Việt Nam muốn làm chip, cần hiểu đúng mức độ phức tạp của vấn đề

RFA
2024.03.13
Việt Nam muốn làm chip, cần hiểu đúng mức độ phức tạp của vấn đề Biểu diễn vũ đạo tại nhà máy bán dẫn của Intel tại San Jose, California, Hoa Kỳ ngày 21/2/2024 (ảnh minh họa)
REUTERS

“Kỹ sư Việt Nam chỉ cần ba tháng để “chuyển sang làm chip”. Đó là phát biểu của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam Vinasa và đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Công nghiệp Bán dẫn Việt Nam, hôm 10/3/2024 được tờ Vietnamnet dẫn lời.

Ông Truơng Gia Bình nói thêm "thông thường, các nước khác phải mất 18 tháng để chuyển một kỹ sư viết phần mềm sang thành kỹ sư thiết kế chip. Tuy nhiên, nếu thiết kế chi tiết đã được phân khu sẵn, các kỹ sư phần mềm Việt có thể chuyển đổi sang làm chip trong vòng ba tháng, sau đó chia nhỏ việc ra để vừa học vừa làm."   

Khó khả thi

Trả lời câu hỏi của RFA về khả năng của kỹ sư Việt Nam như lời ông Trương Gia Bình nói, Tiến sỹ Trọng Tống, chuyên gia cấp cao tại trụ sở chính của Intel, bang Oregon, Hoa Kỳ, giải đáp rằng điều đó là “khả thi” nhưng cần hiểu đúng mức độ phức tạp của vấn đề. Ông nói: 

“Tôi không rõ ông ấy lấy thông tin kỹ sư phần mềm nước ngoài cần 18 tháng để chuyển sang làm chip từ đâu. Do đó, tôi không chắc chắn thông tin này đúng hay không. 

Tôi chỉ xin nói từ thực tế tại Tập đoàn Intel. Tại Intel, sinh viên tốt nghiệp đại học các ngành công nghệ tại Mỹ khi vào Intel thì cũng chỉ làm được ở vị trí rất thấp, nghĩa là vận hành máy móc. Cũng có thể đây là ý nghĩa mà ông Trương Gia Bình muốn nói. Tức là mọi thứ đã được làm xong, máy móc đã được chuyển giao, hệ thống đã được thiết lập hoàn chỉnh, thì sinh viên mới tốt nghiệp có thể vận hành được.”

Tuy nhiên, Tiến sỹ Trọng Tống khẳng định vấn đề đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của ngành bán dẫn phức tạp hơn thế gấp nhiều lần. Ông phân tích thời gian cần thiết để các công ty hàng đầu thế giới trong ngành bán dẫn như Intel đào tạo nhân lực để đảm nhiệm ngay ở khâu thấp nhất trong quy trình sản xuất. Từ đó, ông khẳng định việc các kỹ sư phần mềm Việt Nam có thể chuyển sang làm chip chỉ sau ba tháng đào tạo thêm là “không thực tế”. Ông nói tiếp:  

“Những kỹ sư mới ra trường khi vào Intel thì cần phải được đào tạo thêm khoảng sáu tháng thì mới vận hành được máy móc. 

Gọi là “vận hành máy móc” nhưng thực ra họ chỉ vận hành được ở mức độ đơn giản. Họ vẫn cần phải có các chuyên gia giàu kinh nghiệm theo dõi chỉ đạo, hướng dẫn, dù chỉ là vận hành đơn giản như bấm nút máy, quan sát nó hoạt động. 

Khi có vấn đề gì hỏng hóc thì họ có năng lực đọc hiểu những quy trình xử lý mà chúng tôi đã viết ra để xử lý. “Xử lý” ở đây chưa phải là sửa được máy mà chỉ là làm cho nó hoạt động trở lại, giống như máy computer bị treo thì khởi động lại.” 

Tóm lại, TS. Trọng Tống nói kỹ sư ở Mỹ mới ra trường, cần đào tạo thêm sáu tháng thì mới được giao nhiệm vụ chạy máy đơn giản trong nhà máy sản xuất chip của Intel. Đó vẫn chưa phải là vận hành máy tự do mà vẫn cần có giám sát. Do đó, theo ông, nếu nói như ông Trương Gia Bình, kỹ sư phần mềm trên thế giới cần 18 tháng để chuyển sang làm chip thì điều đó quả là có khả thi. Nhưng “khả thi” ở đây phải hiểu như nghĩa ông trình bày ở trên. Để những kỹ sư đó đảm nhận được các công đoạn cao hơn thì chưa được. Ông khẳng định các kỹ sư đó cần ba đến năm năm được huấn luyện nữa để làm, nếu người đó giỏi. Ông nhận xét: 

“Tôi nghĩ câu nói của ông Trương Gia Bình kỹ sư phần mềm Việt Nam chỉ cần ba tháng đào tạo để chuyển sang làm chip còn xa so với thực tế. Thực tế thì kỹ sư Việt Nam mới tốt nghiệp, nếu giỏi, chúng tôi huấn luyện hằng năm trời mới vận hành được máy như tôi nói ở trên. Ở Intel Hoa Kỳ, ngay cả người có bằng tiến sỹ cũng có khi sau cả năm huấn luyện vẫn chưa được đụng vào máy nếu không giỏi. Có những người vào làm nhiều năm rồi vẫn chưa được, hoặc chỉ ở mức độ trung bình. Nhóm được coi là giỏi cũng không được nhiều. Lý do là hệ thống máy móc quá phức tạp, khổng lồ. Nó khổng lồ cả về độ phức tạp lẫn chiều sâu.” 

“Thuyết âm mưu”?

Lời nói của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Ủy ban Công nghiệp Bán dẫn Việt Nam thuộc Hiệp hội Vinasa, xuất hiện trong bối cảnh Việt Nam đang được nhận định là trở thành một “tay chơi” mới trên thế giới về công nghiệp bán dẫn. Bản thân ông Bình cũng nói “thế giới chọn chúng ta làm chip.” Chính phủ Việt Nam hôm 4/3/2024 đề nghị Samsung hỗ trợ Việt Nam thực hiện chương trình đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn cho đến năm 2030. 

Trao đổi với RFA, ông Nguyễn Quốc Trí, một nhà báo, nhà nghiên cứu độc lập ở Hà Nội, cho rằng những công ty Việt Nam như FPT (tư nhân), Viettel (nhà nước) làm chip thì họ có khả năng sẽ hợp tác với Tập đoàn Huawei (Hoa Vi) của Trung Quốc. Ông khẳng định đây chỉ là một giả thuyết nghe hơi nhuốm chút màu “thuyết âm mưu” nhưng không phải là không có cơ sở. Bởi vì nếu nhìn vào cách tiếp cận của phần lớn doanh nghiệp công nghệ và sản xuất Việt Nam, từ BKAV, Vin Fast cho tới Viettel thì tình hình sẽ là như vậy.

Nguyên nhân là vì Trung Quốc có thể sản xuất với chi phí quá rẻ, do họ có lợi thế kinh tế nhờ quy mô (economics of scale), bên cạnh sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại và thiết kế. Các doanh nghiệp Việt Nam, do đó, theo ông Nguyễn Quốc Trí, thường khó cạnh tranh lại. Cho nên hướng tiếp cận “dễ” và “lười biếng” nhất của một số doanh nghiệp Việt Nam sẽ là là thuê Trung Quốc sản xuất rồi về dán nhãn Việt Nam để thương mại hóa. Ông nói tiếp: 

“Tôi được biết rằng thời gian qua, lãnh đạo của Huawei Việt Nam, các lãnh đạo ngành và doanh nghiệp Vietnam (bao gồm cả Viettel, FPT, VNPT, ...) liên tục sang Thẩm Quyến và Thượng Hải để thăm quan và trao đổi hợp tác với Huawei, chủ yếu về 5G và bán dẫn. Tôi sẽ không quá ngạc nhiên nếu họ tiếp tục lựa chọn cách tiếp cận đó, bởi ông thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây đã yêu cầu hay giao nhiệm vụ cho Viettel, FPT, VNPT, ... là cần phải trở thành đầu tàu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cho Việt Nam.”  

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Duy Hữu, USA
14/03/2024 07:27

Thế à, thế à, thì ra là thế... kỹ sư phần mềm Việt Cộng chỉ cần ba tháng...
có thể dán nhãn hiệu " Ma dê in Việt Cộng " vào chíp " Ma dê in Tàu Cộng ".

Anonymous
14/03/2024 12:59

Khi học ở trường đại học, sinh viên VN mất khoảng 1 năm để học chính trị Mác Lê nín, tư tưởng Hồ Chí Minh và quân sự, nên thực chất chỉ còn học 3 năm, mà giáo trình thì lạc hậu khoảng 20-30 năm, không gắn với thực tế cuộc sống, đội ngũ giảng viên thì kiến thức lạc hậu, không cập nhật với trình độ thế giới, ngoài ra sinh viên chỉ học lý thuyết, hầu như không có một công ty nào dù trong hay ngoài nước tiếp nhận sinh viên thực tập, kể cả không có một chuyên gia đang làm việc trong lĩnh vực được mời đến giảng dạy cho sinh viên, chưa kể là môi trường học thuật ở VN đa số là gian lận, do sao chép, copy bài của nhau, nạn đạo văn. Do vậy, kiến thức và kỹ năng thực sự của sinh viên vừa tốt nghiệp gần như là số 0, thì việc nói chỉ cần 3 tháng có thể tiếp cận công nghệ và làm chip bán dẫn là một sự hoang tưởng trình độ cao.