Báo cáo Buôn người 2022: Việt Nam tụt hạng, quan chức tiếp tay cưỡng bức lao động ở nước ngoài
Việt Nam bị xếp vào nhóm các nước hạng ba, tức hạng cuối, trong báo cáo về nạn buôn người toàn cầu năm 2022 do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 19/7.
Buổi công bố Báo cáo Buôn người 2022 (the 2022 Trafficking in Persons Report), Diễn ra tại trụ sở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vào trưa ngày 19/7 (giờ địa phương). Tại đây, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony J. Blinken cho biết Bản báo cáo đánh giá 188 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả Hoa Kỳ, đang hoạt động như thế nào trong việc ngăn chặn nạn buôn người, bảo vệ nạn nhân và trừng phạt những kẻ buôn người.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết theo báo cáo chi tiết, năm qua có 21 quốc gia đã được nâng cấp lên một hạng. Vì chính phủ các nước đó đã có những nỗ lực đáng kể để chống lại nạn buôn người ở trong nước cũng như đối với công dân của họ ở nước ngoài.
Ngược lại, có 18 nước đã bị hạ một bậc, cho thấy rằng họ không có những nỗ lực đáng kể để chống lại nạn buôn người, hoặc tệ hơn là chính phủ những nước đó có chính sách hoặc mô hình buôn người do nhà nước bảo trợ:
“Tham nhũng tiếp tục là công cụ hữu hiệu hàng đầu của những kẻ buôn người. Các quan chức chính phủ rõ ràng có thể đã làm ngơ trước các hoạt động bất hợp pháp, cung cấp tài liệu giả cho người lao động… Tham nhũng cho phép những kẻ buôn người tiếp tục hành động mà không bị trừng phạt.
Buôn người vi phạm quyền được tự do của tất cả mọi người: tự do được làm những gì mình muốn, được trở thành ai và sống cuộc đời như thế nào.”
Việt Nam nằm trong nhóm 18 nước bị tụt hạng và cũng thuộc nhóm 11 nước xếp hạng ba. Các nước hạng ba bị cho là có ít nhất một trong các vấn nạn sau: “buôn người trong các chương trình do chính phủ tài trợ, lao động cưỡng bức trong lĩnh vực y tế hoặc các lĩnh vực khác do chính phủ liên kết, nô lệ tình dục trong các doanh trại của chính phủ, hoặc tuyển dụng binh lính là trẻ em.”
Báo cáo nêu rằng Chính phủ Việt Nam không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu để xóa bỏ nạn buôn người và chưa có nhiều nỗ lực để thực hiện điều này. Chính phủ Việt Nam cũng không truy cứu trách nhiệm đối với vụ việc hai nhà ngoại giao Việt Nam bị cáo buộc đồng lõa trong vụ đưa người Việt ra nước ngoài rồi trở thành nạn nhân buôn người, và cũng không nỗ lực hết sức để bảo vệ các nạn nhân.
Vào năm 2021, một số nạn nhân bị cưỡng bức lao động ở Ả-Rập Xê-Út đã trốn thoát tìm đến Đại sứ quán Việt Nam, nhưng bị chính quan chức ở đây cưỡng bức trả lại cho những kẻ buôn người.
Trong một vụ khác cũng ở Ả-Rập Xê-Út, sau khi những nạn nhân tìm được nơi trú ẩn ở một tổ chức tại địa phương và tiếp cận với Sứ quán, cũng chính quan chức này đã nói dối rằng sẽ cho họ hồi hương. Nhưng sau đó lại “bán” nạn nhân cho những người chủ mới và họ tiếp tục bị cưỡng bức lao động.
Các tổ chức phi chính phủ nước sở tại đã giúp đỡ những nạn nhân này được về trở về nước. Trong khi đó, các nhà chức trách tại Việt Nam đôi khi còn sách nhiễu và gây áp lực với nạn nhân và gia đình của họ nhằm cố gắng bịt miệng những người này.
Chính phủ Việt Nam thông báo đang điều tra về vụ việc nêu trên. Tuy nhiên, các quan chức ngoại giao bị tố cáo vẫn tiếp tục được tại vị mà không phải chịu bất kỳ một hình phạt nào. Một số người bị cáo buộc là đồng phạm cũng đã trở về Việt Nam hoặc đi du lịch các nơi trong khi vẫn tiếp tục hoạt động tuyển dụng lao động ra nước ngoài làm việc.
Vụ án bốn quan chức lãnh đạo Cục Lãnh sự Bộ ngoại giao bị bắt do tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam mắc kẹt ở nước ngoài hồi hương với giá cắt cổ cũng là một điểm trừ của Việt Nam trong báo cáo về nạn buôn người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Về mặt tích cực, Hoa Kỳ ghi nhận rằng chính phủ Việt Nam đã thực hiện một số bước để giải quyết nạn buôn người, bao gồm việc tăng cường hợp tác thực thi luật pháp quốc tế; bắt đầu đánh giá để thực hiện dự thảo sửa đổi luật chống buôn người và hỗ trợ nhiều nạn nhân hơn so với năm 2020.
Ngoài ra, từ năm 2022, Việt Nam cũng ban hành luật bãi bỏ phí môi giới cho người lao động ở nước ngoài. Phí này được cho là nguyên nhân khiến người lao động Việt Nam có nguy cơ cao bị cưỡng bức do áp lực phải làm việc để trả khoản nợ đã vay để đóng tiền phí môi giới.
Từ đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra một số khuyến nghị dành cho chính phủ Việt Nam, bao gồm:
- Phối hợp với các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự để sửa đổi luật chống buôn người. Nghiêm khắc truy tố tất cả các hình thức buôn người, trừng phạt những kẻ buôn người, kể cả trong các trường hợp liên quan đến các quan chức bị cáo buộc đồng lõa.
- Tập trung vào việc xác định và điều tra các vụ lao động cưỡng bức và buôn bán nội tạng, bao gồm cả những vụ liên quan đến nạn nhân là nam giới. Phối hợp với xã hội dân sự, tăng cường phối hợp liên ngành để xác định và hỗ trợ nạn nhân trong các nhóm dễ bị tổn thương, ví dụ như lao động nhập cư hay các cá nhân hoạt động mại dâm…
- Loại bỏ tất cả các khoản phí tuyển dụng mà người lao động trả và các hình thức tuyển dụng có tính chất lợi dụng đối với người lao động ra nước ngoài làm việc. Tăng cường giám sát các công ty tuyển dụng lao động, các công ty môi giới, và truy tố các mạng lưới môi giới phụ bất hợp pháp.
- Mời xác minh độc lập để chấm dứt lao động cưỡng bức trong các trung tâm cai nghiện ma túy và minh bạch kết quả điều tra đó.
Bản báo cáo cũng đưa ra cảnh báo về tình trạng nhiều băng nhóm buôn người lợi dụng người dân Việt Nam thất nghiệp do đại dịch, kinh tế khó khăn nên đã dụ dỗ, hứa hẹn hão huyền về cơ hội việc làm ở nước ngoài với mức lương cao.
Nhiều phụ nữ và trẻ em gái bị lừa đưa đến nhà thổ ở biên giới Trung Quốc, Campuchia và Lào, hoặc đến các nơi khác ở châu Á, Tây Phi và châu Âu. Theo báo cáo, ngày càng có nhiều phụ nữ Việt Nam bị buôn bán tình dục ở Miến Điện.
Theo báo cáo, nhiều phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là người dân tộc thiểu số H’mong, đã bị bắt cóc rồi đưa Trung Quốc cho các cuộc hôn nhân cưỡng bức hoặc lao động cưỡng bức.
Trong một số trường hợp đang di cư sang các nước Châu Âu để làm việc, băng nhóm buôn người châu Âu thường bóc lột nạn nhân Việt Nam, cưỡng bức lao động hay thậm chí là và buôn bán tình dục trước khi họ đến đích cuối cùng.