài Á Châu Tự Do được thông tin hiện chưa có người dân nào phải tìm đến chùa.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.