Lối thoát nào cho an ninh nguồn nước Việt Nam

Thanh Trúc
2022.07.08
Lối thoát nào cho an ninh nguồn nước Việt Nam Hình minh hoạ: Tàu chở cát đi trên sông Hồng ở Hà Nội năm 2017
AFP

Chủ động nghiên cứu, đánh giá tác động của việc xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện ở các quốc gia cùng chung dòng Mekong với Việt Nam nhằm tìm kiếm giải pháp dài hạn cho Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long trước nguy cơ mất an ninh nguồn nước, là Kết Luận số 36 vừa được Thường trực Ban Bí thư ký ban hành đầu tuần qua.

Đây là giải pháp dài hạn về an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước từ giờ đến năm 2030, tầm nhìn 2045, bắt nguồn từ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Lan Thương MLC lần thứ 7 mà VN đã tham gia bên cạnh các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc là những nước cùng chia sẻ dòng Mekong.

Hội nghị MLC ngày 4/7/2022 thông qua các tuyên bố chung, nhấn mạnh nguyên tắc hợp tác đồng thuận, bình đẳng, tham vấn lẫn nhau, chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, cũng như phù hợp với các quy định và luật pháp mỗi nước. Tiếp đó, ngày 6/7/2022, Bộ Chính Trị VN đề nghị nghiên cứu, đánh giá tác động thủy lợi, thủy điện từ các quốc gia cùng chung dòng Mekong với Việt Nam trước nguy cơ cao về an ninh nguồn nước hai vùng trọng điểm là Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, Giáo sư Tiến sĩ Vũ Trọng Hồng, đây là chuyện cấp thiết vì:

“Đối với đồng bằng sông Hồng thì an ninh nguồn nước phụ thuộc rất nhiều vào phía Trung Quốc. Trung Quốc đang có dự kiến chuyển nguồn nước từ phía Nam lên phía Bắc, điều này sẽ rất ảnh hưởng đến nguồn nước sông Hồng.”

“Nhưng riêng đối với Việt Nam, an ninh nguồn nước cũng có vấn đề. Sông Hồng không bị chuyển nước, nhưng mà do Việt Nam phát triển thủy điện quá nhiều, cho nên nguồn nước lúc sông Hồng cần để tiêu tưới mùa vụ thì lại không có. Chúng ta biết thường thường mùa khô thì thủy điện phải tích nước, mà lúc đó chúng ta cần nước tưới, trong lúc mùa lũ thì người ta mở tháo thủy điện để xả nước xuống hạ du.”

“Cho nên bản thân sông Hồng mà thượng nguồn là phía Trung Quốc thì đã rõ, còn phía Việt Nam theo tôi biết Chính phủ đang tìm cách giảm bớt các thủy điện nhỏ để làm sao giảm được ảnh hưởng nguồn nước cho vụ tưới mùa chiêm rồi là nguồn nước sinh hoạt của dân”.

Chính vì nguồn nước đang bị suy giảm, GSTS Vũ Trọng Hồng nói tiếp, như tỉnh Thái Bình chẳng hạn, bị thiếu nước và thiếu phù sa một cách nghiêm trọng:

“Tự nhiên đồng ruộng ở Thái Bình khô héo và bị phèn chính là phía thượng nguồn, phía Trung Quốc, nhưng đồng thời một phần cũng là phía chúng ta phát triển thủy điện quá nhiều”.

Tại các tỉnh phía Nam thuộc đồng bằng sông Cửu Long, vẫn lời chuyên gia Vũ Trọng Hồng, tác động từ thủy lợi, thủy điện trên dòng Mekong càng rõ nét hơn:

“Đối với ĐBSCL thì vấn đề rất lớn. Một số nước ở phía thượng nguồn như Lào chỉ có cách phát triển thủy điện rồi bán đi cho Việt Nam, Trung Quốc… thì đúng là nó ảnh hưởng đến mùa tưới của đồng bằng sông Cửu Long.”

“Việc thứ hai là một số nước cũng có xu hướng chuyển nước đi các vùng khác chứ không cho xuống hạ du. Thí dụ Biển Hồ ở Campuchia người ta chuyển lên trên các vùng trồng trọt cho nên
nước Biển Hồ giảm thì không có nước cho ĐBSCL”.

000_8M53O.jpg
Hạn hán khiến kênh nước khô cạn ở Long Phú, Sóc Trăng hồi năm 2016. AFP

ĐBSCL đã chịu hạn năng năm 2016 và cả 2020. Chuyên gia thủy lợi Vũ Trọng Hồng khẳng định ảnh hưởng của nước biển dâng làm nhiều nơi tại ĐBSCL bị nhiễm mặn:

“Muốn giải quyết được thì không cách nào bởi vì Lào phía thượng nguồn nói phải phát triển thủy điện mới có nguồn kinh phí. Campuchia thì phải chuyển nước lên phía Bắc để tưới. Có những tỉnh như Đồng Tháp thưa nước ở phía Bắc nhưng lại thiếu nước phía dưới như tỉnh Bến Tre thì rất là thiếu nước”.

Tóm tắt, GSTS Vũ Trong Hồng nhắc lại, đánh giá tác động thủy lợi- thủy điện trên dòng Mekong đối với Việt Nam, trong đó có vấn để thủy lợi- thủy điện của Việt Nam nữa, là phải nêu bật  được rằng Việt Nam đang đối diện nguy cơ thiếu nước trầm trọng trong tương lai.

Kết luận mới rồi của Bộ Chính trị còn cho thấy bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước là chiến lược khẩn cấp về lâu về dài. Theo BCT, nhận thức về an ninh nguồn nước còn hạn chế, dẫn đến ý thức kém về quản lý, khai thác, sử dụng, chưa kể ô nhiễm nguồn nước tiêu tưới và sinh hoạt.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia Biến đổi Khí hậu và Tài nguyên nước – Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu, Đại Học Cần Thơ, cho biết tình hình thực tế:

“Hằng năm Cục Phòng chống Thiên tai và Cục Quản lý Đê điều đều yêu cầu kiểm tra các đập thủy điện, hư hỏng ở đâu phải sửa chữa ngay để kịp thời ứng phó, phòng ngừa bão lũ… Nhưng cũng tùy mỗi địa phương áp dụng thế nào, nguồn kinh phí ra sao và tùy công trình hư hỏng nhiều hay ít.”

“Phần lớn các công trình đó chịu mưa bão khá tốt. Chỉ có một số trường hợp bị sạt lở, nhưng chưa phải là nghiêm trọng. Chỉ có khu vực miền núi thì thủy điện bị tàn phá nhiều, gây nguy hiểm cho người dân.”

“Khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì chúng tôi có khuyến cáo những hộ dân ở vùng sâu phải kế hoạch trữ nước để khi khan hiếm nước trong thời gian ngắn do hạn hán thì có nước sử dụng”.

Còn theo Thạc sĩ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TPHCM, tình trạng phụ thuộc nguồn nước từ ngoài, chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng, là có nhưng tỷ lệ không nhiều:

“Lượng nước chủ yếu dùng để sản xuất lúa khá là hao tốn, nếu trong tương lai nguồn nước không bảo thì bắt buộc phải bỏ cây lúa, thay thế bằng cây khác. Nhưng cái lệ thuộc (nước ngoài) lớn nhất ở đây là lệ thuộc chế độ thuỷ văn, khi mực nước biến động lên xuống thì chúng ta không chủ động được. Người dân ở ĐBSCL thiếu chủ động trong sự tính toán, có khi mùa khô nước lại tăng lên trong khi mùa lũ thì không có nước, mọi tính toán có thể bị đảo lộn”.

Về giải pháp dài hạn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy Lợi, ông Vũ Trọng Hồng, góp ý:

"Chính phủ Việt Nam đang cố giảm bớt các thủy điện nhỏ tại đồng bằng sông Hồng. Còn ĐBSCL phải thực hiện chương trình canh tác theo mùa mưa. Tại vì ĐBSCL mưa hàng năm tới 2.000 milimet là lượng mưa không ít, nhưng chúng ta vẫn để nó chảy ra Biển Đông mà đúng ra là phải trữ lại”.

Luật Thủy Lợi gần đây nhất cũng có yêu cầu trữ nước lại cho ĐBSCL. Tuy nhiên cái khó là sự liên kết giữa các tỉnh. Việt Nam đang cố gắng thực hiện mạng lưới liên kết nhưng có được dân đồng tình không thì đây là vấn đề. Tôi biết Nhà nước đang cố gắng vận động lập mạng lưới chuyển nước giữa các vùng để sử dụng cho đúng hiệu quả hơn. Chiến lược phải lâu dài mới thực hiện
được”.

Cái khó thứ hai mà Việt Nam bằng mọi cách phải khắc phục, TS Vũ Trọng Hồng nói thêm, là vận động thay đổi tư duy của một bộ phận cán bộ quan chức địa phương có trách nhiệm bảo vệ an ninh nguồn nước, đồng thời vận động dân cư mỗi người một tay góp sức bảo vệ an toàn ao, hồ, sông rạch để có được nguồn nước tốt và cần thiết cho nông nghiệp cũng như trong đời sống.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.